Đổi mới lãnh đạo của tổ chức Đảng trong phát triển nông nghiệp, nông thôn

Phùng Thành Vinh - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 23/01/2023 15:08

(Baonghean.vn) - Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nghệ An đã  phấn đấu đạt kết quả khá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng, thực hiện thành công các nhiệm vụ kế hoạch của tỉnh; đảm bảo và nâng cao đời sống dân cư nông thôn, an sinh xã hội.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận Cờ Thi đua của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trao tặng. Ảnh tư liệu: P.H

Thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị

Năm 2022, ngành Nông nghiệp và PTNT Nghệ An đạt nhiều kết quả quan trọng: Giá trị tổng sản phẩm toàn ngành ước đạt 20.385 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng ước đạt 4,78%/KH 4,5-5%. Trong đó: Nông nghiệp: 4,16%; lâm nghiệp: 9,07%; ngư nghiệp: 5,22%; số xã đạt chuẩn nông thôn mới 10/KH10 xã, lũy kế đến 31/12/2022 là 309/411 xã, đạt 75,18% hoàn thành vượt mức mục tiêu; 9 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ, đạt chuẩn NTM (năm 2022, có 2 huyện Đô Lương và Diễn Châu đăng ký đạt chuẩn NTM cấp huyện); tỷ lệ số dân nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh (theo tiêu chuẩn 2570/QĐ-BNN) đạt 87/KH87%; tỷ lệ che phủ rừng đạt 58,41/KH58%.

Cơ cấu kinh tế nội ngành tiếp tục chuyển dịch: Nông nghiệp: 77,52%, lâm nghiệp: 6,18%, ngư nghiệp: 16,30%. Tỷ trọng chăn nuôi trong nông nghiệp ước đạt 47,94%.

Thăm mô hình áp dụng công nghệ mới ở trang trại Đồi Chồi, huyện Đô Lương. Ảnh: P.V

Đạt được kết quả đó, Đảng bộ Sở Nông nghiệp và PTNT đã tập trung lãnh đạo cán bộ, công chức, viên chức không ngừng nâng cao chất lượng tham mưu như: Tham mưu quan điểm, định hướng, mục tiêu và giải pháp phát triển nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2021-2030; Triển khai kế hoạch cơ cấu lại ngành Nông nghiệp; Công tác quy hoạch ngành, tích hợp vào quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2021-2030; Tham mưu UBND tỉnh ban hành các nhiệm vụ, văn bản quy phạm pháp luật; Triển khai xây dựng Khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao vùng Bắc Trung Bộ...

Năm 2022, Đảng bộ Sở Nông nghiệp và PTNT có 4/17 tổ chức Đảng trực thuộc hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; 12/17 tổ chức Đảng hoàn thành tốt nhiệm vụ và 1/17 tổ chức Đảng hoàn thành nhiệm vụ. Có 9/40 chi bộ (trực thuộc các đảng bộ bộ phận) hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, 30/40 chi bộ hoàn thành tốt nhiệm vụ và 1/40 chi bộ hoàn thành nhiệm vụ.

Năm 2022, Đảng bộ Sở đã tập trung lãnh đạo xây dựng tổ chức Đảng và hệ thống chính trị, trong đó, chú trọng lãnh đạo công tác chính trị tư tưởng và công tác tổ chức, cán bộ; công tác kiểm tra, giám sát; công tác hành chính đảng; xây dựng cơ quan và các đoàn thể chính trị - xã hội; nhân rộng những điểm, mô hình mới... Đặc biệt, đã lãnh đạo khắc phục kịp thời những hạn chế, khuyết điểm… từ đó phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị.

Đẩy mạnh cải cách hành chính và chuyển đổi số

Thời gian qua, Đảng ủy Sở Nông nghiệp và PTNT đã lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ và quyết liệt các văn bản của Đảng ủy cấp trên: Nghị quyết 05-NQ/TU của Tỉnh ủy, Nghị quyết 02-NQ/ĐUK của Đảng ủy Khối, Kế hoạch số 20-KH/ĐU của Đảng ủy Sở; Chương trình CCHC Nhà nước giai đoạn 2021-2030; Đề án số 04- ĐA/TU của Tỉnh ủy. Nhất là tăng cường lãnh đạo đẩy mạnh thực hiện tốt công tác cải cách hành chính trên các mặt, cải cách thể chế, ứng dụng công nghệ thông tin trong thực thi công vụ, đã tham mưu, ban hành nhiều văn bản để triển khai, thực hiện đồng bộ công tác CCHC liên quan đến Nông nghiệp và PTNT...

Nhờ đó, đến nay đã có 112 thủ tục hành chính (TTHC) thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Nông nghiệp và PTNT; 79/112 TTHC có thể nộp hồ sơ trực tuyến toàn trình (trong năm 2022, có 29 TTHC có phát sinh nộp trực tuyến); 27/112 TTHC được cắt giảm thời gian so với quy định.

Mặt khác, tất cả các hồ sơ TTHC của tổ chức, công dân đã được số hóa đưa lên hệ thống dịch vụ công và gửi về các phòng, đơn vị trong ngành để giải quyết đã giúp giảm thời gian, đi lại việc gửi hồ sơ, nhận kết quả; tăng tính công khai, minh bạch của TTHC; nâng cao trách nhiệm, trình độ chuyên môn và kiến thức về công nghệ thông tin của cán bộ, công chức được phân công xử lý hồ sơ TTHC đồng thời, có thể theo dõi, giám sát được tình trạng giải quyết hồ sơ.

Ngoài ra, ứng dụng phần mềm, ký số trong công tác chỉ đạo, điều hành đã mang lại nhiều lợi ích rõ nét cho cơ quan Sở và các đơn vị trong ngành, như: Giảm thiểu tối đa thời gian gửi, nhận văn bản; việc chuyển tài liệu, hồ sơ đã ký được tiện lợi, nhanh chóng qua mạng internet; không phải in ấn các văn bản, hồ sơ tài liệu; việc ký các văn bản điện tử có thể diễn ra ở bất kỳ đâu, bất kỳ thời gian nào, tiết kiệm chi phí hành chính. Đây cũng là cơ sở để ngành tiếp tục tạo bước đột phá trong CCHC, hướng đến xây dựng nền chính quyền điện tử hiện đại, hoạt động hiệu quả phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thời gian tới, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Tăng cường vai trò lãnh đạo của đảng bộ trên các lĩnh vực

Năm 2023 là năm giữa kỳ của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, giai đoạn 2021-2025, Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX... Với yêu cầu, nhiệm vụ quan trọng đó, Đảng bộ Sở Nông nghiệp và PTNT tiếp tục tăng cường vai trò lãnh đạo của đảng bộ trên các lĩnh vực, chỉ đạo hoàn thành tốt kế hoạch của ngành Nông nghiệp và PTNT năm 2023, trong đó chú trọng các nhiệm vụ:

- Lãnh đạo xây dựng tổ chức Đảng và hệ thống chính trị. Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, đề án, dự án thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX về lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

Lúa xuân đạt năng suất cao. Ảnh: TL: Hoàng Hà

- Tập trung thực hiện cơ cấu lại ngành Nông nghiệp. Chuyển nhanh sang kinh tế nông nghiệp; kinh tế số trong nông nghiệp, nông thôn; ứng dụng công nghệ cao; tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng; liên kết sản xuất... tăng năng suất, chất lượng các loại nông sản, đảm bảo phát triển bền vững. Phát triển chăn nuôi toàn diện cả số lượng và chất lượng, chuyển nhanh sang chăn nuôi tập trung, quy mô trang trại, nuôi các loại đặc sản, lợi thế của vùng, nâng cao giá trị sản phẩm; làm tốt công tác thú y, phòng, chống dịch bệnh.

- Thực hiện có hiệu quả các Chương trình Mục tiêu Quốc gia: Xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững... thuộc các lĩnh vực ngành phụ trách. Phát triển kinh tế hợp tác trong nông nghiệp, kinh tế trang trại; phát triển nhanh công nghiệp chế biến, tổ chức tốt hệ thống dịch vụ để nâng cao giá trị nông sản, tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Nâng cao năng lực, chất lượng lao động nông nghiệp, nông thôn... để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh... Thực hiện tốt đề án cải cách hành chính của Sở, nhất là thực hiện hiệu quả Nghị quyết 02-NQ/ĐUK và Chương trình cải cách hành chính năm 2023. Triển khai hiệu quả Nghị quyết 18, 19; Kế hoạch Nghị quyết 39 sắp xếp tổ chức, bộ máy, tinh giản biên chế…

- Thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng - an ninh, chăm lo công tác bảo vệ chính trị nội bộ, đảm bảo môi trường làm việc tốt nhất cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động. Tiếp tục lãnh đạo thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 26/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị số 17- CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về kỷ luật, kỷ cương trong các cơ quan hành chính Nhà nước các cấp. Xây dựng hệ thống quy chế, quy chế dân chủ và tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết dân chủ, năng động, sáng tạo, tận tụy, trung thành của cán bộ, công chức.

Đảng bộ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hiện có 6 đảng bộ bộ phận và 11 chi bộ trực thuộc, với 625 đảng viên công tác tại các cơ quan, đơn vị thuộc ngành đóng trên địa bàn TP. Vinh; trong đó, 8 tổ chức Đảng trong các cơ quan hoạt động theo Quy định số 98-QĐ/TW, 9 tổ chức Đảng trong các đơn vị sự nghiệp hoạt động theo Quy định số 97-QĐ/TW (trong 6 đảng bộ bộ phận có 40 chi bộ trực thuộc với 359 đảng viên).

Mới nhất

x
Đổi mới lãnh đạo của tổ chức Đảng trong phát triển nông nghiệp, nông thôn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO