Đợi một “mùa bình thường”

Một trong những bài hát về tình yêu trong kháng chiến mà tôi thường lặng theo những giai điệu, ca từ của tác phẩm là “Em vẫn đợi anh về” của nhạc sĩ Hoàng Hiệp. Nhạc phẩm ra đời trong Chiến tranh Biên giới, phổ thơ Lê Giang (viết trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ) nói về tình yêu bền bỉ sắt son của người ở hậu phương. Bài hát một thời thường cất lên khắp làng quê, phố thị, và đến bây giờ, rất nhiều ca sĩ, bạn trẻ vẫn hát lên bằng tiếng lòng mình.

…“Chờ phút giây bình yên/ Đợi đạn bom ráo tạnh/ Để được ngồi bên anh, để được nghe/ Để được hờn, để được thương, để được giận/ Để thành chồng thành vợ và để cùng hôn con”. Mỗi lần nghe, tôi vẫn thường xúc động với những câu hát thật nhất, đẹp nhất của ca khúc này. Nào có đợi chờ những gì cao sang đâu, chỉ là đợi phút giây bình yên, đợi những điều tưởng như bình dị, bình thường xiết bao trong cuộc sống mỗi gia đình nhưng lại là khát vọng khi ngoài kia bom rơi đạn xối.

Trong cuốn sách “Nhạc và Đời” của nhạc sĩ Hoàng Hiệp có kể về hoàn cảnh ra đời ca khúc này. Nhân vật cô gái với nỗi chờ đợi bền bỉ được bắt lên cảm hứng từ một người phụ nữ chờ chồng trong kháng chiến chống Mỹ. “Cô ấy là một đoàn viên thanh niên, đội trưởng ở một hợp tác xã nông nghiệp. Vừa lập gia đình nhưng chưa kịp có con thì người chồng gia nhập Quân đội vào Nam chiến đấu. Suốt hai năm đằng đẵng, cô gái ấy không nhận được thư từ hay tin tức gì của chồng. Tuy nhiên, qua thái độ bình thản không lộ vẻ ưu tư hay buồn bã của cô, người không quen biết có thể tưởng cô là một phụ nữ chưa lập gia đình, hoặc nếu đã có thì hai vợ chồng cũng không hề có sự chia cách.

Cũng như mọi người, thái độ của cô khiến ông có cảm giác hình như cô đã quên người chồng đang ở tận chiến trường xa đang bặt vô âm tín. Một hôm, khi đã quen thân, nhạc sĩ Hoàng Hiệp buột miệng hỏi: “Hiện tại, cô có thường nghĩ đến anh ấy không?”. Cô gái ấy đã lật dở chiếc chiếu của mình và ôm mặt khóc. Điều riêng tư mà cô gái cho ông biết là những vết răng cắn dọc theo gần như suốt cả thành giường. Sau này nhạc sĩ Hoàng Hiệp nói rằng gần như cả cuộc đời ông không làm sao quên được vết răng in trên thành giường và người phụ nữ ấy. Những vết răng của những đêm không ngủ, lòng hẳn quặn đau vì nhớ.

Cho đến khi nhạc sĩ đọc được những vần thơ trong bài “Em vẫn đợi anh về” của nhà thơ Lê Giang, nhớ lại câu chuyện ấn tượng về cô gái năm xưa, sự xúc động đã kết duyên thơ tình nhạc với nhau để có một ca khúc bất hủ trong dòng nhạc cách mạng Việt Nam. Một ca khúc đầy xúc động, ám ảnh và đẹp đẽ về tình yêu và sự thủy chung đợi chờ.

* * * * *

Một trong những nhân vật của tôi là Anh hùng LLVT Lê Thị Thu Nguyệt – cô gái trẻ nhất trong đội Chim Sắt – Biệt động Sài Gòn, từng tham gia đánh máy bay Mỹ và được Bác Hồ gửi thư khen ngợi “Đánh Mỹ trên đất Mỹ”. Cô là nhân vật trong truyện ký “Nụ cười Chim Sắt” của tôi, cũng là người hay chia sẻ, kể tôi nghe những câu chuyện thời kháng chiến, tù đày. Trong những kỷ vật một thời kháng chiến của cô còn giữ lưu, tôi vẫn ấn tượng mãi với một tấm khăn trải bàn thêu tay. Tấm khăn rộng hơn mười mét vuông, sống động như một vườn hồng đa sắc được thêu trong chính những tháng năm ngồi tù từ khi 19 tuổi. Tấm khăn trải bàn màu trắng xin được từ giám thị phòng giam và chỉ màu thêu có được do các chị, các bác trong tù ưu tiên cho cô gái trẻ, dùng để mai này ra tù rải tiệc cưới.

Cô kể, bao năm tháng dài đằng đẵng trong tù, giờ nhớ lại, vẫn nhớ như in hình ảnh chị em ngồi thêu bên nhau bên trong khung sắt, khi rảnh rỗi, cùng hát bài “Bài ca hy vọng”, thêu lên tấm khăn, áo gối những đôi chim câu, hoa hồng, những dòng chữ hòa bình – tự do đầy yêu thương, trân trọng. Tất cả nhớ nhung, chờ mong gửi gắm vào từng câu chuyện, lời ca và cả những đường chỉ thêu tay ấy. Có những chị thêu áo cho con, không thể nào gửi ra ngoài, dù trừ hao cỡ nào thì ngày gặp lại con cũng không thể mặc vừa chiếc áo. Vì tuổi 19, 20 ai mà nghĩ mình ngồi tù suốt hai mươi mấy năm sau. Hạnh phúc muộn mằn nhưng vẫn trọn vẹn của cô là được sử dụng tấm khăn trải bàn ấy trong lễ cưới, dù cô dâu lúc ấy sau những tháng ngày tù đày chỉ nhõn 40 kg, chú rể sau những ngày ở rừng má hóp, người gầy nghêu ngao. Khách dự tiệc cũng vêu vao không kém vì toàn những gương mặt ở tù, ở rừng ra. Tấm  ảnh cưới đen trắng giản dị với những con người không thể giản dị hơn.

Câu chuyện chờ đợi những năm tháng bom rơi vẫn được kể lại nhiều lần trong nhà tôi. Lần nào kể, mắt mẹ chồng tôi cũng ánh lên sự xúc động như thể mới vừa hôm qua. Bố chồng tôi là một người lính. Ngày bố “đi B”, mẹ chồng 19 tuổi, sinh con trai đầu lòng là anh cả. Những năm tháng đợi chờ bấy giờ được kể lại bằng những chuyện mà nhắc lại mẹ và con cháu đều cười xòa. Khi giặc kéo bom về rải khắp miền Bắc, máy bay gầm rú trên bầu trời. Mẹ ôm anh chưa đầy 2 tuổi chui tọt xuống gầm giường để trốn vì không kịp chạy ra hầm trú ẩn. Anh trai bị va đầu vào giường sưng to như quả ổi, khóc thét lên. Máy bay đi qua, lòng mẹ rối như tơ vò trăm mối mà không biết chia sẻ cùng ai khi một bên là con nhỏ, một bên là bố mẹ chồng – lòng có khi còn nhiều âu lo hơn cả mình. Phía nghĩ về chồng không biết sống chết thế nào, phía nghĩ về con, về mình, bố mẹ già… Câu chuyện thường khiến mẹ cười mà con cháu, sau nụ cười là nước mắt lăn theo.

* * * * *

Tôi nhớ một lần có duyên trò chuyện với cố nhạc sĩ Hoàng Hà ngày ông còn sống ở Vũng Tàu. Nghe ông kể kỷ niệm khi ông viết ca khúc “Đất Nước trọn niềm vui”, đoàn quân giải phóng chưa vào tới Sài Gòn. Ca khúc được sáng tác và thu âm trong cùng ngày 26/4/1975 và ngay ngày hôm sau, 27/4/1975, tiếng hát NSND Trung Kiên ca vang bài ca toàn thắng trên sóng phát thanh cả nước.

Nhiều người bất ngờ khi biết khúc khải hoàn ca lay động lòng người này được viết trong thời gian rất nhanh, trước ngày toàn thắng. Nhưng với nhạc sĩ, quan trọng nhất là những giây phút cảm xúc thăng hoa kết nhạc, chứ những nghĩ suy, cảm xúc đó đã chất chứa từ suốt bao nhiêu năm hàng chục triệu trái tim cùng chờ đợi ngày toàn thắng.

Có nỗi chờ đợi nào đẹp hơn thế, chờ một ngày thống nhất vẹn tròn, một ngày hòa bình tự do, ngày bình thường để trái tim có thể ngân lên những giai điệu cuộc sống: “Mùa bình thường, mùa vui nay đã về”; “Với khói bay trên sông, gà đã gáy trưa bên sông, một trưa nắng vui cho bao tâm hồn” như trong “Mùa xuân đầu tiên”.

Giành hòa bình, không chỉ là sức mạnh của cây súng, của những người ra trận, còn là sức mạnh của niềm tin, của sự chờ đợi mang dáng hình khát vọng. Chính vì thế, nhìn lại quá khứ sau bao năm đánh đổi máu xương để thống nhất Đất Nước, và nhìn cả những ngày chúng ta đang sống – những ngày thế giới oằn mình thiên tai địch họa triền miên, chúng ta vẫn nhắc nhau rằng, đẹp nhất, chẳng phải vẫn là ngày bình thường đó sao?