Doanh nghiệp lo lắng khi áp giá tính thuế tài nguyên mới
(Baonghean) - Từ ngày 1/7/2017, Thông tư số 44/2017/TT-BTC của Bộ Tài chính “quy định về khung giá tính thuế tài nguyên đối với nhóm, loại tài nguyên có tính chất lý, hóa giống nhau” sẽ có hiệu lực. Theo đó, giá áp tính thuế tối thiểu và tối đa đối với các loại đá xây dựng sẽ tăng lên gấp 2 đến 3 lần so với hiện tại. Bởi vậy, nhiều doanh nghiệp khai thác, chế biến đá trên địa bàn tỉnh đang thực sự lo lắng.
Hiện Nghệ An có 148 doanh nghiệp khai thác đá xây dựng rải rác ở nhiều địa bàn khác nhau. Từ năm 2014 đến nay, UBND tỉnh đã có những điều chỉnh về mức áp giá tính thuế tài nguyên đối với lĩnh vực khai thác khoáng sản theo thành phẩm (Quyết định số 75/QĐ-UBND ngày 17/10/2014).
Quá trình thực hiện, nhiều doanh nghiệp đã có ý kiến về việc áp giá UBND tỉnh áp cao hơn giá tối thiểu mà Bộ Tài chính quy định, như đá 3 (8-15 cm) giá tối thiểu là 50.000 đồng/m3, tỉnh áp giá 80.000 đồng/m3; đá 0,5 - 1, giá tối thiểu là 95.000 đồng/m3, tỉnh áp giá 160.000 đồng/m3; đá mi - bột giá tối thiểu là 30.000 đồng/m3, tỉnh áp giá 90.000 đồng/m3...
Khai thác đá ở huyện Yên Thành. Ảnh: V.T |
Tuy nhiên, khi mọi đề xuất của doanh nghiệp xin giảm mức giá áp thuế trên đang được UBND tỉnh nghiên cứu, thì ngày 12/5/2017, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 44/2017/TT-BTC (Thông tư 44) với quy định mức áp giá tối thiểu tính thuế đối với lĩnh vực khai thác khoáng sản cao hơn mức áp giá của tỉnh hiện tại. Điều đó, làm cho doanh nghiệp khai thác đá thêm lo lắng.
Thông tư 44 quy định mức giá tối thiểu cho lĩnh vực khai thác khoáng sản không phải kim loại, trong đó có đá là khá cao. Ví dụ, đá cấp phối (tương đương đá 0,5 - 1), đá lô ca, giá áp thuế tối thiểu là 140.000 đồng/m3 và tối đa là 200.000 đồng/m3; đá dăm (1-2cm) giá áp thuế tối thiểu là 168.000 đồng/m3 và tối đa là 240.000 đồng/m3...
Khi tiếp nhận Thông tư 44, ông Nguyễn Giang Hoài - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Quỳ Hợp cho biết: “Bộ Tài chính ban hành khung giá tính thuế tài nguyên đối với khoáng sản không kim loại như thế là cao so với thị trường đá xây dựng vốn đang khó khăn. Trong đó, đối với đá sau nổ mìn, đá xô bồ (khoáng sản khai thác), mức thuế 1 m3/70.000 - 100.000 đồng; đá hoa trắng dạng khối (≥ 0,4m3) để xẻ làm ốp lát loại 1 - trắng đều ở mức 15.000.000 - 18.000.000 đồng/m3... Ở Quỳ Hợp, trước khi Thông tư 44 ban hành, do đầu ra gặp nhiều khó khăn, có một số doanh nghiệp chế biến đá phải giải thể...”.
Ông Nguyễn Trung Hải - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Khoáng sản và Thương mại Trung Hải ở thị trấn Quỳ Hợp cho biết: “Công ty chúng tôi lâu nay chủ yếu tận dụng đá hoa trắng để sản xuất bột carbonat với sản lượng trên 200.000 tấn/năm, bán ở thị trường Trung Quốc, Malaysia. Lâu nay mức thuế cũ bột đá 90.000 đồng/m3, nay áp theo khung thuế mới từ 280.000 - 400.000 đồng/m3 thì chúng tôi sẽ rất khó khăn, bởi không thể tăng được giá bán với các đối tác để bù lỗ vào khung thuế mới.
Một số loại đá còn phải tăng theo khung thuế mới gấp 3 lần với mức thuế cũ. Dẫu biết nộp thuế là trách nhiệm và nghĩa vụ của doanh nghiệp, nhưng nếu ngành chức năng không có giải pháp tháo gỡ khi áp dụng Thông tư 44 thì doanh nghiệp rất dễ bị dừng sản xuất do thua lỗ”.
Việc tăng mức áp thuế tài nguyên sẽ tác động đến thị trường các sản phẩm đá xây dựng. Ảnh: Văn Trường |
Hầu hết các chủ mỏ đá xây dựng cũng chung tâm tư như trên, đại diện Công ty TNHH Đông Thành (Yên Thành) cho biết: “Mỏ đá xây dựng của chúng tôi chủ yếu khai thác đá hộc, đá dăm các loại. Giá đá dăm bán ra thị trường hiện chỉ có 170.000 đồng/m3, trong khi doanh nghiệp còn phải chịu các khoản tiền công lao động, dầu, tiền lãi ngân hàng đầu tư mua sắm máy móc... Lâu nay đá dăm cấp phối chỉ chịu thuế tối thiểu 50.000 đồng/m3. Nay theo khung thuế mới tối thiểu từ 168.000 đồng/m3 và tối đa 240.000 đồng/m3 như vậy là quá cao...".
Khi Thông tư 44 ra đời, Hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Nghệ An, Hội Doanh nghiệp Cựu chiến binh tỉnh nhận được rất nhiều ý kiến phản hồi từ các doanh nghiệp khai khoáng mong muốn các cấp, ngành nghiên cứu để áp mức giá tính thuế tài nguyên phù hợp hơn.
Ông Nguyễn Đức Tuyến - Phó chủ tịch Hội Doanh nghiệp CCB Nghệ An. Ảnh: Nguyên Nguyên |
Ông Nguyễn Đức Tuyến - Phó Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Cựu chiến binh tỉnh cho biết: Mỗi doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khai khoáng, ngoài đầu tư máy móc thiết bị, lương thưởng, phải thực hiện nghĩa vụ 7 loại thuế, phí khác nhau như: Tiền thuê đất; tiền cấp quyền khai thác khoáng sản; tiền ký quỹ phục hồi môi trường; thuế tài nguyên, phí môi trường; chi phí quan trắc môi trường; tiền đền bù giải phóng mặt bằng và chi phí đầu tư hạ tầng khác; thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp.
Như vậy, chi phí rất lớn và tất cả đều phải tính vào giá bán sản phẩm. Lâu nay, người dân đã than phiền vì giá vật liệu xây dựng trong đó có đá tăng, nay nếu áp theo Thông tư 44 thì giá đá xây dựng sẽ tăng lên rất nhiều lần.
Ông Tuyến chia sẻ thêm: “Chúng ta chưa thể dự đoán được phản ứng của thị trường, nhưng trước mắt, các doanh nghiệp khai khoáng đã dự cảm rất khó khăn. Bản thân tôi cũng tham gia khai thác mỏ, từng thấy nhiều áp lực, bởi lâu nay, bên cạnh những vấn đề trên, tỉnh ta đang áp dụng mức thuê đất mỏ bằng 300% giá đất ở liền kề”.
Cũng theo ông Tuyến, việc áp dụng mức giá thuê mỏ như vậy làm nhiều doanh nghiệp có mỏ ở vùng trung du, đồng bằng gặp nhiều khó khăn. Như việc nếu có mỏ ở Hưng Nguyên, Nam Đàn, Thanh Chương, Đô Lương, Nghi Lộc, Diễn Châu, Yên Thành, Quỳnh Lưu, thị xã Hoàng Mai thì mức giá thuê mỏ sẽ rất cao, do giá đất ở tại những vùng này cao hơn nhiều so với những vùng khác. Từ đó làm chi phí tăng lên và sức cạnh tranh của các doanh nghiệp bị giảm...
Như vậy, thời hạn thực hiện Thông tư 44 trong khai thác tài nguyên chỉ còn khoảng nửa tháng, UBND tỉnh sẽ có quyết định mới trong việc điều chỉnh áp thuế tài nguyên, trong đó có đá xây dựng theo Thông tư và dự báo thị trường đá xây dựng sẽ có những biến động.
Nguyên Nguyên - Văn Trường
TIN LIÊN QUAN |
---|