Đổi mới trong xây dựng mô hình phổ biến, giáo dục pháp luật ở Nghệ An
(Baonghean.vn) - Sau hơn 4 năm thực hiện Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) giai đoạn 2017 - 2021, các đơn vị, địa phương trên địa bàn Nghệ An đã có nhiều cách làm mới, sáng tạo; góp phần nâng cao hiểu biết, ý thức chấp hành pháp luật trong nhân dân.
Nhiều mô hình hiệu quả
Xã Hưng Tân, huyện Hưng Nguyên không chỉ ghi dấu ấn trong công cuộc xây dựng nông thôn mới nâng cao mà còn là điểm sáng trong phong trào toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc theo hướng tự quản, tự phòng vệ, tự bảo vệ, tự hòa giải. Đến bất kỳ xóm nào trên địa bàn xã Hưng Tân đều sẽ thấy chiếc kẻng treo ở trong sân nhà văn hóa cộng đồng. Hàng đêm, cứ vào 22h mùa Đông và 22h30 phút mùa Hè, công an viên hoặc xóm trưởng các thôn xóm sẽ gõ kẻng để nhắc nhở các gia đình đã đến giờ nghỉ đêm, giữ trật tự chung, không đi chơi khuya.
Hệ thống camera cộng đồng hơn 30 mắt được triển khai ở khắp các đường làng trong toàn xã do người dân tự nguyện đóng góp cũng góp phần đắc lực cho công tác đảm bảo an ninh chung. Bên cạnh đó, cấp ủy, chính quyền xã Hưng Tân còn xây dựng 41 tổ tự quản về an ninh trật tự với 933 thành viên, 4 tổ tự quản kiểu mẫu với 100 thành viên ở các làng... Nhờ vậy, ý thức cảnh giác và chấp hành pháp luật của người dân được nâng cao.
Ông Nguyễn Trọng Tâm - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Hưng Tân cho biết: “Nhiều cách làm sáng tạo trong đảm bảo an ninh trật tự như mô hình “Tiếng kẻng bình yên”, “Camera an ninh cộng đồng”; “Tổ tự quản kiểu mẫu”... đã góp phần quan trọng để xã Hưng Tân luôn bình yên, không có trọng án, không có vụ việc phức tạp, không có tệ nạn ma túy; trở thành điển hình trong phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc được Cục VO5 Bộ Công an về khảo sát và đề nghị công an các địa phương tham khảo, vận dụng chỉ đạo nhân rộng trên địa bàn toàn quốc”.
Bà con bản Lưu Thông ( xã Lưu Kiền, huyện Tương Dương) nhắc nhở nhau thực hiện các quy định của bản, nâng cao cảnh giác trong việc phòng ngừa tội phạm, xây dựng bản làng không ma túy. Ảnh tư liệu Công Kiên |
Bên cạnh vận động nhân dân tự giác chấp hành hương ước, quy ước của bản với nhiều nội dung (không trồng cây thuốc phiện, không trộm cắp tài sản, không di cư tự do, không vi phạm pháp luật...) thì Ban chỉ đạo mô hình “Bản làng không có ma túy” cũng hướng dẫn người dân ký cam kết chấp hành, thực hiện nghiêm đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước cũng như nội quy, quy ước của bản làng trong từng gia đình, dòng họ. Mọi người sống hòa thuận, đoàn kết và thực hiện nếp sống văn hóa, không để người trong gia đình vi phạm pháp luật và các tệ nạn xã hội, nhất là ma túy.
Sự cảnh giác cao độ của người dân khiến các loại tội phạm, nhất là tội phạm ma túy gần như không có đất để hoạt động ở địa bàn Lưu Thông. Ảnh Công Kiên |
Theo ông Lương Bá Vin - Trưởng ban Dân vận, Chủ tịch MTTQ huyện Tương Dương: Để phát huy tốt vai trò của MTTQ trong đoàn kết, tập hợp lực lượng quần chúng Nhân dân tích cực tham gia phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ, phòng chống TNXH, MTTQ huyện đã phối hợp với các cấp ngành xây dựng mô hình "Bản không có ma túy" tại 4 xã trong lộ trình xây dựng nông thôn mới là: Yên Na, Yên Hòa, Xiêng My, Lưu Kiền.
