Doanh nghiệp muốn tự quyết giá xăng

Thi Hà - Hoài Thu 10/01/2023 16:54

Các doanh nghiệp cho rằng, nếu được tự quyết giá xăng, thị trường sẽ minh bạch, trong khi đó, các chuyên gia phản đối vì thời điểm chưa phù hợp và cần có lộ trình.

Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 95/2021 và Nghị định 83/2013 về kinh doanh xăng, dầu được Bộ Công Thương đưa ra để xin ý kiến. Trong đó, bộ này đưa ra 2 phương án điều hành giá xăng, dầu. Một là vẫn điều hành giá xăng, dầu như hiện nay, nhưng sửa công thức giá cơ sở theo hướng bổ sung một số chi phí thực tế phát sinh của doanh nghiệp... Phương án 2 là Nhà nước chỉ công bố giá định hướng, doanh nghiệp sẽ tự xác định, đưa ra giá bán lẻ xăng, dầu sau khi cộng chi phí kinh doanh thực tế.

Khảo sát tại 20 doanh nghiệp đầu mối xăng, dầu và hệ thống phân phối ở TP. HCM và Hà Nội cho thấy, 80% các doanh nghiệp cho biết, họ đồng tình với phương án 2 vì khi được tự quyết, thị trường xăng, dầu sẽ cạnh tranh và minh bạch.

Đại diện Công ty TNHH một thành viên Dầu khí TP. HCM cho biết, khi được xác định giá bán đúng với thực tế, doanh nghiệp sẽ dễ dàng hơn trong hoạt động nhập và phân phối hàng hóa.

"Tuy nhiên, trong khuôn khổ tự quyết việc tính giá vẫn cần sự quản lý của Nhà nước sao cho tính đúng, tính đủ giá đầu vào cho các doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu", đại diện Saigon Petro nói.

Ông dẫn chứng, thông thường xăng và dầu nhập từ nước ngoài về mất 15-20 ngày đến kho. Do đó, Nhà nước cần dựa trên giá của ngày hàng về tới kho để tính giá cơ sở. Lúc này, giá cơ sở sẽ chính xác sau khi cộng các chi phí liên quan. Điều này giúp đảm bảo nguồn cung và dự trữ của doanh nghiệp.

Các doanh nghiệp cho rằng, nếu được tự quyết giá xăng, thị trường sẽ minh bạch. Ảnh minh hoạ

Tương tự, đại diện đầu mối nhập khẩu xăng dầu ở Đồng Nai cho rằng, việc các doanh nghiệp được điều chỉnh mức giá xăng, dầu sẽ tác động tích cực vào thị trường, giúp giá cả cạnh tranh. Song song đó, người tiêu dùng sẽ được mua xăng với giá hấp dẫn mà vẫn đảm bảo được nguồn lợi nhuận tối thiểu cho doanh nghiệp.

Theo giám đốc doanh nghiệp này, nếu vẫn tiếp tục để tình trạng điều hành "giật cục" như hiện nay, số lượng các doanh nghiệp đầu mối và phân phối sẽ tiếp tục rời bỏ thị trường trong năm nay vì họ đang phải gánh lỗ. Nhiều đơn vị phân phối phải "gồng mình" từ tháng 6 đến nay với khoản lỗ lên tới hàng tỷ đồng.

"Chỉ khi Nhà nước trao quyền, doanh nghiệp sẽ chủ động hơn trong giá bán và nguồn hàng khi ấy thị trường xăng, dầu sẽ giảm bất ổn như 2022", giám đốc doanh nghiệp xăng dầu ở Đồng Nai nói.

Cũng có một vài doanh nghiệp lo ngại việc để các đầu mối xăng, dầu tự quyết có thể gây nhiễu loạn thị trường.

Đại diện Công ty cổ phần Thương mại Xuất nhập khẩu Thủ Đức cho rằng, việc này cần có thử nghiệm và lộ trình vì có thể sẽ xảy ra tình trạng "cá lớn nuốt cá bé". Đặc biệt, thị trường xăng, dầu Việt Nam 70% là những doanh nghiệp Nhà nước - nhóm được hậu thuẫn và ưu đãi hơn so với các doanh nghiệp tư nhân. Khi họ có nhiều thuận lợi sẽ dễ dàng nhập được các lô hàng với giá tốt và bán ra thị trường với giá rẻ. Lúc đó, các doanh nghiệp tư nhân, có vốn nhỏ sẽ bị loại ra khỏi thị trường và tình trạng độc quyền xăng, dầu có thể sẽ diễn ra.

Cũng phản đối phương án cho doanh nghiệp tự quyết, PGS. Đinh Trọng Thịnh -giảng viên cao cấp Học viện Tài chính cho rằng, chưa phải thời điểm phù hợp để Việt Nam "thả nổi" giá mặt hàng này.

"Nhà nước vẫn phải khống chế, tức đưa ra giá trần để doanh nghiệp tự cạnh tranh chi phí để giảm giá bán ra, chưa thể hoàn toàn để thị trường quyết định do đây là mặt hàng chiến lược, trong danh mục bình ổn giá", ông nêu.

Ông Trần Văn Lâm - Ủy viên Ủy ban Tài chính ngân sách cũng phân tích, Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nên những mặt hàng quan trọng thiết yếu như xăng, dầu, điện cần sự tham gia quản lý của Nhà nước.

Bên cạnh phương án về tính giá xăng, dầu, dự thảo trên còn đưa ra phương án giảm thời gian điều hành giá, xăng dầu từ 10 ngày xuống 7 ngày và cố định vào thứ Năm hàng tuần, trừ 3 ngày nghỉ Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, hầu hết các doanh nghiệp đều cho rằng, đề xuất này không giải quyết được triệt để vấn đề vì họ đều đã mua hàng từ trước đó nửa tháng. Do đó, nếu giảm thời gian điều hành nên giảm từ 10 ngày xuống 3 hoặc 5 ngày.

Theo PGS. Đinh Trọng Thịnh, xăng, dầu trong nước sản xuất cũng phải nhập dầu thô về sản xuất, nên Việt Nam chưa chủ động hoàn toàn. Việc mua xăng, dầu từ các nhà máy lọc dầu trong nước đang theo hợp đồng kỳ hạn. Doanh nghiệp thực tế đã mua từ trước đó, tới khi hàng về thì bán xăng, dầu đã mua từ trước đó ít nhất 15 ngày, nên rút ngắn thời gian điều hành xuống 7 ngày cũng không tác động nhiều tới giá bán lẻ. Chưa kể thay đổi chu kỳ điều hành cũng phát sinh chi phí quản lý cho doanh nghiệp, Nhà nước.

Với đề xuất giao một đầu mối thống nhất là Bộ Tài chính quản lý giá xăng, dầu, doanh nghiệp cùng các chuyên gia cho rằng, các bộ đang đùn đẩy trách nhiệm và việc giao 100% cho Bộ Tài chính quản lý là thiếu hợp lý.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng, đề xuất này chưa thuyết phục. Theo ông, Luật Giá mới đang trong quá trình sửa đổi, hướng tới một cơ quan quản lý chuyên ngành quản lý giá. Tuy nhiên, xăng, dầu là mặt hàng có đặc thù, liên quan tới an ninh năng lượng, tác động tới kinh tế vĩ mô... nên Bộ Tài chính chỉ mang tính phối hợp trong điều hành giá.

"Các bộ vẫn phải phối hợp trong điều hành mặt hàng này, không thể chỉ mình Bộ Tài chính vì xăng, dầu có đặc thù. Tức là vẫn nên giao một đầu mối chủ trì, bộ, ngành khác phối hợp", ông nhìn nhận.

Đồng quan điểm PGS. Đinh Trọng Thịnh cho rằng, trước đây Bộ Tài chính từng quản lý mặt hàng này, nhưng sau đó chuyển về Bộ Công Thương từ khi Nghị định 83/2014 có hiệu lực và ổn định từ đó đến nay. Bộ Tài chính chỉ nắm về quy định thuế, cơ cấu tính giá; không quản lý cung - cầu thị trường. Trong khi thực tế kinh doanh xăng, dầu, theo ông Thịnh, mang đặc thù của kinh doanh thương mại.

"Xuất, nhập khẩu, quản lý cung cầu thị trường, quan hệ mua bán với nhà máy lọc dầu trong nước, tổ chức bán lẻ... đều do Bộ Công Thương quản lý. Do đó, giao cho Bộ Công Thương quản lý thống nhất mặt hàng này là phù hợp", ông Thịnh bình luận.

Trường hợp vẫn giữ cơ chế điều hành liên Bộ như hiện nay, ông lưu ý, các bộ, ngành cần có sự phối hợp chủ động, tránh tình trạng quả bóng đá đi đá lại từng xảy ra năm ngoái.

Ngày 7/1, Bộ Công Thương cho biết, với nội dung phân công trách nhiệm điều hành giá xăng, dầu, trong quá trình thu thập ý kiến các bên liên quan đã có 3 phương án được đưa ra, trong đó có phương án Bộ chọn là giao đầu mối rà soát các chi phí và tính toán, điều hành giá xăng, dầu cho Bộ Tài chính. Bộ này cho hay, đây là phương án để đưa ra lấy ý kiến nhằm có thêm ý kiến góp ý, phản biện cho đề xuất này. Tức là, phương án bộ chọn nêu tại dự thảo Nghị định và dự thảo Tờ trình xin ý kiến "chưa phải là phương án lựa chọn cuối cùng của Bộ Công Thương để trình Chính phủ xem xét quyết định". Sau khi có ý kiến góp ý của các đơn vị có liên quan, Bộ Công Thương sẽ tổng hợp và đề xuất phương án lựa chọn phù hợp nhất, trình Chính phủ xem xét quyết định.

Tại họp báo quý IV chiều 9/1, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi đã nêu quan điểm về việc Bộ Công Thương đề xuất giao cơ quan này làm đầu mối quản lý, điều hành giá xăng, dầu. Ông cho biết, quyết định cuối cùng thuộc về Chính phủ, Thủ tướng khi sửa đổi Nghị định./.

Theo vnexpress.net
Copy Link

Mới nhất

x
Doanh nghiệp muốn tự quyết giá xăng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO