Đoạn kết buồn của cây cà phê trên vùng đất Phủ Quỳ

Tiến Đông 31/07/2023 07:30

(Baonghean.vn) -Hơn 100 năm trước, cây cà phê đã xuất hiện trên vùng đất Phủ Quỳ với những đồn điền rộng hàng trăm héc- ta. Vậy nhưng, đến thời điểm hiện nay, những cây cà phê cuối cùng cũng đã sạch bóng, để lại sự luyến tiếc cho những người yêu quý vùng đất đỏ bazan này…

Dấu ấn ký ức

Những năm cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, khi quá trình thực dân hóa Đông Dương đang vào giai đoạn cao trào, thực dân Pháp đã nhận ra được khu vực Phủ Quỳ của Nghệ An là nơi có khí hậu, đất đai phù hợp với việc trồng và phát triển các loài cây công nghiệp có nguồn gốc từ châu Mỹ La tinh như: Cà phê, cao su, chè, trẩu, cam, dứa... Chính vì thế, từ khoảng năm 1913, nhà nước thực dân đã gây sức ép với chính quyền phong kiến để chiếm đoạt đất đai và lập ra một vùng đồn điền rộng lớn với hàng chục ngàn héc- ta tại khu vực Phủ Quỳ để trồng cà phê.

BNA_Công nhân Nông trường Tây Hiếu 1 làm cỏ cà phê.Ảnh Tiến Đông .JPG
Hình ảnh công nhân Nông trường Tây Hiếu 1 chăm sóc cây cà phê cách đây khoảng 10 năm. Ảnh: Tiến Đông

Chỉ trong một thời gian ngắn, các chủ đồn điền Pháp và một số ít người Việt đã bao chiếm được khoảng 15.498 héc- ta đất, chủ yếu để khai thác lâm thổ sản và trồng cà phê. Trong đó, có những chủ đồn điền sở hữu diện tích đất lớn như: Walther sở hữu 6.000 héc- ta tại Đông Hiếu, Tây Hiếu (Nghĩa Đàn); Saintard sở hữu 500 héc- ta tại Nghĩa Hợp (Nghĩa Đàn), hay Công ty Lapic et Société tại Nghĩa Hưng (Nghĩa Đàn) với diện tích là 7.560 héc- ta... Sau khi bao chiếm được đất đai, các chủ đồn điền đã xây dựng thành từng vùng chuyên canh cà phê như: Nai Sinh, Trạm Lụi (Đông Hiếu); Bà Triệu (khu vực Nông trường 19/5); Hưng Lâm, Cao Trai, Quán Mít, Phú Thuận, Cát Mộng (Tây Hiếu). Cà phê của các đồn điền ở đây chủ yếu xuất sang Pháp dưới nhãn hiệu "Arabica du Tonkin" (Cà phê Arabica từ Bắc Kỳ), và chất lượng được đánh giá là tương đương với cà phê của Brazil, Colombia.

BNA_Công nhân làm việc tại xưởng chế biến cà phê tại xã Tây Hiếu, thị xã Thái Hoà. Ảnh Tiến Đông.JPG
Công nhân làm việc tại xưởng chế biến cà phê tại xã Tây Hiếu, thị xã Thái Hoà thời điểm diện tích cây cà phê tại vùng đất Phủ Quỳ còn nhiều. Ảnh: Tiến Đông

Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, người Pháp bỏ chạy, những đồn điền rộng lớn hàng trăm, hàng ngàn héc- ta cũng đã được quốc hữu hóa thành Doanh điền Quốc gia Phủ Quỳ. Đến năm 1956, Doanh điền Quốc gia Phủ Quỳ chia ra thành lập 2 nông trường Quốc doanh là Nông trường Đông Hiếu và Nông trường Tây Hiếu. Lúc này, cây cà phê là cây trồng chính, phủ nên một màu xanh trên vùng đất đỏ bazan. Nhắc đến vùng đất Phủ Quỳ là người ta lại nhắc đến cây cà phê, và câu nói “Nam Đắc Lắc, Bắc Phủ Quỳ”, như là một sự minh định cho cây cà phê tại vùng đất này.

