Đổi góc nhìn, chuyển số phận
(Baonghean.vn) - Chúng ta thường trói buộc mình bởi những định kiến tự tạo ra, rằng nếu đã thế này thì không thể thế khác, nếu mọi người đã công nhận khái niệm này thì ắt hẳn không thể định nghĩa khác đi. Song khi thay đổi góc nhìn, thế giới quen thuộc sẽ hiện ra dưới lăng kính hoàn toàn khác.
Những người làm việc trong lĩnh vực truyền thông - maketting chắc hẳn đều biết đến câu chuyện của Robert Taylor - một doanh nhân người Mỹ. Chuyện có nhiều dị bản, song có thể hình dung đại khái thế này:
Vào thập niên 70 của thế kỷ XX, cả thế giới vẫn chỉ biết đến 1 loại xà bông duy nhất là xà bông cục. Một ngày nọ, khi rửa tay, Robert Taylor bực dọc vì cục xà bông để lại vết bọt và lớp nhầy lem nhem trên kệ rửa mặt, hoàn toàn khác với hình ảnh sạch bong và thơm mát mà các công ty thường chụp ảnh quảng cáo. Ông cầm cục xà bông trên tay, vừa nhìn vừa ngẫm nghĩ: Mình có thể làm gì để nó tốt hơn? Nếu xà bông không ở thể rắn, mà là thể lỏng thì sao? Và… ơ-rê-ka, Robert Taylor nghĩ ra cách làm xà bông nước - tiền thân của các loại sữa tắm ngày nay, với chai đựng hình trụ và vòi nhấn tiện lợi, đảm bảo sạch sẽ, gọn gàng, tiết kiệm khi sử dụng. Lúc bấy giờ, xà bông nước của Minnetonka - công ty nhỏ của Robert Taylor nhanh chóng chiếm lĩnh thị phần hoá mỹ phẩm của nước Mỹ nói riêng và thế giới nói chung với sáng kiến đột phá ấy.
Một câu chuyện khác, về George de Mestral - một kỹ sư người Thuỵ Sĩ, nhận thấy việc kéo khoá phéc mơ tuya - vật liệu may mặc thông dụng thời điểm đó - trên một số thiết kế quần áo hoặc giày dép có vẻ hơi bất tiện. Ngày nọ, khi đi dạo trong rừng, ông cúi người xuống gỡ những quả gai bám dính vào ống quần.
Sau nhiều lần như vậy, George cầm vài quả gai trên tay, giơ chúng lên dưới ánh mặt trời và nhìn kỹ, ông chợt nhận ra: thiên nhiên kỳ diệu đã kiến tạo cho quả gai nhỏ bé một tỉ lệ các móc gai đồng đều tuyệt đối, với chất liệu thô nhám có khả năng bám chắc chắn. Vội vàng chạy về nhà, George de Mestral lấy kính hiển vi soi tỉ mỉ, rồi quyết định tập trung nghiên cứu và chế tạo ra loại vật liệu thay thế phéc mơ tuya - chính là băng dính nhám thông dụng ngày nay. George de Mestral sau đó cũng gia nhập hàng ngũ tỷ phú từ chiếc băng dính nhám nhỏ bé ấy.
Chúng ta thấy gì qua câu chuyện của Robert Taylor và George de Mestral? Đó là họ đã thay đổi góc nhìn, qua đó biến chuyển cả số phận. Ai đó đã từng nói, đại ý: Những bộ óc nhỏ bé quan tâm đến những điều phi thường, những bộ óc vĩ đại thì quan tâm những điều bình thường. Robert và George đã thực hành tương tự: Nhìn những điều bình dị trước mắt, song nhìn để tìm ra điều khác biệt.
Chúng ta thường trói buộc mình bởi những định kiến tự tạo ra, rằng nếu đã thế này thì không thể thế khác, nếu mọi người đã công nhận khái niệm này thì ắt hẳn không thể định nghĩa khác đi. Con người cũng thường vô thức chối bỏ những gì không quen thuộc. Điều đó giới hạn trí tưởng tượng, năng lực sáng tạo và thôi thúc cải biến xã hội. Song, khi thay đổi góc nhìn, thế giới quen thuộc sẽ hiện ra dưới lăng kính hoàn toàn khác. Thay đổi góc nhìn có thể dẫn đến những phát hiện, sáng kiến đột phá trong công việc - như Robert Taylor và George de Mestral; tìm thấy những cơ hội rộng mở trong cuộc sống; giải thoát bản thân khỏi mớ bòng bong hoài nghi và đoán định; thậm chí với nhiều người, thay đổi góc nhìn giúp họ tìm ra những năng lực tiềm ẩn của bản thân, qua đó biến chuyển cả số phận.
Chúng ta thường khen giới trẻ ngày nay có những góc nhìn thật mới lạ. Ấy là bởi góc nhìn thường gắn liền với sự cá tính. Họ không nhìn đời bằng góc nhìn của thiên hạ. Và bí quyết của người thành công là nghĩ về những điều mà người khác không nghĩ đến. Vậy phải làm gì để có được góc nhìn khác, suy nghĩ khác? Trước hết là dũng cảm rời bỏ những điều được cho là chắc chắn và nguyên tắc có sẵn. Bởi cuộc sống luôn phát triển, tri thức không ngừng tăng cao, không có gì là chắc chắn mãi mãi. Những ưu điểm của hôm qua có thể là nhược điểm của hôm nay. Những nguyên tắc có thể giúp ta có dễ dàng tiến hành công việc nhưng cũng giới hạn tầm nhìn. Cuối cùng, nhắc lại lời khuyên của James Allen - tác giả cuốn sách nổi tiếng “Khi người ta tư duy”: Nơi bạn đang đứng hôm nay hay ngày mai đều do chính suy nghĩ của bạn dẫn đường!