Độc đáo nghề săn ong rừng ở Nam Hưng

09/08/2016 14:36

(Baonghean.vn) - Mùa này, hai bên Quốc lộ 15A đoạn qua xã Nam Hưng (Nam Đàn) người dân bày bán nhiều đặc sản về ong rừng như nhộng ong, mật ong, rượu ong, rất hấp dẫn. Đó là kết quả của những ngày trèo đèo, lội suối vất vả của những người làm nghề săn ong tại địa phương.

Theo anh Nguyễn Phùng Quản (29 tuổi) ở xóm 7, xã Nam Hưng, mùa ong rừng bắt đầu từ tháng 5 và kéo dài đến hết tháng 8 âm lịch. Nghề săn ong xuất hiện ở đây cũng khá lâu, mở đầu người ta chỉ săn ong về dùng, sau đó mang ra đường bán, thấy bán chạy và kiếm được tiền nên nhiều người trong vùng rủ nhau cùng đi ong. Hiện xã Nam Hưng có đến mấy chục người chuyên nghề săn ong, tập trung ở các xóm 7, 9, 10.

Một nhóm người vào rừng săn ong.
Một nhóm người vào rừng săn ong.

Buổi sáng những ngày không mưa, người săn ong ở các xóm hành quân vào rừng sớm, mang theo một số dụng cụ như mũ bảo hiểm, lưới che mặt, găng tay, ủng, quần áo mưa, dao, cuốc… Họ chia thành nhiều nhóm, mỗi nhóm khoảng 2 người, để săn lùng cho có hiệu quả.

Bắt ong vẽ và ong mật thì quan sát trên cây, còn bắt ong chần thì theo dõi ong đi lấy nước để phát hiện vị trí tổ ong. Ngày nay bắt các loại ong đều không dùng đến lửa, vì dùng lửa nhộng ong bị chết, về không bán được, nên tất cả đều được bắt sống.

Một tổ ong vò vẽ được phát hiện.
Một tổ ong vò vẽ được phát hiện.

Khi thấy tổ ong vẽ hay ong mật, người đi ong sẽ mặc đồ bảo hộ, trèo lên cây, gạt ong trưởng thành, dùng dao cắt tổ bỏ luôn vào bì, túi ni lông mang theo. Cách bắt này có ưu điểm là không gây cháy rừng và bảo vệ được giống ong vì chỉ lấy tổ hoặc lấy mật ong, giữ được ong trưởng thành. Khi gặp ong chần, sẽ tiến hành đào lấy tổ dưới đất, bắt cả ong trưởng thành về ngâm rượu hoặc bán con cho lái buôn.

Cụ bà Nguyễn Thị Vinh (86 tuổi) ngồi bán rượu ong.
Cụ bà Nguyễn Thị Vinh (86 tuổi) bán rượu ngâm tổ ong.

Bắt ong cũng đòi hỏi kinh nghiệm, để tránh bị ong cắn và lấy, giữ được tổ ong hoặc mật ong nguyên vẹn, không bị nát. Trước đây, ong nhiều, đi ong gần, nay nghề săn ong rừng phải đi xa, lùng khắp các đồi núi thuộc Đô Lương, Thanh Chương, Nam Đàn, Nghi Lộc, kể cả Hương Sơn Đức Thọ, (Hà Tĩnh). Đi gần thì sáng đi trưa về, còn xa thì tối mịt mới về.

Tổ ong được người dân xã Nam Hưng bày bán ven Quốc lộ 15A
Tổ ong được người dân xã Nam Hưng bày bán ven Quốc lộ 15A

Khó khăn, vất vả của nghề săn ong là phải đi xa, trèo cao, nhất là trèo lèn và cây cao thì vô cùng nguy hiểm. Bên cạnh đó, trời nắng, lúc bắt ong phải trùm hết mặt mũi lại càng ngột ngạt, nóng bức…

Đi bắt ong vẽ, ong chần thì ngày nào cũng kiếm được tổ, không nhiều thì ít, còn ong mật thì thỉnh thoảng mới gặp. Theo những người săn ong, cách tốt nhất là đi đến đâu thì hỏi dân địa phương đến đó. Nếu chỉ dẫn được ong mật thì chia đổi mật, còn ong vẽ, ong chần thì trả họ năm bảy chục nghìn tiền công hướng dẫn, hai bên đều có lợi.

Người qua đường rất “khoái” mua nhộng ong về làm món nhậu.
Người qua đường mua nhộng ong về làm món nhậu.

Tổ ong vẽ nhỏ thì bằng cái bát, lớn thì gần bằng cái mâm thau. Cả tổ ong vẽ lần ong chần, đều có nhiều lớp, tổ lớn sẽ lấy ra được vài kg nhộng. Việc bán sản phẩm ong rừng ven Quốc lộ 15 A cũng chỉ mới xuất hiện từ 3 năm trở lại đây.

Một thanh niên phấn khởi khi mua được 1 tổ ong chần.
Một thanh niên phấn khởi khi mua được tổ ong chần.

Sau mỗi lần đi rừng về, người săn ong sẽ nhập cho lái buôn hoặc tự bán 2 bên đường Quốc lộ, giá tổ ong tùy to hay nhỏ, giao động từ vài chục nghìn đến 500 nghìn đồng. Mỗi chai mật ong rừng có giá khoảng 250 – 300 nghìn đồng. Ong chần bắt về được ngâm vào rượu, mỗi hũ (khoảng 3,5 kg), có giá từ 300 – 500 nghìn đồng.

Anh Nguyễn Tất Bình (33 tuổi) ở xóm 9 cho biết: “Cũng tùy hên xui, mỗi ngày vào rừng cũng kiếm được trên dưới vài trăm nghìn đồng/người, nếu gặp ong mật thì được nhiều tiền hơn”.

Huy Thư

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất

x
Độc đáo nghề săn ong rừng ở Nam Hưng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO