Dọc biển Diễn - Quỳnh

04/09/2014 15:03

(Baonghean) - Trên những chuyến hành trình tác nghiệp từ Thành phố Vinh ra Quỳnh Lưu, Hoàng Mai, đã đôi lần chúng tôi phải “né” Quốc lộ 1A đang thi công đầy bụi bặm. Sự bất đắc dĩ này giúp cho chúng tôi biết đến một tuyến đường ven biển Diễn - Quỳnh tuyệt đẹp, cảnh sắc trên con đường này đem lại sự thư thái, hiếu kỳ cho nhiều du khách...

Từ bắc thị trấn Diễn Châu, chúng tôi rẽ về xã Diễn Ngọc, địa phương có đội đánh bắt thủy hải sản mạnh nhất Bắc miền Trung – nơi đây cũng chính là quê hương của nước mắm Vạn Phần nổi tiếng từ lâu đã vượt tầm khu vực. Con đường chính của xã đưa ta đến cây cầu xưa cũ bắc ngang điểm cuối của sông Bùng tiếp giáp với biển. Cửa Vạn là đây - gần 700 năm trước, hàng nghìn quân Minh xâm lược bị chôn vùi nơi này. Sóng nước ngày xưa kể chuyện về những người dân đã ngã xuống trong cao trào Xô Viết, kể chuyện anh hùng quân dân vùng lạch bắn rơi máy bay Mỹ. Giờ đây, Lạch Vạn là nơi ngơi nghỉ của hàng trăm tàu thuyền sau mỗi chuyến đi xa. Hoàng hôn buông xuống, từng đoàn thuyền hối hả nối đuôi nhau cập bến. Những cánh buồm nhiều màu đan dệt trên sóng nước xanh tạo nên cảnh sắc biển trời, sông nước đầy mơ mộng, say đắm lòng người. Người xưa đã phong Lạch Vạn là một trong tám cảnh đẹp Đông Thành, âu cũng là điều chí lý.

Cửa biển Lạch Vạn.
Cửa biển Lạch Vạn.

Theo triền đê là 500 ha rừng ngập mặn xanh thẫm, nơi cư trú của nhiều loại chim muông. Bờ biển Diễn Ngọc, Diễn Kim đã hiện ra với bờ cát vàng thoai thoải, rừng dương xanh, sóng vỗ nhẹ êm. Phía Đông, sóng vỗ về bờ cát, nối hàng dừa ngả nghiêng, đổ bóng, là rừng dương, rồi thảm cỏ bằng phẳng. Phía Tây, những xóm làng yên bình, sân bóng, đàn bò thảnh thơi gặm cỏ. Ven đoạn đường đê biển xã Diễn Kim lác đác hàng quán mọc lên. Sóng gió biển Diễn Kim kể chuyện trăm năm cũ...

Con đường ven biển đưa ta qua bãi biển Diễn Hải – Hòn Câu, một trong hai bãi tắm đẹp của huyện Diễn Châu. Biển Diễn Hải giờ đã có hàng trăm ki ốt mọc lên, những nhà hàng nằm e ấp trong rừng cây, những quán hàng nằm trọi trơ trên cát nóng. Ông Trần Văn Tiến - Chủ tịch UBND xã Diễn Hải cho hay: Khu du lịch biển Diễn Hải được xây dựng theo mô hình du lịch sinh thái kết hợp với tắm biển. Để bãi biển Hòn Câu trở thành điểm du lịch nghỉ dưỡng lý tưởng vẫn còn rất nhiều việc để làm…

Đường ven biển lại đưa ta qua cánh rừng phi lao phòng hộ rộng 50 ha của xã Diễn Hùng. Nếu có một ngày đẹp trời rảnh rang, chắc chắn chúng tôi sẽ về nơi đây cắm trại, trải bạt trên cát trắng, nằm ngắm mây trời nghe gió biển lùa vào rừng, rì rào, vi vu. Diễn Hùng đã là điểm cuối của đường ven biển 27km chạy qua huyện Diễn Châu. Từ đây, chúng tôi về Quỳnh Thọ, huyện Quỳnh Lưu. Địa chất ven biển Quỳnh Thọ tạo nên một loài hải sâm sống dưới cát bùn, giàu giá trị dinh dưỡng, có thể chế biến thành nhiều món ăn rất ngon. Đào bắt hải sâm đang là một “nghề” tăng thu nhập cho người dân. Cũng nhờ sự tương hợp của độ mặn đất biển, nơi vùng biển này nghề nuôi ngao thực sự phát triển. Ngao thịt ngọt, to, nhanh lớn. Nghề nuôi ngao đem lại hiệu quả cao trở thành mũi nhọn phát triển kinh tế của địa phương.

Trên đường ven biển, chúng tôi đã qua Sơn Hải. Xưa Sơn Hải là địa phương có chi bộ Đảng ra đời đầu tiên của Quỳnh Lưu. Cùng với Quỳnh Đôi, Sơn Hải là một trong hai xã đầu tiên giành chính quyền trong cách mạng tháng Tám. Nếu có dịp về miền biển này vào thời khắc đầu năm mới sẽ được hiểu rõ hơn đất và người nơi đây. Ngư dân Sơn Hải có lễ hội cầu ngư hết sức đặc sắc cùng với đó là tục thờ cá Ông cổ. Lễ hội và lễ tế cá Ông cầu mong cho một năm mới thuận buồm, xuôi gió đã thể hiện tất cả không gian văn hóa tâm linh của người dân vùng biển.

Rời Sơn Hải, đi thêm chừng 5km nữa là về xã Quỳnh Bá. Theo các cụ bô lão trong vùng thì cách đây chừng 5 thế kỷ, có 53 ông tiên hiền của 53 dòng họ đã từ phía Bắc về đây để lập ấp lập làng. Xưa nơi đây vẫn còn giặc tàu ô, để đánh giặc người dân Quỳnh Bá từng làm trống to để hiệu triệu nhân dân chống giặc – ngày nay cũng là chiếc trống to đó, nhưng mục đích lại khác là nhằm thúc giục con cháu học bài vào mỗi tối. Về Quỳnh Bá, chúng tôi đã được thưởng thức món cơm cháy trứ danh. Ở Quỳnh Bá có 2 cơ sở chuyên làm cơm cháy bán cho thị trường trong và ngoài tỉnh. Một tuần một lần xe ô tô về lấy hàng nhập các đại lý, rộn ràng một làng quê.

Rời Quỳnh Bá, ta đến với Quỳnh Yên. Xã thuộc bãi dọc cuối vùng nông giang, được hình thành trên cơ sở 3 làng xưa: làng Thượng, làng Cầm Trường, làng Trung Yên. Là vùng đất cổ xưa, nơi đây có khá nhiều di tích văn hóa như chùa Lam Sơn thờ Phật Thích Ca- Mâu- Ni, được xây dựng vào triều đại Lê Trung Hưng. Hiện chùa đang được phục hồi, Di tích đền Nam thờ vị võ tướng thời Lê Cảnh Hưng. Đến nay còn 1 ngôi mộ cổ còn nguyên vẹn, nhà thượng điện 2 gian, nhà hạ điện 5 gian gỗ lim 4 mái, tượng, bức đại tự, đồ tế khí, cây đa cổ thụ. Quỳnh Yên còn được mệnh danh là làng ăn trầu, miếng trầu quả cau không chỉ có mặt trong các lễ nghi như đám cưới, đám hỏi, đám giỗ, ma chay, hay ngày rằm, mồng một, ngày tết mà nó có mặt trong đời sống hàng ngày.

Trên tuyến đường chúng tôi qua, một địa phương không thể không dừng chân đó là xã Quỳnh Nghĩa, huyện Quỳnh Lưu. Quỳnh Nghĩa được ví như một một dải lụa mềm ven biển. Tạo hoá đã ban tặng cho nơi đây rừng vàng, biển bạc, nhân lực dồi dào, cần cù, sáng tạo để phát triển một nền kinh tế toàn diện. Nơi đây có Di tích lịch sử cấp quốc gia đền Thượng ở làng Phú Nghĩa. Đền được xây dựng vào niên hiệu Cảnh Hưng năm thứ 40 cuối thế kỷ XVIII. Ngôi đền uy nghi gồm 3 tòa nhà: nhà Ca vũ, nhà Thâu hương và Hậu cung. Hàng năm ở Quỳnh Nghĩa có tổ chức Lễ Cầu Yên, Lễ Cầu Ngư, Lễ hội Trò lề… Quỳnh Nghĩa nổi tiếng với bãi biển đẹp, phẳng lỳ với những bãi cát dài mịn màng, óng ánh, nước trong xanh, hải sản phong phú. Sau khi thỏa thuê với biển, ta có thể leo núi Rồng với nhiều cảnh đẹp như Hòn Ông, Hòn Bà, Hòn Nắp Ấm,Vũng Ao Tiên. Ngày nay, bãi biển Quỳnh Nghĩa đang được nhiều du khách tìm về bởi hải sản ngon, rẻ nổi tiếng. Ai muốn tìm hiểu những nghề truyền thống như làm muối, đóng thuyền thì xin mời về Quỳnh Nghĩa. Tại đây vẫn vẹn nguyên những giá trị của đời sống cư dân miền biển..

Du lịch biển – đảo đang là hướng phát triển chiến lược của tỉnh, với mục tiêu đến 2020, các điểm du lịch biển, đảo đón và phục vụ khoảng 4,5 triệu lượt khách lưu trú, doanh thu du lịch đạt khoảng 1.600 tỷ đồng, riêng các địa phương vùng ven biển như Quỳnh Lưu, Diễn Châu thu hút trên 30.000 lao động trực tiếp trong ngành du lịch... Tuy nhiên, để đạt được kết quả đó, các địa phương có biển cần nâng cao hơn nữa chất lượng các sản phẩm du lịch hiện có như du lịch tắm biển nghỉ dưỡng; du lịch thương mại, công vụ và hội nghị, hội thảo; du lịch vui chơi giải trí, tham quan các di tích văn hoá lịch sử, danh thắng; tham quan các làng nghề thủ công truyền thống; du lịch thể thao; du lịch sinh thái.

Thanh Sơn

Mới nhất
x
Dọc biển Diễn - Quỳnh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO