Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An thảo luận, góp ý Dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi)

Thanh Lê 21/10/2020 10:55

(Baonghean.vn) - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An đã có nhiều đóng góp bổ sung vào Dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho công dân khi thực hiện các thủ tục hành chính.

Ngày 21/10 - ngày làm việc thứ 2 của kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV. Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Quốc hội xem xét cho ý kiến đối với 2 dự án luật là Dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) và Dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam.

a

Tại điểm cầu Nghệ An các đồng chí Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh: Nguyễn Thanh Hiền; Trần Văn Mão đồng chủ trì. Ảnh: Thanh Lê

Buổi sáng, Quốc hội nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi).

Đại biểu Trần Văn Mão góp ý thảo luận Luật Cư trú (sửa đổi). Ảnh: Thanh Lê
Đại biểu Trần Văn Mão góp ý thảo luận Luật Cư trú (sửa đổi). Ảnh: Thanh Lê

Thảo luận Dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi), ý kiến các đại biểu thống nhất báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi).

Để làm rõ hoàn thiện nội dung dự thảo Luật, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân khi thực hiện các thủ tục hành chính, ý kiến góp ý của các đại biểu góp ý ban soạn thảo cần giải thích rõ các từ ngữ, làm rõ khái niệm nơi thường trú, nơi tạm trú.

Cần quy định rõ hơn điều kiện được đăng ký thường trú; trách nhiệm quản lý nhà nước về công tác quản lý cư trú; bổ sung trách nhiệm công an phường, xã, hộ gia đình, cơ quan sử dụng lao động…

Dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) đã được các đại biểu Quốc hội thảo luận, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV; Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại Phiên họp thứ 47. Sau khi tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo Luật gồm 7 chương và 38 điều, trong đó có một số vấn đề lớn.

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An đã có nhiều đóng góp bổ sung vào nội dung của Dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi).

Cụ thể, về điều kiện đăng ký tạm trú tại Điều 20, tại Điểm a, Khoản 3 điều này, đề nghị không nên quy định điều kiện đăng ký tạm trú là phải được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý vì quy định này cản trở quyền đăng ký cư trú của công dân, ảnh hưởng tiêu cực đến công tác quản lý cư trú của các cơ quan Nhà nước.

Đề nghị bổ sung nội dung về điều kiện đăng ký tạm trú đối với “Trường hợp người đăng ký tạm trú chưa đủ 18 tuổi yêu cầu phải có ý kiến của người giám hộ hoặc có văn bản chứng minh được mối quan hệ gia đình giữa chủ hộ và người đăng ký tạm trú”.

Các đại biểu Quốc hội
Các đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An tham dư phiên thảo luận. Ảnh: Thanh Lê

Về xóa đăng ký thường trú tại Điều 24: Đề nghị nên cân nhắc quy định trường hợp xóa đăng ký thường trú này để hạn chế trường hợp công dân Việt Nam bị kết án phạt tù có thời hạn sau khi chấp hành án xong tái hòa nhập cộng đồng không có nơi thường trú. Quy định xóa đăng ký thường trú trong trường hợp này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến một bộ phận lớn công dân Việt Nam đang đi lao động, học tập ở nước ngoài nhưng vẫn có đăng ký thường trú, chỗ ở hợp pháp và Quốc tịch Việt Nam trước khi Luật Cư trú (sửa đổi) có hiệu lực.

Về xóa đăng ký thường trú tại Điều 24, dự thảo luật bổ sung trường hợp xóa đăng ký thường trú với trường hợp vắng mặt từ 12 tháng trở lên liên tục thì cần phải có thêm quy định khôi phục đăng ký thường trú đã bị xóa để bảo đảm quyền cư trú của công dân Việt Nam đã được Hiến pháp và Luật Cư trú bảo vệ.

Đoàn đại biểu Quốc hội Nghệ An đề nghị tiếp tục quy định về thời hạn đăng ký tạm trú như Luật hiện hành tối đa là 2 năm để phân biệt với việc đăng ký thường trú.

Quang cảnh tại điểm cầu Nghệ An. Ảnh: Thanh Lê
Quang cảnh tại điểm cầu Nghệ An. Ảnh: Thanh Lê

Khẳng định Dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) thay thế việc quản lý cư trú (thường trú, tạm trú) từ phương thức thủ công bằng sổ giấy sang phương thức quản lý bằng công nghệ thông tin, sử dụng mã số định danh cá nhân bao gồm các thông tin liên quan đến nhân thân là phù hợp với yêu cầu trong tình hình mới.

Tuy nhiên, Đoàn đại biểu Quốc hội Nghệ An đề nghị có quy định chuyển tiếp riêng về vấn đề này và cần phải tính toán lộ trình cụ thể để triển khai áp dụng đồng bộ trên toàn quốc, trong quá trình đó, cần tiếp tục sử dụng Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú.

Buổi chiều, Quốc hội nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam. Sau đó, Quốc hội thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của Dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam./.

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An thảo luận, góp ý Dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO