Đổi thay ở xã vùng giáo Hưng Yên Nam

(Baonghean.vn) -Đến xã vùng giáo Hưng Yên Nam (Hưng Nguyên), chúng tôi cảm nhận thấy sự đổi thay rõ nét của mảnh đất khó này. Những con đường bê tông trải dài, những nhà văn hóa khang trang, sạch, đẹp, những công trình dân sinh đã và đang được đổi thay.
Sức mạnh lòng dân
Dẫn chúng tôi tới thăm nhà văn hóa mới được xây dựng khang trang trên tổng diện tích 1.500 m2 với thiết chế đồng bộ trị giá hơn 800 triệu đồng khánh thành trong tháng 8 năm 2021, ông Đặng Văn Hiếu - Xóm trưởng xóm 2, xã Hưng Yên Nam tự hào cho biết: “Cứ như một phép màu cô ạ! Trước đây xóm không có nhà văn hóa, mỗi khi cần họp hành phải mượn nhà dân hoặc sinh hoạt tại nhà xóm trưởng vất vả lắm. Bởi vậy, khi có chủ trương và được cấp trên hỗ trợ xây dựng nhà văn hóa người dân phấn khởi lắm!”. 
 
Nhà văn hóa các xóm ở Hưng Yên Nam được xây dựng khang trang với cơ sở vật chất đồng bộ. Ảnh: GH
Nhà văn hóa các xóm ở Hưng Yên Nam được xây dựng khang trang với cơ sở vật chất đồng bộ. Ảnh: GH
Vị xóm trưởng năng động còn cho biết thêm: Xóm có 236 hộ, 855 khẩu, trong đó, có 80 hộ bà con theo đạo, đồng bào lương - giáo đoàn kết lắm. Ngoài kinh phí 300 triệu đồng được huyện và xã hỗ trợ, người dân đồng lòng góp mỗi hộ 2 triệu đồng để chung tay xây dựng nơi sinh hoạt cộng đồng của cả xóm. Có hộ góp 10 - 20 triệu đồng, có người tự nguyện góp 4 cây bóng mát trị giá hàng chục triệu đồng để trồng trong khuôn viên nhà văn hóa. Người góp công, người góp của chỉ sau hơn 3 tháng công trình nhà văn hóa xóm đã hoàn thành trong niềm hân hoan, phấn khởi của bà con. 
Quá trình làm, còn thiếu kinh phí xây dựng tường bao khuôn viên, xóm xin ý kiến bà con, chỉ trong 1 buổi họp đã thu được 24 triệu đồng tiền ủng hộ. Hiện xóm chúng tôi đang dự định làm công trình vệ sinh phía Nam, sân khấu ở phía Bắc. Diện mạo thôn xóm thay đổi hoàn toàn, 100% đường bê tông đi lại thuận tiện”, ông Hiếu cho hay.
Người dân xóm 7 chơi thể thao ở khuôn viên nhà văn hóa xóm; Lãnh đạo xã Hưng Yên Nam trao đổi với người dân xóm 7 về xây dựng NTM. Ảnh: GH
Người dân xóm 7 chơi thể thao ở khuôn viên nhà văn hóa xóm; Lãnh đạo xã Hưng Yên Nam trao đổi với người dân xóm 7 về xây dựng NTM. Ảnh: GH
Không chỉ riêng ở xóm 2 mà trước đây, hầu như các xóm ở xã Hưng Yên Nam không có nhà văn hóa hoặc có nhưng đã xuống cấp, xập xệ. Điển hình như ở xóm 7 - xóm giáo toàn tòng với 235 hộ, hơn 1.000 khẩu. Nhà văn hóa cũ của xóm được xây dựng cách đây 23 năm cũ kỹ, dột nát, bàn ghế không có. Bởi vậy, theo ông Nguyễn Hữu Cường - người có thâm niên làm cán bộ thôn xóm từ những năm 1982: Khi được xã, huyện kêu gọi nguồn lực hỗ trợ xây dựng nhà văn hóa mới, xóm đã tuyên truyền, vận động người dân chung tay góp sức triển khai. Ngoài góp công tháo dỡ, xây dựng, mỗi hộ đóng góp 2 triệu đồng để hoàn thành nhà văn hóa mới khang trang trên tổng diện tích khoảng 600 m2, với tổng trị giá hơn 2 triệu đồng.
“Với khuôn viên rộng rãi, đèn điện sáng trưng, trẻ con, người lớn chơi thể thao tới tận tối khuya. Nhà văn hóa nằm sát ngay cạnh nhà thờ Giáo xứ Đồng Sơn. Đạo và đời hòa hợp. Những ngày lễ xóm đều mở cửa để người dân có thể để xe thuận tiện, gọn gàng”, Xóm trưởng Nguyễn Hữu Cường vui vẻ cho biết. Nhờ sự tuyên truyền, vận động của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự ủng hộ của giáo hội, người dân đã thông tỏ việc xây dựng nông thôn mới do chính nhân dân làm chủ thể, dân làm, dân hưởng lợi. Hiện nay đường giao thông trong xóm gần như đã bê tông hóa, đường cờ dài 2,5 km nối liền xóm 7, xóm 6 cờ Tổ quốc được treo quanh năm.
Một góc đường cờ nối liền các xóm ở Hưng Yên Nam. Ảnh: GH
Một góc đường cờ nối liền các xóm ở Hưng Yên Nam. Ảnh: GH

Giáo xứ còn huy động người dân lắp điện chiếu sáng vừa tạo điểm nhấn cảnh quan, vừa thuận lợi trong đi lại. Đời sống người dân trong xóm cũng dần khấm khá hơn, nam thì làm nghề xây dựng (trong xóm có khoảng 40 thầu xây dựng), nữ thì chạy chợ, con em chủ yếu đi xuất khẩu lao động, tuy vậy, không ai để ruộng bỏ hoang. 

Là xã bán sơn địa, vừa có núi đồi, vùng cao cưỡng, vừa có vùng trũng thấp, toàn xã có 2.157 hộ dân, 8.185 nhân khẩu phân bố trên 8 xóm, với tỷ lệ giáo dân chiếm gần 80% dân số, có 3 giáo xứ (Đồng Sơn, Tràng Nứa, Yên Thịnh), 7 giáo họ, 6/8 xóm có giáo dân toàn tòng. Nguồn thu ngân sách hạn chế, lại vốn được chia tách từ xã Hưng Yên cũ nên cơ sở vật chất hạ tầng ban đầu còn vô cùng khó khăn: Trụ sở UBND xã tận dụng cơ sở hạ tầng hội trường của UBND xã cũ để làm việc; không có trường mầm non; trường THCS, trường tiểu học xuống cấp nghiêm trọng; trạm y tế dùng chung; đa số các tuyến đường giao thông nông thôn còn là đường đất chưa được nâng cấp khiến người dân gặp khó khăn từ sản xuất đến đi lại và giao thương.
Tuy nhiên, cái khó lớn nhất là niềm tin của một bộ phận nhân dân với chính quyền còn hạn chế khi mà trong vòng 4 năm thay tới 3 - 4 vị chủ trì, có một số cán bộ xã, xóm bị kỷ luật. Tư tưởng trông chờ, ỷ lại của người dân ở một số xóm và cả cán bộ, đảng viên còn tồn tại. 
Người dân Hưng Yên Nam làm đường giao thông nông thôn
Người dân Hưng Yên Nam làm đường giao thông nông thôn. Ảnh: GH
Bước vào thực hiện chủ trương xây dựng nông thôn mới với xuất phát điểm thấp nên cấp ủy, chính quyền xã Hưng Yên Nam, đứng đầu là 2 trụ cột được huyện tăng cường về làm Bí thư, Chủ tịch UBND xã đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị chủ động phối hợp với Hội đồng Mục vụ các giáo xứ tuyên truyền cho người dân hiểu là trong xây dựng nông thôn mới Nhà nước đóng vai trò hỗ trợ, người dân là chủ thể (dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân hưởng lợi).
Mọi chủ trương, chính sách đều được công khai, minh bạch về tận khối, xóm và lấy ý kiến của người dân, khơi dậy và phát huy tình đoàn kết lương - giáo chung tay xây dựng nông thôn mới. Có những cuộc họp triển khai một lần mà người dân chưa thông tỏ thì họp nhiều cuộc với phương châm “mưa dầm thấm lâu” để tạo sự đồng thuận.
Lãnh đạo xã Hưng Yên Nam trao rổi với cán bộ thôn xóm về tình hình xây dựng NTM. Ảnh: G.H
Lãnh đạo xã Hưng Yên Nam trao rổi với cán bộ thôn xóm về tình hình xây dựng NTM. Ảnh: G.H

Đảng ủy xã cũng chủ động làm việc với Linh mục và Hội đồng Mục vụ các giáo xứ giải thích rõ chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong xây dựng nông thôn mới cũng tương đồng với ý niệm mà giáo hội hướng tới, đó là làm cho cuộc sống con người trở nên tốt đẹp hơn. Đồng thời giao các xóm triển khai họp mở rộng gồm cả ban cán sự xóm, Ban công tác Mặt trận, các đoàn thể mời cả Hội đồng Mục vụ tham gia để tranh thủ sự đồng thuận, thống nhất, sau đó mới tiến hành họp dân. Trên cơ sở các chỉ tiêu NTM, bí thư, xóm trưởng từng xóm xốc lại từng nhiệm vụ, xác định những nội dung nào xóm triển khai, nội dung nào người dân thực hiện, không trông chờ, ỷ lại vào cấp trên. 

Nhà văn hóa xóm 1, xã Hưng Yên Nam đang hoàn thiện các hạng mục khuôn viên, tường bao. Ảnh tư liệu Mai Hoa
Nhà văn hóa xóm 1, xã Hưng Yên Nam đang hoàn thiện các hạng mục khuôn viên, tường bao. Ảnh tư liệu Mai Hoa
Bên cạnh đó, theo lãnh đạo xã Hưng Yên Nam: Điều quan trọng là phải lấy lại niềm tin của người dân vào cấp ủy, chính quyền. Dân có niềm tin mới có sự đồng thuận. Bởi vậy, ngoài xây dựng mối đoàn kết trong nội bộ, phải thổi được “luồng gió mới” trong tư duy, cách thức, lề lối làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức xã; ban hành quy định chức năng, nhiệm vụ từng vị trí việc làm; có sự phân công, giao việc, giám sát mức độ, tiến độ hoàn thành cụ thể. Đảng ủy xã xây dựng Nghị quyết chuyên đề tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng nông thôn mới. Trong đó, yêu cầu sự nêu gương trong triển khai thực hiện của cán bộ, đảng viên. 
CBCB và người dân Hưng Yên Nam trồng hoa tạo cảnh quan. Ảnh: GH
CBCB và người dân Hưng Yên Nam trồng hoa tạo cảnh quan. Ảnh: GH
“Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Khi niềm tin vào cấp ủy, chính quyền được thắp sáng, chỉ trong một thời gian ngắn, toàn xã đã có sự thay đổi tích cực. Hàng loạt nhà văn hóa được khởi công xây dựng, hơn 48 km đường giao thông thôn xóm, hàng chục km kênh mương được bê tông hóa. Các trục đường được lắp đèn chiếu sáng, hoa, cây cảnh khoe sắc, len lỏi trong từng ngõ xóm. Các trục đường chính cột cờ được dựng lên, Quốc kỳ, cờ giáo hội tung bay phấp phới. Người dân đồng thuận góp công, góp của, hiến đất xây dựng nông thôn mới. Điển hình như ở xóm 8 người dân tự nguyện hiến 1,6 km đất ruộng, chiều rộng 2m để mở rộng, xây dựng con đường mẫu của xóm.
Theo chân cán bộ xã đến thăm xóm 8, gặp chị Phan Thị Lý đang làm cỏ lúa ở mảnh ruộng xanh tốt bên con đường điểm vừa mới được mở rộng, chị mộc mạc cho hay: “Tôi có 5 sào ruộng từ đời cha ông để lại trồng lúa 2 vụ sát mặt đường, khi xóm có chủ trương nâng cấp, xây dựng tuyến đường điểm gia đình tôi tự nguyện hiến đất để mở rộng đường với mong muốn được góp chút công sức làm đẹp xóm, đẹp làng. Hơn nữa, đường rộng không chỉ thông thoáng hơn trong đi lại mà người dân chúng tôi cũng thuận tiện trong vận chuyển, thu hoạch mùa màng”.
Người dân xóm 8 Hưng Yên Nam tự nguyện hiến đất mở rộng đường giao thông nông thôn. Ảnh: GH
Người dân xóm 8 Hưng Yên Nam tự nguyện hiến đất mở rộng đường giao thông nông thôn. Ảnh: GH

Tại xóm 8 còn có những điển hình như ông Nguyễn Kim Đoàn, hiến hơn 3 m2 đất làm đường, còn tự nguyện góp cây lát, săng lẻ trị giá gần 80 triệu đồng để trồng hai bên con đường điểm của xóm.

Nhờ sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, sự đồng hành của giáo hội cùng sức mạnh của lòng dân mà tháng 6 năm 2021, xã Hưng Yên Nam mới chỉ đạt 11 tiêu chí (có 8 tiêu chí chưa đạt gồm quy hoạch, giao thông, cơ sở vật chất, văn hóa, trường học, y tế, môi trường, hệ thống chính trị), thì đến tháng 12/2021 các tiêu chí cơ bản hoàn thành. Ban xây dựng nông thôn mới của các xóm đã huy động nội lực trong nhân dân, vận động nông dân hiến đất, mở rộng lề đường từ 4 – 7m, làm mương thoát nước. Mỗi hộ dân trung bình đóng góp 10 – 15 triệu đồng để nâng cấp đường giao thông thôn, xóm, một số hộ dân đầu tư 70 - 80 triệu đồng/hộ để bê tông hóa giao thông. Kết quả, 100% đường xã và đường từ trung tâm xã, liên xã dài 5 km đã được nhựa hóa hoặc bê tông hóa đạt chuẩn theo cấp kỹ thuật của Bộ GTVT. Thực hiện cứng hóa các trục giao thông nội đồng 129 tuyến với tổng chiều dài 39,96 km, xe cơ giới đi lại thuận tiện, đảm bảo phục vụ tốt sản xuất, đạt 100%.
Một góc xã Hưng Yên Nam. Ảnh: GH
Một góc xã Hưng Yên Nam. Ảnh: GH

Theo ông Hoàng Đức Ân - Bí thư Đảng ủy xã Hưng Yên Nam: Bên cạnh nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của Huyện ủy, UBND huyện bằng những chính sách “kích cầu. (Ví dụ xây dựng mỗi nhà văn hóa bình quân 800 - 900 triệu đồng, xã, huyện ban hành cơ chế hỗ trợ 1/3), thì cái được lớn nhất trong xây dựng nông thôn mới chính là “lòng dân”, sự tin tưởng của người dân vào cấp ủy, chính quyền. 

Nhờ vậy, không chỉ huy động được sức dân tại chỗ mà còn huy động được sự quảng đại của con em, xa quê thành đạt. Như một doanh nghiệp ở thành phố Đà Nẵng là người con của quê hương đã hỗ trợ hơn 4 tỷ đồng lắp đặt hệ thống nước sạch cho các xóm, hay những công dân như anh Thực, anh Thiện ở khu vực Giáo xứ Đồng Sơn hỗ trợ hơn 300 triệu đồng cho xã đổ đất mở rộng đường giao thông. Hoặc như trước trụ sở UBND xã trước đây là một hào sâu rộng tới 10m, chính quyền đã vận động con em có xe máy trong xã chở hơn 1.200 m2 đất về san lấp, sau đó hội phụ nữ, hội nông dân trồng hoa tạo cảnh quan trung tâm hành chính xanh - sạch - đẹp… 
Bức tranh đổi mới
Bên cạnh sự thay đổi về cơ sở vật chất, điều dễ nhận thấy khi đến xã Hưng Yên Nam là sự chuyển mình mạnh mẽ trong tư duy phát triển kinh tế của cấp ủy, chính quyền và người dân. Đảng bộ, Chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể thường xuyên quan tâm, tập trung chỉ đạo nhân dân đẩy mạnh phát triển kinh tế, vận động nhân dân khai thác lợi thế vùng đất bán sơn địa, tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao thu nhập cho nhân dân. Nhiều xóm đã chủ động xây dựng nhiều mô hình nông, lâm kết hợp có hiệu quả kinh tế cao. Đẩy mạnh phát triển kinh tế vườn đồi, kinh tế trang trại với mô hình chăn nuôi gà đồi bán chăn thả, nuôi dê lai, nuôi ba ba, nuôi ốc. 
Cây chanh
Xã Hưng Yên Nam đã hình thành vùng sản xuất chanh với tổng diện tích gần 200 ha. Ảnh tư liệu Quang An

Đặc biệt là hình thành vùng sản xuất chanh với tổng diện tích gần 200 ha, chuyển đổi một số vùng trồng chanh truyền thống sang trồng chanh không hạt, hình thành vùng chuyên canh đào Tết hơn 30 ha, mô hình trồng na dai thâm canh, xây dựng nhiều vườn mẫu, cánh đồng mẫu tạo ra vùng sản xuất hàng hóa lớn; đưa cam Xã Đoài, ổi lê, mít Thái trồng trên đất vườn đồi đạt hiệu quả cao; chuyển một số vùng đất lúa cao cưỡng sang trồng khoai lang chất lượng cao… Nhờ vậy, tỷ lệ hộ nghèo trong toàn xã năm 2016 là 13,37% đến năm 2021 còn 2,09%.

Người dân đến giao dịch tại bộ phận một cửa xã Hưng Yên Nam. Ảnh: GH
Người dân đến giao dịch tại bộ phận một cửa xã Hưng Yên Nam. Ảnh: GH

Về xã Hưng Yên Nam hôm nay, đã thấy bắt đầu hình thành diện mạo của vùng quê nông thôn mới. Gặp cụ Lê Ngọc Phúc (75 tuổi), trú tại, xóm 3, xã Hưng Yên Nam đi làm giấy tờ tại Bộ phận một cửa UBND xã, cụ phấn khởi cho biết: “Chỉ mới cách đây vài năm thôi, quê tôi nhiều khó khăn, sinh kế dựa vào sào ruộng, mảnh đồi, chỉ mong đủ ăn, đủ mặc chưa nghĩ đến chuyện làm đẹp, làm giàu. Nay diện mạo quê hương đã thay đổi bất ngờ.

Cuộc sống của người dân Hưng Yên Nam được nâng lên cả về vật chất lẫn tinh thần. Ảnh: GH
Cuộc sống của người dân Hưng Yên Nam được nâng lên cả về vật chất lẫn tinh thần. Ảnh: CSCC

Trụ sở xã, nhà văn hóa xóm được xây dựng khang trang, những con đường đất lầy thụt vào mùa mưa, bám bụi vào mùa nắng đã được thay bằng đường bê tông rộng rãi nối liền các xóm, ban đêm có điện chiếu sáng. Người dân có ý thức hơn trong giữ gìn vệ sinh môi trường, an ninh, trật tự. Cung cách làm việc của cán bộ, công chức cũng văn minh, lịch sự hơn, bộ phận một cửa tận tình hướng dẫn người dân, bà con phấn khởi lắm”.

 

tin mới

Về lại ngôi làng giả sư ở Nghệ An

Về lại ngôi làng giả sư ở Nghệ An

(Baonghean.vn) - Gần 20 năm trước, một ngôi làng ở xã Nghĩa Đồng (Tân Kỳ) được gọi với cái tên chẳng mấy tự hào là “làng giả sư”, bởi người dân học theo nhau đóng giả nhà sư, đi rong ruổi xin tiền, khất thực. 

Tế tổ

Ấm áp ngày Rằm tháng Giêng ở các vùng quê Nghệ An

(Baonghean.vn) - Rằm tháng Giêng năm Giáp Thìn, khắp các vùng quê Nghệ An rộn ràng tiếng trống tế và niềm vui hội ngộ của con cháu các dòng họ. Đây là dịp để người dân hướng về gia đình, tổ tiên, thể hiện tấm lòng hiếu kính với những thế hệ đã khuất.

Toà Giám mục Giáo phận Vinh chúc Tết nguyên đán Giáp Thìn huyện Yên Thành

Toà Giám mục Giáo phận Vinh chúc Tết huyện Yên Thành

(Baonghean.vn) - Nhân dịp Tết cổ truyền Giáp Thìn 2024, ngày 1/2, Toà Giám mục Giáo phận Vinh do Giám mục Anphong Nguyễn Hữu Long làm trưởng đoàn đã đến thăm, chúc Tết Huyện ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các phòng, ban huyện Yên Thành.

Thanh niên công giáo góp sức trẻ xây dựng quê hương

Thanh niên công giáo góp sức trẻ xây dựng quê hương

(Baonghean.vn) - Hiện Nghệ An có hơn 30 nghìn thanh niên công giáo. Thời gian qua, lực lượng này đóng vai trò quan trọng trong tiên phong phát triển kinh tế, tích cực tham gia các hoạt động an sinh xã hội, góp sức xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.