Doanh nghiệp xuất khẩu gạo chung tay làm cánh đồng mẫu lớn
Trước bối cảnh xuất khẩu gạo ngày càng khó khăn hơn, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo nhận ra rằng đã đến lúc không thể không làm vùng nguyên liệu.
Mấy năm qua, trong khi nhiều doanh nghiệp cung ứng vật tư nông nghiệp đã mạnh dạn tham gia vào các cánh đồng mẫu lớn, thì phần lớn doanh nghiệp xuất khẩu gạo vẫn đứng ngoài cuộc. Nhưng đến vụ đông xuân 2013-2014, tình hình sẽ khác.
Sở NN - PTNT An Giang cho biết ở tỉnh đang có nhiều doanh nghiệp ngỏ ý muốn làm vùng nguyên liệu để sản xuất gạo đồ. Còn Sở NNPTNT Long An cũng cho hay có 6 doanh nghiệp đang muốn tham gia xây dựng cánh đồng mẫu lớn trên địa bàn tỉnh.
Lý do mà các doanh nghiệp muốn tham gia là vì có vùng nguyên liệu, doanh nghiệp mới có lượng gạo ổn định, chất lượng cao, qua đó nâng cao được giá gạo xuất khẩu hiện đang còn thấp.
Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cũng đã thực sự quan tâm tới việc xây dựng vùng nguyên liệu. Ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch VFA cho biết Hiệp hội đã thống nhất với các doanh nghiệp thành viên thực hiện mô hình xây dựng vùng nguyên liệu theo hướng ký hợp đồng tiêu thụ lúa hàng hóa với đại diện của nông dân (HTX, tổ hợp tác).
Trong mấy năm qua, cũng đã có một số doanh nghiệp xuất khẩu gạo bắt tay vào xây dựng vùng nguyên liệu, hình thành các cánh đồng mẫu lớn. Một trong những mô hình thành công nhất là của Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu An Giang (Angimex).
Từ năm 2008, Công ty này đã bắt tay xây dựng vùng nguyên liệu theo mô hình cánh đồng liên kết. Trong mô hình này, Angimex cung ứng giống, vật tư nông nghiệp, hỗ trợ kỹ thuật canh tác cho nông dân, rồi thu mua lúa chế biến xuất khẩu. Năm đầu, mới chỉ thực hiện được vài chục ha.
Khi thực hiện mô hình, Công ty có thuận lợi là đã có nhà máy sản xuất giống lúa, mỗi năm cung ứng 800-1.000 tấn giống cho diện tích trong và ngoài mô hình. Công ty đã có sẵn hệ thống sấy lúa, kho, đảm bảo cho việc thu mua hết lúa tươi của nông dân. Mô hình nhận được sự ủng hộ của chính quyền địa phương, nông dân tham gia ngày càng nhiều, vì họ thấy được hiệu quả thiết thực. Nhờ đó, đến niên vụ 2010-2011 đã tăng lên 3.000 ha, và đến niên vụ 2012-2013 lên tới 9.000 ha.
Theo Chinhphu.vn - HV