Đổi mới niềm tin và khát vọng

Là thế hệ cán bộ trưởng thành sau gần 35 năm Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo công cuộc Đổi mới, chúng tôi không bao giờ quên hào khí của dân tộc mình sau Đại hội VI của Đảng là Đại hội đổi mới toàn diện đất nước. Tất cả những gì Việt Nam có được trong gần 35 năm qua đều bắt nguồn từ thời điểm vinh quang đó.

Không thể kể hết mọi thành quả Đổi mới của đất nước trong gần 3,5 thập kỷ qua, tôi chỉ khái quát những thành tựu tiêu biểu nhất có ý nghĩa mở đường như sau:

1. Từ chỗ Đảng ta chỉ quan hệ, hợp tác với các đảng cộng sản cầm quyền ít ỏi trên thế giới, sang quan hệ, hợp tác với tất cả các đảng đang cầm quyền trên toàn cầu; với tư duy cần phải học hỏi cách cầm quyền của bạn để Đảng ta cầm quyền tốt hơn. Nhờ đó, chúng ta đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 185 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó, có 16 đối tác chiến lược, 14 đối tác toàn diện và 3 đối tác chiến lược toàn diện. Đó là một chủ trương đột phá để có thành quả tuyệt vời và rất đáng tự hào trong thời đại toàn cầu hóa.

2. Đảng ta tôn trọng đa thành phần kinh tế cùng tồn tại, hợp tác, cạnh tranh và phát triển, để đất nước ta có kinh tế hộ, kinh tế tư nhân, kinh tế doanh nghiệp phát triển sôi động như hiện nay; nhất là kinh tế tư nhân, lực lượng chủ lực trong chấn hưng đất nước và hội nhập quốc tế. Có thể nhìn thấy rất rõ những sản phẩm mô hình, thương hiệu, công trình tiêu biểu của đất nước nổi lên trong gần 35 năm qua phần lớn là do kinh tế tư nhân, kinh tế liên doanh với nước ngoài tạo dựng nên.

Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Ảnh: Thành Duy
Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Ảnh: Thành Duy

3. Đảng ta đã nhất quán chủ trương bỏ qua mọi mặc cảm của quá khứ để tuyên bố rằng: Đồng bào ta ở nước ngoài là một bộ phận không thể tách rời của dân tộc Việt Nam. Nhờ tư duy mới này đã mở đường cho hơn 4 triệu người Việt Nam ở nước ngoài, trong đó có rất nhiều người yêu nước có đức, có tài có cơ hội và tự tin trở về đất nước thăm thân, đầu tư làm giàu cho Tổ quốc mình cả vật chất, trí tuệ, kinh nghiệm, nguồn lực tài chính giúp quê hương, đất nước phát triển nhanh hơn; hội nhập quốc tế sâu rộng và hiệu quả cao hơn.

4. Cùng với phát triển kinh tế, Đảng ta rất quan tâm đến văn hóa, với chủ trương rõ ràng là: Xây dựng đời sống văn hóa khoa học, đại chúng đậm đà bản sắc dân tộc, tôn vinh văn hóa từng dân tộc, vùng, miền chính là làm giàu và phong phú hơn bản sắc văn hóa đa sắc màu của dân tộc Việt Nam.

5. Bên cạnh các thành tựu về kinh tế, văn hóa, Đảng ta rất coi trọng và quan tâm đến các chính sách xã hội như: Thi đua làm giàu chính đáng gắn với xóa đói, giảm nghèo, chăm lo người có công, xây dựng các công trình phúc lợi công cộng, từ thiện, nhân đạo, làm cho đạo đức và tình người xích lại gần nhau. Nhờ vậy, dù Việt Nam là một nước đang nghèo, nhưng nhiều vấn đề xã hội, nhân đạo được các tổ chức quốc tế đánh giá cao như: Chăm lo người khuyết tật, chăm sóc người hoạn nạn, khó khăn, quan tâm đến thế hệ trẻ, giúp đỡ thế hệ già, xóa nghèo ở miền xuôi, xóa đói ở miền núi, ngay cả chống đại dịch Covid-19 toàn cầu vừa qua cũng là một minh chứng rất thuyết phục.

6. Đảng ta rất quan tâm đến các chính sách xã hội hóa làm “bừng” lên các nguồn lực tự đầu tư của nhân dân và doanh nghiệp trong nước, tạo sự chuyển động tích cực trên nhiều lĩnh vực lớn như: Phát triển hạ tầng giao thông, thủy lợi, điện, thông tin, cảng, sân bay, hàng không dân dụng; các khu công nghiệp công nghệ cao, các ngành kinh tế mũi nhọn như: Nông nghiệp sạch, công nghiệp công nghệ tiên tiến, các khách sạn, nhà hàng, các khu du lịch sinh thái, các công trình văn hóa, du lịch, thể thao, tâm linh, từ thiện, các khu di tích lịch sử, với nhiều sản phẩm có thương hiệu mạnh làm chủ trong nước, vươn ra quốc tế như: Viễn thông, công nghiệp phần mềm, ô tô Vinfast, sữa TH True Milk, Vinamilk, Cafe Trung Nguyên…

7. Báo chí Việt Nam phục vụ đổi mới đất nước phát triển rất nhanh cả báo hình, báo nói, báo in và báo điện tử; Cả số lượng và chất lượng, nội dung và hình thức; cả công nghệ làm báo và tính chuyên nghiệp của những người làm báo đáp ứng nhu cầu đa dạng của nhân dân, hội nhập quốc tế sâu rộng và phục vụ tốt công tác lãnh đạo, điều hành của Đảng và Nhà nước từ Trung ương đến cơ sở.

Việt Nam quan tâm phát triển hạ tầng giao thông, các khu công nghiệp công nghệ cao, các ngành kinh tế mũi nhọn... Ảnh tư liệu
Việt Nam quan tâm phát triển hạ tầng giao thông, các khu công nghiệp công nghệ cao, các ngành kinh tế mũi nhọn... Ảnh tư liệu

Từ những thành quả tiêu biểu của Đảng ta, nhân dân ta trong công cuộc đổi mới cần được tôn vinh và khẳng định; Nhưng để đất nước đổi mới mạnh mẽ hơn nữa với khát vọng “Vì một Việt Nam hùng cường”, theo tôi chúng ta cần thực hiện tốt 7 giải pháp đột phá sau đây:

1. Tập trung cao ứng dụng các thành quả của khoa học công nghệ, công nghệ thông tin vào quản lý toàn diện đất nước, với 5 trọng tâm lớn nhất là: Đất đai, tài nguyên, dân cư, thu – chi ngân sách, thanh toán không dùng tiền mặt… để đưa công tác quản trị quốc gia sang một thời kỳ công khai, minh bạch, chặt chẽ kịp thời, giảm hẳn tiêu cực. Vì con người chỉ tự giác đến mức hoàn hảo khi hội đủ 3 điều kiện: Luật pháp đồng bộ, đạo đức công vụ được nâng cấp và công cụ kỹ thuật hỗ trợ và giám sát trong quản lý. Đây là thành quả văn minh của cuộc cách mạng 4.0 trao cho chúng ta và nhân loại.

2. Tập trung cao cho công cuộc xây dựng đời sống văn hóa làm nền tảng cho mọi sự phát triển; với 3 trụ cột cơ bản nhất là: Văn hóa gia đình (nền tảng xã hội), Văn hóa doanh nghiệp (nền tảng kinh tế), Văn hóa công sở và đạo đức công vụ (nền tảng chính trị). Chỉ khi nào làm tốt 3 trụ cột văn hóa này thì đất nước mới phát triển nhanh và bền vững.

3. Đổi mới toàn diện tiêu chuẩn, cơ cấu, nội dung hoạt động của Quốc hội và HĐND các cấp. Để các cơ quan dân cử có đủ Đức, Tài và bản lĩnh giám sát tối cao các lĩnh vực nhiều quyền lực dễ sai phạm mà trọng tâm là giám sát các cơ quan hành pháp, tư pháp; hướng các cơ quan có quyền lực phục vụ nhân dân tốt hơn, nhân dân tin cậy các cơ quan công quyền cao hơn.

Tranh cổ động chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.
Tranh cổ động chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.

4. Đảng mạnh dạn và có bước đi hợp lý để chuyển từ cơ chế Đảng cử sang cơ chế Đảng lãnh đạo thi cử (với công chức) và tranh cử (với cán bộ lãnh đạo), cung cấp đủ thông tin công khai, minh bạch, kịp thời cho cán bộ, đảng viên và nhân dân bầu cử, để chọn đúng nhân tài phụng sự nhân dân và đất nước tốt hơn.

5. Đảng chủ động tháo gỡ cơ chế, chính sách theo hướng dễ quản lý sang ưu tiên cho dễ làm giàu. Chuyển dần chức năng quản lý sang chức năng phục vụ; phải thấm sâu lời dạy của Lênin: “Biện pháp tốt nhất của quản lý là sử dụng, không sử dụng coi như không quản lý”. Đồng thời thông suốt quan điểm: Cái gì Nhà nước không cấm thì mở toang cửa ra cho Nhân dân tự quyết, tự chọn, tự làm. Nhà nước chỉ quản lý những cái mà luật pháp cho phép để cho doanh nghiệp và Nhân dân mạnh dạn làm ăn phát sinh doanh thu thì nộp thuế cho Nhà nước. Làm sai thì xử nghiêm theo pháp luật hiện hành. Chấm dứt tình trạng phải xin – cho, cái Nhà nước không cấm để phải chờ đợi nản lòng, nhụt chí, thêm chi phí tiêu cực và mất cơ hội phát triển.

6. Chúng ta mạnh dạn đổi mới tư duy đã hình thành thói quen truyền thống là cứ tự mình so với chính mình, so mình ngày hôm nay với ngày hôm qua, thấy tiến lên một tý, khá lên một chút là tự vui, tự hào, tự sướng sang tư duy tự tin và dũng cảm so mình với thế giới xem mình đang đứng ở đâu và cần phải làm gì để không thua anh em, bạn bè thế giới, sớm vươn lên sánh vai với các cường quốc 5 châu như Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng mong muốn.

7. Đổi mới triệt để công tác quản trị doanh nghiệp Nhà nước, với 2 giải pháp đột phá là: Cổ phần hóa và xóa chủ quản. Đối với doanh nghiệp Nhà nước chỉ có “một bộ” quản lý, mà tốt nhất là “Bộ Luật Doanh nghiệp”.

Trên đây là một số suy ngẫm của cá nhân sau gần 35 năm Đảng ta tiến hành công cuộc đổi mới, hướng tới thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; để Đảng ta, Nhân dân ta tự hào về quá khứ, tự tin trong hiện tại và hướng tới tương lai sáng lạn hơn.

Tranh minh họa đầu bài: Vũ Trung Duy