Đôi điều với báo chí quê nhà

10/11/2011 12:32

(Baonghean) - Tôi vừa có chuyến công tác xa, vào tận Vàm Lũng, Cà Mau dự lễ kỷ niệm tròn 50 năm Đường Hồ Chí Minh trên biển ngay tại bến cuối của con đường huyền thoại. Chợt nhớ, tờ Báo Nghệ An của mình cũng đang bước vào tuổi 50, độ tuổi "tri thiên mệnh".

Ngày những con tàu Không số đầu tiên rẽ sóng trong đêm, trong hiểm nguy, thách thức, chở theo bao tấn vũ khí, đạn dược, thuốc men tiếp sức cho đồng bào, chiến sỹ miền Nam đánh giặc Mỹ xâm lược và bè lũ tay sai cũng chính là thời điểm ra đời của Báo Nhân dân Nghệ An - tiền thân của Báo Nghệ An hôm nay. Tôi không hề có ý định đặt hai sự kiện vừa nêu bên nhau để so sánh. Nhưng, ít nhất, có một điều có thể quan hệ, liên tưởng: sự mở đầu nào cũng gian khổ, khó khăn và cả sự hy sinh cao đẹp.

Từ những năm ba mươi, bốn mươi của thế kỷ trước, những người viết báo, bảo vệ, vận chuyển, phát hành các tờ báo của Đảng trên đất Nghệ An như Bônsơvich (1929), Xích Sinh, Người Lao khổ, Lao khổ, Nghệ An Đỏ (1930), Vô sản, Tiến lên (1931), Tự Cứu (1935), Chỉ đạo (1938), Cởi Ách (1940), Kháng Địch (1945)... đã phải lấy tính mạng của mình cho sự tồn vong của tờ báo, cho cầu nối máu thịt giữa Đảng, giữa Báo với quần chúng cách mạng. Những năm chống xâm lược Mỹ, vào một ngày của tháng 5 năm 1965, trong một trận ném bom ác liệt của máy bay Mỹ, Tổng Biên tập Báo Miền Tây Nghệ An Đặng Loan và cán bộ phát hành báo Nguyễn Văn Thông đã anh dũng hy sinh. Ôn lại điều đó để nhận thức một cách sâu sắc rằng, để có bước đi hôm nay, có cơ ngơi bề thế hôm nay... là tâm huyết, mồ hôi và cả máu của biết bao người. Không bao giờ được sao nhãng, vô ơn, vô cảm.



Cán bộ, phóng viên Báo Nghệ An tìm hiểu mô hình trồng vải thiều ở Lục Ngạn (tỉnh Bắc Giang) năm 2002. Ảnh:Hữu Nghĩa

Tròn 3 năm với 1.095 ngày ở Báo, tôi đã cùng các đồng nghiệp khao khát, trăn trở, gắng gỏi, miệt mài đưa Báo nhích lên, nhích lên từng milimet, tìm vấn đề để thông tin, bàn luận, ngợi ca, tranh đấu; chăm chút từng tít bài, sửa chữa từng dấu chấm, phẩy, câu chữ; xê dịch, phóng ra, thu vào từng khuôn ảnh; tẩy xóa, cắt ghép từng tấm phim; ăn với nhau những bát mì tôm bên bàn làm việc khi đêm sắp chuyển sang ngày... rồi từ 4 kỳ/tuần lên 6 kỳ/tuần, ra thêm chuyên đề Nghệ An - Dân tộc, miền núi; xây dựng Quy chế hoạt động của Báo; xin chủ trương xây dựng Trụ sở làm việc mới; xây dựng Dự án Báo Nghệ An điện tử... Khoảng thời gian ấy, chút công sức và thành tích ấy, là bé nhỏ, khiêm nhường trong hành trình và di sản quý báu 50 năm xây dựng, phấn đấu, trưởng thành của Báo Nghệ An.

Nói về báo chí tỉnh ta hôm nay, có lẽ cần đặt ra câu hỏi: Trong đại gia đình hơn 730 cơ quan báo chí với trên 1.000 tờ báo, tạp chí, kênh sóng phát thanh, truyền hình, báo điện tử, nhất là so với báo chí của 63 tỉnh, thành cả nước, báo chí Nghệ An đang ở "top" nào, "ngồi" ở đâu, cao hay thấp? Hay như câu nói của Đặng Tiểu Bình đặt ra cho Trung Quốc lúc mới tiến hành cải cách mở cửa "lặng lẽ quan sát, giấu mình chờ thời, giỏi về phòng thủ, quyết không đi đầu..." ? Ta không ở tốp cuối, đương nhiên, nhưng cũng chưa lọt tới tốp đầu. Do vậy, nếu không chịu đổi mới, vươn lên, rất dễ tụt hậu, "lưu ban". Nếu nỗ lực đổi mới mạnh mẽ, vươn lên toàn diện, bước đi vững chắc theo hướng cách mạng, chính quy, chuyên nghiệp, hiện đại, báo chí tỉnh ta sẽ có thể bứt phá để chiếm vị trí xứng đáng trong làng báo cả nước.

Qua trải nghiệm của bản thân và chút kinh nghiệm góp nhặt được sau mấy năm vừa làm thợ, vừa làm thầy ở chốn "kinh thành", tôi xin mạnh dạn nêu một số gợi ý để Tỉnh ủy, UBND tỉnh, trực tiếp là Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở Thông tin và Truyền thông cùng Báo Nghệ An, Đài PTTH Nghệ An và các cơ quan báo chí khác của tỉnh (Lao động Nghệ An, Công an Nghệ An, Sông Lam, Văn hóa Nghệ An...) tham khảo.

Với công tác lãnh đạo, quản lý báo chí, quán triệt và thực hiện nghiêm túc quan điểm có tính nguyên tắc: Báo chí nước ta, tỉnh ta đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của Đảng, vừa là tiếng nói của Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp, vừa là diễn đàn của nhân dân; tích cực tuyên truyền chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, cổ vũ toàn Đảng, toàn dân thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Không ngừng đổi mới, nâng cao năng lực, bản lĩnh, chất lượng, hiệu quả công tác lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước đối với báo chí; đổi mới nội dung, tư duy, phong cách và phương thức lãnh đạo của Đảng đối với công tác báo chí.

Về đổi mới nội dung lãnh đạo, Đảng, trực tiếp là Tỉnh ủy, các cơ quan tham mưu cho Đảng về công tác báo chí (Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy) cần tích cực, chủ động, sắc bén, kịp thời trong việc dự báo, định hướng chính trị tư tưởng, nhất là đối với các vấn đề quan trọng, phức tạp, nhạy cảm trong đời sống xã hội.

Về mặt phương châm, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý báo chí (của tỉnh) phải đảm bảo tính khoa học, tính thuyết phục, có lý có tình, tránh áp đặt, mệnh lệnh, phải đạt tới sự tuân thủ một cách tự giác, triệt để của các cơ quan báo chí và những người làm báo.

Về phương thức, bên cạnh nhiều nghị quyết, chỉ thị, quy định quan trọng mà Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành như Chỉ thị 22-CT/TƯ, Thông báo kết luận 162-TB/TƯ, Chỉ thị 52-CT/TƯ, Thông báo kết luận 41-TB/TƯ, Thông báo kết luận 68-TB/TƯ, Quy định 75-QĐ/TƯ, Quy định 155-QĐ/TƯ, Quy định 157-QĐ/TƯ, đặc biệt là Nghị quyết Trung ương 5 (khóa X) về công tác tư tưởng, lý luận, báo chí trước yêu cầu mới; các nghị quyết, chỉ thị, quy định của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, cấp ủy và chính quyền cần tiếp tục xây dựng, bổ sung quy hoạch, quy định, chế độ, chính sách phát triển báo chí, truyền thông tỉnh từ nay đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Coi trọng việc xây dựng tổ chức Đảng trong cơ quan báo chí; đề cao vai trò đảng viên của người làm báo, nhất là người giữ cương vị lãnh đạo; trên cơ sở đó nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng hoạt động theo đúng tôn chỉ, mục đích, chức năng, nhiệm vụ của cơ quan báo chí và nhà báo. Nâng cao chất lượng tư tưởng, chính trị, văn hoá, khoa học, tính hấp dẫn của từng cơ quan báo chí.

Không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý báo chí; đào tạo phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí của tỉnh. Mở rộng nghiên cứu, trao đổi chuyên môn, nghiệp vụ, kinh nghiệm quản lý với các cơ quan báo chí bên ngoài, kể cả nước ngoài.

Nâng cao năng lực tham mưu, chỉ đạo, tăng cường sự phối hợp của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy với Sở Thông tin và Truyền thông và cơ quan chủ quản của báo chí (Liên đoàn Lao động tỉnh, Sở Công an, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội VHNT tỉnh...). Chú trọng cung cấp, định hướng thông tin, tạo điều kiện cho các văn phòng đại diện, phóng viên thường trú trên địa bàn; phối hợp xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật hoặc vi phạm đạo đức nghề nghiệp.

Nâng cao chất lượng nội dung, hình thức, khả năng chi phối thông tin của hai cơ quan báo chí chủ lực là Báo Nghệ An, Đài PTTH Nghệ An. Với Đài PTTH Nghệ An, trên cơ sở nâng cao chất lượng mọi mặt các chương trình, đưa sóng Đài Nghệ An qua vệ tinh thông tin, qua mạng Internet, đi đến nhiều nơi trong nước. Báo Nghệ An nên tính tới việc mở mấy điểm phát hành ở Hà Nội, Đà NΩng, Thành phố Hồ Chí Minh, phát huy hơn nữa tác dụng của Nghệ An điện tử.

Tăng cường cơ sở vật chất, kỹ thuật, điều kiện hoạt động cho các cơ quan báo chí. Nghiên cứu, đổi mới công nghệ, máy móc, thiết bị theo hướng hiện đại.

Đối với từng cơ quan báo chí của tỉnh, xây dựng chiến lược phát triển cho nhiều năm tiếp theo; bổ sung, hoàn thiện quy chế hoạt động của từng cơ quan báo chí. Coi trọng quy trình thẩm định, xử lý thông tin trước khi đưa lên trang báo, sóng phát thanh, truyền hình; cẩn trọng, sáng suốt trước các sự kiện, vấn đề nhạy cảm, phức tạp về đối nội, đối ngoại.

Bố trí cán bộ là đảng viên có bản lĩnh chính trị, năng lực chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp vào các vị trí quan trọng trong cơ quan báo chí như thư ký toà soạn, trưởng ban, trưởng phòng, trưởng chuyên trang, chuyên mục.

Phải biết làm báo chí thị trường đúng cách, chững chạc, tiến tới xóa bỏ bao cấp từ ngân sách Nhà nước. Nâng cao năng lực quản lý tài chính của cơ quan báo chí, nhất là các vấn đề dễ xẩy ra sơ suất, sai phạm như khai thác, quản lý nguồn tiền quảng cáo, tài trợ, lập dự toán và quản lý xây dựng cơ bản, mua sắm vật tư, máy móc, văn phòng phẩm, việc trích quỹ nhuận bút, việc chi lương, thưởng, làm thêm giờ, khấu hao tài sản cố định, trang bị phương tiện làm việc, chi tiền điện thoại, làm nghĩa vụ thuế với Nhà nước (thuế TNDN, thuế thu nhập cá nhân)...

Đi xa mà luôn canh cánh về quê, về người thân của mình, về bao kỷ niệm không thể nguôi ngoai. Ngày tôi xa Đài, rồi đến khi xa Báo, đến lần xa quê, mỗi lần ra đi là một lần nuối tiếc. Bao người thân yêu một thời đồng cam cộng khổ, bao dự định và nỗ lực còn dang dở...

"Lời quê chắp nhặt rông dài", chân thành gửi về quê, không ngoài ước mong: các cơ quan báo chí quê nhà ngày càng đổi mới và phát triển; chuyên nghiệp mà không mất đi sự chân chất, hồn hậu; chính quy mà vẫn tràn đầy tính đại chúng, thân thiện; hiện đại mà vẫn đậm đà bản sắc văn hóa xứ Nghệ; phải vừa đúng, vừa sắc sảo, hấp dẫn, đến được với nhiều người, được nhiều người đón nhận, ngợi khen.

TS. Nguyễn Thế Kỷ
Phó Trưởng ban Ban Tuyên giáo Trung ương,
Phó Chủ tịch Hội đồng lý luận, phê bình văn học-nghệ thuật TƯ,
nguyên Tổng Biên tập Báo Nghệ An

Đôi điều với báo chí quê nhà
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO