Đổi mới việc ra và thực hiện nghị quyết ở cấp cở sở
(Baonghean.vn) Tổ chức cơ sở đảng xã, phường, thị trấn là hạt nhân chính trị cơ sở có vị trí đặc biệt quan trọng trong hệ thống tổ chức Đảng và hệ thống chính trị cơ sở; là nơi đầu tiên và cuối cùng chịu sự tác động trực tiếp, sâu sắc của những thay đổi chính trị, kinh tế, xã hội và tổ chức; là nơi rèn luyện, giáo dục, phát triển và sàng lọc cán bộ đảng viên; nơi thể hiện đầy đủ, toàn diện, trực tiếp, thường xuyên nhất về quyền làm chủ của nhân dân và mối quan hệ mật thiết gắn bó giữa Đảng với nhân dân.
(Baonghean.vn) Tổ chức cơ sở đảng xã, phường, thị trấn là hạt nhân chính trị cơ sở có vị trí đặc biệt quan trọng trong hệ thống tổ chức Đảng và hệ thống chính trị cơ sở; là nơi đầu tiên và cuối cùng chịu sự tác động trực tiếp, sâu sắc của những thay đổi chính trị, kinh tế, xã hội và tổ chức; là nơi rèn luyện, giáo dục, phát triển và sàng lọc cán bộ đảng viên; nơi thể hiện đầy đủ, toàn diện, trực tiếp, thường xuyên nhất về quyền làm chủ của nhân dân và mối quan hệ mật thiết gắn bó giữa Đảng với nhân dân.
Sự vững mạnh của các tổ chức đảng có ý nghĩa quyết định đối với sự vững mạnh của toàn Đảng. Đúng như Bác Hồ đã khẳng định: "Tất cả các chi bộ đều mạnh thì Đảng ta mạnh" và "Có đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất và năng lực xây dựng đường lối chính trị đúng đắn và tổ chức thực hiện thắng lợi đường lối là vấn đề cốt tử của lãnh đạo, là sức mạnh của đảng cầm quyền".(1)
Là một tỉnh lớn, Đảng bộ Nghệ An có 28 Đảng bộ trực thuộc, với hơn 167.000 đảng viên. Trong hơn 1569 tổ chức cơ sở đảng, có 479 đảng bộ cơ sở xã, phường, thị trấn, nhìn chung còn gặp nhiều khó khăn trong việc ra nghị quyết và tổ chức thực hiện nghị quyết, đặc biệt là 224 đảng bộ xã miền núi, trong đó đáng chú ý nhất là 27 đảng bộ xã biên giới. Toàn tỉnh có hơn 5.789 khối, xóm, bản thì có gần 130 khối, xóm, bản chưa có đủ điều kiện thành lập chi bộ đảng, 79 khối, xóm, bản chưa có đảng viên mặc dầu hằng năm chúng ta kết nạp hơn 5500 đảng viên...
Việc ra nghị quyết và thực hiện nghị quyết ở cơ sở đến nay vẫn là một vấn đề lớn và khó. Hạn chế nổi bật nhất trong việc ra nghị quyết ở cơ sở là chất lượng nghị quyết chưa cao, chưa trọng tâm, trọng điểm, còn dàn trải về nội dung và lúng túng về phương pháp, vì thế, khi đề ra mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chưa cụ thể... Nguyên nhân chủ yếu là do chất lượng và tinh thần trách nhiệm của cấp ủy chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ...
Trong tổ chức thực hiện nghị quyết, hạn chế lớn nhất là chưa xác định được trọng tâm, trọng điểm của vấn đề nghị quyết và những yêu cầu của tình hình thực tế địa phương để tìm ra sự đột phá. Đồng thời, thiếu sự chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy các cấp...
Để thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ nói trên, chúng ta cần thực hiện tốt 2 nhóm giải pháp sau: Giải pháp tổ chức ra nghị quyết cơ sở: Tham mưu cấp ủy qui trình đổi mới ra nghị quyết, chương trình hành động; Xây dựng kế hoạch, đề án thực hiện nghị quyết; Xác định xây dựng mô hình và nhân rộng; Chính quyền, Mặt trân tổ quốc và các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội cụ thể hóa việc thực hiện nghị quyết.
Nhóm giải pháp tổ chức thực hiện Nghị quyết, chương trình hành động, kế hoạch, đề án: Nghiêm túc tổ chức phổ biến, quán triệt nghị quyết trong cán bộ, đảng viên và nhân dân; Tổ chức phân công trách nhiệm và phối, kết hợp thực hiện; xác định trọng tâm, trọng điểm của nghị quyết để lựa chọn khâu đột phá;
Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm... để tiếp tục chỉ đạo quá trình sau tốt hơn; Tổ chức sơ kết, tổng kết 6 tháng và hàng năm.
Tóm lại, việc ra nghị quyết và tổ chức thực hiện nghị quyết ở cơ sở phường, xã, thị trấn là một việc làm khó nhưng hết sức quan trọng và có ý nghĩa thiết thực. Có rất nhiều giải pháp nhưng có thể nói gọn lại bằng hai nhóm giải pháp nói trên. Hai nhóm giải pháp này có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, tác động lẫn nhau, tạo cơ sở, tiền đề cho nhau, thúc đẩy thực hiện thắng lợi các mục tiêu mà Đại hội Đảng bộ cơ sở đã đề ra, góp phần xây dựng Đảng, hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh và xây dựng quê hương giàu đẹp.
Bùi Đình Sâm