Đời sống của người dân Mỹ đảo lộn vì kỷ lục đóng cửa Chính phủ
Việc chính phủ Mỹ đóng cửa trong khoảng thời gian lâu nhất lịch sử đã và đang tác động tiêu cực đến đời sống của người dân Mỹ.
Vào lúc 12h trưa 12/1 (theo giờ Việt Nam), nước Mỹ chính thức có kỷ lục mới về thời gian đóng cửa chính phủ khi bước sang ngày thứ 22 liên tiếp, vượt qua con số 21 ngày dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton vào cuối năm 1995, đầu năm 1996. Hiện những tranh cãi về khoản ngân sách hơn 5 tỷ USD để xây dựng bức tường biên giới với Mexico – nguyên nhân chính khiến chính phủ Mỹ đóng cửa một phần, đến nay vẫn chưa thể đi đến hồi kết.Người biểu tình yêu cầu giải quyết tình trạng Chính phủ bị đóng cửa. Ảnh: AP.
Hôm qua (11/1), Hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật cấp ngân sách và mở cửa trở lại Bộ Nội vụ, Cơ quan Bảo vệ Môi trường (EPA) cùng một số cơ quan liên bang khác chịu ảnh hưởng của tình trạng đóng cửa một phần chính phủ. Mặc dù vậy, dự luật này có nguy cơ cũng sẽ bị Thượng viện và Nhà Trắng bác bỏ.
Đây là một phần trong hàng loạt dự luật mà các nghị sĩ Dân chủ tại Hạ viện thúc đẩy trong tuần vừa qua, nhằm gây sức ép đối với phe Cộng hòa ở Quốc hội cũng như Nhà Trắng, trong bối cảnh tình trạng đóng cửa chính phủ vẫn tiếp diễn.
Sau cuộc bỏ phiếu, Chủ tịch Hạ viện Mỹ - bà Nancy Pelosi đã kêu gọi Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra phương án tiếp theo nhằm chấm dứt tình trạng đóng cửa chính phủ, khẳng định: “Khi Tổng thống hành động, Quốc hội sẽ đưa ra các phản ứng”.
Tuy nhiên, đây không phải là điều mà Tổng thống Trump muốn Quốc hội Mỹ làm vào thời điểm hiện tại. Phát biểu trong một sự kiện tại Nhà Trắng về vấn đề an ninh biên giới, ông Trump hôm qua khẳng định, Quốc hội nên bỏ phiếu thông qua đề xuất xây dựng bức tường biên giới và ông chưa vội để ban bố tình trạng khẩn cấp.
“Quốc hội nên làm điều này. Nếu họ không thể làm được, khi đó tôi sẽ tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia vì tôi hoàn toàn có quyền làm điều đó. Tuy nhiên đây là điều Quốc hội có thể dễ dàng thực hiện và là điều mà Đảng Dân chủ nên làm. Chúng ta đang chứng kiến một đất nước sẽ bị những kẻ phạm tội hay buôn bán ma túy xâm chiếm. Chúng ta phải ngăn chặn điều này. Vì vậy, tôi muốn Đảng Dân Chủ hãy quay trở lại và bỏ phiếu ủng hộ đề xuất của tôi”, ông Trump nhấn mạnh.
Nhà lãnh đạo Mỹ cũng đề cập tới việc ông sẽ cân nhắc có thay đổi lớn trong quá trình cải cách hệ thống nhập cư. Tuy nhiên, một động thái như vậy chỉ được thực hiện khi kế hoạch xây tường ở biên giới với Mexico của ông nhận được ngân sách.
Trước đó, truyền thông Mỹ đưa tin Nhà Trắng đang chuẩn bị cho việc tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia, cho phép Tổng thống Donald Trump xúc tiến dự án xây dựng bức tường dọc biên giới Mỹ-Mexico. Tờ Washington Post và NBC News đưa tin, nhiều khả năng Tổng thống sẽ huy động vốn cho bức tường biên giới từ quỹ hoạt động của Công binh lục quân nước này, cụ thể là số tiền 13,9 tỷ USD.
Việc chính phủ Mỹ đóng cửa trong khoảng thời gian lâu nhất lịch sử đã và đang tác động tiêu cực đến đời sống của người dân Mỹ, đặc biệt là các công nhân viên chức trong các Bộ ngành không có ngân sách hoạt động.
Nhiều người Mỹ thuộc diện “làm công, ăn lương” đã phải bán tài sản tích lũy, tìm việc làm thêm, để có tiền sinh hoạt. Nhiều người đã nộp đơn nghỉ việc, để tìm công việc mới thay thế khi cho rằng công việc hiện tại lương đã thấp lại còn bị chậm. Trong khi đó, các công viên luôn trong tình trạng ngập rác thải khi không có người quét dọn. Nghiêm trọng nhất là vấn đề an ninh hàng không bị đe dọa khi nhân viên nhiều bộ phận thông báo nghỉ ốm tăng kỷ lục.
Ngoài ra, 38 triệu người thuộc Chương trình Hỗ trợ dinh dưỡng bổ sung (SNAP) cũng sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng nếu họ bị cắt đi các nguồn trợ cấp hàng tháng nếu chính phủ Mỹ tiếp tục đóng cửa.