Dồn Diển, đổi thửa - Ruộng mới nhưng cây chưa mới

04/10/2016 11:30

(Baonghean) - Kết quả thực hiện Chỉ thị 08- CT/TU về vận động nông dân dồn điền, đổi thửa đã khẳng định đây là chủ trương đúng đắn hướng tới nền sản xuất hàng hóa, thúc đẩy mạnh mẽ quá trình cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp. Tuy vậy, vấn đề chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao hiệu quả trên một đơn vị diện tích đang là bài toán khó đối với các địa phương...

» Dồn điền đổi thửa - chủ trương hợp lòng dân

Những mô hình đối chứng

Tại xã Cẩm Sơn (Anh Sơn), sau dồn điền, đổi thửa đã quy hoạch vùng trồng màu gần 50 ha, trồng ngô 130 ha, lúa trên 90 ha, giúp người dân địa phương có thể chuyên môn hóa sản xuất, giảm thiểu được công lao động.

Cây mía giống mới phát triển tốt trên vùng đất Thọ Sơn (Anh Sơn).
Cây mía giống mới phát triển tốt trên vùng đất Thọ Sơn (Anh Sơn).

Gia đình nông dân Trần Văn Ninh ở xóm 4 - Hội Lâm, xã Cẩm Sơn trước đây có 6 sào đất sản xuất chia thành 4 mảnh khác nhau ở cả đất bãi và đất vệ. Sau chuyển đổi, diện tích đất sản xuất của gia đình ông được gom lại 6 sào trên vùng đất vệ trồng màu 4 vụ trong năm, luân canh các giống cây mướp, bí, dưa hấu, đậu, bắp cải… Thời điểm này, gia đình ông cũng như nhiều hộ khác đang bước vào vụ thu hoạch mướp.

Ông Ninh cho biết: “Trước chuyển đổi ruộng đất do sản xuất manh mún, chưa có điều kiện đầu tư thâm canh nên giá trị sản xuất thấp, lợi nhuận chỉ khoảng 20 - 30 triệu đồng. Sau chuyển đổi, cũng với 6 sào, đã cho lợi nhuận khoảng 80 triệu đồng”.

Ở vùng đất bãi, trước nay người dân Cẩm Sơn trồng ngô và từ vụ đông năm 2015 đã liên kết để bán cho nhà máy làm thức ăn chăn nuôi, mang lại hiệu quả kinh tế khá. Hiện, xã Cẩm Sơn đang có kế hoạch chuyển một phần đất bãi sang trồng mía. “Sau khi hạch toán, chúng tôi thấy trồng mía sẽ cho thu nhập cao hơn trồng ngô. Do đó, chúng tôi làm việc với Nhà máy đường Sông Lam để có kế hoạch đầu tư đầu vào và bao tiêu đầu ra cho sản phẩm nhằm chuyển 50/130 ha sang trồng mía”, ông Nguyễn Văn Thắng – Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Sơn cho biết.

Trên địa bàn tỉnh, nhiều xã như Lưu Sơn (Đô Lương), Nam Anh (Nam Đàn), Thanh Liên (Thanh Chương)... đã mạnh dạn chuyển một số diện tích sang trồng rau màu, và kết quả cũng đã khẳng định được giá trị kinh tế gấp 2-3 lần trồng lúa.

Ví như xã Thanh Liên, một xã điển hình của Thanh Chương trong thực hiện dồn điền, đổi thửa và chuyển đổi cây trồng, đã quy hoạch lại đồng ruộng theo phương châm "đất nào cây nấy" thành 4 vùng: vùng trồng cây ăn quả đặc trưng cây bưởi Diễn, cây Thanh Long; rau màu hàng hóa và vùng nuôi cá - lúa... riêng vùng đất bãi xã đã dành 40 ha đất tập trung trồng rau, đậu, bí... Tuy nhiên, khó khăn hiện nay của xã Thanh Liên theo ông Phan Bá Ngọc - Chủ tịch UBND xã là vấn đề tiêu thụ sản phẩm: "Xã Thanh Liên quy hoạch 40 ha trồng rau, nhưng chưa làm hết diện tích vì đầu ra không đảm bảo.

Vườn bưởi của bác Nguyễn Thị Loan, khối Trung Nghĩa, phường Quang Tiến (TX. Thái Hòa)cho hiệu quả cao.
Vườn bưởi của bác Nguyễn Thị Loan ở khối Trung Nghĩa, phường Quang Tiến (TX. Thái Hòa) cho hiệu quả cao.

Nếu các xã khác trong vùng cũng trồng rau màu tập trung như chúng tôi, thì chắc chắn đầu ra cho sản phẩm sẽ vô cùng khó khăn". Chủ tịch xã Phan Bá Ngọc đề xuất thêm: "Cần phải có sự quy hoạch điều tiết mang tính chất vĩ mô hơn đối với từng xã, từng vùng trong việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên cơ sở rà soát địa hình, điều kiện đất đai và yếu tố thị trường".

Đến nay, từ kết quả dồn điền, đổi thửa đồng ruộng, toàn tỉnh đã xây dựng được trên 720 mô hình sản xuất có hiệu quả như: Sản xuất rau an toàn, lúa, ngô, lạc, dưa hấu, dưa chuột, bí xanh, chuối, hoa tươi, khoai lang, sắn dây, đu đủ, gấc, ớt xuất khẩu, mía đường, cá - lúa, măng tây xanh, chăn nuôi lợn, bò, dê, gà,... năng suất, chất lượng cao, tăng sức cạnh tranh của nông sản trên thị trường, nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập cho nông dân.

Bên cạnh đó, tính đến hết năm 2015, các địa phương đã triển khai được 62 mô hình cánh đồng lớn. Theo tính toán, về năng suất, sản lượng, cơ bản các mô hình đạt mức tăng từ 10 -15% so với đại trà. Giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích tăng cao, đạt mức bình quân trên 100 triệu đồng/ha/năm, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, người nông dân có thu nhập cao hơn từ 10 - 15% so với sản xuất bình thường...

Đối với mô hình “cánh đồng mẫu lớn” đã hình thành tập quán sản xuất có đầu tư đúng, đủ theo quy trình kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất nông nghiệp; đồng thời tạo được mối liên kết bền vững giữa “4 nhà”, khẳng định tính bền vững của mô hình, tạo điều kiện, tiền đề cho việc tích tụ ruộng đất sau này. Mặt khác, việc thực hiện dồn điền, đổi thửa tạo ra các thửa ruộng lớn, tập trung, cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nội đồng như đường nội đồng, kênh mương ... được đồng bộ hóa đã thúc đẩy các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân quan tâm đầu tư cơ giới hóa sản xuất; số lượng máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp tăng nhanh qua các năm, bước đầu giải phóng được sức lao động của con người trong các khâu nặng nhọc, đảm bảo đúng thời vụ, tiết kiệm thời gian và chi phí, rút ngắn thời gian sản xuất thời vụ cho người dân. Trong đó, mức độ cơ giới hóa ở cây lúa đạt mức cao nhất, đặc biệt ở khâu làm đất, khâu thu hoạch, vận chuyển.

Hậu dồn điền đổi thửa xã Tràng Sơn(Đô Lương) mới chỉ có số ít diện tích vùng sâu trũng trồng lúa kém hiệu quả chuyển sang làm trang trại chăn nuôi kết hợp nuôi cá.
Hậu dồn điền đổi thửa xã Tràng Sơn(Đô Lương) mới chỉ có số ít diện tích vùng sâu trũng trồng lúa kém hiệu quả chuyển sang làm trang trại chăn nuôi kết hợp nuôi cá.
Tính đến hết năm 2015, sau khi thực hiện dồn điền, đổi thửa, toàn tỉnh có hàng chục nghìn máy nông nghiệp các loại; các khâu sản xuất đã được cơ giới hóa nhanh như làm đất đạt trên 88%, vận chuyển 92%, gặt lúa 60%...

Khó lời giải bài toán “đầu ra”

Một thực tế, sau thành công cuộc “cách mạng đồng ruộng”, thì hầu hết các xã trên địa bàn tỉnh đều lúng túng, loay hoay với việc sẽ chuyển đổi cây trồng gì trên ruộng mới sau dồn điền, đổi thửa để đảm bảo đầu ra ổn định, nâng cao giá trị trên mỗi đơn vị diện tích. Như tại xã Tràng Sơn, địa phương chuyển đổi ruộng đất tốt nhất của huyện Đô Lương, thì sau dồn điền, đổi thửa chỉ chuyển được khoảng 25 ha đất kém hiệu quả sang đấu thầu làm trang trại nuôi cá, chăn nuôi lợn, còn những loại đất khác vẫn đều đặn năm 2 vụ lúa.

Chủ tịch UBND xã Tràng Sơn, Lê Đình Thông chia sẻ: "Xã cũng đã quy hoạch thêm vùng sản xuất rau an toàn 2 ha tại xóm 13, nhưng chưa triển khai làm vì chưa chắc chắn về thị trường, cũng như cách thức triển khai thực hiện. Còn các vùng khác ngoài cây lúa truyền thống, xã vẫn chưa xây dựng được phương án, kế hoạch chuyển đổi để nâng cao hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích”.

Xác định mục tiêu của chương trình xây dựng nông thôn mới là nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nông dân, làm cho bộ mặt nông thôn không ngừng đổi mới, xã Phúc Sơn (Anh Sơn) đã tập trung chỉ đạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, tổ chức lại sản xuất theo hướng hiện đại.

Thực hiện công tác dồn điền, đổi thửa, địa phương này với 25 thôn, bản, trong đó có 9 thôn, bản vùng sâu, vùng xa, địa hình phức tạp, ruộng phân tán nên khó thực hiện dồn điền, đổi thửa; do đó, Phúc Sơn tập trung thực hiện dồn điền, đổi thửa vào 16 thôn, bản vùng ngoài với tổng diện tích gần 200 ha đất sản xuất nông nghiệp. Sau dồn điền, đổi thửa có một số mô hình phát triển kinh tế hiệu quả như: cá – lúa, trồng bầu bí…

Xã Thanh Liên(Thanh Chương) sau chuyển đổi đã manh dạn đưa giống thanh long ruột đỏ vào trồng thử nghiệm trên vùng đất bãi
Xã Thanh Liên (Thanh Chương) sau chuyển đổi đã manh dạn đưa giống thanh long ruột đỏ vào trồng thử nghiệm trên vùng đất bãi

Tuy vậy, cũng như nhiều địa phương khác, xã Phúc Sơn đang phải loay hoay tìm lời giải cho bài toán nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp.

Vừa qua, địa phương này đã đăng ký với huyện Anh Sơn xây dựng 3 cánh đồng mẫu lớn với cây ngô trên diện tích hơn 31 ha, lúa trên diện tích gần 60 ha và rau màu với diện tích gần 9 ha. Đăng ký làm mô hình, nhưng điều canh cánh và cũng là lo lắng nhất của lãnh đạo xã này chính là đầu ra cho các sản phẩm. Phó Chủ tịch UBND xã Phúc Sơn – ông Lương Thế Phương chia sẻ: “Huyện liên kết với Trạm Bảo vệ thực vật để cung ứng giống cho các mô hình, nhưng để tiêu thụ được sản phẩm thì rất khó. Chúng tôi cũng đã tính đến phương án liên kết với Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Phúc Sơn, nhưng đang lo ngại về năng lực của họ. Hợp tác xã đã chuyển đổi theo Luật Hợp tác xã năm 2012, nhưng mới chứng tỏ năng lực ở cung cấp dịch vụ đầu vào như điều tiết nước, bảo vệ ruộng lúa…”.

Rõ ràng, vận động nông dân dồn điền, đổi thửa bên cạnh đã tạo được một bước đột phá, tích cực trong sản xuất nông nghiệp, thì vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần rút kinh nghiệm, phải có giải pháp khắc phục.

(Còn nữa)

Nhóm P.V

TIN LIÊN QUAN

Dồn Diển, đổi thửa - Ruộng mới nhưng cây chưa mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO