Đổi nhỏ để được lớn
(Baonghean) - Phải thay đổi từ việc nhỏ để được cái lớn hơn đó là xây dựng thói quen thượng tôn pháp luật cho toàn dân.
Không biết từ khi nào, ở ta đã có cái lệ là ra đường, ô tô phải nhường xe máy, xe máy phải nhường xe đạp và xe đạp phải nhường người đi bộ. Gọi là nhường để nghe cho lịch sự. Thật ra là phải chịu thua. Nhất là khi va chạm giao thông xảy ra, bất luận bên nào đi sai đường, cứ anh đi xe là phải chấp nhận thua thiệt, đền bù cho anh đi bộ.
Cái sự vô lý, vô luật này có lẽ bắt nguồn từ tâm lý là anh nhà giàu, có điều kiện hơn ắt phải chấp nhận phần thua thiệt hơn anh nhà nghèo. Vì theo trực quan (chưa chắc đã là chính xác), anh ngồi ô tô chắc chắn phải giàu hơn anh đi xe máy. Anh đi xe máy chắc chắn khá hơn anh đi xe đạp. Còn anh đi bộ, dĩ nhiên là ở thứ bậc cuối cùng nên được tất, bất chấp tất cả và cứ thế là đi bừa, đi phứa đi. Chẳng sợ, chẳng nhường ai cả và tự cho mình cái quyền không chịu sự chi phối của luật lệ. Cụ thể là luật giao thông đường bộ.
Người đi bộ giữa lòng đường tuyến phố Cầu Giấy đoạn qua bến trung chuyển xe buýt gần cổng trường Đại học Giao thông. Ảnh: Internet |
Cái thói quen này, thoạt nhìn tưởng là bình thường, là sự ấu trĩ ít nguy hiểm. Nhưng thật ra, không hẳn thế mà ngẫm cho kỹ thì thấy nó đã, đang và sẽ tạo ra cho con người ta thói quen sống và hành xử theo cảm tính, theo thói quen mà không theo lý trí, không phận biệt đúng, sai, phải trái theo chế tài, quy định của pháp luật, dẫn đến thiếu ý thức tôn trọng lẽ phải, tôn trọng các quy định, chế tài của pháp luật. Nhất là với những người nói theo ngôn ngữ thời thượng bây giờ là thu nhập thấp thì đối với không ít người trong số họ, đó được coi như là một lợi thế trong cuộc sống với kiểu suy nghĩ đã ngồi bệt xuống đất rồi nên chẳng có gì để mất, chẳng việc gì phải sợ ai cả.
Thế nên, ở trên không ít tuyến đường, dù là trong phố xá đông đúc hay nơi đường sá vắng vẻ, người đi bộ thoải mái lưu thông theo ý thích của mình đúng kiểu “dọc ngang nào biết trên đầu có ai”. Cái sự “cùn” đó của người lớn, vô hình trung lan sang trẻ nhỏ. Ngay từ tấm bé, người ta đã chấp nhận và coi cái cách hành xử đó như là một sự đương nhiên. Cho dù kiểu suy nghĩ và hành vi ứng xử như vậy trong cuộc sống là rất thiếu lòng tự trọng. Và cái tư duy kiểu đó lan truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác trở thành thâm căn, cố đế rất khó sửa.
Ở trong nước thì có khi là thấy bình thường vì ai cũng giống ai, nhưng khi ra nước ngoài, nhất là ở các các nước tiên tiến tiếp xúc, giao du với người ta mới lộ ra cái sự kỳ quặc, phi lý rất đáng xấu hổ đó. Và khi người ta đến với mình, chứng kiến cảnh người đi quàng, đi xiên không theo một luật lệ nào cả, người ta kinh hãi cho cái sự lộn xộn đó của dân ta. Nó cũng như thói quen vứt rác, nhổ nước bọt bừa bãi khiến cho người ngoài coi đó như một tiêu chí khu biệt để nhận giữa người Việt với những người châu á khác. Chuyện này, báo chí trong và ngoài nước đã đề cập, đã phàn nàn nhiều rồi.
Cũng chính vì thói quen thâm căn, cố đế đó mà Luật An toàn giao thông đường bộ đã quy định trách nhiệm của người đi bộ từ bao lâu nay vẫn không được một ai mảy may để ý thực hiện. Cho đến ngày 1-2 vừa rồi, khi Công an thành phố Hà Nội bắt đầu tiến hành xử phạt những người đi bộ sai phạm luật, hầu hết những người bị xử lý đều hết sức ngỡ ngàng. Không ít người chống chế là không biết có chuyện đó vì xưa nay chưa thấy ai đi bộ sai làn đường bị phạt tiền cả. Có những người còn coi cái hành vi xử phạt người đi bộ đi sai là…dở hơi và lên mặt thách thức để coi thực hiện được trong bao lâu vì cả thiên hạ người ta đều thế phạt sao xuể. Nghe cũng có cơ sở nhưng không nên vì thế mà chùn tay. Ngược lại, cần phải làm mạnh, làm chặt hơn nữa. Làm kiên trì, bền bỉ không ngơi nghỉ.
Và không chỉ ở Hà Nội, các địa phương khác trong cả nước cũng nên làm như vậy. Vì việc làm đó, không chỉ đơn thuần là xử phạt những người vi phạm luật giao thông mà là đang tiến hành những bước đi căn cốt, cơ bản để làm thay đổi tư duy ấu trĩ của đại bộ phận người dân nước ta. Từng bước hình thành nên ý thức tôn trọng pháp luật ngay từ những việc nhỏ nhất, thường xuyên nhất như là đi bộ. Nói thẳng ra, đó chính là con đường ngắn nhất, nhanh nhất để đưa đất nước vào khuôn khổ. Phải thay đổi từ việc nhỏ để được cái lớn hơn đó là xây dựng thói quen thượng tôn pháp luật cho toàn dân. Thực hiện được câu khẩu hiệu đã có từ hàng chục năm nay là “sống, làm việc theo hiến pháp và pháp luật”./.
Bụt Sơn
TIN LIÊN QUAN