Đổi thay ở Phá Lõm

Thanh Quỳnh - 19/06/2022 19:39

(Baonghean.vn) - Nằm ở độ cao gần 600m so với mực nước biển, bản Phá Lõm (xã Tam Hợp, huyện Tương Dương) là địa bàn sinh sống của 122 hộ đồng bào người Mông. Nơi đây từng được xem là “lõi nghèo” của mảnh đất rẻo cao Tương Dương, nhưng bằng sự nỗ lực vượt khó và mạnh dạn thay đổi trong tư duy làm ăn, mảnh đất này đã từng ngày hồi sinh để mang trên mình diện mạo mới. Đó là diện mạo của sự ấm no và sục sôi ý chí thoát nghèo.

Những “hạt giống đỏ” tiên phong thoát nghèo

Theo chân đoàn công tác của Ban Dân vận Tỉnh ủy và Tỉnh đoàn Nghệ An, chúng tôi đến với mảnh đất Phá Lõm (xã Tam Hợp, huyện Tương Dương) với mong muốn được đưa những công trình thanh niên thiết thực đến với bà con và các em nhỏ nơi đây. Vượt quãng đường rừng với những khúc cua tay áo tính từ trung tâm của xã, bản Phá Lõm hiện ra trước mắt chúng tôi với một vẻ đẹp dung dị đặc trưng của bản làng người Mông.

Tính đến thời điểm hiện tại, gần như 90% các tuyến đường nội bản của Phá Lõm đã được người dân cùng cấp ủy, chính quyền địa phương đồng lòng đóng góp nhân lực, vật lực hoàn thiện, kiến thiết. Ảnh: Thanh Quỳnh

Đón chúng tôi bằng nụ cười rạng rỡ, Trưởng bản Phá Lõm Xồng Bá Chớ cho biết, toàn bản có 2 dòng họ người Mông cùng sinh sống gồm họ Xồng và họ Lầu. Nhiều người có uy tín trong hai dòng họ là những đảng viên được bà con tin cậy. Dưới sự dẫn dắt của các đảng viên đó, bà con đã mạnh dạn tiếp cận với những mô hình kinh tế mới, đồng lòng dẹp bỏ những hủ tục để từng bước tiến gần hơn với những tiến bộ của khoa học, kỹ thuật trong làm ăn.

Dẫn chúng tôi tới mô hình trồng sâm củ 7 lá của hộ gia đình anh Xồng Tồng Ca (sinh năm 1982), Trưởng bản Xồng Bá Chớ không giấu được niềm vui chia sẻ: “Loài cây này mọc ở trong rừng sâu, nó quý lắm, từ xa xưa, bà con đã sử dụng nó làm thuốc chữa đau bụng. Sau này phát hiện nó còn có công dụng tăng cường thể lực, chữa bệnh cao huyết áp nên càng nhiều người tìm kiếm. Nhiều năm nay, giống cây này không còn nhiều nữa, đi cả ngày trời chưa chắc đã tìm được củ nào. Vì vậy, địa phương đã vận động bà con bảo tồn và nhân rộng giống cây quý này để có thêm một sinh kế thoát nghèo.

Dưới sự vận động và làm gương của các đảng viên, trong chi bộ đã có 5 hộ dân trong bản đã tiến hành triển khai mô hình. Các mô hình khác như nuôi bò sinh sản, nuôi dê hàng hóa, trồng nghệ đỏ... cũng dần được đảng viên cùng bà con triển khai một cách hiệu quả”.

Mô hình trồng sâm của gia đình anh Xồng Tồng Ca ở bản Phá Lõm (xã Tam Hợp, huyện Tương Dương). Ảnh: Thanh Quỳnh

Cùng chia sẻ về vai trò của chi bộ bản trong công cuộc đồng hành cùng bà con gây dựng cuộc sống mới, Bí thư Chi bộ bản Phá Lõm Xồng Bá Giày cho biết, hiện Chi bộ bản Phá Lõm có 24 đảng viên, trong đó có những đảng viên đã được tặng Huy hiệu 50 tuổi Đảng, là điểm tựa cho các thế hệ trẻ của bà con nơi đây noi theo.

Từ những việc làm rất cụ thể của các đảng viên trong chi bộ, bà con đã nhìn thấy, tin, nghe và làm theo. Các nghị quyết chuyên đề về phát triển kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, củng cố an ninh trật tự vùng biên do chi bộ triển khai được thực hiện có hiệu quả trong nhân dân. Để nâng cao chất lượng chi bộ, thời gian qua, một số đảng viên là cán bộ xã được tăng cường về Chi bộ Phá Lõm không quản ngại khó khăn, đi từng nhà vận động “cầm tay chỉ việc” cho bà con.

Ví như đồng chí Xồng Bá Nỏ là Phó Bí thư Đảng ủy xã về sinh hoạt chi bộ cùng bà con. Với kinh nghiệm từ mô hình chăn nuôi bò sinh sản của mình, đồng chí Phó Bí thư Đảng ủy xã đã đồng hành với bà con xây dựng chuồng trại, hình thành các mô hình chăn nuôi hàng hóa như gà đen, dê, lợn nít. Cùng đó, dưới sự đồng hành của toàn chi bộ, bà con đã mở rộng diện tích trồng lúa lên tới hơn 14ha tại vùng Chà Lạp và Khe Ngồn, trong đó có nhiều diện tích lúa nước năng suất cao. Các mô hình trồng nghệ đỏ, chanh leo… cũng góp phần nâng cao thu nhập để nhân dân thoát nghèo.

Dưới sự vận động của cấp ủy, chính quyền cùng Tổng đội Thanh niên xung phong 9 trên địa bàn, bà con Phá Lõm đã tiếp cận với nhiều mô hình kinh tế mới, nổi bật có mô hình trồng nghệ đỏ. Ảnh: Thanh Quỳnh

Đồng lòng hiện thực hóa các nghị quyết đề ra

Rảo bước trên con đường bê tông khang trang dẫn về bản, Trưởng bản cho biết, đây là 200m đường cuối cùng của bản được bà con nhân dân góp sức cùng với 150 đoàn viên, thanh niên của xã đổ bê tông với đường rộng gần 3m. Từ năm 2017 đến nay, được sự hỗ trợ của Đảng, Nhà nước về xi măng, bà con đã cùng nhau hiến đất, góp nhân lực, vật lực để kiến thiết toàn bộ đường đất trơn lầy của bản thành các tuyến đường bê tông rộng rãi.

Lực lượng đoàn viên, thanh niên trong bản góp sức trẻ triển khai các công trình giao thông nông thôn và các công trình cộng đồng của bản. Ảnh: Đoàn xã Tam Hợp

Cùng với niềm vui khi đã hoàn thành bê tông hóa các trục đường giao thông, năm nay bà con Phá Lõm còn có một niềm vui khác khi có thêm một khu chăn nuôi mới. Nhờ vậy, đàn lợn, đàn bò không còn chết vì đói rét và dịch bệnh.

Trước đây, trong quá trình xây dựng các điểm chăn nuôi, có nhiều lán trại của bà con nơi đây nằm trong khoảnh 7 thuộc tiểu khu 696 của Ban Quản lý rừng phòng hộ Tương Dương. Để bảo hộ diện tích rừng phòng hộ của địa phương, Tổng đội Thanh niên xung phong 9 phối hợp cùng cấp ủy, chính quyền xã Tam Hợp, Đồn Biên phòng Tam Hợp và các già làng, trưởng bản, người có uy tín của bản Phá Lõm đã cùng nhau xây dựng kế hoạch tổ chức các buổi họp dân để tuyên truyền về các quy định của Nhà nước, Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, Luật Đất đai cho bà con hiểu.

Khi bà con đã dần đồng thuận, tổ công tác đã sâu sát thống kê gia súc, gia cầm của từng hộ để lập kế hoạch di dời các lán trại chăn nuôi, đưa gia súc gia cầm đến vùng quy hoạch tại khu vực Bãi Lạc để người dân ổn định chăn nuôi lâu dài.

Nổi bật có vợ chồng Lầu Bá Phổng (SN 1980) và Vừ Y Dìa (SN 1981) là một trong những hộ dân đầu tiên của bản Phá Lõm đồng thuận di dời lán trại chăn nuôi về với Bãi Lạc. Giờ đây, quãng đường từ nhà vợ chồng anh tới khu chăn nuôi của mình rút ngắn chỉ còn 3km. Vì vậy, khoảng thời gian di chuyển từ nhà ra khu chăn nuôi cũng được rút ngắn. Đàn vật nuôi nhờ có khu thức ăn tự nhiên phong phú, lại thuận tiện trong việc tiêm phòng, phòng dịch nên tăng cân rõ rệt. Nhờ vậy, 9 con lợn của vợ chồng anh đã được tư thương đặt cọc thu mua trong thời gian sắp tới.

Cũng là hộ gia đình có mô hình chăn nuôi phát triển, chị Xồng Y Nhìa (sinh năm 1982) cho biết, từ khi gia đình di chuyển lán trại chăn nuôi với tổng đàn lên tới 20 con lợn đen từ dốc Cây Đào về Bãi Lạc thì thuận tiện hơn rất nhiều trong quá trình chăm sóc, xuất chuồng đàn lợn. Nhờ có tuyến đường lớn dẫn vào khu chăn nuôi nên khâu tiêu thụ vật nuôi diễn ra dễ dàng hơn. Tư thương nhờ thế cũng không dám ép giá bởi ngày càng có nhiều người thu mua tìm đến.

Nhờ thay đổi tư duy làm ăn, những kho thóc của bà con ở Phá Lõm luôn đầy ắp ngay giữa mùa giáp hạt. Ảnh: Thanh Quỳnh

Bí thư Đảng ủy xã Lê Hồng Thái cho biết, dốc Bãi Lạc có diện tích khoảng 112 ha với nguồn thức ăn thiên nhiên phong phú đã giúp cho vật nuôi của bà con phát triển tốt. Khi chăn nuôi phát triển, bà con người Mông yên tâm tiếp tục thực hiện các mô hình kinh tế khác để tăng thu nhập, cải thiện đời sống. Trong đó, phải kể đến mô hình trồng nghệ đỏ của bà con. Tính đến thời điểm hiện tại, hơn 70 hộ đồng bào Mông của bản Phá Lõm đã liên kết với Tổng đội Thanh niên xung phong 9 để tiến hành trồng gần 8ha nghệ đỏ.

Đặc biệt, 11 hộ thuộc diện phải di dời lán trại chăn nuôi về dốc Bãi Lạc cũng được Tổng đội và chính quyền xã hỗ trợ phát triển mô hình trồng nghệ một cách hiệu quả. Tính bình quân mỗi ha trồng nghệ mang về cho bà con trên dưới 150 triệu đồng. Vì vậy, tận dụng các diện tích đất vườn, đất đồi bà con đã kết hợp phát triển song song hai hướng chăn nuôi và trồng trọt. Cuộc sống ngày càng ấm no, dân bản cũng vì vậy mà tin tưởng hơn vào Đảng, chính quyền và các tổ chức chính trị xã hội để đồng lòng thực hiện các mục tiêu đã đề ra.

Đổi thay ở Phá Lõm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO