Đoàn ĐBQH Nghệ An thảo luận về điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
(Baonghean.vn) - Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An thảo luận tại Tổ 3 cùng đoàn ĐBQH các tỉnh Bắc Kạn và Quảng Ngãi.
Chiều 25/5, Quốc hội tiến hành thảo luận tại tổ về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước); Điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.
Dự phiên thảo luận có đồng chí Đỗ Văn Chiến - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, ĐBQH đoàn Nghệ An.
Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An thảo luận tại Tổ 3 cùng đoàn ĐBQH các tỉnh Bắc Kạn và Quảng Ngãi. Đồng chí Thái Thanh Quý - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An làm Tổ trưởng, điều hành thảo luận.
Phát biểu thảo luận, đại biểu Đỗ Văn Chiến - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đồng tình với chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước).
“Đây là dự án có tính chiến lược, lợi ích nhiều mặt: kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh và cũng là một trong những động lực đầu tư phát triển cho vùng đồng bào dân tộc và miền núi”, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát biểu.
Đồng chí Đỗ Văn Chiến bày tỏ ủng hộ tờ trình Chính phủ về điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.
Nhấn mạnh mục tiêu để quản lý đối với một chương trình mục tiêu Quốc gia là kết quả đầu ra, đại biểu Đỗ Văn Chiến cho biết: Quốc hội đã ban hành 2 nghị quyết và trước khi xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 đã tiến hành điều tra kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi rồi mới lập dự án đầu tư tại những điểm còn thiếu nên không có việc đầu tư dàn trải.
Bên cạnh đó, đối với các vướng mắc trong thực tiễn triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia này, đặc biệt là tại những xã đạt nông thôn mới nhưng nhân dân còn khó khăn thì không được thực hiện chính sách, đại biểu Đỗ Văn Chiến cho rằng, nguyên nhân vì cách tiếp cận chưa đúng thực tiễn.
Đại biểu Đoàn Nghệ An phân tích rõ nguyên tắc: Đối với chính sách đầu tư thì thực hiện theo địa bàn (xã khu vực I, II, III); còn chính sách dành cho con người như bảo hiểm y tế, hỗ trợ học sinh thì thực hiện theo dân tộc, hộ nghèo. Như vậy sẽ không phát sinh vướng mắc.
Tuy nhiên, trên thực tế, do đây là Chương trình mục tiêu quốc gia mới triển khai trong nhiệm kỳ này nên điều chỉnh chưa khớp chính sách theo 2 nguyên tắc trên dẫn đến vướng mắc.
Mặt khác, Nghị quyết 88 của Quốc hội cũng ghi rõ, kết thúc giai đoạn I (2021 – 2025) thì tiếp tục thực hiện ngay giai đoạn II kéo dài đến năm 2030. Tuy nhiên, về nguyên tắc, Luật Ngân sách và Luật Đầu tư công quy định: Việc giao vốn cho giai đoạn 2026 - 2030 phải do Quốc hội khóa sau (khóa XVI) quyết định.
Do đó, đại biểu Đỗ Văn Chiến đề nghị cơ quan tham mưu của Chính phủ và Hội đồng dân tộc của Quốc hội lưu ý tham mưu để khi kết thúc năm 2025, đối với những nguồn vốn bố trí trong giai đoạn I mà kết quả đầu ra chưa thực hiện được thì cần phải có chủ trương đồng ý cho chuyển sang thực hiện năm 2026 để đảm bảo tính liên tục, hiệu quả của chương trình.
Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng đồng tình với việc xây dựng hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi để đào tạo nguồn nhân lực cho vùng này.
Liên quan đến nội dung thảo luận trên, ĐBQH Đoàn Nghệ An Hoàng Thị Thu Hiền - Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN tỉnh đề nghị Chính phủ tiến hành rà soát, đưa ra khỏi danh mục đối tượng thụ hưởng những hạng mục không hợp lý, không phù hợp nhằm điều chỉnh nguồn vốn cho các dự án được trình bổ sung trong lần điều chỉnh chủ trương đầu tư này.
Ngoài ra, đại biểu đề nghị giải trình rõ hơn về tiêu chí lựa chọn các đối tượng được bổ sung lần này; cũng như giải pháp của Chính phủ để thực hiện cam kết hoàn thành các chỉ tiêu đặt ra giai đoạn I đúng thời gian.
Vì sau khi điều chỉnh chủ trương đầu tư sẽ kéo theo việc điều chỉnh Quyết định số 1719/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: Từ năm 2021 đến năm 2025 và các văn bản hướng dẫn liên quan. Trong khi đó, thực tế thời gian qua cho thấy, việc chậm trễ trong ban hành các văn bản liên quan là một trong những nguyên nhân dẫn đến chậm giải ngân nguồn vốn.
Đại biểu Hoàng Thị Thu Hiền cũng đề nghị nghiên cứu, đánh giá thật kỹ việc điều chỉnh chủ trương đầu tư để xây dựng công cụ khảo sát đầu ra giai đoạn I và đầu vào giai đoạn II thật khoa học, khách quan.
Phát biểu thảo luận, ĐBQH chuyên trách Đoàn Nghệ An Trần Nhật Minh đề xuất Chính phủ nghiên cứu, rà soát, bổ sung Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên vào đối tượng thụ hưởng trong Dự án phát triển giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm cho người lao động vùng dân tộc thiểu số và miền núi.