Còn tại Xám Xúm - bản đặc biệt khó khăn của xã Mường Lống, huyện Kỳ Sơn, trước đây vốn được coi điểm “nóng” nhức nhối về buôn bán và sử dụng ma túy khiến cuộc sống của người dân rơi vào cái vòng luẩn quẩn của đói nghèo. Trước thực trạng đó, UBND xã Mường Lống đã ra quyết định ban hành Bản quy ước, hương ước bản Xám Xúm gồm 13 nội dung, với những quy định chặt chẽ. Đồng thời yêu cầu Chi bộ, Ban quản lý và các đoàn thể ở bản cùng với Công an, Ban Văn hóa, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị cấp xã vào cuộc vận động nhân dân đoàn kết, thống nhất thực hiện các nội quy đã đề ra.
Đảng ủy xã Mường Lống cũng phân công nhiệm vụ cho đoàn công tác gồm 15 thành viên về tận bản “cầm tay chỉ việc”; vận động các lực lượng tại chỗ phối hợp đấu tranh triệt xóa điểm nóng về tàng trữ, vận chuyển, buôn bán và sử dụng các chất ma túy. Từ đó, Xám Xúm bắt đầu thay đổi, trong từng nếp nhà, các câu khẩu hiệu phòng chống ma túy được người dân treo và nghiêm túc thực hiện, đời sống nhân dân dần đi vào ổn định.
Nội quy, quy định được in ấn và dán nhiều nơi ở bản Xám Xúm để tuyên truyền cho người dân. Ảnh: Hoài Thu |
Nhiều đơn vị miền biển cũng có nhiều sáng tạo trong xây dựng mô hình phổ biến pháp luật. Nổi bật là mô hình CLB Thời sự pháp luật tại thị xã Cửa Lò. Khởi phát từ phường Nghi Hải vào năm 2017, đến nay đã có 7 CLB Thời sự pháp luật tại 7 phường với hơn 1000 hội viên, duy trì sinh hoạt 1 quý 1 lần. Từ đầu năm 2020, CLB chuyển sang hình thức cấp phát tài liệu cho hội viên để phù hợp với tình hình phòng chống dịch Covid-19.
Chú trọng vùng đặc thù, nhóm đối tượng
Mặc dù đã xây dựng nhiều mô hình tuyên truyền PBGDPL nhưng do khó khăn về kinh phí, nguồn nhân lực nên một số mô hình hiệu quả chưa cao, chưa đi vào chiều sâu, thiếu thực chất. Hình thức PBGDPL mặc dù đã được đổi mới nhưng có lúc vẫn còn chưa phù hợp với tính chất, đặc điểm của các đối tượng cần phổ biến, chưa sát với nhu cầu của người dân. Mặt khác, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, trong năm qua, việc duy trì hoạt động của các mô hình PBGDPL cũng gặp khó khăn phải chuyển qua hình thức sinh hoạt qua zalo, facebook, tờ rơi, tờ gấp, loa truyền thanh tại chỗ và lưu động...
Cán bộ Đồn Biên phòng phối hợp với các ngành đoàn thể ở xã Na Loi, Kỳ Sơn tuyên truyền lưu động và phát khẩu trang miễn phí cho người dân. Ảnh tư liệu |
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế nói trên và nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác PBGDPL trong thời gian tới, khi xây dựng các mô hình cần chú trọng đến các vấn đề như: đặc trưng của nhóm đối tượng hướng đến; cách thức triển khai các hoạt động trên cơ sở những điều kiện, nguồn lực cụ thể (kinh phí, cơ sở vật chất, nhân lực) để đạt được mục tiêu đề ra. Bên cạnh đó, chú trọng tính lan tỏa, nhân rộng của mô hình. Đây là tiêu chí rất quan trọng bởi lẽ một mô hình hiệu quả phải có khả năng tác động, ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến nhiều chủ thể, trong không gian rộng lớn, được sử dụng nhiều lần và được nhiều người đón nhận, qua đó, tự giác tuân thủ và chấp hành pháp luật.
Đặc thù Nghệ An là tỉnh diện tích rộng, người đông, có đường biên giới đất liền dài 468,281 km, khu vực biên giới có 61 xã, phường thuộc 11 huyện, thị với nhiều thành phần dân tộc. Đời sống người dân khu vực miền núi, biên giới còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí không đồng đều, tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Do vậy, khi xây dựng các mô hình PBGDPL ở các địa bàn này cần tính đến yếu tố đặc thù để có nội dung, phương pháp phù hợp, linh hoạt trong từng thời điểm.
Cán bộ Đồn biên phòng Tri Lễ (Quế Phong) trao đổi với Trưởng bản Pả Khốm Vừ Bá Rê về mô hình hòm thư tố giác tội phạm. Ảnh KL |
Điển hình như tại huyện Kỳ Sơn - nơi có 95% đồng bào dân tộc thiểu số, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, người lao động từ các tỉnh về quê rất đông, ở mỗi xã đều có khu cách ly tập trung, có thời điểm lên đến 100-150 người. Huyện nhận định, lực lượng lao động trở về quê sẽ là nguồn lực để phát triển kinh tế xã hội nhưng cũng tiềm ẩn các vấn đề về an ninh trật tự, an ninh rừng, tội phạm ma túy...
Vì vậy, Hội đồng PBGDPL huyện đã chỉ đạo các cơ quan thường trực tham mưu biên soạn các tờ rơi, tờ gấp tuyên truyền phòng chống dịch Covid-19, phòng chống khai thác rừng, phòng chống ma túy, xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực ANTT... Đồng thời tuyên truyền bằng loa di động cho người dân tại các bản làng bằng tiếng phổ thông và dịch ra tiếng Khơ mú, tiếng Mông; phát huy hiệu quả của hương ước, quy ước thôn bản, vai trò của các già làng, trưởng họ trong tuyên truyền pháp luật. Nhờ vậy, góp phần tạo ổn định về trật tự an toàn xã hội, an ninh biên giới.
Các đội tuyên truyền lưu động ở Kỳ Sơn đến từng bản làng tuyên truyền về phòng, chống Covid-19. Ảnh tư liệu: Đào Thọ |
Ở huyện miền núi Quỳ Hợp, việc ứng dụng CNTT được tận dụng tối đa. Hội đồng phối hợp PBGDPL đã tham mưu cho UBND huyện ký hợp đồng khai thác Thư viện pháp luật điện tử cho toàn bộ cán bộ, công chức từ cấp huyện đến xã. Tính năng ưu việt của Thư viện pháp luật là nhận biết về hiệu lực của văn bản; các đường link dẫn chiếu sang các văn bản hướng dẫn thi hành, các văn bản liên quan... đã góp phần quan trọng nâng cao hiệu quả công tác cho cán bộ, công chức cấp huyện, cấp xã trên địa bàn.
Hơn 4000 móc khóa có ghi số điện thoại đường dây nóng tiếp nhận tin báo tố giác tội phạm đã được Công an huyện Quỳ Hợp tặng cho người dân. Ảnh tư liệu: Hoài Thu |
Bên cạnh đó, huyện cũng sử dụng hiệu quả trang fanpage Tư pháp Quỳ Hợp trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Chỉ tính trong năm 2021, trang này đã đăng hơn 700 chuyên đề, tiếp cận được tổng cộng hơn 10.000.000 lượt người. Nội dung chủ yếu là các quy định mới ban hành, các quy định về bầu cử, đất đai, xử lý vi phạm hành chính, phòng chống ma túy, phòng chống dịch bệnh Covid-19...
Tại Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2017-2021, đồng chí Lê Hồng Vinh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đã yêu cầu các ngành, các địa phương trong xây dựng mô hình tuyên truyền PBGDPL cần chú trọng các địa bàn trọng điểm về vi phạm pháp luật, các vùng đặc thù, đối tượng đặc thù. Đồng thời thúc đẩy ứng dụng CNTT trong công tác tuyên truyền phù hợp với xu thế phát triển của xã hội, hội nhập quốc tế hiện nay.