Độc đáo nghề rèn của người Mông ở Nghệ An
(Baonghean.vn) - Nghề rèn của đồng bào dân tộc Mông có từ lâu đời, gắn liền với hoạt động sống và canh tác ở vùng cao. Ở Nghệ An, nghề rèn đã theo người Mông ở phương Bắc vào từ xa xưa.
Nếu đồng bào dân tộc Thái nổi tiếng với những bức thổ cẩm rực rỡ thì đồng bào dân tộc Mông được nhiều người biết đến với nghề rèn truyền thống. Nghề rèn của đồng bào dân tộc Mông có từ lâu đời gắn liền với hoạt động sống và canh tác ở vùng cao. Ảnh: Thành Cường |
Trước đây, hầu như gia đình người Mông nào cũng có một lò rèn riêng để làm ra những nông cụ và đồ dùng sinh hoạt trong gia đình. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể rèn nên những sản phẩm bền đẹp, tinh xảo. Thợ rèn giỏi người Mông chỉ cần gõ nhẹ vào dao là đã biết tốt hay xấu. Thợ rèn giỏi thường được sinh ra trong những gia đình có nghề rèn truyền thống. Và bí quyết rèn của họ được lưu truyền qua dòng họ, gia đình. Ảnh: Đức Anh |
Lò rèn của gia đình ông Mùa Vả Phia (sinh năm 1959) ở bản Phù Khả 2, xã Na Ngoi, huyện Kỳ Sơn đỏ lửa trở lại sau nhiều năm “lãng quên”. Ông Mùa Vả Phia cho hay: Ông được cha truyền nghề từ nhỏ. Lớn lên rồi thì bận trăm công nghìn việc, không có thời gian rèn. Sau này, rảnh rỗi hơn và nhớ nghề nên quay trở lại. Làm chơi thôi nhưng mỗi tháng vẫn được vài triệu đồng. Nông cụ người Mông đặc biệt là dao được ưa chuộng lắm... Ảnh: Thành Cường |
Còn ông Thò Chừ Sùng (sinh năm 1962), quê ở bản Pà Khốm, nay làm rèn ở bản Minh Châu, xã Tri Lễ, huyện Quế Phong thì cho hay: Ngày xưa ở Pà Khốm, tất cả người Mông đều biết rèn. Họ tự làm dao rựa, cuốc … và cả nòng súng kíp để dùng. Trước đây, có người còn rèn cả bulông, ốc vít để thay thế vào xe máy Minsk. Hồi đó làm hoàn toàn thủ công, một con dao phải làm mất 2-3 ngày, ngày nay nhờ có điện, có máy móc mỗi ngày có thể làm đc 3 con dao, giá từ 120 - 300 nghìn đồng tùy loại. Ảnh: Đức Anh |
Ông Thò Chừ Sùng chia sẻ: Ngoài kinh nghiệm tôi thép, còn có rất nhiều bí quyết khác như việc chọn thép tốt, phù hợp cho từng sản phẩm. Để có con dao mang độ sắc và độ bền thì nên dùng nhíp ô tô để rèn. Than thì không dùng than đá mà phải dùng than củi của những loại cây khó cháy, cháy lâu, để đảm bảo độ nóng. Trong lúc rèn, nếu tôi thép chưa đủ độ nóng thì thép non, không dùng lâu được, mà tôi quá lửa lại hay bị gãy. Để có sản phẩm rèn tốt phụ thuộc vào kinh nghiệm của từng người thợ, mà kinh nghiệm ấy lại rất khó diễn tả bằng lời. Ảnh: Đức Anh |
Ông Thò Chừ Sùng cho biết thêm: Ngày nay, trong một số công đoạn làm rèn, người Mông đã sử dụng máy móc, như quạt thổi lò, máy mài. Nhờ máy móc hiện đại, thợ rèn người Mông có thể làm nhanh, làm đẹp. Cái sự nhanh ấy cộng thêm với việc người trẻ đi làm xa nên thành thử không còn mấy người giữ nghề... Ảnh: Thành Cường |
Với đồng bào dân tộc Mông: Sự tồn tại của nghề rèn hôm nay không chỉ góp phần thiết thực vào đời sống lao động sản xuất, mà còn góp phần duy trì nét văn hóa độc đáo truyền thống của dân tộc mình. Với mỗi sản phẩm rèn nên đều có linh hồn, có cuộc sống thật. Những sản phẩm đều mang đậm tính cách tộc người: bền bỉ, dẻo dai. Những lưỡi cuốc, lưỡi dao khi canh tác va phải đá hay chặt phải vật cứng chỉ có thể mẻ từng miếng nhỏ chứ không bị quăn... Ảnh: Thành Cường |