Cần ứng xử đúng đạo lý "Uống nước nhớ nguồn"

(Baonghean) - Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên được xem là nét đẹp văn hóa truyền thống của người Việt Nam. Ấy nhưng việc bà Trần Thị Thi ở phường Quán Bàu (TP. Vinh) đòi đất làm nhà thờ phụng liệt sỹ đã làm mất đi ít nhiều giá trị nét đẹp văn hóa đó...

Nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn (tại xã Vĩnh Trường, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị) là nơi yên nghỉ của hơn 10 ngàn liệt sỹ đã anh dũng chiến đấu và hy sinh trên tuyến đường Hồ Chí Minh huyền thoại trong những năm kháng chiến chống Mỹ. Trong đó, khu mộ các liệt sỹ quê Nghệ An chiếm số lượng lớn nhất với trên 1 ngàn ngôi mộ, tọa lạc gần trung tâm nghĩa trang, trên một quả đồi rộng rãi. Các anh có tuổi đời còn khá trẻ, họ lên đường khi Tổ quốc cần không tính toán thiệt hơn, chỉ một ý chí, một niềm tin ngày mai đất nước mình được giải phóng, được thống nhất. Sự hy sinh anh dũng của các anh trở thành những con người bất tử, được Đảng, Nhà nước và người dân đất Việt đời đời ghi nhớ dành một vị trí trang trọng, linh thiêng và yên tĩnh để các anh được yên nghỉ vĩnh hằng. 
Quỳ trước phần mộ của người chú - Liệt sỹ Trần Công Hạnh (quê xã Thanh Long, Thanh Chương) bà Trần Thị Thi đã phá vỡ không gian ấy với các giấy tờ mà các cơ quan chức năng xử lý kiến nghị xin cấp đất làm nhà thờ phụng liệt sỹ Trần Công Hạnh. Trong câu chuyện, bà Thi cho chúng tôi được biết, liệt sỹ Trần Công Hạnh mồ côi cả bố lẫn mẹ khi mới 5 tuổi. Từ đó, liệt sỹ Hạnh được vợ chồng ông Trần Văn Liện (bố bà Thi, anh cùng cha khác mẹ với ông Hạnh) nhận về nuôi dưỡng trong nhà. Năm 1967, liệt sỹ Hạnh cưới bà Phan Thị Hồng Diện (người cùng xã), nhưng chỉ sống với nhau được 10 ngày thì liệt sỹ Hạnh xung phong đi bộ đội và hy sinh năm 1970. Đến năm 1977, bà Diện tái giá và mảnh đất của bố mẹ liệt sỹ bỏ hoang, không có người trông coi và chăm sóc. Đến năm 2008, ông Trần Văn Liện làm đơn gửi UBND xã Thanh Long xin được cấp đất để làm nhà thờ liệt sỹ. Theo bà Thi, nguyện vọng của gia đình là có nơi để làm nhà thờ liệt sỹ và bố mẹ liệt sỹ bởi không thể thờ 2 anh em cùng mẹ, khác cha trong một gia đình. 
Nhận thấy nguyện vọng của gia đình bà Thi là chính đáng nhưng đáng tiếc, theo các quy định hiện hành thì không có cơ sở để giải quyết. Bởi, dựa trên các hồ sơ lưu lại cũng như ý kiến của những người dân thì trước năm 1951, trên mảnh đất của ông Trừ, bà Lộc (bố mẹ liệt sỹ Hạnh)  có ngôi nhà 2 gian, lợp mái tranh nhưng đến năm 1951 thì ngôi nhà bị trúng bom phá nát. Cha ông Hạnh qua đời khi ông mới lên 3 tuổi, còn mẹ chết trong trận bom đó. Từ đó, ông Hạnh được ông Trần Văn Liện nhận đưa về nuôi lớn và đi công nhân. Đến năm 1967, ông Hạnh cưới bà Phan Thị Hồng Diện được 10 ngày thì ông Hạnh đi bộ đội cho đến khi hy sinh vào năm 1970. Khi ông bà cưới nhau thì trên mảnh đất vẫn không có nhà và ông bà ở tạm tại nhà ông Liện. Sau khi chồng chết, bà Diện về ở với gia đình cha mẹ đẻ tại xóm 12 (xã Thanh Long). Thửa đất bị bỏ hoang và được HTX Thanh Long giao cho các hộ trồng rau (đất %). Đến năm 1979, UBND xã Thanh Long giao cho bà Trần Thị Hường làm đất ở cho đến nay. Và “Căn cứ Khoản 2, Điều 10, Luật Đất đai năm 2003: “Nhà nước không thừa nhận việc đòi lại đất đã được giao theo quy định của Nhà nước cho người khác sử dụng trong quá trình thực hiện chính sách đất đai của Nhà nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa, Chính phủ cách mạnh lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” thì việc đòi lại đất của gia đình bà Thi là không có căn cứ để giải quyết. 
Bà Thi và những lá đơn tố cáo phục vụ việc đòi đất.
Bà Thi và những lá đơn tố cáo phục vụ việc đòi đất.
Trước đó, vào năm 2008, thời điểm ông Trần Văn Liện còn sống đã gửi đơn cho các cơ quan chức năng  xin được cấp một thửa đất để xây nhà thờ liệt sỹ. Sau khi nhận đơn, UBND tỉnh chỉ đạo Sở TN&MT, UBND huyện Thanh Chương hướng dẫn ông Trần Văn Liện lập hồ sơ và tổ chức xét giao đất ở theo hình thức định giá để giao cho ông Trần Văn Liện theo đúng quy định. Tuy nhiên, ông Liện không đủ điều kiện để được xét duyệt giao đất theo hình thức định giá. Nguyên nhân là do gia đình ông Liện đã có đất ở và nhà ở tại xóm 3, xã Thanh Long huyện Thanh Chương. Đến nay, vợ chồng ông Liện đã mất, căn nhà không có người ở nên càng trở nên hiu quạnh. Chỉ những lần giỗ chạp thì anh em nhà bà Thi mới mở cửa quét dọn. 
Hiện mảnh đất cũ của bố mẹ liệt sỹ Hạnh tại xóm 4, xã Thanh Long đã được cấp cho hộ bà Trần Thị Hường, công dân của xã.  Hai người con của bà Hường hiện đang sống và làm việc trong miền Nam. Khi biết chuyện bà Thi đòi lại đất thờ liệt sỹ, bà Trần Thị Hường đã tự nguyện xin được hiến 300m2 đất cho gia đình bà Trần Thị Thi. Bà Hường chia sẻ: Theo nguyện vọng của gia đình liệt sỹ Trần Công Hạnh muốn xây nhà thờ để thờ phụng liệt sỹ, gia đình tôi xin tự hiến một phần diện tích đất để làm nơi thờ tự cho liệt sỹ. “Hiện thửa đất của gia đình có 864m2 nhưng được tách thành 2 mảnh, 1 mảnh là 564m2, 1 mảnh là 300m2, ở giữa có một con đường. Việc hiến 300m2 không ảnh hưởng đến đời sống của gia đình nên tôi cũng mong muốn bà Thi sớm nhận đất để thỏa nguyện ước vọng của gia đình”, bà Hường cho biết.
Trước hành động hiến đất của bà Hường, xét thấy hoàn cảnh gia đình bà Hường quá khó khăn nên UBND tỉnh đã quyết định có sự hỗ trợ kinh phí để bà Hường sửa chữa lại nhà cửa. Phương án giải quyết trên của UBND tỉnh nhận được sự đồng tình cao của Thanh tra Chính phủ và của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Vụ việc tưởng chừng đã có cái kết đẹp, nhân hậu nhưng tiếc thay bản thân bà Thi lại không đồng tình. Bà Thi tiếp tục có đơn tố cáo tất cả các cán bộ từng tham gia giải quyết vụ việc liên quan gia đình bà và yêu cầu các cấp chính quyền phải cấp cho gia đình bà một thửa đất bằng diện tích tương đương 1.000m2, nếu không bố trí được đất tại xóm 4 thì phải bố trí một nơi khác. Bà Thi còn chính tay viết một lá đơn xin hủy hiến đất rồi đưa cho bà Hường ký. Theo bà Hường thì tất cả những nội dung trong đơn bà Thi tự viết, rồi đọc cho bà Hường nghe, sau đó đề nghị bà ký vào. Khi nghe thông tin này, những người từng tham gia giải quyết vụ việc của bà Thi đều cảm thấy hụt hẫng và không hiểu được vì sao bà Thi lại có quyết định như vậy. 
Phải khẳng định rằng, việc đòi lại đất của bà Trần Thị Thi để làm nhà thờ phụng liệt sỹ Trần Công Hạnh đã được các cấp chính quyền, cơ quan chức năng giải quyết thấu tình, đạt lý trên cơ sở quy định pháp luật và tinh thần uống nước nhớ nguồn, tri ân các gia đình chính sách có công với cách mạng. Nhưng bà Trần Thị Thi đã khước từ tâm nguyện của bà Hường và những nỗ lực giải quyết của các cấp chính quyền. Dư luận đang đặt câu hỏi việc bà Thi cứ khăng khăng đòi cho được 1.000m2 đất để làm nhà thờ liệu có vì liệt sỹ Trần Công Hạnh hay vì lý do nào khác?
Chiến tranh đã lùi xa, có những vết thương đã lành nhưng nỗi đau của những gia đình mất mát người thân thì không có gì bù đắp được. Trong nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách dành sự quan tâm sâu sắc đối với các gia đình chính sách và người có công với cách mạng. Song, với một đất nước còn nghèo, trong khi đời sống nhân dân còn khó khăn, số lượng người có công với cách mạng và gia đình thân nhân liệt sỹ còn rất lớn thì dù có cố gắng đến đâu nhà nước vẫn chưa thể tri ân được trọn vẹn và đầy đủ. Vì vậy, rất cần sự sẻ chia, cảm thông của những gia đình chính sách có thân nhân hy sinh, những người có công với cách mạng. Nhưng chắc chắn rằng những người thương binh, liệt sỹ sẽ rất tự hào khi xương máu của mình đã được đền đáp xứng đáng bằng sự độc lập, bằng sự tự do và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.
Nguyên Hưng

tin mới

Tuần tra đêm bắt đối tượng sử dụng hung khí gây rối trật tự công cộng và tàng trữ trái phép chất ma túy

Tuần tra đêm bắt đối tượng sử dụng hung khí gây rối trật tự công cộng và tàng trữ trái phép chất ma túy

(Baonghean.vn) - Thông qua công tác tuần tra, kiểm soát vào ban đêm, Tổ tuần tra, kiểm soát Đại đội Cảnh sát Cơ động đã bắt 01 đối tượng sử dụng hung khí gây rối trật tự công cộng và 02 đối tượng tàng trữ trái phép chất ma tuý; thu giữ các tang vật liên quan.

Bắt đối tượng mang 2.000 viên ma túy đi tiêu thụ

Bắt đối tượng mang 2.000 viên ma túy đi tiêu thụ

(Baonghean.vn) - Vừa bước xuống xe khách, chưa kịp tẩu tán 2.000 viên ma túy tổng hợp, Lô Thị Vân trú tại xã Giang Sơn (Đô Lương) đã bị Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Công an tỉnh Nghệ An), Công an huyện Quỳ Hợp đồng chủ trì, phối hợp với Công an huyện Đô Lương bắt giữ.

Có cầu mới vượt sông Hiếu, hơn 3 nghìn người dân Quỳ Châu thoát nỗi lo bị chia cắt cục bộ mùa mưa lũ

Có cầu mới vượt sông Hiếu, hơn 3 nghìn người dân Quỳ Châu thoát nỗi lo bị chia cắt cục bộ mùa mưa lũ

(Baonghean.vn) - Liên tục vài năm gần đây, xã Châu Thắng (Quỳ Châu) luôn chịu ảnh hưởng bởi lũ lụt, khi nước sông Hiếu dâng cao còn bị chia cắt cục bộ, công tác cứu hộ, cứu trợ gặp rất nhiều khó khăn. Cây cầu mới vừa được xây dựng hoàn thành đã giải quyết dứt điểm vấn đề này.