Đội hình 11 cầu thủ tài năng Sông Lam Nghệ An ‘sớm nở tối tàn’
(Baonghean.vn) - Hàng chục năm qua, nhiều cầu thủ tài năng của xứ Nghệ đã vươn lên trở thành những cầu thủ lớn của bóng đá Việt Nam, thành đạt, nổi tiếng và thậm chí là giàu có. Tuy nhiên, môi trường bóng đá không chỉ toàn màu hồng như vậy, vẫn có nhiều ngôi sao sớm nở rộ, nhưng cũng chóng lụi tàn.
Thủ môn: Phạm Đức Anh
Cùng lứa với các cầu thủ Văn Quyến, Minh Đức gây tiếng vang tại VCK U16 châu Á 2000, thủ môn Phạm Đức Anh có một xuất phát điểm rất tốt. Khi được lên thi đấu chuyên nghiệp, Đức Anh phải thi đấu cho Huế theo dạng biệt phái. Phải đến giai đoạn 2007-2008, Đức Anh mới được thi đấu cho đội bóng quê nhà.
Đã có thời điểm Đức Anh được gọi lên ĐT U23 Việt Nam nhưng không được giữ lại vì gặp vấn đề về sức khỏe. Đến V.League 2009, anh thi đấu trở lại nhưng gặp chấn thương rất nặng. Cái tên Phạm Đức Anh gần như bị lãng quên và lần gần nhất thủ môn thi đấu là trong màu áo Đồng Tháp tại V.League 2016.
Lứa cầu thủ U16 Việt Nam năm 2000 với nhiều cầu thủ trẻ SLNA. Ảnh: Quang Minh |
Hậu vệ cánh: Nguyễn Lâm Tấn - Phạm Hải Nam
Cũng là một gương mặt khác nổi lên từ VCK U16 châu Á là Nguyễn Lâm Tấn. Nhờ có thể hình lý tưởng, lối chơi kỹ thuật, tốc độ, hậu vệ cánh trái này được HLV Nguyễn Thành Vinh đôn lên tham dự V.League 2001 khi mới 17 tuổi. Chỉ sau 1 năm thi đấu đỉnh cao, Lâm Tấn chứng minh anh là một hậu vệ cánh đầy triển vọng mỗi khi được ra sân thay đàn anh Văn Sỹ Sơn.
Và năm đó Lâm Tấn được HLV Alfred Rield gọi vào đội tuyển U23 Việt Nam thi đấu ở SEA Games. Tuy nhiên, sau đó những chấn thương dai dẳng, không được chữa trị một cách dứt khoát đã khiến sự nghiệp của Lâm Tấn bị đứt đoạn. Năm 2010, Lâm Tấn chính thức giải nghệ, khép lại sự nghiệp chơi bóng đỉnh cao khá mờ nhạt.
Cựu hậu vệ Nguyễn Lâm Tấn. Ảnh: ST |
Ở cánh còn lại, Phạm Hải Nam có mặt trong đội hình chính U16 SLNA cùng với những Văn Quyến, Như Thuật, Minh Đức vô địch năm 1998. Ở tuổi 20, Hải Nam đã có các danh hiệu vô địch U16 và U18 toàn quốc, 2 HCV giải U21 năm 2000 và 2001. Hậu vệ cánh phải SLNA còn khoác áo U20 Việt Nam tham dự vòng chung kết châu Á tháng 10 năm ngoái và dự SEA Games 22 năm 2003.
Trong màu áo SLNA, Phạm Hải Nam rất được kỳ vọng nhưng sự khắc nghiệt của môi trường đỉnh cao và những chấn thương đã khiến Phạm Hải Nam phải sớm nói lời chia tay bóng đá. Sau một thời gian thi đấu phong trào, Hải Nam hiện đang làm công tác đào tạo trẻ tại CLB Hà Nội.
Trung vệ: Nguyễn Ngọc Tú
Rất khó để tìm ra một trung vệ tài năng SLNA nào mà không để lại những dấu ấn nhất định trong môi trường chuyên nghiệp, bởi lò đào tạo xứ Nghệ luôn sản sinh ra những hậu vệ hàng đầu cho bóng đá Việt Nam. Trường hợp của Nguyễn Ngọc Tú có lẽ là đáng tiếc hơn cả. Sinh năm 1982, Ngọc Tú và Minh Đức là cặp trung vệ vô địch U16 toàn quốc năm 1998, cùng Huy Hoàng vô địch U18 toàn quốc 1999.
Năm 2001, thế hệ của Ngọc Tú, Minh Đức được tham dự VCK U21 để cọ xát và đến năm 2003 sau những thành công liên tiếp, được lên đội 1 SLNA thì anh chính là thủ quân đội bóng trẻ xứ Nghệ giành HCB. Tuy nhiên, vì không thể cạnh tranh được với cặp Huy Hoàng – Minh Đức tại V.League, Ngọc Tú phải đầu quân cho CLB Hòa Phát năm 2006 và sự nghiệp dần đi xuống tại đây.
Tiền vệ trung tâm: Phan Như Thuật - Nguyễn Công Minh
Ở vị trí tiền vệ trung tâm, Phan Như Thuật là điển hình cho một bông “hoa phù dung” sớm nở, chóng tàn. Tài năng của Như Thuật đi liền với thành công của lứa U14 SLNA năm 1998, lứa U16 Việt Nam năm 2000. Năm 2001, tiền vệ sinh năm 1984 đã được ông Dido - HLV ĐTQG điền tên vào danh sách chính thức dự SEA Games.
Năm 2003, Như Thuật thi đấu ấn tượng tại JVC Cup và tiếp tục góp mặt trong danh sách dự SEA Games trên sân nhà. Tuy nhiên, vì điểm yếu về thể hình, khả năng cạnh tranh cao tại SLNA, Như Thuật từng phải dạt vào Bình Định đầu quân năm 2011. Anh hiện đang làm HLV phó cho đàn anh Ngô Quang Trường.
Tiền vệ Phan Như Thuật ở tuổi 16 tại VCK U16 châu Á 2000. Ảnh TL: Quang Minh |
Ngoài những cái tên trước đây như Phan Thanh Tuấn, Lê Mạnh Huy, một tiền vệ trung tâm khác cũng rất tài năng nhưng rất lận đận là Nguyễn Công Minh. Ở tuổi 22 tuổi, Công Minh thi đấu nổi bật trong màu áo SLNA, chững chạc và luôn có suất cứng ở U23 Việt Nam trong hành trình giành HCB tại SEA Game 25.
Tuy nhiên, điều kiện kinh tế khó khăn và y tế chưa phát triển, chấn thương của Công Minh trở nên dai dẳng suốt 6 năm và khiến anh đánh mất phong độ. Gia nhập Hà Nội ACB, Quảng Nam, Hải Phòng rồi đội bóng hạng Nhất là Đắk Lắk nhưng cuối cùng Công Minh giải nghệ năm 2016.
Tiền vệ cánh: Trương Đắc Khánh - Hà Mai Giang
Ở vị trí tiền vệ trái hoặc hậu vệ cánh, Đắc Khánh là tài năng mà HLV Hữu Thắng từng rất tiếc nuối. Sinh năm 1988, Đắc Khánh được lên đội 1 SLNA năm 2006 và đến năm 2008, anh có mặt trong đội hình U20 Việt Nam. Năm 2009, anh trở về sau khi khoác áo Ninh Bình và thi đấu cực kỳ ấn tượng.
Cầu thủ có thể lực sung mãn, chân trái điệu nghệ, chơi kỹ thuật và không kém phần máu lửa này được HLV Calisto gọi vào ĐT U23 và Olympic Việt Nam năm 2009. Tuy nhiên, vì vướng vào những trò may rủi, đỏ đen bên ngoài sân cỏ, Đắc Khánh sa ngã, nhiều lần được HLV Hữu Thắng “bảo lãnh” và uốn nắn nhưng đành bất lực, anh bị SLNA thanh lý hợp đồng vào năm 2012.
Cầu thủ Trương Đắc Khánh. Ảnh: SLNA FC |
Vị trí tiền vệ phải, tiền vệ Hà Mai Giang được xem là cầu thủ để lại nhiều tiếc nuối và nỗi đau cho người hâm mộ xứ Nghệ bởi sự ra đi của anh. Sau chức vô địch U21 toàn quốc năm 2000, anh tiếp tục cùng U21 SLNA bảo vệ thành công danh hiệu này năm 2001 trên cương vị đội trưởng, cầu thủ xuất sắc nhất.
Với dáng vẻ thư sinh, lãng tử cùng lối đá thông minh và hào hoa, Hà Mai Giang đã khiến người xem mê hoặc ngay cả khi lên chơi chuyên nghiệp. Đáng tiếc, tháng 1/2004, anh gặp tai nạn giao thông và ra đi ở tuổi 25, để lại niềm tiếc thương cho đồng đội, người thân và các CĐV xứ Nghệ.
Tiền đạo: Phan Thanh Hoàn - Nguyễn Đình Hiệp - Nguyễn Ngọc Anh
Ở vị trí tiền đạo, Phan Thanh Hoàn là trường hợp để lại nhiều tiếc nuối nhất. Anh là cầu thủ trẻ xuất sắc nhiều năm liên tục của đội bóng xứ Nghệ, vô địch U16 toàn quốc, vô địch U18 toàn quốc năm 1999, góp mặt tại ĐT U18 Việt Nam, U23 Việt Nam, 3 năm liên tiếp vô địch U21 toàn quốc và nhiều lần đoạt danh hiệu “Cầu thủ xuất sắc nhất”, “Vua phá lưới”. Tuy nhiên, ở sân chơi chuyên nghiệp, Phan Thanh Hoàn bị tụt lại phía sau so với tài năng của mình.
Cựu tiền đạo Nguyễn Đình Hiệp (23). Ảnh: NVCC |
Một tiền đạo khác cũng được xếp vào diện “sớm nở, tối tàn” là Nguyễn Đình Hiệp. Anh sinh năm 1990, nổi lên từ VCK U21 QG năm 2007 khi mới 17 tuổi. Tại giải đấu đó, Nguyễn Đình Hiệp đã giành danh hiệu “Cầu thủ xuất sắc nhất giải”, dù U21 SLNA chỉ về đích ở vị trí thứ 2. Anh được đánh giá là cầu thủ trẻ triển vọng nhất của đội bóng xứ Nghệ giai đoạn đó, nhưng khi lên đội 1, Đình Hiệp không cạnh tranh được vị trí. Lần lượt khoác áo Khánh Hòa, Tây Ninh, Đồng Nai, B.Bình Dương, Long An, Hải Phòng và Đình Hiệp giải nghệ trong màu áo CLB Long An.
Tiền đạo Nguyễn Ngọc Anh có lẽ là một trường hợp đặc biệt của SLNA với chiều cao lên đến 1m80. Sinh năm 1988, Ngọc Anh chơi đầy ấn tượng dưới thời HLV Nguyễn Văn Thịnh tại V.League 2009 và được gọi vào ĐT U23 Việt Nam giành HCB SEA Games 25 cũng như ĐTQG. Tuy nhiên, sau khi rời xứ Nghệ, Ngọc Anh từng khoác áo XT Sài Gòn, Đồng Nai, CLB TP.HCM và Đồng Tháp nhưng không mấy thành công.
Đội hình 11 cầu thủ tài năng SLNA để lại nhiều tiếc nuối nhất. Đồ họa: TK |
Đội hình 11 cầu thủ SLNA được yêu thích nhất trong 20 năm qua (Baonghean.vn) - Tròn 20 năm kể từ chức vô địch V.League lần đầu tiên năm 2000 và gần 10 năm sau chức vô địch V.League 2011, các cổ động viên xứ Nghệ đã chọn ra 11 cầu thủ được yêu thích nhất. Tiền vệ Phan Văn Đức cũng vinh dự được góp mặt trong đội hình đặc biệt này.