Đoàn ĐBQH tỉnh và HĐND tỉnh Nghệ An nhiệm kỳ 2016-2021 – Kỳ 3: Ban hành cơ chế, chính sách tạo động lực phát triển

Cầu Cửa Hội bắc qua sông Lam được khởi công xây dựng từ tháng 2/2019, sau 25 tháng thi công trong sự mong đợi của người dân, đã chính thức thông xe vào tháng 3/2021. Đây là công trình trọng điểm, mang tính đột phá và có ý nghĩa quan trọng trong việc liên kết vùng; góp phần hoàn thiện tuyến đường bộ ven biển qua tỉnh Nghệ An và tỉnh Hà Tĩnh, cải thiện hệ thống giao thông giữa hai bờ sông Lam, từng bước hoàn chỉnh hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông khu vực Bắc Trung Bộ, kết nối các vùng kinh tế trọng điểm phía Nam tỉnh Nghệ An với phía Bắc tỉnh Hà Tĩnh.

Các đại biểu cắt băng khánh thành công trình cầu Cửa Hội.
Các đại biểu cắt băng khánh thành công trình cầu Cửa Hội.
Đại lộ Vinh - Cửa Lò (ảnh trái); Mở đường xuyên miền Tây Nghệ An.
Đại lộ Vinh - Cửa Lò (ảnh trái); Mở đường xuyên miền Tây Nghệ An.

Nhìn chung, trong nhiệm kỳ 2016-2021, nhiều tuyến đường giao thông huyết mạch của tỉnh cũng được Chính phủ phê duyệt, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết thống nhất chủ trương đầu tư, như Dự án đường ven biển từ Nghi Sơn (Thanh Hóa) đến Cửa Lò (Nghệ An); Dự án Đại lộ Vinh – Cửa Lò; đường giao thông nối đường N5 Khu kinh tế Đông Nam đến xã Hòa Sơn (Đô Lương); Dự án cầu Thanh Nam qua sông Lam (Con Cuông); Dự án xây dựng cầu Diễn Kim, huyện Diễn Châu; Dự án đường Mường Xén – Ta Đo – Khe Kiền (Kỳ Sơn)… Ông Hoàng Phú Hiền – Giám đốc Sở Giao thông Vận tải đánh giá, nhiều dự án sau khi hoàn thành đã giúp người dân giao thông thuận lợi hơn, nhưng quan trọng hơn là đã tạo động lực, kết nối giữa các vùng kinh tế, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo quốc phòng – an ninh của tỉnh.

Có thể nói, các dự án giao thông được triển khai đầu tư hứa hẹn mở ra những không gian phát triển mới cho tỉnh. Điển hình như Dự án Đại lộ Vinh – Cửa Lò với tổng chiều dài 10,832 km. Đây là công trình trọng điểm, trục giao thông kết nối nhanh 2 khu vực đô thị là thành phố Vinh và thị xã Cửa Lò, có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc hình thành trục không gian kiến trúc, tạo cơ sở thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội toàn vùng. Ông Trần Ngọc Tú – Chủ tịch UBND thành phố Vinh nhấn mạnh, việc đầu tư xây dựng đường giao thông nối Vinh – Cửa Lò sẽ tạo ra sự kết nối liên hoàn giữa các trục giao thông với nhau. Từ đó mở hướng phát triển mới từ đô thị xuống biển và ngược lại. Quan trọng hơn, chính sự kết nối này, thành phố Vinh và các địa phương lân cận có điều kiện để kêu gọi đầu tư, khai thác hiệu quả tiềm năng đất ở khu vực phía Đông, xây dựng khu vực này trở thành khu vực đô thị sầm uất trong tương lai…

Các đại biểu biểu quyết thông qua dự thảo nghị quyết tại kỳ họp thứ 16, HĐND tỉnh khoá XVII.
Các đại biểu biểu quyết thông qua dự thảo nghị quyết tại kỳ họp thứ 16, HĐND tỉnh khoá XVII.

Với quyết tâm thu hút được nhiều doanh nghiệp vào đầu tư trên địa bàn, trong thời gian qua HĐND tỉnh đã ban hành nhiều Nghị quyết nhằm khuyến khích, thu hút đầu tư, tạo đột phá trong phát triển kinh tế – xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh. Như vào năm 2016, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 26/2016 về chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Sau 5 năm triển khai, mặc dù đến thời điểm này một số chính sách đã bộc lộ sự bất cập, cần phải ban hành nghị quyết khác thay thế, nhưng có thể khẳng định, nhờ có Nghị quyết 26/NQ-HĐND mà các cấp chính quyền, doanh nghiệp đã xây dựng được hệ thống hạ tầng trong các CCN, qua đó thu hút được các nhà đầu tư vào, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở các địa phương.

Với quan điểm phải tạo được “cú hích” trong thu hút đầu tư, mới đây HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 22/2020/NQ-HĐND về việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 19/2019/NQ-HĐND nhằm điều chỉnh bảng giá đất khu công nghiệp trong Khu kinh tế Đông Nam, giai đoạn 2020 – 2024. Việc HĐND ban hành Nghị quyết số 22 dựa trên thực tiễn, việc áp dụng giá đất các khu công nghiệp (KCN) theo Nghị quyết số 19 trong thời gian qua là chưa phù hợp, còn cao hơn so với địa phương khác, không đảm bảo tính công bằng, làm giảm tính hấp dẫn đối với nhà đầu tư. Vì thế, trên cơ sở tờ trình của UBND tỉnh, Ban Kinh tế – Ngân sách HĐND tỉnh đã tiến hành thẩm định và thống nhất trình HĐND tỉnh thông qua.

Ảnh trên xuống: Khu công nghiệp WHA Industrial Zone 1 - Nghệ An; Khu công nghiệp VSIP và Khu kinh tế Đông Nam.
Ảnh trên xuống: Khu công nghiệp WHA Industrial Zone 1 - Nghệ An; Khu công nghiệp VSIP và Khu kinh tế Đông Nam.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung bảng giá đất KCN đã khuyến khích, tạo thuận lợi để các doanh nghiệp trong và ngoài nước thực hiện việc đầu tư các dự án vào các KCN trong Khu kinh tế (KKT) Đông Nam. Và cho đến nay, ngoài 3 nhà đầu tư hạ tầng lớn là VSIP, WHA, Hoàng Thịnh Đạt, tỉnh cũng đã thu hút được nhiều nhà đầu tư thứ cấp vào hoạt động. Thể hiện là trong 2 tháng đầu năm 2021, Ban Quản lý KKT Đông Nam đã cấp mới 4 dự án và điều chỉnh tăng vốn 2 dự án vào KKT Đông Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký và điều chỉnh tăng thêm đạt 6.014,84 tỷ đồng. Bà Nguyễn Thị Bích Liên – Tổng Giám đốc Công ty cổ phần WHA Industrial Zone Nghệ An đánh giá, việc HĐND tỉnh Nghệ An sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh giá thuê đất trong KKT Đông Nam là phù hợp với thực tiễn và nhờ đó đã giúp WHA thu hút được nhiều hơn các nhà đầu tư thứ cấp vào KCN.

Không chỉ ở lĩnh vực công nghiệp, với một tỉnh mà nông nghiệp đang là trụ cột chính của nền kinh tế và nông dân đang chiếm 75% dân số, HĐND tỉnh trong nhiệm kỳ qua đã trăn trở và ban hành hàng loạt chính sách nhằm dẫn dắt và đáp ứng yêu cầu phát triển ngành Nông nghiệp theo hướng chiều sâu. Nổi bật là các Nghị quyết số 14/2018/NQ-HĐND về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; Nghị quyết số 13/2018/NQ-HĐND quy định về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh…

Nhờ những cơ chế, chính sách trong Nghị quyết mà HĐND tỉnh đã ban hành trong giai đoạn 2016-2020, Nghệ An đã kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp 42 dự án/tổng mức đầu tư 6.197,5 tỷ đồng, chiếm 7,91% toàn tỉnh về số dự án và 9,22% về tổng mức đầu tư. Sản xuất nông nghiệp ở Nghệ An đã phát triển, hình thành được nhiều vùng nguyên liệu tập trung cho công nghiệp chế biến và xuất khẩu; các dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao có quy mô lớn trong ngành sữa, gỗ, mía đường, chăn nuôi… Tỉnh cũng đã tiến hành xây dựng chuỗi giá trị trong sản xuất nông, lâm nghiệp và hình thành một số sản phẩm sản xuất theo chuỗi giá trị khép kín, như: chè, tinh bột sắn, mía đường, sữa, gỗ chế biến.

Đoàn ĐBQH tỉnh giám sát dự án đầu tư công tại thị xã Thái Hòa.
Đoàn ĐBQH tỉnh giám sát dự án đầu tư công tại thị xã Thái Hòa.

Có thể kể đến như Nghị quyết số 03/2020/NQ-HĐND quy định một số chính sách hỗ trợ tổ chức, cá nhân đầu tư, đổi mới công nghệ, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh Nghệ An; Nghị quyết số 12/2020/NQ-HĐND quy định nội dung mức chi hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo trên địa bàn tỉnh Nghệ An đến năm 2025.

Ông Nguyễn Viết Hùng – Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ cho rằng, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua tuy đã đạt được những kết quả tích cực nhưng vẫn còn khá khiêm tốn. Để tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi, khuyến khích và tạo điều kiện để các doanh nghiệp khởi nghiệp, các starup có cơ hội phát triển thì cần có những cơ chế, chính sách hỗ trợ tương xứng. Với việc HĐND tỉnh ban hành các Nghị quyết số 3/2020/NQ-HĐND và Nghị quyết số 12/2020/NQ-HĐND sẽ là điều kiện cho những ý tưởng mới, cho những sáng tạo mới, những kinh nghiệm hay có cơ hội được hoàn thiện và ứng dụng trong thực tiễn. Qua đó, góp phần tăng năng suất lao động, chất lượng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm cũng như nâng cao hiệu quả kinh tế – xã hội của các hoạt động trên các lĩnh vực.

(Còn nữa)

Cầu Cửa Hội.
Cầu Cửa Hội.