Đổi mới để phát triển
(Baonghean) - Bắt đầu từ 2 HTX được thành lập tại xã Châu Kim và Quang Tường (xã Tiền Phong) nhằm cung ứng phân nén cho bà con bón lúa, đến nay, sau hơn 2 năm ở Quế Phong đã có 14 HTX ra đời; lĩnh vực hoạt động không chỉ là cung cấp vật tư nông nghiệp mà còn hỗ trợ các mô hình cây, con theo tiêu chí Nông thôn mới. Việc các HTX dịch vụ nông nghiệp ra đời là bước đi đầu tiên để hướng dẫn bà con nông dân thay đổi thói quen canh tác, sản xuất, từ đó chuyển dịch cơ cấu cây trồng. Tuy nhiên, hoạt động của các HTX đang bộc lộ một số hạn chế cần tháo gỡ...
Nhận rõ vai trò, tác động của kinh tế hợp tác và HTX đối với chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn và nông dân là rất quan trọng trong việc hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, tháng 7 năm 2011, huyện Quế Phong ban hành Nghị quyết số 06/NQ về phát triển kinh tế hợp tác và kinh tế trang trại giai đoạn 2011-2015. Theo đó, huyện để ra chỉ tiêu phấn đấu đến năm 2015, 14/14 xã, thị trấn đều có thành phần kinh tế hợp tác và HTX. Sau hơn 2 năm triển khai, Quế Phong đã thành lập được 14 HTX, bước đầu các HTX đã phát huy được vai trò là bà đỡ của bà con dân bản, trong xây dựng một số mô hình cây, con hiệu quả. Tuy nhiên, hoạt động các HTX đang bộc lộ một số hạn chế, tồn tại.
Xã viên HTX Châu Kim sản xuất thêm mặt hàng gạch bê tông không nung |
HTX Châu Kim, một trong những HTX ra đời đầu tiên và làm ăn có lãi trên địa bàn huyện, ông Hà Minh Tuấn - Phó Chủ tịch UBND xã Châu Kim, đồng thời là “sáng lập viên” của HTX này cho biết: Là 1 trong 2 HTX kiểu mới được thành lập sớm nhất theo tinh thần Nghị quyết số 06 của BCH Đảng bộ huyện nên quá trình hoạt động có nhiều thuận lợi. Ngay sau khi thành lập, HTX được hỗ trợ 1 máy sản xuất phân nén và có cơ chế cho HTX ứng nguyên liệu đầu vào sản xuất phân nén nên tạo ra hiệu ứng rất tích cực, tạo tin tưởng trong xã viên HTX cũng như bà con nhân dân. Năm đầu tiên mặc dù hoạt động từ tháng 6 nhưng HTX đã sản xuất và cung ứng được trên 20 tấn phân dúi cho bà con, doanh thu đạt 80 triệu đồng. Năm thứ 2 HTX sản xuất được 16 tấn. Tuy nhiên, từ đầu năm 2013 đến nay do nguồn hỗ trợ phân dúi không còn, người dân không tự mua nên HTX chỉ sản xuất cầm chừng và bán được 6,4 tấn. Để duy trì sự tồn tại, HTX phải làm dịch vụ tổng hợp, từ nuôi hươu lấy lộc, chăm sóc gà và lợn giống cho chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn cho đến sản xuất gạch không nung…
Tại HTX Quang Tường (xã Tiền Phong), mặc dù có cách đi riêng song cũng đang trong hoàn cảnh tương tự. Thật bất ngờ là khi xuống các HTX, dù đã hẹn trước nhưng nhà xưởng, văn phòng HTX vắng hoe; công cụ sản xuất chủ yếu là máy sản xuất phân nén đang nằm yên dưới gầm cầu thang nhà sàn. Ông Lang Văn Quang, Chủ nhiệm HTX Quang Tường chia sẻ: Do HTX chỉ sản xuất mặt hàng phân nén nên hoạt động theo mùa vụ mỗi năm 2 vụ, mỗi vụ chỉ 20 ngày; bình thường hết vụ sản xuất thì phải “giải tán” để làm việc khác. Tình trạng tương tự cũng xảy ra ở HTX Châu Kim, khi chúng tôi đến chỉ còn hoạt động sản xuất gạch bê tông, còn 2 máy sản xuất phân dúi thì nằm chỏng chơ. Chủ nhiệm HTX Vi Văn Nhất cho biết: Từ khi hết chính sách hỗ trợ, phân dúi sản xuất ra không có người mua. Vì không có tiền vốn và kho bãi bảo quản nên chỉ khi nào có nhu cầu thì HTX mới nhập nguyên liệu về để sản xuất…
Máy sản xuất phân dúi để ngay dưới gầm nhà sàn của Chủ nhiệm HTX Quang Tường. |
Một hạn chế nữa mà qua tiếp xúc chúng tôi nhận thấy, các HTX trên ở Quế Phong được thành lập theo mô hình mới nhưng dường như đang trông chờ quá lớn vào chính sách của Nhà nước và chưa thật sự chủ động, linh hoạt trong làm ăn. Ở chiều ngược lại, chính quyền các địa phương mặc dù có quan tâm hỗ trợ ban đầu nhưng chưa thực sự sâu sát, tin tưởng và tạo điều kiện để HTX có thêm việc làm và phát triển. Một số xã mặc dù đã có HTX dịch vụ nhưng chính quyền vẫn đứng ra làm các dịch vụ tiêm phòng, thuốc bảo vệ thực vật, sửa chữa các công trình thủy lợi khiến HTX thì không có việc mà chính quyền thì làm sai chức năng…
Để các hợp tác xã đổi mới, phát triển, Quế Phong cần quan tâm hỗ trợ bằng cách phân cấp, giao cho HTX đảm nhận một số dịch vụ liên quan đến nông nghiệp, nông thôn và nông dân. Bên cạnh đó, cần tháo gỡ khó khăn cho các HTX về vốn. Đặc thù của kinh doanh dịch vụ vật tư nông nghiệp là phải ứng trước cho bà con sản xuất, cuối vụ hoặc có chính sách hỗ trợ thì mới được thanh toán nên cần vốn lớn. Tuy nhiên, đây lại là điểm yếu nhất của các HTX ở Quế Phong khi HTX Châu Kim vốn chưa đến 100 triệu đồng; HTX Quang Tường có 250 triệu đồng.
Theo các chủ nhiệm HTX, để hoạt động được mỗi HTX như Quang Tường, Châu Kim cần khoảng 1 tỷ đồng. Ban Chủ nhiệm HTX đã lần lượt “gõ cửa” nhiều ngân hàng nhưng đều bị từ chối vì không tin tưởng và không có gì đảm bảo. Ngoài ra, cần hỗ trợ kinh phí cho các HTX, giúp đỡ về thủ tục để HTX đăng ký nhãn hiệu sản phẩm, bao bì theo chính sách của tỉnh, huyện. Về phía HTX, bên cạnh xác định sản phẩm, cây con chủ lực là thế mạnh của mình tại địa bàn thì phải đa dạng hóa ngành nghề dịch vụ; chủ động hơn trong tìm kiếm thị trường để tạo việc làm cho xã viên và chỗ dựa cho bà con nông dân.
Nguyễn Hải