Doanh nhân Thái Hương và triết lý “kinh doanh vì cộng đồng“
(Baonghean) - Yêu đồng đất quê hương, luôn muốn “kinh doanh vì cộng đồng”, bà Thái Hương - Tổng Giám đốc BAC A BANK, nhà sáng lập và tư vấn đầu tư của Tập đoàn TH, đã không ngần ngại chọn lối đi đầy gai góc là “nâng bước” cho các dự án nông nghiệp công nghệ cao.
Yêu đồng đất quê hương, luôn muốn “kinh doanh vì cộng đồng”, bà Thái Hương - Tổng Giám đốc BAC A BANK, nhà sáng lập và tư vấn đầu tư của Tập đoàn TH, đã không ngần ngại chọn lối đi đầy gai góc là “nâng bước” cho các dự án nông nghiệp công nghệ cao. Quyết định này đã đưa BAC A BANK trở thành một trong những ngân hàng thành công nhất ở Việt Nam hiện nay trong tư vấn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.
Nhìn từ trên cao, cánh đồng do TH khai phá đã tạo nên vẻ trù phú xanh tươi cho Volokolamsk, bên kia đường vẫn là cánh đồng bỏ hoang, đang chờ TH khai phá tiếp. Ảnh: Hà Thanh |
Tình đất và người trên đất Nga
Khoát cánh tay mạnh mẽ, Aliev Rasul - Giám đốc Trang trại TH tại Mockva, người đàn ông đến từ vùng đất Dagestan, mới 49 tuổi nhưng đã có hơn 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực chăn nuôi bò sữa, chỉ cho chúng tôi thấy một bên là bạt ngàn cánh đồng ngô đang thì ra bắp, mơn mởn xanh, một bên là bạt ngàn cỏ dại, vàng úa, trông thật xót xa. Làm nên sự khác biệt một trời một vực ấy chính là Tập đoàn TH, do bà Thái Hương - Tổng Giám đốc BAC A BANK sáng lập ra.
Sau thỏa thuận được ký giữa Tập đoàn TH và chính quyền tỉnh Mockva 3 năm trước, với kế hoạch đầu tư một Tổ hợp Chăn nuôi và Chế biến sữa công nghệ cao tại Nga, tháng 5/2016, TH đã khởi công xây dựng trang trại chăn nuôi bò sữa tại Mockva. Và mọi chuyện bắt đầu từ đấy, bắt đầu từ những nỗ lực của Rasul và các đồng sự của mình, cả người Việt và người Nga.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự Lễ khởi công Nhà máy sữa tại Nga. Ảnh: Hà Thanh |
“Chúng tôi đã mất 1 năm trời để phát hoang cánh đồng 5.000 ha này. Máy móc đi trước, người theo sau. Vất vả nhưng chúng tôi làm rất say mê, để có đồng cỏ mướt xanh như ngày hôm nay. Chúng tôi đang chuẩn bị thu hoạch vụ thứ hai”, Rasul đã kể như vậy và bảo, mấy chục năm sinh ra và lớn lên ở vùng đất này, nhìn đất đai bỏ hoang, bạt ngàn cỏ dại và bạch dương, ông xót xa lắm. Cả người dân ở đây cũng vậy.
Bây giờ, nhìn những cánh đồng bát ngát xanh, không chỉ Rasul, mà cả những người dân trong vùng cũng hết sức vui mừng. Cứ như thể, một cuộc sống mới đang căng tràn.
Bà Thái Hương với triết lý Kinh doanh vì cộng đồng. Ảnh: Hà Thanh |
Từ những cánh đồng bát ngát xanh, từ 1.100 con bò sữa đầu tiên được nhập khẩu về từ Mỹ đầu năm 2018, vào dịp TH chính thức khánh thành trang trại đầu tiên ở Nga, đến nay, đàn bò sữa của Trang trại TH Mockva đã có 1.600 con cho sữa đều, nguồn sữa thô đang được xuất bán cho các nhà máy chế biến sữa của Nga vì chưa có nhà máy chế biến.
Và tiếp nối mạch nguồn đó, ngày 7/9, Lễ khởi công Nhà máy Chế biến sữa tươi sạch của TH ở Kaluga, công suất 1.500 tấn sữa/ngày đã diễn ra, đây cũng là nhà máy sữa có quy mô lớn và công nghệ hiện đại nhất nước Nga.
Còn nhớ, khi TH bắt đầu đại kế hoạch đầu tư tại Nga, “người đàn bà sữa” Thái Hương đã chia sẻ rằng, bà không ngần ngại một bước xa xôi ngàn dặm tới đây là vì tình yêu nước Nga, muốn tri ân đất nước đã hỗ trợ Việt Nam trong những giai đoạn chiến tranh khốc liệt nhất. Sức mạnh để bà làm được điều này, được bà đúc kết vẻn vẹn trong hai từ: “Tình đất”.Những cánh đồng cỏ mênh mông đã thành hình trên đất nước Nga. Ảnh: Hà Thanh |
Thành công từ triết lý kinh doanh vì cộng đồng
Nhiều năm trước đây, bà Thái Hương đã sáng lập Tập đoàn TH và quyết định triển khai Dự án Chăn nuôi bò và Chế biến sữa 1,2 tỷ USD ở Nghĩa Đàn (Nghệ An). Nếu khi bà quyết định đầu tư ở Nga nhiều người nghi ngờ như thế nào, thì khi triển khai dự án ở Nghĩa Đàn, cũng từng ấy những nghi ngờ, thậm chí còn nhiều hơn thế.Bởi khi bà quyết định sang Nga, hành trang mang theo đã là những thành công lớn lao của dự án Nghĩa Đàn. Còn khi bà bắt tay vào xây dựng đồng cỏ châu Âu giữa lòng xứ Nghệ, không một ai tin Việt Nam có thể thành công trong chăn nuôi bò sữa ở vùng đất nắng cháy quanh năm, khí hậu khắc nghiệt như thế.
Nhưng bà đã thành công bằng tôn chỉ kinh doanh mạnh mẽ “tôn trọng tự nhiên, nâng niu đất mẹ, kết hợp với khoa học - công nghệ cao và công nghệ 4.0”. Và hơn nữa là từ triết lý kinh doanh tử tế, muốn làm một người nội trợ tử tế, mang đến những sản phẩm tốt nhất, an toàn nhất, ngọt lành nhất cho người tiêu dùng. Bà muốn kinh doanh bằng trái tim và tấm lòng người mẹ.
Chuyên gia Nga và Việt Nam trên cánh đồng ngô ngàn ha. |
Không chỉ thành công với sản phẩm sữa, BAC A BANK và bà Thái Hương đã tư vấn đầu tư thành công cho hàng loạt dự án khác, từ dự án dược liệu và xây dựng nhà máy chiết xuất tại chỗ, cung cấp các thực phẩm chức năng, tân dược ra thị trường trong nước và nước ngoài mang thương hiệu TH Herbals, đến dự án trồng rau sạch FVF với công nghệ trồng rau nhà kính và cánh đồng mở; rồi dự án gỗ MDF, quy mô 120 triệu USD; hay hệ thống trường liên cấp quốc tế TH Shool… Và tất nhiên, không thể không kể tới Dự án TH ở Nga, đang chắp cánh cho khát vọng toàn cầu hóa của TH, của BAC A BANK.
Một cách rất rõ ràng, tất cả các dự án mà BAC A BANK tư vấn đầu tư dường như đều xoay quanh 2 chữ “con người”, đời sống con người, từ việc học hành, ăn ngủ, tới phát triển toàn diện thể lực và trí lực của mỗi người Việt Nam. Đó chính là cách mà bà Thái Hương đã chọn, thậm chí chấp nhận hy sinh lợi nhuận trước mắt vì lợi ích lâu dài của người Việt Nam.
Rực rỡ con đường tương lai
Tầm này, ở Nghĩa Đàn, một mùa vụ mới đang bắt đầu, để một vài tháng nữa, những cánh đồng TH cũng sẽ bạt ngàn ngô, cao lương, cỏ mombasa hay hướng dương vàng rực rỡ. Còn ở Nga, mùa thu hoạch thứ hai cũng đã bắt đầu. Tất cả đang hứa hẹn một con đường rực rỡ ở phía trước.
Ở Việt Nam, TH không chỉ đầu tư ở Nghĩa Đàn, mà đã tới Phú Yên, Sơn La, Hà Giang… để xây dựng các trang trại mới và nhà máy của mình. Ở Nga, các trang trại và nhà máy ở Mockva và Kaluga mới chỉ là những viên gạch đầu tiên.
Cánh đồng ngô xanh tốt làm thức ăn cho bò sữa. Ảnh: Hà Thanh |
Trong đại kế hoạch đầu tư 2,7 tỷ USD ở Nga, TH sẽ còn xem xét xây dựng các tổ hợp trang trại và nhà máy chế biến sữa tại tỉnh Tyumen và Cộng hòa Bashkortostan, cũng như tại tỉnh Primorye, vùng Viễn Đông, Liên bang Nga. Khi dự án hoàn thành, tổng đàn bò dự kiến sẽ là 350.000 con, tổng công suất chế biến sữa 1,8 triệu tấn/năm và khi ấy, TH sẽ có một vùng nguyên liệu rộng 140.000 ha, cũng như có khoảng 300 cửa hàng TH true Mart, quy mô lớn hơn khá nhiều so với dự án 1,2 tỷ USD ở Nghĩa Đàn.
Chặng đường phía trước còn rất dài, nhưng nhìn những cánh đồng bát ngát hôm nay, thấy những chú bò đang cho ra những dòng sữa ngọt lành, hoàn toàn có thể kỳ vọng và tin tưởng vào một thành công rực rỡ của TH, không chỉ ở Việt Nam, mà còn ở Liên bang Nga xa xôi nhưng thắm đượm tình người.