Đổi thay từ Chương trình 135
(Baonghean) - Hàng chục công trình được đầu tư xây dựng từ nguồn vốn Chương trình 135 hoàn thành đưa vào sử dụng đã tạo dựng cho các huyện miền núi diện mạo mới về cơ sở hạ tầng nông thôn, góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.
Chương trình phát triển kinh tế xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi (gọi tắt là Chương trình 135) được triển khai từ năm 1998 với mục tiêu nâng cao đời sống cho người dân, qua đó giảm tỷ lệ hộ nghèo. Chương trình thực hiện thông qua các hợp phần về hỗ trợ sản xuất, phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu ở các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn và đào tạo bồi dưỡng cán bộ cơ sở, kiến thức kỹ năng quản lý điều hành xã hội, nâng cao năng lực cộng đồng... Sau khi kết thúc giai đoạn 2 (2006-2010), ngày 4/4/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định 551/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình 135 giai đoạn III (2012 – 2015). Chương trình gồm 2 hợp phần chính: Hỗ trợ phát triển sản xuất và đầu tư cơ sở hạ tầng.
Cụm mầm non Tam Thành (xã Châu Thái, huyện Qùy Hợp). |
Những năm qua, nhiều công trình được đầu tư xây dựng đã mang lại hiệu quả thiết thực trong việc đi lại, phát triển kinh tế cũng như nâng cao đời sống cho người dân. Tại huyện Quỳ Châu, 8 xã và 10 thôn, bản trên toàn huyện được hưởng lợi từ chương trình này đã có những biến chuyển rõ rét trong diện mạo. Năm 2012, Quỳ Châu được hỗ trợ 9,2 tỷ đồng để đầu tư xây dựng 13 công trình giao thông và thủy lợi. Hàng chục km đường giao thông nông thôn và hệ thống kênh mương đã được xây dựng, đáp ứng việc đi lại cũng như sản xuất cho người dân. Điển hình như dự án nâng cấp hệ thống kênh mương Khe Mỹ - Minh Châu - Na Xén do UBND xã làm chủ đầu tư. Công trình có tổng nguồn vốn khoảng 700 triệu đồng được triển khai năm 2012. Đến nay, công trình đã phát huy hiệu quả thiết thực, tạo điều kiện cho người dân của 3 bản trên được sản xuất ổn định trên diện tích lúa nước của mình.
Trước kia, hệ thống kênh mương chạy qua 3 bản này được đắp bằng đất. Mỗi khi có lũ lụt hay sau khi kết thúc vụ sản xuất lúa thì kênh mương bị xuống cấp, hư hỏng . Trước khi vào vụ mới, người dân phải tiến hành đào đắp để lấy nước phục vụ sản xuất, tốn kém rất nhiều công sức, thời gian. Hơn nữa, do mương đất nên tỷ lệ thất thoát nước khá lớn, những cánh đồng cuối nguồn hầu như không có nước dẫn đến năng suất lúa luôn đạt thấp. Nói về những đổi thay sau khi công trình đưa vào sử dụng, ông Sầm Văn Thiết, Chủ tịch UBND xã Châu Hạnh cho biết: “Từ khi công trình được xây dựng bằng nguồn vốn 135, tỷ lệ thất thoát nước giảm đi rất nhiều. Hơn 10 ha lúa nước của các bản Khe Mỹ, Minh Châu, Na Xén được tưới tiêu đầy đủ. Đặc biệt, tại bản Minh Châu có hơn 2 ha, do thiếu nước nên người dân không sản xuất được phải bỏ hoang. Nhưng nhờ có công trình nên nguồn nước đã về đến tận ruộng, người dân bắt đầu sản xuất lại. Năng suất lúa nhờ đó mà cũng được nâng lên nhiều, từ 45 lên 49 tạ/ha”.
Chương trình 135 cũng đã tạo ra những thay đổi không nhỏ đến đời sống và giáo dục của người dân huyện Qùy Hợp. Đây là địa phương có 10 xã và 14 thôn, bản được hưởng lợi từ Chương trình 135. Trong năm 2012, toàn huyện được đầu tư hơn 16,6 tỷ đồng để xây dựng 17 công trình cho các xã, thôn bản đặc biệt khó khăn. Sang năm 2013, huyện tiếp tục được đầu tư hơn 16,1 tỷ đồng. Nhiều công trình sau khi hoàn thành đã phát huy hiệu quả cao. Điển hình như công trình đầu tư xây dựng cầu tràn xóm Tam Thành, xã Châu Thái với tổng kinh phí được phê duyệt 503 triệu đồng. Đây là cầu tràn nằm ngay trên tuyến đường quan trọng nối các xóm Na Ca, bản Lòng, Đồng Hin, bản Muộng... với trung tâm xã. Trước khi chưa có cầu, người dân phải lội qua khe để đi lại, sản xuất. Đặc biệt, vào những ngày mưa gió, nước khe dâng cao đã khiến cho hàng trăm học sinh bên kia cầu phải nghỉ học.
Ông Ngân Văn Trường, Xóm trưởng xóm Tam Thành không giấu được vui mừng, chia sẻ: Từ khi Nhà nước đầu tư xây dựng cầu tràn khiến cho đời sống và mọi nhu cầu của người dân tốt hơn. Nếu trước đây, học sinh cứ đến mùa mưa là phải nghỉ học đến 4-5 ngày, chỉ khi nước rút mới sang bên này học được thì nay đã không còn chuyện đó nữa. Không chỉ thế, ruộng nước của nhân dân xóm Tam Thành đều ở bên kia tràn, muốn qua sản xuất thì chỉ có cách là vượt khe nên rất nguy hiểm. Có trường hợp, đã đến thời kỳ sinh đẻ nhưng không thể nào đưa qua khe để đến trạm xá được, đành phải sinh ở nhà. Nhân dân ở đây ai cũng mừng vì đã có cầu tràn. Ông Nguyễn Văn Tuấn, xóm Tam Thành cho biết thêm: Nếu không có cầu tràn thì con cái chúng tôi có khả năng nghỉ học hết. Cứ đến mùa mưa, nước dâng cao, chảy xiết nên muốn cho con sang bên kia đi học cũng đành chịu. Nhưng bây giờ thì không còn cảnh đó nữa, các cháu được đến trường đầy đủ nên bố mẹ cũng đỡ vất vả.
Tổng hợp từ Ban Dân tộc tỉnh, năm 2012, Nhà nước đã đầu tư 112,4 tỷ đồng để đầu tư xây dựng 263 công trình cho 83 xã và 147 thôn, bản đặc biệt khó khăn. Sang năm 2013, Nhà nước tiếp tục đầu tư 116,4 tỷ đồng để xây dựng 201 công trình cho 84 xã và 162 thôn, bản đặc biệt khó khăn. Sau 2 năm được đầu tư bằng nguồn vốn từ Chương trình 135 giai đoạn 2012-2015, bộ mặt nông thôn miền núi thực sự đã có nhiều khởi sắc. Chẳng hạn, năm 2013, nhờ nguồn vốn của Chương trình đã góp phần không nhỏ trong việc giảm tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện miền núi được 5%. Theo quyết định của Chính phủ, năm 2014, số xã thuộc diện đặc biệt khó khăn sẽ nâng lên là 107 xã và Chính phủ đang nghiên cứu để nâng mức đầu tư lên, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của thực tiễn. |
Dẫn chúng tôi đến trường mầm non vừa đưa vào hoạt động được gần 1 năm nay, ông Trường cho biết, nhờ có nguồn vốn đầu tư từ Chương trình 135 mà con em của 5 xóm lân cận có chỗ học hành, vui chơi. Không như ngày trước, hơn 70 học sinh của cụm Trường Mầm non Tam Thành phải học tập trong 2 gian nhà cấp 4 cũ nát, xuống cấp. Sân chơi không có, cơ sở vật chất thiếu thốn khiến nhiều phụ huynh lo lắng, hơn 1 năm nay, các cháu đã được học trong ngôi trường khang trang, rộng rãi. Sân chơi có mái che, với các trò chơi phong phú, hệ thống vườn cây, nhà vệ sinh đầy đủ. Cô giáo Lô Thị Thu, cụm Trưởng Trường mầm non Tam Thành tâm sự: So với năm trước thì nay cụm trường đã thay đổi rất nhiều. Nhờ có phòng học mới mà số học sinh được phụ huynh đưa đến trường ngày một tăng. Đến nay đã có gần 100 em lứa tuổi từ 3-5 tuổi để học tập, vui chơi. Bên cạnh đó, khu vui chơi và trang thiết bị dạy học đã được đầu tư nên chúng tôi cũng yên tâm hơn để giáo dục các cháu.
Đánh giá về hiệu quả của các công trình cơ sở hạ tầng được đầu tư bằng nguồn vốn Chương trình 135, ông Trần Văn Đài, Phó trưởng phòng Dân tộc (Qùy Hợp) cho biết: Sau nhiều năm được đầu tư xây dựng, các công trình cơ sở hạ tầng đã giúp cho người dân ở các vùng sâu, vùng xa có điều kiện để vươn lên phát triển sản xuất, xóa bỏ các phong tục lạc hậu, xây dựng đời sống văn hóa và từng bước rút ngắn khoảng cách giàu nghèo giữa các vùng, miền trong huyện. Tuy nhiên, ông Đài cũng cho biết, trong quá trình thực hiện thì vẫn còn những hạn chế nhất định. Do năng lực của cán bộ địa phương còn hạn chế nên trong quá trình kiểm tra, giám sát các công trình chưa được tốt. Bên cạnh đó, việc thực hiện làm hồ sơ, báo cáo còn chậm gây khó khăn cho công tác tổng hợp lên cấp trên. Mục tiêu của chương trình là tạo điều kiện cho người dân địa phương có việc làm khi xây dựng các công trình chưa đạt được do trình độ, năng lực tay nghề của nhân dân còn kém…
Phạm Bằng