Đôi điều về Mỹ thuật Nghệ An
(Baonghean.vn) Mười năm qua (2000 - 2010), Chi hội Mỹ thuật Nghệ An trung bình đã gửi 250 tác phẩm cho triển lãm khu vực bốn, trong đó số lượng tác giả, tác phẩm đạt giải thưởng từ trung ương đến địa phương không nhỏ. Đủ biết sức lao động nghệ thuật của anh chị em đáng tin cậy!
Xin được điểm một số tác giả tiêu biểu trong quá trình sáng tạo không ít gập ghềnh ấy. Họa sỹ Trần Hoàng Trung, người có bề dày trải nghiệm, và thử thách về sáng tác, thủy chung với chất liệu sơn dầu. Sau những năm tháng hoạt động không ngừng nghỉ và đã có thành công khá độc đáo từ vẽ tranh tuyên tuyền cổ động, đến tác phẩm tạo hình về đề tài kháng chiến, ông trở về với hiện thực đời sống những vùng quê lam làm và khốn khó, thức dậy trong ông ký ức tuổi thơ chân chất mà đau đáu. Đó là hàng loạt tác phẩm sơn dầu: “Sông Lam” (I,2,3), “Làng chài”, “Đồng vọng”, “ Cửa Quèn”, “Tình biển”,... Nhiều thân phận quanh những làng chài, sóng gió mặn mòi và bão táp được tác giả cập nhật. Nhìn chung, trong số gương mặt hội họa xứ Nghệ ở thập niên đầu thế kỷ XXI này, vẫn nổi bật lên một Trần Hoàng Trung chân chỉ, mập mạp, tuy vậy, đâu đó ta vẫn thấy quá nhiều sự khắc khổ, còn thiếu vắng cái nhìn thi vị cuộc sống.
“Mưu sinh” - tranh sơn dầu của họa sĩ Trần Hoàng Trung
Nhà điều khắc Đào Phương (đã mất), ta biết từ rất sớm qua tác phẩm “Cắt tóc”, “Đôi bạn”, “Đợi”,...Ông có mặt tại Nghệ An đầu những năm bảy mươi của thế kỷ XX, là họa sỹ nòng cốt của phong trào Mỹ thuật tỉnh nhà, người phát hiện những tài năng mới cho tỉnh. Những tháng ngày khốc liệt của cuộc chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ ở miền Bắc tại Nghệ An, ông dành hết cuộc đời mình cho nghệ thuật, để lại hàng trăm tác phẩm điêu khắc lớn, nhỏ. Như tôi biết, Đào Phương là một tài năng chưa được đánh giá đúng mức, và tác phẩm của anh còn nhiều thất lạc, cần phải có phương án lưu giữ khi còn chưa muộn.
Họa sỹ Hồ Thiết Trinh đi sâu vào đề tài chiến tranh cách mạng như một sự tri ân. Những tìm tòi với bút pháp chắc khỏe, hồn hậu mà nét chấm phá hào hoa dịu ngọt, vừa cô đọng vừa tung tẩy trên giấy dó của tranh khác gỗ đậm chất dân gian và hiện đại: “Đường chiến dịch”, “Khát vọng làng Lòi”
Các tác phẩm ấy đã mở ra một không gian rộng lớn thấm đẫm tính nhân văn sâu sắc, hình tượng nhân vật mang tính khái quát cao về một giai đoạn lịch sử vẻ vang và đau thương của dân tộc.
Trong vựng tập của họa sỹ Tiêu Cao Sơn (đã mất) để lại hơn 44 tác phẩm sơn dầu, bột màu, giấy dó và hàng trăm minh họa, ký họa, lô gô, phác thảo tượng đài... Song, trong thực tiễn sáng tác, anh lạc vào “mê cung” sắc, màu, hình khối và thảng hoặc ta bắt gặp ở đâu đó một chút Nguyễn Tư Nghiêm, một chút Bùi Xuân Phái... Qua danh mục các tác phẩm đạt giải thưởng Hội Mỹ thuật Việt
Cùng thế hệ với chúng tôi, họa sỹ Hải Thọ sớm trưởng thành, nhập vào “đội quân chủ lực” ngành Văn hóa – Thông tin. Sự bươn chải, vồ vập đã tạo cho anh có cái nhìn góc cạnh. Anh say sưa đào xới, sao chép và ở một chừng mực nào đó anh đã nhận diện được cái cần có để tạo nên một tác phẩm mỹ thuật, giữa cái hư và cái thực. Nhiều tác phẩm trong đó có: “Về đi voi ơi” (Khắc gỗ).
Nhà điêu khắc Trần Minh Châu, từng thành công với “Chúng tôi lại đến”, tranh khắc gỗ của thời cả nước đánh Mỹ. Anh là người thành tâm với nghề, chịu thương, chịu khó đến tỉ mẩn. Hàng loạt tác phẩm phù điêu thạch cao, đất nung, tượng đài (cùng tập thể những nhà điêu khắc, họa sỹ xứ Nghệ) làm nên sự bề thế, vững chãi, nét đẹp hoành tráng ở các khu tượng đài, khu lưu niệm lãnh tụ... 40 năm hoạt động nghệ thuật không ít cam go của anh đủ cho ta trân trọng một tác giả!
Họa sỹ Nguyễn Đình Truyền, lớp họa sỹ trẻ đã trưởng thành và nhạy cảm. Trong các tác phẩm khắc gỗ, trổ giấy đã hé mở chất tươi mới, thoáng hoạt, từ đường nét, hình khối, mảng miếng có gì như sự phóng túng, chưa thỏa những điều không thể nói ra.
Và các tác giả như Nguyễn Hữu Dị, Ngô Phi Công, Ngọc Dương, Nguyễn Thị Lợi, Trần Nghiên...mỗi người một vẻ đã góp phần mình vào kho tàng mỹ thuật tỉnh nhà.
Trong một bài báo ngắn không thể kể hết những thành công cũng như những hạn chế cần khắc phục của anh chị em họa sĩ - đồng nghiệp, xin phép được lượng thứ!
Có nhiều điều băn khoăn với lớp trẻ ở Nghệ An hôm nay. Họ là những người được đào tạo bài bản ở các trường đại học, cao đẳng. Xem các tác phẩm của các họa sĩ trẻ được trưng bày trong các kỳ triển lãm trong khu vực, ta thấy tác phẩm của họ chưa bước qua được bài học ở nhà trường. Nhiều bạn trẻ muốn bứt phá tìm cái mới, nhưng họ chưa lượng được sức mình. Như vậy, cái “khoảng trống” trên sân chơi nghệ thuật của Nghệ An bao giờ thì san lấp được?
Ngọc Dương