Cáy lông càng đỏ vùng hạ lưu sông Lam. Ảnh: Huy Thư |
Anh Cao Văn Nam ở xóm Phú Xuân, xã Châu Nhân cho biết, anh làm nghề săn cáy nhiều năm. Lúc đầu những người săn cáy trong vùng thường sưu tầm chai nhựa phế thải (chai coca, chai đựng dầu ăn, nước suối...) về cắt vát một phần trên, chỉ lấy nửa dưới để làm ống mồi nhử cáy.
Hai năm trở lại nay, ống nhựa phế thải đã được thay bằng cốc nhựa tiện lợi. Những người làm nghề đều mua sắm từ 400 - 800 cốc nhựa mới để làm dụng cụ săn cáy.
Người dân xã Châu Nhân (Hưng Nguyên) đi săn cáy trên ruộng bằng cốc nhựa. Ảnh: Huy Thư |
Theo anh Nam, ưu điểm của cốc nhựa là gọn nhẹ, có thể sắp xếp thành chồng bỏ vào bì, dễ vận chuyển và thao tác thuận lợi khi đi săn. Thứ nữa là thành cốc trơn, cáy rơi vào cốc không thể bò được ra ngoài.
Mồi săn cáy vẫn là hỗn hợp cám gạo và ruốc hôi. Cám gạo được rang dậy mùi thơm, trộn với ruốc hôi, dùng 1 cây chổi nhỏ khuấy vào hỗn hợp cám, ruốc và quệt vào bên trong ống mồi một lớp mỏng.
Dùng cốc nhựa săn cáy, việc quệt mồi càng đơn giản. Người đi săn cáy có thể mang ống mồi sau lưng, treo hộp mồi trước bụng, thả ống nào thì quệt mồi ống đó.
Cốc nhựa nhỏ gọn rất thuận tiện trong việc săn cáy. Người đi săn cáy có thể vừa thả cốc, vừa phết mồi. Ảnh: Huy Thư |
Theo những người làm nghề săn cáy ở xã Châu Nhân, ngoài chất lượng ống mồi, việc lựa chọn chân ruộng để đặt ống mồi quyết định số cáy thu được nhiều hay ít.
Chọn ruộng đặt ống mồi phải xem xét ruộng có nhiều cáy không, đã ai đặt ống mồi chưa. Những chân ruộng lắm hang hốc, gần mương lớn, giáp sông Lam thường có nhiều cáy. Nếu chân ruộng vừa bị người khác đặt ống mồi, hôm sau đi đặt lại, thì xác suất được cáy không nhiều.
Kỹ thuật đặt ống mồi bằng cốc nhựa khá đơn giản. Những nơi ruộng cạn chỉ cần "gá" cốc nhựa bám chắc vào bờ ruộng, để miệng cốc dốc lên trên một góc 45 độ, đảm bảo cáy bò vào được, nhưng không ra được. Mỗi ống mồi đặt cách nhau tầm 1m, đặt liên tục thành những dãy dài.
Đặt cốc nhựa săn cáy trên ruộng ở xã Châu Nhân (Hưng Nguyên). Ảnh: Huy Thư |
Sau khi đặt ống mồi, người đi săn cáy có thể về nhà hoặc đi làm việc khác. Khi trên đồng yên tĩnh, vắng người, cáy ở các chân ruộng sẽ ra khỏi hang bò vào ống mồi và mắc kẹt trong đó. Thường sau khi rải ống mồi vài tiếng đồng hồ, người đi săn cáy sẽ ra ruộng đổ ống mồi.
Xã Châu Nhân hiện có từ 7 - 8 hộ dân chuyên làm nghề săn cáy, trong đó, gia đình các anh Võ Văn Quế, Võ Văn Khánh, Cao Văn Nam, Khoa Văn Việt... là những hộ săn cáy lâu năm có nhiều kinh nghiệm.
Nhà các anh Cao Văn Nam, Khoa Văn Việt, mỗi hộ có từ 800 - 900 ống mồi. Ngoài săn cáy trên các cánh đồng trong xã, họ còn đến các xã lân cận ven sông Lam như Hưng Lợi, Xuân Lam… để hành nghề.
Cáy bò vào cốc nhựa khó có thể leo ra ngoài. Clip: Huy Thư |
Anh Võ Văn Quế xóm Phú Xuân, xã Châu Nhân chia sẻ: Nhà anh có 480 chiếc ống mồi đều là cốc nhựa tiện lợi mới mua cách nay tầm 2 tháng. Săn cáy bằng cốc nhựa mang lại hiệu quả cao hơn các loại ống mồi khác.
Theo anh Quế, mỗi buổi đi săn từ trưa đến chiều hoặc từ chiều tối đến sáng anh cũng kiếm được từ 5 - 10 kg cáy. Sau lụt, lượng cáy sinh sôi phát triển mạnh, người đi săn cáy cũng kiếm được nhiều hơn.
Hiện cáy tươi bà con săn về được bán cho các điểm thu mua trong vùng và bán cho người dân địa phương chế biến làm thực phẩm với giá từ 45.000 - 50.000 đồng/kg.
Cáy săn về được bán cho các điểm thu mua hoặc hoặc bán cho người dân địa phương chế biến thực phẩm. Ảnh: Huy Thư |
Mỗi buổi ra đồng, các hộ dân làm nghề săn cáy ở huyện Hưng Nguyên cũng kiếm được vài trăm nghìn đồng/hộ, gặp hên thì được nhiều hơn. Không chỉ có rươi, cáy cũng là nguồn lợi tự nhiên quý giá, “lộc trời” cần được khai thác hợp lý, bảo vệ của người dân vùng hạ lưu sông Lam.
Do cáy khá nhanh, hễ có động là chạy vào hang, nên việc bắt cáy cũng không mấy dễ dàng. Trước đây, người dân thường đi đào cáy, câu cáy, soi cáy vào ban đêm, gần đây bà con thường đi săn cáy bằng cốc nhựa.