Doanh nghiệp dệt may ồ ạt rao bán nhà xưởng

22/12/2015 11:07

Bên cạnh những trường hợp khó khăn, không ít doanh nghiệp dệt may mới thành lập trong thời gian gần đây cũng được rao bán cho đối tác ngoại, trong bối cảnh Việt Nam chuẩn bị tham gia TPP.

Hiện tượng sang nhượng xưởng, công nhân trong ngành dệt may diễn ra rầm rộ thời gian gần đây. Trong vòng 2 tháng qua, đã có hàng trăm thông tin công bố sang nhượng trị giá lên tới hàng trăm tỷ đồng. Đặc biệt, trên các website rao bán nhà xưởng, lĩnh vực dệt may chiếm đa số.

Điển hình là tại một xưởng may trên đường Phan Huy Ích (quận Gò Vấp, TP HCM) với khuôn viên lên tới 7.000m2, diện tích nhà xưởng 5.000m2, có 450 máy may và 450 công nhân đang hoạt động. Theo công ty này, nếu người mua muốn sang nhượng toàn bộ sẽ phải trả 10 tỷ đồng.

Một công ty khác có nhà xưởng tại khu công nghiệp Long Hậu (TP HCM) với diện tích 5.300m2, hạ tầng đầy đủ cũng đang muốn sang nhượng với giá 26 tỷ đồng.

Còn tại xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn, cơ sở sản xuất có diện tích 2.200m2 gồm văn phòng, nhà nghỉ cho công nhân, nhà bếp, 6 dây chuyền may và 120 công nhân đang làm việc cũng được rao giá 11 tỷ đồng.

Nhiều doanh nghiệp dệt may xây dựng nên với mục đích bán cho đối tác nước ngoài. Ảnh: QH
Nhiều doanh nghiệp dệt may xây dựng nên với mục đích bán cho đối tác nước ngoài. Ảnh: QH

Bên cạnh việc sang nhượng và bán nhà xưởng đã qua hoạt động nhiều năm, hiện tượng các doanh nghiệp trong nước xây dựng xong và bán lại cho doanh nghiệp nước ngoài cũng diễn ra khắp nơi. Có nhà xưởng thực chất được nhà đầu tư nước ngoài rót tiền, nhưng đứng tên chủ sở hữu Việt Nam, sau đó một thời gian thì tiến hành sang nhượng lại.

Hồi đầu tháng 10, qua trao đổi, một lãnh đạo Bộ Khoa học & Công nghệ cho biết ngay sau hoàn tất đàm phán Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương - TPP được vài ngày, khá nhiều doanh nghiệp gọi điện cho ông hỏi về thủ tục xin cấp giấy phép dự án sợi, dệt, nhuộm. Khi được hỏi về vốn đầu tư thì hầu hết các doanh nghiệp này đều cho biết đến từ tổ chức nước ngoài, đa phần là nhà đầu tư Trung Quốc và Đài Loan.

“Thông thường để xin cấp các dự án dệt may có quy mô lớn, cơ quan quản lý thường khá cân nhắc, nhất là đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Đặc biệt, các dự án dệt sợi nhuộm có liên quan rất lớn đến vấn đề môi trường nên để xin được giấy phép hoạt động là điều không dễ. Tuy nhiên, để tiến hành nhanh hơn, các nhà đầu tư thường chọn cách sang nhượng lại từ đối tác Việt Nam”, lãnh đạo này nói.

Theo Bộ Kế hoạch & Đầu tư, tính từ đầu năm đến nay đã có gần 30 dự án dệt may được cấp phép đầu tư. Đặc biệt, tại các địa phương thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đều hoàn thành vượt kế hoạch năm về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Trong đó, dệt may là ngành nằm trong top đầu về thu hút vốn.

Dòng vốn FDI trong lĩnh vực dệt may sẽ tiếp tục chảy mạnh vào Việt Nam. Dự kiến, năm 2016, một phần trong tổng số 300 triệu USD vốn tài trợ của Chính phủ Ấn Độ dành cho các dự án hợp tác ngành dệt may 2 nước sẽ được chuyển vào Việt Nam để cụ thể hóa bằng các dự án đầu tư sản xuất nguyên phụ liệu.

Tại họp báo kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2015 diễn ra ngày 21/12, trao đổi với VnExpress, ông Hoàng Vệ Dũng - Phó tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may (Vinatex) cho biết, khi các hiệp định thương mại tự do được ký kết thì cơ hội dành cho mọi doanh nghiệp đang hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam là như nhau. Dù đó là doanh nghiệp Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc hay Malaysia được thành lập dưới hình thức nào.

Tuy nhiên, với những doanh nghiệp đầu tư không chính đáng, mạo doanh các doanh nghiệp Việt Nam để đưa máy móc thiết bị cũ vào, vị này khẳng định “tập đoàn hoàn toàn không ủng hộ”. Dù câu chuyện cấp phép liên quan đến chính sách quản lý tại nhiều địa phương, song ông lo ngại “nếu có vấn đề gì xảy ra sẽ gây thiệt hại cho các đơn vị dệt may trong nước và kể cả những doanh nghiệp FDI làm ăn chân chính.

Trước đó dù đã có quy hoạch ngành dệt may, nhưng vị này cho biết Vinatex đã kiến nghị với Chính phủ và các địa phương nên có kế hoạch cụ thể chi tiết hơn để có thể hình thành được chuỗi sản xuất từ vùng nguyên liệu, nhà máy sản xuất sợi, dệt, nhuộm cho đến các vệ tinh may. Đưa nhà máy về tận các huyện, xã để tận dụng nguồn lao động sẵn có.

Cùng đó, để tận dụng mọi cơ hội mà các FTA đem lại, theo lãnh đạo tập đoàn, thời gian tới sẽ phổ biến truyền đạt đến từng doanh nghiệp thành viên để có thể hiểu thấu đáo hơn các điều khoản, tăng sức cạnh tranh, nếu không ngành dệt may nội địa sẽ thua ngay trên sân nhà.

Đánh giá về tình hình chung, ông Phạm Xuân Hồng - Phó chủ tịch Hiệp hội dệt may Việt Nam cho biết, ngành dệt may bây giờ vừa phải làm kinh tế vừa phải làm hoạt động xã hội nên hiệu quả kinh tế không cao.

Với các doanh nghiệp tương đối lớn và có quy mô trung bình trở lên vẫn giữ hoạt động kinh doanh ổn định. Một số doanh nghiệp nhỏ thì gặp nhiều khó khăn nên khá nhiều đơn vị chuyển đổi ngành nghề. Vì vậy, thời gian gần đây tình trạng sang nhượng mặt bằng nhà xưởng cũng diễn ra mạnh mẽ.

Bên cạnh đó, để đón đầu TPP, nhiều nhà đầu tư nước ngoài muốn đẩy nhanh việc đầu tư ở Việt Nam nên tìm cách mua bán sáp nhập các doanh nghiệp dệt may. Số khác lại chọn cách đứng đằng sau các doanh nghiệp Việt. Như vậy, tùy vào lợi ích mà họ đạt được, tiềm lực tài chính của mỗi đơn vị, mà họ có hướng đi khác nhau.

Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ Khoa học & Công nghệ cũng như ông Hồng khuyến cáo các doanh nghiệp làm “bia đỡ” cho doanh nghiệp nước ngoài nên thận trọng. Tùy từng hình thức và quy mô đầu tư mà có cách thỏa thuận cũng như xem xét sao cho hợp lý.

Theo Bộ Kế hoạch & Đầu tư, các địa phương nên có kế hoạch giám sát hoạt động bảo vệ môi trường đối với các khu công nghiệp dệt may và các dự án có khâu nhuộm, dệt nhuộm… Đáng lưu ý, khi cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với các dự án trong lĩnh vực dệt may, cơ quan quản lý cần tuân thủ chặt chẽ quy trình thẩm tra, đánh giá dự án đầu tư, trong đó chú trọng đánh giá công nghệ sử dụng.

Theo VNE

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất

x
Doanh nghiệp dệt may ồ ạt rao bán nhà xưởng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO