Doanh nghiệp quy mô nhỏ và xu hướng thâu tóm của các 'ông lớn'

08/02/2017 10:59

(Baonghean) - Nghệ An có khoảng 15.000 doanh nghiệp, đa phần là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Trong đó, nhiều doanh nghiệp quy mô nhỏ đang trong tình trạng hoạt động cầm chừng và phải đứng trước một thực tế khốc liệt: Các doanh nghiệp lớn hơn mua bán, sáp nhập các doanh nghiệp khác thành một chủ sở hữu duy nhất để trở nên mạnh hơn, có tiềm lực hơn và quay trở lại cạnh tranh với các doanh nghiệp cùng ngành hàng.

Thực tế sôi động

Thực tế thâu tóm doanh nghiệp xảy ra khá phổ biến trên thế giới, trong nước và ngày càng “nóng” ngay tại Nghệ An. Đơn cử Công ty CP Giống cây trồng là doanh nghiệp nhà nước sau cổ phần hóa hoạt động vẫn khó khăn, thua lỗ; 51% vốn nhà nước dường như vẫn là lực cản đối với định hướng phát triển của đơn vị. Bộ máy cồng kềnh, cạnh tranh kém, doanh nghiệp này bị nhiều đối thủ từ các địa phương khác mạnh hơn tạo sức ép. Trước thực tế đó, việc thoái vốn nhà nước 100% tại đơn vị này là cần thiết và Tổng Công ty CP Vật tư Nông nghiệp là đơn vị đã mua 100% vốn của Công ty CP giống cây trồng.

Cảng Nghệ Tĩnh được Tập đoàn Tuấn Lộc mua cổ phầnvà trở thành cổ đông chiến lược.
Cảng Nghệ Tĩnh được Tập đoàn Tuấn Lộc mua cổ phần và trở thành cổ đông chiến lược. Ảnh: Châu Lan

Sau khi mua 100% vốn nhà nước, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty CP Vật tư Nông nghiệp Nghệ An đã đưa toàn bộ nhân sự, bộ máy của Công ty CP Giống cây trồng về hoạt động cùng công ty mẹ; trụ sở, đất đai của Công ty CP Giống cây trồng có kế hoạch làm dự án bất động sản. Việc mua bán đứt đoạn trước mùa sản xuất vụ xuân 2017 đã khiến cho Tổng Công ty CP Vật tư Nông nghiệp Nghệ An bội thu về bán giống, thâu tóm toàn bộ hoạt động bán giống lúa về một công ty, bắt đầu làm chủ thị trường giống lúa của Nghệ An trước hàng trăm đơn hàng trong tỉnh.

Ông Trương Văn Hiền - Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty CP Vật tư Nông nghiệp Nghệ An cho biết: Chúng tôi mua vốn nhà nước của Công ty Giống cây trồng Nghệ An hơn 10 tỷ đồng, sau đó, tăng vốn lên gấp 5 lần cho công ty này lên khoảng 50 tỷ đồng và vẫn hoạt động về giống.

Hiện nay, Tổng Công ty CP Vật tư Nông nghiệp Nghệ An với xu hướng mua bán thâu tóm các doanh nghiệp đã có trong tay 18 doanh nghiệp, trong đó có 13 công ty giống các huyện (Nam Đàn, Đô Lương, Thanh Chương, Tân Kỳ, Anh Sơn, Con Cuông, Tương Dương, Nghĩa Đàn, Phủ Quỳ, Yên Thành, Quỳ Châu, Quỳnh Lưu, Nghi Lộc). Ngoài ra, còn có Công ty Lương thực Vật tư Hà Nam, Công ty CP Khoáng sản dầu khí, Công ty Lương thực Vật tư Đắc Lắc, Công ty khai thác nước ngầm khu vực 2 ở thành phố Hồ Chí Minh...

Ở các doanh nghiệp khác thuộc ngành Xây dựng, việc mua bán cũng diễn ra gay gắt. Công ty Vinaconex 16 hiện bán cho Công ty TNHH Cổng Vàng Vinh (Vuvuzela) làm trung tâm thương mại với giá 25 tỷ đồng. Công ty Tecco cũng mua lại Công ty CP Xây dựng Thủy lợi 24; Tập đoàn Tuấn Lộc - nhà đầu tư lớn đã và đang thực hiện một số dự án đầu tư hạ tầng quan trọng trên địa bàn tỉnh hiện đã mua cổ phiếu của Tổng Công ty Công trình giao thông 4 và của Cảng Nghệ Tĩnh để trở thành cổ đông chi phối. Trên lĩnh vực công nghiệp, mía đường Sông Con đang nổi lên với việc trở thành cổ đông chiến lược của Công ty cấp nước Nghệ An; Công ty cấp nước Cửa Lò, TH True milk đã mua lại Công ty mía đường Nghệ An Tate & Lyle; trong khi đó, Công ty Đầu tư phát triển chè Nghệ An đang đi tìm đối tác mới...

Xu hướng thanh lọc

Điều dễ nhận thấy là nếu mua đúng lúc, đúng ngành, đúng nghề, người mua có năng lực thẩm định tài chính doanh nghiệp, đánh giá được triển vọng của doanh nghiệp tương lai, đầu ra của sản phẩm doanh nghiệp mình mua thì hầu hết các doanh nghiệp thực hiện sáp nhập, doanh nghiệp mua đều “ăn nên làm ra”, có tiềm lực mạnh hơn, năng lực đấu thầu cao hơn, hồ sơ doanh nghiệp tốt hơn. Sau mua, bán, sáp nhập, bộ máy được tinh giản gọn nhẹ, doanh nghiệp mới được thổi luồng sinh khí mới và bộ máy được phát huy năng lực sáng tạo trước những ông chủ mới.

Vuvuzela đã mua lại vị trí đắc địa của Vinaconex 16.
Vuvuzela đã mua lại vị trí đắc địa của Vinaconex 16. Ảnh: Châu Lan

Việc mua bán, sáp nhập doanh nghiệp cũng thúc đẩy tái cơ cấu doanh nghiệp - một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước; trong đó các doanh nghiệp nhà nước, các doanh nghiệp còn vốn nhà nước sẽ là một thị trường “sôi sộng” của việc mua bán doanh nghiệp. Hiện nay, các doanh nghiệp nhà nước đang thực hiện thoái vốn theo cơ chế quy định tại Nghị định số 71/2013/NĐ-CP ngày 11/7/2013 của Chính phủ về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý tài chính đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

Ngoài ra, để tháo gỡ những hạn chế, vướng mắc làm chậm tiến độ thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 15/NQ-CP ngày 6/3/2014 về một số giải pháp đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp và Quyết định số 51/2014/QĐ-TTg ngày 15/9/2014 quy định một số nội dung về thoái vốn, bán cổ phần và đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán của doanh nghiệp nhà nước, qua đó đẩy mạnh tiến độ thoái vốn của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Bên cạnh đó, chính các doanh nghiệp ăn nên làm ra cũng có cơ hội bán doanh nghiệp của mình cho các doanh nghiệp, tập đoàn lớn nước ngoài, kiếm nguồn lợi nhuận lớn và tiếp tục hành trình đầu tư...

Tuy nhiên, các cơ quan thực hiện việc thoái vốn nhà nước cũng cần tránh bán rẻ, bán tháo vốn nhà nước. Việc đấu giá trên thị trường cần công khai minh bạch và tránh hình thức, hợp thức hóa cho nhà đầu tư có lợi. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cũng cần hỗ trợ mạnh mẽ hơn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ./.

Trân Châu

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất

x
Doanh nghiệp quy mô nhỏ và xu hướng thâu tóm của các 'ông lớn'
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO