Doanh nghiệp Việt tìm “chiêu” để đối phó với đại dịch Covid-19
Dịch bệnh Covid-19 đang bùng phát mạnh, ảnh hưởng nghiêm trọng tới doanh nghiệp, buộc các doanh nghiệp phải có biện pháp ứng phó kịp thời.
Theo báo cáo nhanh của Bộ Lao động - Thương binh và xã hội, tính đến ngày 12/2, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, trong tổng số trên 180.000 doanh nghiệp của 30 tỉnh, thành phố thì đã có 322 doanh nghiệp tạm dừng hoạt động, 553 doanh nghiệp giảm quy mô hoặc thu hẹp sản xuất kinh doanh.
Cùng với đó, trong tổng số trên 5.000 hợp tác xã đã có 25 hợp tác xã tạm dừng hoạt động, 5 hợp tác xã giảm quy mô hoặc thu hẹp sản xuất kinh doanh.
Những doanh nghiệp, ngành hàng đang hoạt động thì luôn trong tình trạng gặp khó khăn về đầu ra hoặc thiếu nguyên liệu sản xuất, đặc biệt là với các ngành sản xuất phụ thuộc vào nguồn cung nguyên liệu từ Trung Quốc như: dệt may, cao su, nhựa…
Nhiều doanh nghiệp đã tìm giải pháp để ứng phó kịp thời trước ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Ảnh minh họa: KT |
Ông Phạm Ngọc Thành - đại diện một đơn vị phân phối nước mắm chia sẻ, từ khi đại dịch Covid-19 xuất hiện và bùng phát, sức mua của thị trường giảm sút đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến lượng tiêu thụ sản phẩm của công ty. Hơn nữa, do lo sợ bệnh dịch nên các doanh nghiệp cho công nhân tạm nghỉ làm, dẫn đến hàng sản xuất bị chậm lại, thiếu hàng để giao tới các đại lý, siêu thị.
Để khắc phục tình trạng sản phẩm tiêu thụ chậm, Công ty đã tiến hành bán hàng trực tuyến, giao hàng trực tiếp đến người tiêu dùng trên cả nước thông qua các kênh thương mại điện tử như Lazada, shopee hay trên fanpgae của công ty. Với chiến lược bán hàng như vậy, đã phần nào giúp công ty vượt qua những khó khăn nội tại.
Ngoài ra, doanh nghiệp này cũng tăng cường bán hàng tại các điểm giới thiệu sản phẩm. Ông Thành cho biết thêm, những ngày này, thay vì chỉ mua 1 - 2 chai nước mắm, các bà nội trợ có xu hướng mua đơn hàng với số lượng lớn hơn thông thường, có thể để tích trữ. Nhằm tăng doanh thu, ngoài sản phẩm nước mắm, công ty cũng chú trọng đến việc bán đa dạng các mặt hàng thực phẩm như: miến, mì gói, nhu yếu phẩm…
Một trong những lĩnh vực chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ đại dịch Covid-19 là nông sản. Từ nhiều ngày nay, tình trạng nông sản đến mùa thu hoạch nhưng không xuất khẩu được, bị ùn ứ tại cửa khẩu đã xảy ra, khiến thương lái và doanh nghiệp điêu đứng.
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Văn Thanh kiểm tra công tác phòng dịch bệnh tại một công ty may mặc ở Hà Nam. |
Bà Trần Thị Thu Hằng, Tổng Giám đốc một doanh nghiệp xuất nhập khẩu nông sản thực phẩm cho hay, nhiều năm nay, các sản phẩm nông sản của công ty không chỉ xuất khẩu sang Trung Quốc mà còn cung cấp cho các trường học trên địa bàn Hà Nội. Tuy nhiên, những tháng đầu năm nay, dịch Covid-19 bùng phát mạnh và đang trong giai đoạn đỉnh điểm, việc xuất khẩu sang Trung Quốc đang bị trì hoãn, công ty đã chuyển hướng khai thác thật sâu thị trường trong nước. Bên cạnh đó, đây cũng là thời điểm các trường học cho học sinh nghỉ để tránh dịch, thay vì cung cấp thực phẩm cho các trường học thì công ty đã liên hệ và đưa thực phẩm đến các bếp ăn tập thể của một số công ty, cơ quan công sở.
Nắm bắt được tâm lý hạn chế đi chợ hay siêu thị mua sắm của các bà nội chợ, công ty đã huy động nhân viên đi giới thiệu và chào bán sản phẩm đến từng gia đình tại các tòa nhà chung cư để vừa giúp công ty tiêu thụ sản phẩm, vừa cung cấp nguồn hàng tươi ngon đến khách hàng trong thời điểm đại dịch đang bùng phát mạnh này.
Theo đó, công ty có sáng kiến bán đơn hàng theo combo, mỗi combo rau, củ, quả, trứng, bánh phở… có giá từ 100.000 – 150.000 đồng. Hàng được công ty lấy từ trang trại, giảm bớt khâu trung gian để giữ được mức giá hợp lý...
Theo bà Hằng, số lượng hàng tuy bán được chưa nhiều, nhưng những khó khăn trước mắt đã mở ra cho công ty một hướng đi khác, “cánh cửa này đóng lại, cánh cửa khác lại mở ra”, hy vọng có thể mang đến cơ hội tốt hơn cho doanh nghiệp.
Covid-19 là đại dịch của toàn cầu, diễn biến ngày càng phức tạp và nguy hiểm, chưa biết khi nào sẽ chấm dứt. Trong bối cảnh đó, các chuyên gia kinh tế khuyến cáo, song song với những nỗ lực phòng, chống dịch bệnh để bảo vệ sức khỏe con người, các doanh nghiệp cần theo sát thông tin từ các cơ quan chức năng để chủ động kế hoạch sản xuất kinh doanh, giữ vững nhịp độ tăng trưởng. Đồng thời, cần có kế hoạch, chiến lược mở rộng tìm kiếm đối tác, bạn hàng, tránh phụ thuộc quá nhiều vào một thị trường…/.