Thể thao

Đội tuyển Việt Nam: Nan giải về lực lượng, lối chơi

Châu Phú 19/10/2024 17:27

Đội tuyển Việt Nam đang trải qua những ngày tháng khó khăn, vật lộn để tìm lại những gì tốt đẹp nhất đã có dưới thời Park Hang-seo hồi 2018-2019, nhanh chóng quên đi những vết đau sau Vòng loại 2 World Cup khu vực châu Á dưới thời Troussier và từng bước ổn định, tìm hướng đi khả quan nhất dưới thời Kim Sang-sik hiện tại.

Trong đó, cuộc thử lửa tại AFF Cup 2024 tới đây sẽ cho thấy bóng đá Việt Nam thực sự đang ở top đầu khu vực, đủ khả năng tranh chấp ngôi nhất, nhì hay tiếp tục bị “văng” ra sau khi Indonesia nhập tịch tràn lan và Thái Lan bền vững từ nền tảng tại chỗ và nhập tịch có chọn lọc?

viet-nam-indonesia-14-2812.jpg
Đội tuyển Việt Nam.

Sau vòng loại thứ 2 World Cup với thất bại không tránh khỏi trước Indonesia nói trên và các trận giao hữu gần đây của Đội tuyển Việt Nam, dễ thấy đội bóng của ông Kim Sang-sik đang tồn tại 2 câu chuyện song hành: Các tuyển thủ trụ cột quốc gia đang ở thời kỳ phong độ thực sự bấp bênh và khát khao cống hiến đang dần vơi cạn, trong khi con đường đi tìm những nhân tố trẻ vẫn còn mông lung, khó đoán định. Khi V-League 1 và 2 mới đi qua những vòng đấu đầu tiên và việc cả loạt ngôi sao đình đám từ V-League 1 lần lượt đổ bộ xuống V-League 2, công cuộc “xem giò, xem cẳng” các ứng viên càng dàn trải hơn, khó tập trung hơn. Với lại, việc những Văn Lâm, Công Phượng hay Hoàng Đức có thi đấu tốt ở hạng đấu thấp hơn thực ra cũng không nói lên điều gì hệ trọng, nếu không nói là chuyện ai ai cũng biết trước?

Còn chuyện cống hiến cho màu áo quốc gia, hãy xem chuyện Văn Quyết thì biết, là khi bóng đá nước nhà mất phương hướng, các nhân tài chóng chầy đều chọn phục vụ đội bóng trả lương hàng ngày cho chính mình, chứ không phải là điều gì xa vời vợi khác. Chuyện Hoàng Đức cũng góp phần chứng minh điều đó, khi người từng đoạt Quả bóng Vàng nói đến chuyện “kiếm tiền cho gia đình” và bởi đời cầu thủ không ai dám bảo là dài vô tận.

Đây mới chính là điều cần quan tâm đến nơi, đến chốn để cầu thủ vào sân là nghiễm nhiên thi đấu hết mình phục vụ khán giả, phục vụ tập thể; làm sao để mối liên hệ giữa cầu thủ một đội bóng thi đấu hàng ngày và cầu thủ được gọi lên tuyển là vinh dự, trách nhiệm, nghĩa vụ... là quan hệ gắn bó, ràng buộc lẫn nhau, cùng tôn nhau lên cao hơn, tốt hơn. Ví dụ, khi và chỉ khi thi đấu tốt ở câu lạc bộ thì mới có cơ hội lên tuyển, lên tuyển thi đấu tốt hơn thì mới có cơ hội chắc suất/lên giá trị ở câu lạc bộ, “giá” hay “số má” từng cầu thủ trên thị trường chuyển nhượng, được các tuyển trạch viên dòm ngó, đưa vào tầm ngắm dễ dàng hơn…

Dù trong hoàn cảnh nào thì công việc tiếp nối thế hệ để ổn định và phát huy lực lượng nhân sự luôn được đặt ra, nhất là với ông Kim Sang-sik hiện nay. Trước đó, ông Troussier đã loại bỏ một số công thần thời Park Hang-seo nhưng rồi ông Kim Sang-sik lại vời trở lại như Ngọc Hải, Hồng Duy, Ngọc Quang… để trước hết gia cố hàng thủ, tìm lại sự ổn định trong đội hình. Đối với các nhân tố trẻ, việc người này đánh giá cao còn người khác đánh giá thấp là chuyện bình thường. Thái Sơn, Đình Bắc và Văn Trường, Vỹ Hào là những ví dụ cụ thể. Vấn đề là nhìn lại nhìn đi, tới hay lui cũng chừng ấy con người cụ thể, chưa thể tìm đâu ra một vài nhân tố đặc biệt, hiếm có như thời xuất hiện Quang Hải hay trước nữa là Công Phượng, Tuấn Anh hay xa hơn như Văn Quyến, Công Vinh…

Một nguồn lực quan trọng nữa là cầu thủ Việt kiều hồi hương và cầu thủ nước ngoài nhập tịch. Sẽ là nhập tịch cầu thủ nước ngoài mang dòng máu nội, như cách Indonesia đang làm ồ ạt với người Indonesia kiều hay nhập tịch cầu thủ nguyên gốc nước ngoài sau 5 năm sinh sống và thi đấu tại Việt Nam như với Nguyễn Xuân Sơn (Rafaelson, người Brazil)? Nói gì thì nói, trong bối cảnh tụt sau so với Thái Lan và Indonesia và bối cảnh quốc tế lâu nay, việc trong đội hình Đội tuyển Việt Nam có thêm Nguyễn Xuân Son ở hàng công, Jason Quang Vinh ở cánh trái (biên trái lẫn tiền vệ trái), có thêm Adou Minh ở hàng thủ và vài vị trí khác nữa chắc chắn sẽ tăng thêm chiều sâu và sức mạnh đội hình để đủ sức đối chọi với các đối thủ hàng đầu khu vực.

Cuối cùng là ông Kim Sang-sik sẽ chọn lối chơi nào cho Đội tuyển Việt Nam ở AFF Cup lần này, sau khi đã tìm ra một bộ khung ưng ý, một tập thể đoàn kết và giàu ý chí, một mục tiêu cụ thể và khả thi. Phòng ngự-phản công như thời ông Park Hang-seo không phải là ý tưởng mới và chắc chắn vẫn phải biết mình, biết địch khi xung trận, nhất là những trận đấu với đối thủ hàng đầu. Kiểm soát bóng tấn công như thời Trousier vẫn có thể được vận hành trước đối thủ yếu, cũng là chuyện nhiều người biết. Vậy thì điều mới, nét mới sẽ là gì đây đang chờ ông Kim Sang-sik thể hiện?

Người viết tin ông Kim Sang-sik sẽ không bỏ qua bài học ý nghĩa từ ông Park Hang-seo, xây dựng một đội hình già-trẻ-nhập tịch kết hợp, một lối chơi biến hóa tùy từng trận, từng thời điểm để tung quân, khai thác sức mạnh từng quân bài…

Câu hỏi hôm nay đặt ra đang phải chờ câu trả lời ở phía trước, khi mọi việc vẫn ở mức phỏng đoán, phân tích, dù ai đó đã nhanh nhẩu đưa ra một đội hình mới sau những thử nghiệm gần đây của ông thầy trẻ người Hàn Quốc. Sẽ không đơn giản như thế khi V-League mới chuẩn bị đến vòng 5, chấn thương, phong độ cầu thủ còn nhiều điều chưa thể nói trước. Ví như Nguyễn Xuân Son háo hức nhập tịch là thế, đến đích thì mấy trận liền không thể ghi bàn, như một sự trêu ngươi, thách đố lạ kỳ, theo kiểu “nói trước bước không qua”. Nói câu chuyện nan giải về lực lượng và lối chơi, cũng vì lẽ căn cơ, cốt tử đó./.

Mới nhất
x
Đội tuyển Việt Nam: Nan giải về lực lượng, lối chơi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO