Doanh nghiệp nào được giảm lãi, chậm trả nợ vì Covid-19?
Doanh nghiệp thiệt hại vì dịch Covid-19 và có khả năng trả nợ sau tái cơ cấu được miễn giảm lãi và lùi hạn trả nợ tới 12 tháng.
Theo Thông tư 01 vừa ban hành của Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại được nắm quyền tự quyết tái cơ cấu cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19, dựa trên các nguyên tắc chung.
Khách hàng có doanh thu sụt giảm vì Covid-19, có khoản vay, thuê tài chính phải trả nợ gốc và/hoặc lãi từ ngày 23/1 đến ngày liền sau 3 tháng kể từ ngày Thủ tướng công bố hết dịch và không trả được nợ đúng hạn, nằm trong diện được tái cơ cấu.
Các ngân hàng sẽ cơ cấu lại thời hạn trả nợ tối đa 12 tháng cho khoản vay còn trong hạn hoặc quá hạn 10 ngày, hay đối với khoản vay quá hạn từ ngày 23/1 đến ngày 29/3.
Ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, các ngân hàng là người quyết định cho vay nên sẽ chủ động quyết định cơ cấu thời hạn trả nợ cho khách hàng. Tuy nhiên, thời gian gia hạn trả nợ tối đa là 12 tháng tính từ ngày cuối cùng khách phải trả hết toàn bộ nợ gốc và lãi.
Bên cạnh đó, ngân hàng thương mại tự quyết định việc miễn giảm lãi, phí với khoản cho vay thuộc đối tượng được tái cơ cấu.
Các khoản vay được cơ cấu lại thời hạn trả nợ hay miễn giảm lãi cũng sẽ được ngân hàng giữ nguyên nhóm nợ. Đối với lãi phải thu của những khoản dư nợ này, ngân hàng không phải hạch toán lãi dự thu mà theo dõi ngoại bằng để đôn đốc thu, hạch toán vào thu nhập khi thu được.
Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho hay, Thông tư 01 tạo điều kiện thuận lợi nhất để các ngân hàng được chủ động tái cơ cấu khoản nợ đến hạn cho doanh nghiệp song cũng phải bảo đảm hỗ trợ đúng đối tượng chịu thiệt hại.
Giám đốc quản trị rủi ro của một ngân hàng có vốn nhà nước cho biết, Thông tư của Ngân hàng Nhà nước không giới hạn các lĩnh vực nhận được hỗ trợ. Do tác động liên thông giữa các ngành, hầu hết lĩnh vực bị ảnh hưởng, việc xác định doanh nghiệp bị ảnh hưởng thực chất sẽ dựa trên đánh giá về sụt giảm doanh thu, nhu cầu khách hàng khi so sánh với các tháng liền kề, cùng kỳ năm trước hoặc so với kế hoạch đề ra. Ngân hàng cũng sẽ đánh giá khả năng trả được nợ sau tái cơ cấu của doanh nghiệp để quyết định việc tái cơ cấu cho họ.