Khẩn trương hoàn thổ sau khai thác khoáng sản ở Quế Phong

(Baonghean) - Theo Quốc lộ 16 ngược xã biên giới Tri Lễ (Quế Phong), lồ lộ hai bên đường là những bãi hoang, núi đồi lở loác. Người dân địa phương cho biết, là do các công ty khoáng sản đào bới, khai thác quặng sắt từ nhiều năm trước để lại.

Hiện trạng

Vượt dốc Bù Chông Cha lên xã Tri Lễ cuối tháng 3/2017, ngay đầu cầu sông Quang, bắt gặp một chiếc băng rôn lớn treo bên đường có dòng chữ “Cấm khai thác khoáng sản dưới mọi hình thức. Không phận sự miễn vào”. Men theo con đường mòn nhỏ dưới tấm băng rôn khoảng hơn trăm mét, xuất hiện một bãi đất hoang rộng vài ha. Trên bãi có một nhà xưởng với máy móc thiết bị sàng tuyển quặng, hai chiếc xe “hổ vồ” hỏng và nhiều quặng thô, ao chứa bùn thải và những hầm hố thể hiện có sự đào bới, khai thác quặng thủ công. 

Theo người dân ở đây, bãi hoang này nguyên là khu vực sàng tuyển quặng sắt của Công ty Ngọc Sáng. Công ty này vận chuyển quặng từ trên núi, thuộc bản Na Niếng xuống để sàng tuyển. “Khoảng năm 2011 - 2012, Công ty TNHH Ngọc Sáng làm liên tục. Đến năm 2014 - 2015 thì không thấy làm nữa. Ở đây có đến mấy công ty làm quặng sắt. Làm cũng lâu lắm rồi, và cũng đi khỏi Tri Lễ lâu rồi...” - một người dân xã Tri Lễ cho hay.

Vậy tại sao lại có băng rôn: Cấm khai thác khoáng sản dưới mọi hình thức...? “Vì người dân vào khu vực này mót quặng thiếc lộ thiên. Khoảng tháng 9 - 10/2016, khu vực này có nhiều người đến mót quặng lắm, có khi hơn mấy trăm người. Vì lộn xộn, có nguy cơ mất an ninh trật tự, chính quyền huyện, xã đã cấm...” - người này trả lời.

Khu vực bãi sàng tuyển quặng của Công ty TNHH Ngọc Sáng ngổn ngang quặng thô. Ảnh: Nhật Lân
Khu vực bãi sàng tuyển quặng của Công ty TNHH Ngọc Sáng ngổn ngang quặng thô. Ảnh: Nhật Lân

Từ cầu Sông Quàng, nhìn chếch sang bên phải, cách một cánh đồng rộng là núi non trùng điệp, thỉnh thoảng xuất hiện những khoảng lớn lở loác màu vàng nâu của đất đá. Hỏi thì được người dân Tri Lễ cho hay “Đó là khu vực bản Na Niếng. Là nơi khai thác quặng sắt của mấy công ty đấy...”. 

Anh Lương Văn Mận - cán bộ địa chính xã Tri Lễ đưa đường đến vị trí mỏ của Công ty TNHH Xây lắp tổng hợp miền Trung. Ở đây, trên các sườn núi, có những moong khai thác sâu và rộng chứa nước trông như những chiếc ao lớn đến vài trăm m2. Xung quanh moong khai thác, đường vận tải quặng, đất đá thải chất đống, ngổn ngang. Nằm trên sườn núi cao, moong khai thác như những túi “bom nước” và nguy cơ sạt trượt những đất đá thải xuống thôn bản dưới chân núi hiển hiện... 

Tiềm ẩn nhiều hệ lụy

Được biết, ở xã Tri Lễ có 4 doanh nghiệp khai thác khoáng sản sắt gồm Công ty CP Lâm Lệ Phong, Công ty Đầu tư xây dựng và phát triển nông thôn 171, Công ty TNHH Ngọc Sáng, Công ty TNHH Xây lắp tổng hợp miền Trung; ngoài ra, xã Quang Phong có Công ty Tân Hồng khai thác quặng vàng.

Tuy nhiên, giấy phép khai thác của các doanh nghiệp này đã hết hạn từ lâu nhưng họ chưa được thực hiện đóng cửa mỏ. UBND tỉnh, Sở TN&MT, UBND huyện Quế Phong đã đôn đốc thực hiện đóng cửa mỏ, phục hồi môi trường nhưng các doanh nghiệp không chấp hành.

UBND huyện Quế Phong xác nhận, các khu vực mỏ và khu vực sàng tuyển quặng “có nguy cơ sạt lở, gây mất an toàn và làm ảnh hưởng đến môi trường khu vực khai thác” (trích Công văn số 165/TB-UBND ngày 24/11/2016 của UBND huyện Quế Phong).

Theo một cán bộ Phòng TN&MT, khoảng tháng 10/2016, khu vực sàng tuyển của Công ty TNHH Ngọc Sáng từng có người dân vào khai thác quặng thiếc trái phép đưa xuống sông Quang đãi. Ngoài nguy cơ thất thoát tài nguyên, còn gây ô nhiễm môi trường và mất an ninh trật tự.

Chính vì vậy, UBND huyện đã thành lập đoàn công tác phối hợp với xã Tri Lễ ngăn chặn, tuyên truyền không để người dân và các đối tượng tư thương khai thác, mua bán khoáng sản trái phép; chiếc băng rôn “Cấm khai thác khoáng sản dưới mọi hình thức. Không phận sự miễn vào” là nhằm để nhắc nhở nhân dân... 

Theo một lãnh đạo UBND huyện Quế Phong, huyện đã nhiều lần báo cáo cấp thẩm quyền và ngành có liên quan về thực trạng chung của các điểm mỏ khoáng sản của 5 doanh nghiệp trên và những hệ lụy có thể xảy ra.

Khu vực bãi sàng tuyển của Công ty TNHH Ngọc Sáng có nhiều hồ chứa bùn thải. Ảnh: Nhật Lân
Khu vực bãi sàng tuyển của Công ty TNHH Ngọc Sáng có nhiều hồ chứa bùn thải. Ảnh: Nhật Lân

Như với khu vực khai thác và sàng tuyển quặng của Công ty TNHH Ngọc Sáng, tại Công văn số 934/UBND.TN ngày 20/9/2016, UBND huyện Quế Phong đã đánh giá: “Khu vực mỏ của Công ty TNHH Ngọc Sáng sau quá trình khai thác đã hình thành các moong có độ sâu từ 1,5 - 2,5m, rộng khoảng 50 - 70m, hình thành các túi nước trong mùa mưa, gây nguy hiểm cho người và gia súc của nhân dân sống quanh khu vực mỏ.

Khu vực tuyển, chế biến quặng sắt đang còn một số trang thiết bị, máy móc và hệ thống nhà xưởng; bùn thải trong hồ chứa, ao lắng chưa được công ty nạo vét, di chuyển san lấp, phục hồi khu vực mỏ. Hệ thống bờ hồ đã bị sạt lở, có nguy cơ bị vỡ hồ, kéo theo đất đá thải đổ tràn xuống sông, khu vực đất đai nhà dân xung quanh gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng...”.

Cũng theo vị lãnh đạo này, dịp cuối năm 2016, huyện đã kiến nghị UBND tỉnh, Sở TN&MT chỉ đạo các doanh nghiệp chấp hành nghiêm việc đóng cửa mỏ; cải tạo, phục hồi môi trường; di chuyển thiết bị máy móc, nạo vét di chuyển bùn thải... Trường hợp các doanh nghiệp không chấp hành thì xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật và cho phép huyện chủ động xử lý các công tác để tránh sự cố môi trường có thể xảy ra.

Sẽ giải quyết dứt điểm

Theo Phòng Khoáng sản - Sở TN&MT, ngày 29/3/2017, phòng đã phối hợp với UBND huyện Quế Phong kiểm tra hiện trường các điểm khai thác khoáng sản cần thực hiện đóng cửa mỏ, phục hồi môi trường tại xã Tri Lễ. Qua đó xác định, hiện trạng khu vực cấp phép cho các Công ty CP Lâm Lệ Phong (khu vực bản Tà Pan, xã Tri Lễ, diện tích khu vực khai thác 19,1 ha, hết hạn từ ngày 16/2/2014); Công ty Đầu tư XD và Phát triển nông thôn 171 (khu vực Na Niếng, xã Tri Lễ, diện tích khu vực khai thác 52,09 ha, hết hạn từ ngày 11/11/2015); Công ty TNHH Ngọc Sáng (xã Tri Lễ, diện tích khu vực khai thác 10,3 ha, hết hạn từ ngày 22/12/2015); Công ty TNHH Xây lắp tổng hợp Miền Trung (khu vực Na Niếng, xã Tri Lễ, diện tích khu vực khai thác 30 ha, hết hạn từ ngày 25/6/2016) tổ chức khai thác đều để lại các moong khai thác lớn, sâu, nằm ở vị trí lưng chừng sườn núi, bên cạnh đó, có một số hố chứa bùn thứ cấp, bãi đất đá thải, quặng nguyên khai...

Tại các khu vực này, có nguy cơ phát tán ra môi trường chủ yếu đất đá thải bị rửa trôi theo các dọc ta luy và theo cung đường vận tải mỏ; cần xử lý moong, phân tạo kênh chảy thu nước hạn chế việc để nước mưa xuyên thấm qua đối tượng đất đá thải, gây trượt lở; chắn và ổn định ta luy bãi thải, đảm bảo độ kiên cố không trượt lở; san gạt giảm độ sâu moong; phân luồng nước hạn chế rửa trôi cung đường từ bản lên mỏ; trồng keo hoặc tre nứa để chống xói trôi.

Chính vì vậy, sau khi kiểm tra hiện trường, Phòng Khoáng sản đã đề nghị UBND huyện Quế Phong sớm hoàn thành việc lựa chọn, đề xuất tổ chức thực hiện đóng cửa mỏ các khu vực nêu trên, để Sở TN&MT kịp thời trình UBND tỉnh xem xét cho chủ trương để tổ chức thực hiện. 

Đến thời điểm hiện tại, UBND huyện Quế Phong đã có báo cáo trình Sở TN&MT về việc lựa chọn đơn vị thực hiện việc cải tạo mỏ theo Công văn số 8571/UBND.TN ngày 10/11/2016 của UBND tỉnh và hướng dẫn của Sở TN&MT. Trên cơ sở đó, Sở TN&MT cũng đã có công văn đề nghị UBND tỉnh xem xét. Ông Trần Văn Toản - Trưởng phòng Khoáng sản trao đổi: “UBND huyện Quế Phong lựa chọn một số doanh nghiệp trên địa bàn thực hiện việc đóng cửa mỏ và phục hồi môi trường.

Xét thấy các doanh nghiệp được cấp phép khai thác khoáng sản không chấp hành việc đóng cửa mỏ sau khi giấy phép hết hạn; lựa chọn của huyện Quế Phong phù hợp với tình hình thực tế nên Sở TN&MT đã trình UBND tỉnh xem xét nội dung này. Nếu UBND tỉnh chấp thuận, các doanh nghiệp huyện Quế Phong lựa chọn sẽ lập đề án đóng cửa mỏ, phục hồi môi trường để được thẩm định, phê duyệt cho phép thực hiện...”.

Ông Trần Văn Toản cũng cho hay, ngoài huyện Quế Phong, trên địa bàn tỉnh còn tồn tại một số điểm mỏ khoáng sản đã ngừng hoạt động nhưng doanh nghiệp chưa thực hiện đóng cửa mỏ, khắc phục môi trường. Vì vậy, Sở TN&MT đang tổ chức kiểm tra, báo cáo UBND tỉnh chỉ đạo xử lý dứt điểm.

Làm việc với huyện Quế Phong ngày 21/3/2017, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đắc Vinh yêu cầu Văn phòng Tỉnh ủy đưa vào thông báo kết luận cuộc làm việc và gửi Sở TN&MT, giao từ nay đến tháng 6/2017, các mỏ khoáng sản đã ngừng hoạt động khai thác tại Quế Phong phải hoàn thổ, đóng cửa mỏ theo đúng quy định.

Nhật Lân

tin mới

Chấn chỉnh công tác quản lý thuế, không bỏ sót đối tượng nộp thuế sử dụng đất phi nông nghiệp

Chấn chỉnh công tác quản lý thuế, không bỏ sót đối tượng nộp thuế sử dụng đất phi nông nghiệp

(Baonghean.vn) - Cục Thuế tỉnh vừa có văn bản đôn đốc các phòng, Chi cục Thuế trực thuộc rà soát, báo cáo, quản lý thuế đối với các trường hợp sử dụng đất chưa có quyết định, hợp đồng thuê đất. Đây là vấn đề Báo Nghệ An đã phản ánh tại bài viết “Nghịch lý phía sau các cụm công nghiệp ở Quỳ Hợp”.

Tội vi phạm quy định về bảo vệ an toàn công trình thủy lợi, đê điều và phòng, chống thiên tai; vi phạm quy định về bảo vệ bờ, bãi sông là gì?

Tội vi phạm quy định về bảo vệ an toàn công trình thủy lợi, đê điều và phòng, chống thiên tai; vi phạm quy định về bảo vệ bờ, bãi sông là gì?

(Baonghean.vn) - Tội vi phạm quy định về bảo vệ an toàn công trình thủy lợi, đê điều và phòng, chống thiên tai; vi phạm quy định về bảo vệ bờ, bãi sông là gì? Luật Hình sự quy định như thế nào? Đó là vấn đề quan tâm của bà Trần Anh Nguyệt (Hưng Hoà, thành phố Vinh, Nghệ An).

Video: Khởi tố đối tượng giả danh Luật sư để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản

Video: Khởi tố đối tượng giả danh luật sư để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản

(Baonghean.vn) - Không có công ăn việc làm ổn định, không bằng cấp nhưng Trần Thị Thủy vẫn thông tin tới các bị hại bản thân là luật sư, từ đó lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nhiều bị hại thông qua hình thức “chạy án”. Đối tượng này vừa bị Phòng Cảnh sát hình sự Công an Nghệ An bắt giữ, khởi tố.

Khởi tố đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua hình thức 'chạy án'

Khởi tố đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua hình thức 'chạy án'

(Baonghean.vn) - Phòng Cảnh sát hình sự Công an Nghệ An vừa ra quyết định khởi tố vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, khởi tố bị can đối với Trần Thị Thủy (SN 1980), trú tại phường 9, quận Gò Vấp, thành phố Hồ Chí Minh; tạm trú tại xã Hưng Trung, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An.

92 chủ xe bị phạt lỗi chở hàng quá khổ, quá tải ở Nghệ An

92 chủ xe bị phạt lỗi chở hàng quá khổ, quá tải ở Nghệ An

(Baonghean.vn) - Trên cơ sở chỉ đạo của Công an tỉnh, Tổ công tác đặc biệt gồm lực lượng của Phòng CSGT, phối hợp CSCĐ triển khai tổ chức tuần tra, kiểm soát trên tất cả các tuyến đường; xử lý nghiêm vi phạm liên quan đến các phương tiện kinh doanh vận tải, nhất là lỗi vi phạm quá khổ, quá tải...

Cá nhân vi phạm quy định về phòng ngừa sự cố môi trường để xảy ra sự cố môi trường sẽ bị xử phạt như thế nào?

Cá nhân vi phạm quy định về phòng ngừa sự cố môi trường để xảy ra sự cố môi trường sẽ bị xử phạt như thế nào?

(Baonghean.vn) - Cá nhân vi phạm quy định về phòng ngừa sự cố môi trường để xảy ra sự cố môi trường sẽ bị xử phạt như thế nào? Pháp nhân vi phạm quy định này sẽ bị xử phạt bao nhiêu?. Vấn đề quan tâm của ông Nguyễn Văn Trì (Thanh Chương, Nghệ An).

Bắt ổ nhóm trộm, tiêu thụ hơn 2 tấn chó ở Nghệ An

Bắt ổ nhóm trộm, tiêu thụ hơn 2 tấn chó ở Nghệ An

(Baonghean.vn) - Phòng Cảnh sát hình sự Công an Nghệ An vừa chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan phá thành công chuyên án, triệt xóa ổ nhóm trộm hơn 2 tấn chó, do các đối tượng mang nhiều tiền án, tiền sự thực hiện, bước đầu bắt giữ 3 đối tượng.

Hồ Sỹ Bé bị tuyên phạt 20 năm tù về tội Giết người. Ảnh: Như Bình.

Sát hại hàng xóm chỉ vì 'tự ái vặt'

(Baonghean.vn) - Chỉ vì lời khích bác của người trong xóm, Hồ Sỹ Bé (Đô Lương) đã dùng dao cướp mạng sống của người láng giềng là trụ cột chính của gia đình có 5 miệng ăn... Hành vi của Bé để lại nỗi đau cho bao người, trong đó có cả người mẹ của gã.

Lừa gia công hàng cao cấp trên mạng, chiếm đoạt tiền tỷ

Lừa gia công hàng cao cấp trên mạng, chiếm đoạt tiền tỷ

Lê Thị Thúy Hà đưa ra thông tin cần người gia công các mặt hàng cao cấp, những người muốn nhận gia công các mặt hàng này cần phải đặt trước tiền cọc. Tuy nhiên, trên thực tế những nguồn vật liệu này được Lê Thị Thúy Hà mua trôi nổi trên thị trường và Lê Thị Thúy Hà cũng không có đầu mối tiêu thụ.