Theo kỹ sư Lê Đình Định – người đã gắn bó với Trạm Thí nghiệm cây nhiệt đới Tây Hiếu (trực thuộc Viện Cây công nghiệp – Bộ Nông trường) và nay là Trung tâm Nghiên cứu cây ăn quả và cây công nghiệp Phủ Quỳ, từ những ngày đầu mới tiếp quản các đồn điền của Pháp, cho biết: Khu vực Phủ Quỳ có hơn 13.400 héc- ta đất bazan, đã trở thành vùng đắc địa của Nghệ An phù hợp với loại cây cà phê. Từ thời Pháp thuộc, có một chủ đồn điền người Pháp còn xây dựng một trạm nghiên cứu tại khu vực Cao Trai còn gọi là “Station de Cao Trai” (nay là thôn Cao Trai, xã Nghĩa Thành, huyện Nghĩa Đàn), rộng hàng trăm héc- ta chỉ để nghiên cứu chất đất và trồng thử nghiệm các giống cây cà phê. Ban đầu các loại cà phê vối, cà phê mít được trồng tại Phủ Quỳ, nhưng sau đó không cho hiệu quả cao. Đến khi họ nghiên cứu và đưa thành công giống cà phê chè vào trồng thì cho chất lượng quả thơm ngon, được nhiều nước trên thế giới thừa nhận và ưa chuộng.

BNA_Kỹ sư Lê Đình Định tỏ ra nuối tiếc về sự lụi tàn của cây cà phê.jpg
Kỹ sư Lê Đình Định, người đã gắn bó với cây cà phê tại Phủ Quỳ từ những ngày đầu tiếp quản các đồn điền từ tay giới chủ Pháp. Ảnh: Tiến Đông

Đặc trưng của hạt cà phê chè là không có vị đắng gắt như hạt cà phê mít, không có hậu chua như cà phê vối. Vị đắng của hạt cà phê chè vừa kích thích, vừa êm, đặc biệt hương thơm vô cùng quyến rũ. Cây cà phê chè được trồng ở nhiều địa phương như Lâm Đồng, Đắc Lắc, Quảng Trị nhưng về hương vị thì không như ở Phủ Quỳ.

“Với cây cà phê chè, độ cao so mặt biển có ảnh hưởng đến chất lượng, vì thế, các nhà khoa học thường khuyến cáo nên phát triển ở độ cao trên 600m, thậm chí 1.000m. Tuy thế, ở Phủ Quỳ, những vùng chuyên canh cà phê chè có độ cao chỉ trong khoảng 50 - 80 m, cây vẫn sinh trưởng tốt, hương vị thơm ngon được thị trường ưa chuộng” – kỹ sư Lê Đình Định nhấn mạnh.

Kỹ sư Định cũng cho biết, ngày ông còn công tác, rất nhiều đoàn khách nước ngoài và Việt kiều về nước đã đến Phủ Quỳ tìm hiểu cà phê. Năm 1990, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Ai Cập đã đến tham quan vùng đất Phủ Quỳ. Thậm chí 1 Việt kiều ở Pháp, hậu duệ của một chủ đồn điền ở Phủ Quỳ hiện có một hãng kinh doanh cà phê tại Paris, cũng đã tìm về đây để tìm hiểu về loại cà phê mà gia đình đã từng trồng ở đây. Tuy nhiên, điều đáng tiếc nhất là cà phê Phủ Quỳ lại không xây dựng được một thương hiệu riêng, hay sự chỉ dẫn địa lý cụ thể nào. Để đến bây giờ khi cây cà phê chính thức mất dấu, thì mong mỏi về một thương hiệu cà phê riêng có của vùng Phủ Quỳ vẫn là một trăn trở đến khắc khoải đối với những ai yêu mến vùng đất này.

BNA_Công nhân làm việc tại xưởng chế biến công ty TNHH một thành viên cà phê cao su Nghệ An (2).JPG
Những hình ảnh chăm sóc, thu hoạch, chế biến cà phê tại vùng Phủ Quỳ giờ chỉ còn trong ký ức. Ảnh: Tiến Đông

Đoạn kết buồn

Có những thời điểm, cà phê được xác định là một cây công nghiệp mũi nhọn của Nghệ An. Đặc biệt, trong hơn 13.400 héc- ta đất đỏ bazal của vùng Phủ Quỳ có lúc đã có đến hơn 7.000 héc- ta trồng cà phê. Thậm chí có thời điểm, diện tích cà phê dự kiến được phát triển lên 9.400 héc- ta hoặc 10.000 héc- ta để có sản lượng 9.300 tấn đến 10.000 tấn cà phê nhân.

Dẫu vậy, cây cà phê ở Phủ Quỳ cũng không thể chống lại được những điều kiện thực tiễn nghiệt ngã, nhất là sự thoái hóa về đất, nhiều loại sâu bệnh, vấn đề lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật quá nhiều… khiến cây cà phê bị giảm mạnh diện tích. Ngoài việc diện tích cây cà phê đã bị sụt giảm một cách thê thảm từ khoảng 7.000 héc- ta đến xuống 500 héc-ta vào những năm 2005-2006 và xuống còn hơn 100 héc- ta vào năm 2012-2013, thì điều khiến nhiều người bất ngờ hơn cả là đến nay cây cà phê đã thật sự đã sạch bóng.

