Xã hội

Doanh nghiệp 'đỏ mắt' tìm nhân lực chất lượng cao

Thanh Nga 18/08/2024 08:50

Thiếu nhân lực chất lượng cao tiếp tục là bài toán khó cho nhiều doanh nghiệp. Dù các đơn vị này đã đưa ra tiêu chí tuyển dụng với mức lương hấp dẫn, nhưng suốt thời gian dài họ vẫn chưa tìm được lao động phù hợp.

Khó tuyển lao động tay nghề cao

Vừa qua, Công ty Goertek Vina-KCN Quế Võ 1- Nam Sơn - Bắc Ninh thông qua Trung tâm Dịch vụ việc làm Nghệ An đăng ký tuyển dụng hơn 20 nhân viên thuộc các ngành: Kỹ sư cải tiến chất lượng, Chuyên viên nhân sự, Kế toán, Logistics, Điều phối viên dự án (PC), Kỹ sư gia công máy CNC, Kỹ thuật viên ép nhựa, R&D cơ khí. Yêu cầu của nhà tuyển dụng là có kinh nghiệm tương đương từ 1 năm trở lên, giao tiếp tốt bằng tiếng Trung. Nhưng sau một thời gian đăng tuyển, đơn vị này không tìm được số lượng đủ theo nhu cầu.

Đại diện công ty này cho biết: Nguồn nhân lực có tay nghề và kỹ năng thì thời điểm nào chúng tôi cũng thiếu, không chỉ những vị trí chủ chốt mà còn là những vị trí đòi hỏi công nhân có tay nghề cao, tốt nghiệp các trường nghề đại học, cao đẳng nghề nhưng không thời điểm nào chúng tôi tuyển được 1/3 số lượng cần. Cũng theo vị này đa số những nhân sự mới qua được vòng phỏng vấn khi vào làm việc cũng cần phải đào tạo thêm rất nhiều thời gian mới đáp ứng được.

5637908186476948392.png
Ông Đoàn Hồng Vũ - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cùng lãnh đạo các nhà trường tại Cuộc thi Thiết bị đào tạo tự làm. Ảnh: Thanh Nga

Tương tự như Công ty Goertek Vina, công ty 100% vốn nước ngoài đóng tại TP. Hồ Chí Minh cần tuyển nhân viên xuất, nhập khẩu với mức lương từ 15 - 20 triệu đồng/tháng. Với nhóm nhân lực này công ty có yêu cầu: Có kinh nghiệm làm việc với đối tác nước ngoài, ưu tiên có kinh nghiệm làm công ty sản xuất theo tiêu chuẩn ISO. Thế nhưng, dù đã đăng tải khắp các diễn đàn nhưng công ty vẫn không tuyển dụng được. Phụ trách nhân sự của công ty cho biết: Không chỉ lần này mà các năm trước chúng tôi cần số lượng lớn nhân lực chất lượng cao đảm nhận nhiều vị trí chủ chốt nhưng “đỏ mắt” không tìm được.

giao-vien-khoa-co-khi-huong-dan-sinh-vien-su-dung-may-han-tu-dong-anh-ns.jpg
Giáo viên Khoa Cơ khí, Trường Cao đẳng nghề Việt - Đức hướng dẫn sinh viên sử dụng máy hàn tự động. Ảnh: tư liệu

Theo báo cáo lương và thị trường lao động năm 2024 của Navigos Group (một đơn vị chuyên cung cấp nhân sự), hơn 50% doanh nghiệp vẫn sẽ tuyển dụng thêm nhân sự trong một năm tới, trong đó có nhân sự cấp trung và cấp cao. Các doanh nghiệp ưu tiên ứng viên có ngoại ngữ, có kỹ năng giải quyết vấn đề, giao tiếp hiệu quả, có khả năng thích ứng, có 1-3 năm kinh nghiệm (chưa cần ở vị trí quản lý).

ký kết hợp tác với đơn vị nước bạn
Trường Trung cấp KT - KT Hồng Lam ký kết hợp tác với đơn vị nước bạn trong đào tạo nhân lực chất lượng cao. Ảnh: Thanh Nga

Ông Trần Hữu Thượng - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Nghệ An cho biết: Thông qua kênh của trung tâm dịch vụ việc làm, chỉ tính riêng 7 tháng đầu năm đã có tới 395 doanh nghiệp cần tuyển dụng lao động, trong đó, có tới 147 doanh nghiệp FDI cần tuyển dụng lao động chất lượng cao. Trong đó, cần 1.645 lao động có bằng cấp cao đẳng nghề, cao đẳng chuyên nghiệp và 1.714 người tốt nghiệp đại học trở lên. Đáng lưu ý là số người tốt nghiệp đại học và cao đẳng chuyên nghiệp các công ty có nhu cầu tuyển dụng yêu cầu phải có kinh nghiệm ở lĩnh vực tương đương từ 6 tháng - 1 năm. Tuy nhiên, theo phản hồi của các đơn vị thì đa số người lao động đến đăng ký tuyển dụng đều chưa có kinh nghiệm.

INFO Tuyển dụng lao động
Đồ hoạ Hữu Quân.

Cần một cơ chế căn cơ từ khâu đào tạo

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 54 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở có tham gia đào tạo nghề nghiệp. Trong đó, có 22 cơ sở đào tạo nhân lực có tay nghề cao (10 trường cao đẳng, 12 trường trung cấp). Quy mô tuyển sinh đào tạo 77.991 học sinh, sinh viên/năm; gồm các cấp trình độ: cao đẳng 4.915 sinh viên/năm; trung cấp 17.001 học sinh/năm. Cơ cấu ngành nghề, trình độ đào tạo từng bước đáp ứng nhu cầu của thị trường sử dụng lao động. Một số ngành nghề mới được bổ sung, đáp ứng nhu cầu sử dụng nhân lực có tay nghề cao của các doanh nghiệp, thị trường lao động trong và ngoài nước. Trong đó, có 39 đơn vị công lập (4 đơn vị thuộc bộ, ngành Trung ương quản lý, 35 đơn vị thuộc tỉnh quản lý) và 14 đơn vị ngoài công lập.

INFO Cơ sở đào tạo nghề nghiệp
Đồ hoạ Hữu Quân.

Đến nay, có 18 cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo nhân lực tay nghề cao thực hiện tự đánh giá kiểm định chất lượng và 2 cơ sở đạt kiểm định chất lượng. Qua đó, các cơ sở đào tạo nhân lực có tay nghề cao nhận thức được vị trí, vai trò của hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp; mặt khác, giúp cơ quan quản lý Nhà nước các cấp có chính sách phù hợp để phát triển giáo dục nghề nghiệp; Đồng thời, chỉ ra được những kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện công tác giáo dục nghề nghiệp nói chung và đào tạo nhân lực có tay nghề cao nói riêng trên địa bàn tỉnh.

Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Đoàn Hồng Vũ

Việc đổi mới chương trình, nội dung đào tạo nhân lực có tay nghề cao được các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chú trọng và thực hiện thường xuyên. Quá trình này có sự tham gia của đại diện một số doanh nghiệp, chuyên gia và đảm bảo đúng quy định về quy trình xây dựng, thẩm định và ban hành chương trình đào tạo; tổ chức biên soạn, lựa chọn, thẩm định giáo trình đào tạo trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng. Nhiều đơn vị đã tích hợp kiến thức với kỹ năng nghề, kỹ năng mềm, ngoại ngữ cho người học; gắn với tăng cường giáo dục tác phong làm việc theo hướng công nghiệp, chuyên nghiệp và phẩm chất, đạo đức nghề nghiệp cho học sinh, sinh viên được đào tạo trình độ tay nghề cao, nhất là chương trình đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp.

Tuy nhiên, cũng theo ông Đoàn Hồng Vũ, sở dĩ việc đào tạo nhân lực cao chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động là bởi các đơn vị và địa phương chưa có dữ liệu dự báo trung hạn và dài hạn, chưa đánh giá chính xác cung - cầu lao động, nhu cầu đào tạo nhân lực; các cơ sở đào tạo thiếu thông tin về nhu cầu thị trường lao động nên chưa chủ động xây dựng kế hoạch đào tạo theo yêu cầu xã hội. Năng lực đào tạo nhân lực có tay nghề cao của một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp còn hạn chế; cơ sở vật chất, trang thiết bị chưa đáp ứng được yêu cầu đào tạo; nội dung, chương trình đào tạo tuy được đổi mới nhưng chưa thực sự phù hợp với thực tiễn sản xuất kinh doanh và thiết bị công nghệ mới của doanh nghiệp; đội ngũ giáo viên thừa - thiếu cục bộ, trình độ kỹ năng, chuyên môn, nghiệp vụ còn bất cập; việc đào tạo kỹ năng mềm (ngoại ngữ, tin học, tác phong nghề nghiệp, kỹ năng ứng xử...) cho người học chưa được quan tâm đúng mức.

Bên cạnh đó, chưa có cơ chế, chính sách thu hút, tôn vinh, khen thưởng động viên các nghệ nhân tích cực tham gia đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nhân lực có tay nghề cao; thiếu động lực thúc đẩy đội ngũ nhà giáo và người học tham gia nghiên cứu khoa học, khởi nghiệp sáng tạo. Công tác xã hội hóa mặc dù đã có nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi nhưng chưa đủ mạnh để thu hút đầu tư phát triển giáo dục nghề nghiệp...

Mới nhất
x
x
Doanh nghiệp 'đỏ mắt' tìm nhân lực chất lượng cao
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO