Độc đáo 'thư viện hiên nhà' của cựu chiến binh 90 tuổi ở Nghệ An
(Baonghean.vn) - "Thư viện hiên nhà" là cách gọi của người dân xã Hùng Thành (Yên Thành) khi nói đến tủ sách đặc biệt với 500 đầu sách của CCB Nguyễn Thế Viên.
Sinh năm 1930 tại xã Hậu Thành, năm 1951 theo tiếng gọi của Bác Hồ, Nguyễn Thế Viên gác bút nghiên xung phong gia nhập TNXP phục vụ chiến dịch Cao Bắc Lạng. Năm 1953, ông chuyển sang quân đội phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ. Tham gia chống Pháp rồi tiếp tục hành trình chống Mỹ, sau khi đất nước thống nhất, ông ở lại phục vụ trong Báo Quân đội nhân dân, đến năm 1986 được nghỉ hưu, là thương binh hạng 2/4.
Mỗi ngày "thư viện hiên nhà" của cụ Viên đều được đón người dân trong vùng đến đọc sách. Ảnh: Nguyễn Hoàng |
Quê ông là một xã thuộc vùng núi thấp, đời sống khó khăn. Từ ngày nghỉ hưu, ông trở về quê để trồng cây, nuôi cá, đọc sách, làm thơ và tham gia hoạt động trong một số tổ chức chính trị xã hội và tổ chức xã hội nghề nghiệp của địa phương.
Người dân trong khu dân cư kể lại rằng khi mới nghỉ hưu ông đã thực hiện nhiều “chiến dịch”: chuyển nhà lên một vùng đất mới “khai thiên lập địa” mà ngày đó người ta gọi là “Nông trang”; từng ngăn con sông nhỏ làm nhiều ao hồ để nuôi cá; lập vườn ươm để cung cấp cây giống cho bà con phủ xanh đồi núi trọc; đổi đất ruộng sâu lấy một vùng đất cao cưỡng rộng lớn để cải tạo làm vườn trồng cây ăn quả... Con người ông năng động, táo bạo, kiên trì, đúng phẩm chất của người lính khi hoàn thành nhiệm vụ trở về xây dựng cuộc sống đời thường.
Thú vui của CCB Nguyễn Thế Viên là hàng ngày được đọc sách, đàm đạo với bà con. Ảnh: Nguyễn Hoàng |
Đến thăm ông, dấu ấn sâu đậm khắc ghi đầu tiên là không gian đọc sách. Đó là mái hiên được kéo dài nối liền sân vườn cùng với các tủ sách, bàn ghế, vườn cây tỏa bóng...
Tủ sách của ông có hơn 500 đầu sách gồm đủ các loại, được lưu trữ từ thời trai trẻ cho đến hiện tại. Đồng thời có rất nhiều loại báo, tạp chí... Người đọc nếu có thời gian, thường là các cụ đã nghỉ hưu có thể tìm đọc lại các cuốn sách đã được xuất bản từ rất lâu như “Thép đã tôi thế đấy”, “Số đỏ”, các tập truyện ngắn của Nam Cao, Nguyễn Công Hoan... Các loại báo theo thời gian hoặc các tạp chí Người cao tuổi, Khuyến học, Cựu Chiến binh... Các cháu nhỏ có thể tìm đọc các truyện tranh, truyện cổ tích, truyện thiếu nhi... Riêng sách của NXB Kim Đồng thời kỳ nào cũng có. Bà con lối xóm làm nông thường tìm đọc Tạp chí Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kỹ thuật chăn nuôi, Kỹ thuật làm vườn...
Ông Lê Văn Tôn năm nay 79 tuổi, là CCB chống Mỹ nói với chúng tôi: “Tôi vốn thích văn chương, vừa rồi muốn tìm đọc lại tập truyện “Bỉ vỏ” của Nguyên Hồng, nhờ đứa cháu tìm mua ở các nhà sách cũ ngoài Hà Nội nhưng chưa được, đến đây thấy có, vậy là tôi mượn về đọc”.
Tủ sách được ông tích góp từ thời trai trẻ với 500 đầu sách. Ảnh: Nguyễn Hoàng |
Sách của ông có được từ nhiều nguồn: được tích lũy từ thời trai trẻ, được biếu tặng, được ông mua; và có cả những tập thơ, truyện do ông sáng tác và được xuất bản. Các cuốn sách do ông viết nhằm ghi lại những tấm gương dũng cảm của các anh hùng liệt sỹ hoặc những điển hình tiên tiến trong lao động sản xuất, như: “Âm vang Điện Biên”, “Vang mãi bài ca mở đường”, “Truyền thống Hội Nông dân Yên Thành từ năm 1930 đến 2016”, “Hoa lúa”...
Rất nhiều em nhỏ đã tìm đến với "thư viện hiên nhà" của cụ Viên. Ảnh: Nguyễn Hoàng |
Mái hiên nhà cụ Viên được nới rộng để đặt các tủ sách, những bộ bàn ghế sắp xếp ở một góc sân để mọi người được ngồi đọc sách dưới những bóng cây nhãn thoáng mát, phía trước là những dãy ao sen ngày hè tỏa hương thơm ngào ngạt.
Tuy trong lòng tâm đắc với không gian đọc sách này, nhưng chúng tôi vẫn tò mò muốn biết tại sao lại không tổ chức ở một căn phòng? Ông nói: “Khi về nghỉ hưu, gia đình tôi ở trong căn nhà của ông cha để lại, tiền có được qua lao động sản xuất thì đầu tư xây dựng nhà cửa cho con cháu”. Ông chỉ tay lên tấm biển ghi “Hội Cựu chiến binh tỉnh Nghệ An tặng Nhà tình nghĩa Điện Biên” và nói tiếp: “Năm 2014, được sự hỗ trợ của Hội CCB tỉnh, tôi cất được ngôi nhà mới 70 m2. Ngôi nhà cũ tôn tạo lại dành để thờ cúng tổ tiên. Nhà mới vừa đủ ở, không đủ phòng để làm phòng đọc. Mà nếu có, làm trong phòng thì cũng không thuận tiện, không hấp dẫn như thế này và sẽ không hiệu quả bằng”...
Ở tuổi 90, mắt ông ánh lên niềm vui với giọng cười sảng khoái mỗi khi bà con lối xóm, sau mỗi buổi đi làm về lại ghé vào nhà ông để xem sách, đọc thơ và uống nước chè xanh... Câu chuyện cứ râm ran sau mỗi ngày lao động vất vả, ấm áp tình làng nghĩa xóm.