Đội hộ tống 'bất khả chiến bại' quanh tàu sân bay Mỹ

Trí Dũng 06/03/2018 17:05

Đội hình hộ tống trong nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ có thể phát hiện và đối phó mọi mối đe dọa trên không, trên biển và dưới nước.

Một nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ hoạt động trên biển. Ảnh: US Navy

Tàu sân bay USS Carl Vinson của hải quân Mỹ đang có chuyến thăm lịch sử đến Đà Nẵng, với sự hộ tống của tàu tuần dương Lake Champlain và khu trục hạm Wayne E. Meyer. Những chiếc tàu sân bay có giá gần 5 tỷ USD như Carl Vinson là tài sản có giá trị chiến lược rất lớn của hải quân Mỹ, khiến nó luôn được bảo vệ bằng những hệ thống hiện đại nhất.

Về lý thuyết, tàu sân bay có thể bị tấn công từ mọi hướng. Kẻ địch có thể sử dụng tàu chiến trang bị pháo tầm xa hoặc tên lửa hành trình để nã vào tàu sân bay trên mặt biển. Dưới mặt nước, kẻ thù có thể dùng tàu ngầm, ngư lôi và thủy lôi tập kích tàu sân bay. Trên không, các loại máy bay ném bom và tên lửa đạn đạo là mối đe dọa lớn nhất.

Bởi vậy, các chiến hạm hộ tống trong cụm tác chiến tàu sân bay có trách nhiệm lớn nhất là bảo vệ "pháo đài nổi" ở trung tâm của đội hình.

Nhóm tác chiến tàu sân bay

Các nhóm tác chiến tàu sân bay được hải quân Mỹ thành lập như một nền tảng cần thiết để thực hiện nhiệm vụ và số lượng, chủng loại tàu được biên chế vào nhóm thay đổi tùy theo yêu cầu tình hình. Quy mô các nhóm tác chiến tàu sân bay có thể khác nhau theo từng giai đoạn, nhưng một nhóm điển hình sẽ gồm một tàu sân bay cùng 8 tàu hộ tống.

Trong 8 tàu hộ tống, hai tuần dương hạm tên lửa dẫn đường đảm nhiệm vai trò tấn công, bởi chúng thường được trang bị tên lửa hành trình độ chính xác cao như Tomahawk để tấn công các mục tiêu tầm xa trên đất liền. Đòn tấn công này thường được thực hiện ở giai đoạn đầu của cuộc chiến, nhằm dùng tên lửa "làm mềm" các mục tiêu và vô hiệu hóa hệ thống phòng không đối phương, tạo điều kiện cho tiêm kích trên tàu sân bay thực hiện nhiệm vụ.

Hai tàu khu trục trong đội hình sẽ đảm nhận nhiệm vụ phòng thủ. Chúng được trang bị các hệ thống cảm biến hiện đại, chẳng hạn như hệ thống tác chiến Aegis có thể phát hiện và vô hiệu hóa tên lửa đối phương, cùng hệ thống thủy âm và ngư lôi để diệt tàu ngầm địch.

Tàu khu trục Mỹ phóng tên lửa đánh chặn SM-3. Ảnh: US Navy

Nhiệm vụ chống ngầm chính trong nhóm tác chiến được giao cho một tàu hộ vệ trong đội hình. Ngoài ra, nhiệm vụ này còn được chia sẻ với hai tàu ngầm trong nhóm, thường là các tàu ngầm tấn công hạt nhân có tầm hoạt động xa. Đây là những tàu ngầm có nhiệm vụ phòng thủ, bảo vệ tàu sân bay trước mối đe dọa từ tàu ngầm và tàu nổi đối phương.

Đi theo sau đội hình nhóm tác chiến tàu sân bay thường là một tàu hậu cần mang theo nhiên liệu, thực phẩm và đạn dược để sẵn sàng tiếp tế cho các tàu trong nhóm khi cần thiết.

Ngoài ra, tùy từng nhiệm vụ cụ thể sẽ có thêm một số tàu đi theo nhóm tác chiến này, chẳng hạn như tàu chở quân, tàu đổ bộ của thủy quân lục chiến, tàu vận tải chở xe tăng và trang bị quân sự, tàu quét mìn…

Quá trình tác chiến

Khi một nhóm tác chiến tàu sân bay bắt đầu rời cảng nhà, toàn bộ 9-10 tàu chiến trong nhóm cùng khoảng 80 máy bay và gần 8.000 thủy thủ, phi công, binh sĩ được đặt trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu cao. Mục tiêu của họ trong mỗi lần xuất phát là hoàn thành nhiệm vụ được giao và bảo vệ nhóm tác chiến tàu sân bay trước bất cứ hình thức tấn công nào của kẻ thù.

Nhiệm vụ tác chiến tấn công chính được giao cho không đoàn trên tàu sân bay. Mỗi không đoàn được biên chế cho một tàu sân bay thường bao gồm 9 phi đoàn, với tổng cộng 70-80 máy bay các loại.

Đóng vai trò chủ lực trong không đoàn là các tiêm kích hạm F/A-18 Hornet và F/A-18 E/F Super Hornet. Đây đều là các loại chiến đấu cơ đa nhiệm có độ tin cậy và linh hoạt cao, rất phù hợp để hoạt động trên tàu sân bay. Trong các chiến dịch không kích, các tiêm kích này có thể cất cánh liên tục để tiêu diệt máy bay đối phương cũng như ném bom các mục tiêu mặt đất, hỗ trợ chiến dịch của bộ binh.

Hỗ trợ cho hoạt động của tàu sân bay là máy bay cảnh báo sớm E-2 C/D Hawkeye với hệ thống radar lớn rất nổi bật trên thân. Các cảm biến hiện đại trên E-2 C/D Hawkeye có thể phát hiện mối đe dọa từ xa, đồng thời nắm bắt mọi hoạt động của đối phương và cung cấp thông tin cập nhật cho các chiến đấu cơ thông qua kênh liên kết dữ liệu bảo mật.

Máy bay cảnh báo sớm E-2C Hawkeye trên tàu sân bay USS Carl Vinson neo đậu ở Đà Nẵng. Ảnh: Nguyễn Đông

Bảo vệ tàu sân bay là hoạt động được thực hiện 24/7. Các kíp trực trong nhóm tác chiến tàu sân bay luôn phải đề cao cảnh giác trước các mối đe dọa đến từ trên không, trên mặt biển và dưới nước.

Để giúp tàu sân bay tăng cường khả năng phòng thủ, máy bay Hawkeye thường xuất kích và bay thấp, sử dụng radar tầm xa quét các khu vực rộng lớn trên mặt biển, giúp sĩ quan chỉ huy trên tàu sân bay biết được các loại máy bay, tàu thuyền đang tiến tới từ ngoài đường chân trời.

Khi đối mặt với kẻ địch trang bị tàu ngầm hiện đại, các máy bay S-3B Viking và trực thăng SH-60 Seahawk trong không đoàn tàu sân bay sẽ được lệnh xuất kích để săn tìm và tiêu diệt tàu ngầm. Trong khi đó, máy bay tấn công điện tử E/A-18G Growler có chức năng gây nhiễu radar đối phương và chặn mọi thông tin liên lạc của địch trên chiến trường.

Các tàu khu trục và tàu hộ tống sẽ sử dụng thiết bị thủy âm và cảm biến từ trường để liên tục tìm kiếm tàu ngầm địch trong lòng biển. Mục đích của các hoạt động này là nhằm tạo ra một "bong bóng" khép kín xung quanh tàu sân bay để không một "vật thể lạ" nào được phép lọt vào bong bóng đó khi chưa được phép.

Giới chuyên gia phân tích quân sự cho rằng với chiến thuật "nhóm tác chiến" này, tàu sân bay Mỹ có thể đối phó với bất cứ mối đe dọa nào trên chiến trường hiện đại ngày nay, giúp nó tiếp tục phát huy sức mạnh "bất khả chiến bại" trên biển.

Theo vnexpress.net
Copy Link

Mới nhất

x
Đội hộ tống 'bất khả chiến bại' quanh tàu sân bay Mỹ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO