'Đòn bẩy' cho sự phát triển ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
(Baonghean.vn) - Trải qua 77 năm hình thành và phát triển, Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An luôn nỗ lực vượt khó, vươn lên trong công tác, đạt nhiều kết quả quan trọng, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của tỉnh.
Nhiệm vụ, vai trò qua các giai đoạn lịch sử
Ngày 3/5/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 58/SL về việc thành lập Nha Dân tộc thiểu số, là cơ quan quản lý nhà nước đầu tiên về lĩnh vực dân tộc của nước ta. Sau đó, ở Nghệ An, ngày 3/11/1946, tại làng Yên Dũng Thượng, TP. Vinh, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ III đã quyết định thành lập Ty Quốc dân thiểu số tỉnh Nghệ An.
Trường Trung học phổ thông Kỳ Sơn. Ảnh tư liệu TC |
Việc thành lập Ty Quốc dân thiểu số nhằm giúp Tỉnh ủy và Ủy ban hành chính tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo các huyện miền núi và lo việc “Tổ chức, giáo dục tư tưởng và mưu lợi ích cho đồng bào các dân tộc ít người”. Và theo đó, Nghệ An là một trong những tỉnh đầu tiên của cả nước thành lập cơ quan chuyên trách về công tác dân tộc thiểu số dưới sự quản lý trực tiếp của Chủ tịch Ủy ban hành chính tỉnh. Trưởng Ty Quốc dân thiểu số đầu tiên là đồng chí Lương Vĩnh Phúc - Ủy viên Ủy ban hành chính tỉnh.
Thời gian đầu được thành lập, vượt qua rất nhiều khó khăn, Ty Quốc dân thiểu số tỉnh Nghệ An đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Giai đoạn 1946 - 1954, Ty Quốc dân thiểu số đã có những đóng góp quan trọng vào nhiều nhiệm vụ cấp bách của tỉnh: Thực hiện đoàn kết, củng cố tổ chức chính quyền dân chủ nhân dân, xây dựng Mặt trận dân tộc thống nhất; tổ chức, giáo dục tư tưởng, tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, chống âm mưu chia rẽ dân tộc của thực dân Pháp; tuyên truyền chống chính sách lập “Xứ Thái tự trị Thanh – Nghệ” của thực dân Pháp…
Đồng chí Vi Văn Sơn - Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Trưởng ban Dân tộc tặng quà cho người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số. Ảnh: TL Vân Anh |
Trong giai đoạn 1954 - 1975, vào tháng 5/1955, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ra chỉ thị về việc tổ chức cơ quan dân tộc ở cấp khu và cấp tỉnh. Chỉ thị yêu cầu: Cần tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về công tác dân tộc, do đó, phải tổ chức các cơ quan trực tiếp giúp cho các cấp ủy trong việc chỉ đạo công tác ở các vùng dân tộc thiểu số. Ở các tỉnh, cần tổ chức Tiểu ban Dân tộc tỉnh (thay thế Ty Quốc dân thiểu số) trực tiếp giúp cho Tỉnh ủy. Ngày 11/7/1959, Ban Bí thư Trung ương Đảng Lao động Việt Nam ra Chỉ thị số 147-CT/TW về việc tăng cường lãnh đạo công tác củng cố và mở mang miền Tây các tỉnh Liên khu 4 cũ. Thực hiện Chỉ thị đó, tháng 8/1959, Tỉnh ủy Nghệ An đã ra quyết định thành lập Ban Chỉ đạo miền Tây thay thế cho Tiểu ban Dân tộc tỉnh. Năm 1968, Ban Chỉ đạo miền Tây giải thể, Ban Dân tộc được tái lập. Cùng với đó, ngày 09/5/1968, Ủy ban hành chính tỉnh Nghệ An ra quyết định thành lập Ban miền núi...
Cán bộ kỹ thuật của ngành nông nghiệp hướng dẫn kỹ thuật trồng cây ăn quả cho người dân ở Xiêng My, Tương Dương. Ảnh: Hoàng Vĩnh |
Trải qua các giai đoạn lịch sử và nhằm phù hợp với chức năng nhiệm vụ theo từng thời kỳ cơ quan công tác Dân tộc tỉnh Nghệ An đã nhiều lần tiến hành đổi tên: Ban Miền núi (1976 - 1985); Ban Dân tộc (1985 - 1992); Ban Dân tộc và Miền núi (1992 - 2004); Ban Dân tộc (2004 - đến nay). Ở giai đoạn nào, với tên gọi gì, Ban Dân tộc cũng đều đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ với nhiều đóng góp quan trọng vào mục tiêu, thành quả phát triển quan trọng của tỉnh.
Đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn Nghệ An là 491.267 người, chiếm 14,76% dân số toàn tỉnh và chiếm 40,93% dân số trên địa bàn miền núi, có 47 dân tộc, trong đó dân tộc thiểu số có số đông chủ yếu là: Thái (338.559 người), Thổ (71.420 người), Khơ mú (43.139 người), Mông (33.957 người), Ơ đu (411 người).
Bước chuyển quan trọng
Một trong những mốc quan trọng trong quá trình hình thành và phát triển của Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An, là từ năm 2015 đến nay, công tác dân tộc nói chung được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh quan tâm, tập trung chỉ đạo các ngành, các cấp, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng và triển khai kế hoạch, chỉ đạo điều hành, thực hiện các chương trình, dự án, chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước; đảm bảo an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá các dân tộc thiểu số…
Tuyến đường miền Tây Nghệ An. Ảnh: Hoàng Vĩnh |
Giai đoạn từ năm 2015 đến nay, thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của tỉnh, đặc biệt là kết cấu hạ tầng vùng miền Tây bằng các nguồn lực đầu tư từ Chương trình 135, Chương trình 30a, nông thôn mới, Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030... và các nguồn lực khác đã tạo chuyển biến quan trọng. Hệ thống giao thông trên địa bàn tỉnh tiếp tục được đầu tư xây dựng; hạ tầng thủy lợi được quan tâm đầu tư; hệ thống lưới điện được tiếp tục đầu tư nâng cấp; các công trình y tế được cải tạo, từng bước đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân; hệ thống trường lớp được đầu tư xây dựng khang trang hơn...
Trường Tiểu học Na Ngoi 2, huyện Kỳ Sơn. Ảnh: Hoàng Vĩnh |
Công tác giáo dục và đào tạo vùng miền Tây có nhiều tiến bộ tích cực. Đến nay, số trường đạt chuẩn quốc gia toàn tỉnh đạt tỷ lệ 61,8%. Tỷ lệ học sinh dân tộc thiểu số đi học đúng độ tuổi được duy trì ở mức cao. Công tác giáo dục nghề nghiệp vùng miền Tây được quan tâm và có nhiều chuyển biến rõ nét, chất lượng giáo dục nghề nghiệp từng bước được nâng cao hơn, mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp dần được quy hoạch, phát triển khá đồng bộ.
Công tác phòng bệnh, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe Nhân dân được chú trọng. Công tác cấp thẻ BHYT cho người nghèo, cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số được thực hiện tương đối đầy đủ, tạo điều kiện thuận lợi để người nghèo, cận nghèo, người dân tộc thiểu số được sử dụng các dịch vụ y tế.
Đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào các DTTS cũng được nâng lên rõ rệt. Hiệu quả từ phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và xây dựng các thiết chế văn hóa ở cơ sở đã đem lại những chuyển biến tích cực, nâng cao mức hưởng thụ văn hóa của đồng bào, góp phần giữ gìn, phát huy các giá trị tốt đẹp, đồng thời đẩy lùi các hủ tục lạc hậu, tệ nạn xã hội, hướng tới nếp sống văn minh...
Người dân Quỳ Châu phát triển ngành nghề, dịch vụ. Ảnh: Hoàng Vĩnh |
Công tác thông tin, tuyên truyền được chú trọng hoàn thiện và nâng cao, góp phần tích cực trong công tác tuyên truyền, phổ biến đến đồng bào các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các chính sách dân tộc đang thực hiện trên địa bàn, các chuyên mục hướng dẫn phát triển kinh tế. Hiện nay, tại các xã vùng miền Tây thực hiện phát thanh và được phủ sóng truyền hình bằng tiếng dân tộc hoặc song ngữ tiếng dân tộc, tiếng Việt và có điện thoại cố định, di động đáp ứng nhu cầu thông tin liên lạc của người dân, bưu điện văn hóa phát huy hiệu quả, mạng truyền dẫn phát triển rộng khắp, cáp quang đến các trung tâm huyện và khoảng 92% trung tâm các xã. Tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt cao. Hiện nay, trên địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thực hiện tốt phong trào xây dựng nông thôn mới và 1 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Triển khai nhiều chương trình, dự án trọng điểm
Trong giai đoạn 2015 - 2023, Trung ương đã có trên 118 chính sách trực tiếp và gián tiếp được triển khai trên địa bàn toàn quốc, tỉnh Nghệ An đã nghiêm túc và thực hiện có hiệu quả.
Trong đó, thực hiện Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I từ năm 2021 đến năm 2025, Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An thường xuyên phối hợp với các sở, ngành, đơn vị, địa phương thực hiện các chính sách dân tộc, công tác dân tộc kịp thời, đúng đối tượng, đúng quy định. Chú trọng công tác triển khai có hiệu quả và đôn đốc giải ngân kịp thời các nguồn vốn thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã được giao.
Trong những năm qua, từ tham mưu của Ban Dân tộc, tỉnh Nghệ An cũng đã thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số; được đội ngũ người có uy tín đồng thuận, đánh giá và ghi nhận.
Tiếp tục góp phần quan trọng vào sự phát triển của tỉnh
Thủy điện Khe Bố. Ảnh: Hoàng Vĩnh |
Với những kết quả trong thực hiện vai trò, nhiệm vụ, những đóng góp quan trọng qua 77 năm xây dựng và phát triển, Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An góp phần khẳng định vị trí, nhiệm vụ, tầm quan trọng của công tác dân tộc đã ngày càng được nâng lên trong hệ thống chính trị và toàn xã hội. Cụ thể, đã góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng của tỉnh. Công tác an sinh xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số được các cấp, ngành quan tâm chỉ đạo, triển khai thực hiện có hiệu quả. Các chương trình, chính sách đầu tư vùng dân tộc thiểu số và miền núi đã phát huy được hiệu quả, đảm bảo công khai, minh bạch đúng mục đích, đối tượng; hệ thống chính sách dân tộc được thực hiện đầy đủ, khá kịp thời, chuyển dần từ các chính sách hỗ trợ trực tiếp cho từng hộ sang hỗ trợ cộng đồng, nhóm hộ, hỗ trợ người dân tự vươn lên thoát nghèo.
Phát huy truyền thống vượt khó vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ xuyên suốt 77 năm qua, thời gian tới, Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An tiếp tục thực hiện các chỉ thị, nghị quyết, kết luận của Đảng, Chính phủ, Quốc hội; các quyết định, văn bản chỉ đạo, điều hành của Thủ tướng Chính phủ; các văn bản chỉ đạo của Ủy ban Dân tộc và các bộ, ngành Trung ương liên quan đến công tác dân tộc; đặc biệt tiếp tục thực hiện công tác dân tộc trong tình hình mới.
Vận hành hệ thống cấp nước tại Quế Phong. Ảnh: Hoàng Vĩnh |
Làm tốt công tác tham mưu xây dựng Chỉ thị của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác Dân tộc, tranh thủ sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng về công tác Dân tộc và chính sách Dân tộc trong giai đoạn 2021 - 2025 và những năm tiếp theo; tham mưu sơ kết, tổng kết một số chính sách do HĐND, UBND tỉnh ban hành nhằm bổ sung, đề xuất những chính sách mới phù hợp với thực tiễn. Tham mưu chỉ đạo thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các chính sách dân tộc, Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh.
Song song với đó, Ban Dân tộc tỉnh tiếp tục triển khai những chương trình, dự án trọng điểm để tạo “đòn bẩy” cho sự phát triển ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh nhà: Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030...
Tỉnh Nghệ An nằm ở khu vực Bắc Trung Bộ, có diện tích tự nhiên lớn nhất cả nước, với 16.487 km2; trong đó, diện tích vùng dân tộc thiểu số và miền núi là 13.745 km2, chiếm 83% diện tích tự nhiên toàn tỉnh. Dân số cả tỉnh Nghệ An hiện có 3.327.791 người, trong đó, dân số vùng dân tộc thiểu số và miền núi trên 1,2 triệu người (chiếm 36% dân số toàn tỉnh). Vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021 - 2025 có 131 xã (trong đó 76 xã khu vực 3; 55 xã khu vực 1; không có xã khu vực 2); có 588 thôn, bản đặc biệt khó khăn.