BNA_Dấu tích  còn sót lại thơi kỳ xây dựng nông lâm trường.jpg
Khu vực Trung tâm nghiên cứu cây ăn quả và cây công nghiệp Phủ Quỳ, nơi được xem là khu vực "Station de Cao Trai" trước đây. Ảnh: Tiến Đông

Ông Hoàng Thanh Tùng - Phó Tổng Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Cà phê – Cao su Nghệ An chia sẻ: Trước đây, nhắc đến Tây Hiếu 1, Tây Hiếu 2, Đông Hiếu là nhắc đến cây cà phê. Nhưng khoảng 10 năm lại nay, cây cà phê đã dần được thay thế bằng các loại cây trồng ngắn ngày cho thu nhập ổn định như sắn, mía và một số cây công nghiệp có giá trị cao như cao su… Chưa kể, trong một thời gian dài, do lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật nên đất đai đã bị thoái hóa, trong khi đó vòng đời, chu kỳ của một cây cà phê chỉ khoảng 20-30 năm. Nếu không chăm sóc tốt sẽ không có năng suất cao.

BNA_Một số dấu tích còn sót lại từ thời kỳ đầu xây dựng các nông, lâm trường tại vùng Phủ Quỳ.jpg
Một số dấu tích còn sót lại từ thời kỳ đầu xây dựng Nông trường Quốc doanh. Ảnh: Tiến Đông

Ông Tùng cũng chia sẻ, ở Phủ Quỳ cây cà phê chè là loại phù hợp nhất, nhưng loại này có đặc tính là năng suất thấp, hoa nở theo chùm, và quả khi hái phải tỉa từng quả chứ không được tuốt như các loại cà phê khác, vì thế, công chăm sóc, công thu hái sẽ lớn hơn. Cùng một diện tích, nếu trồng cà phê chè sẽ tốn nhiều chi phí hơn so với loại cà phê khác. Đây cũng chính là lý do khiến cho loại cây trồng này đã bị mai một. Chưa kể, nhiều người dân coi trọng lợi nhuận đã trồng các loại cây nhanh có thu hoạch như sắn, mía, cỏ chăn nuôi hơn là trồng cà phê.

Chúng tôi đặt câu hỏi, liệu rằng một mai có thể khôi phục cây cà phê trên đất Phủ Quỳ hay không? Ông Tùng chợt thở dài nói “nếu có kinh phí thì may ra!…”.

Điều khiến ông Tùng băn khoăn chính là việc phải sử dụng giống cà phê nào, phải hoạch định chiến lược ra sao. Nếu trồng lại cà phê thì đồng nghĩa với việc phải bắt đầu lại chu kỳ từ trồng, chăm sóc, thu hái đến xây dựng chuỗi bao tiêu sản phẩm, xây dựng thương hiệu… Liệu mấy ai có thể chấp nhận bỏ ra 4-5 năm xây dựng cơ bản để rồi chờ cây cà phê cho thu hoạch mà họ cũng không chắc rằng nó có thể cạnh tranh được với các loại cà phê khác. Chưa kể, những năm gần đây, giá cà phê lên xuống thất thường, khiến cho người trồng cà phê rất khó có thể kiên nhẫn mà đầu tư.

BNA_Trạm Cao Trai ngày xưa, nay là Trung tâm nghiên cứu Cây ăn quả và Cây công nghiệp Phủ Quỳ.jpg
Trung tâm nghiên cứu cây ăn quả và cây công nghiệp Phủ Quỳ, nơi được xem là gần với Trạm Cao Trai ngày xưa. Ảnh: Tiến Đông

Những lý do, nói trên là điều khiến cho cây cà phê dần sạch bóng trên đất Phủ Quỳ - nơi mà cách đây hơn 100 năm nó đã trở thành cây trồng đem lại thương hiệu cho vùng đất đỏ bazan. Nhưng dù sao, đây cũng là một bài học lớn cho ngành nông nghiệp trong việc quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch cơ cấu cây trồng một cách phù hợp. Bởi như kỹ sư Lê Đình Định nhận định thì “nếu người ta không chạy theo những giá trị tức thời mà tập trung xây dựng vùng quy hoạch, chăm sóc cây cà phê một cách kỹ càng, xây dựng thương hiệu bài bản thì đã không đến nỗi bị mất cây cà phê như bây giờ”.

Mới nhất
x
Đoạn kết buồn của cây cà phê trên vùng đất Phủ Quỳ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO