Đơn hàng tăng trở lại, nhiều doanh nghiệp dệt may khởi sắc

Thu Huyền 26/02/2024 09:52

(Baonghean.vn) - Năm 2023, ngành dệt may gặp rất nhiều khó khăn, đơn hàng của nhiều doanh nghiệp giảm, sản xuất kinh doanh không hiệu quả dẫn tới thua lỗ. Tuy nhiên, những tháng đầu năm 2024, dệt may đã có khởi đầu thuận lợi, nhiều doanh nghiệp báo tin khởi sắc, có đơn hàng đến tháng 6.

Chủ động đón đơn hàng mới

Những ngày đầu năm, không khí sản xuất tại Công ty cổ phần May Vinatex Hoàng Mai rất sôi động. Sau kỳ nghỉ Tết, khởi động cho những đơn hàng đầu tiên của năm, công ty đẩy nhanh tiến độ, các dây chuyền sản xuất hoạt động toàn bộ công suất, đảm bảo lượng hàng cung cấp cho đối tác.

Năm 2023 có nhiều khó khăn chung cho ngành dệt may, nhưng Công ty được Tập đoàn Vinatex ưu tiên đơn hàng (Tập đoàn có 18 doanh nghiệp may và 5 doanh nghiệp dệt) nên sản xuất đều đặn, không phải dừng sản xuất như một vài doanh nghiệp khác. Năm 2024, Công ty đã có 2 chuyến hàng xuất đi các thị trường châu Âu, châu Mỹ.

bna-chinhsan-xuat-tai-cong-ty-cp-may-vinatex-hoang-mai-7770.jpeg
Sản xuất đầu năm tại Công ty cổ phần May Vinatex Hoàng Mai. Ảnh: Thu Huyền

Ông Trần Văn Hóa - Phó Chủ tịch Công đoàn Công ty cổ phần May Vinatex Hoàng Mai cho biết: Sau kỳ nghỉ Tết, 800/850 công nhân đã trở lại làm việc, tình hình sản xuất của Công ty cơ bản ổn định. Hiện nay đơn hàng tăng cao, nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất về nhiều. Tuy nhiên, điều chúng tôi lo lắng là nếu tình trạng thiếu hụt lao động xảy ra sẽ ảnh hưởng kế hoạch sản xuất.
Tại huyện Yên Thành, Nhà máy may An Hưng cũng nhộn nhịp vào ca. Trên từng dây chuyền, công nhân chăm chú từng đường kim múi chỉ, cẩn thận kiểm tra từng sản phẩm, lô hàng. Nhà máy may An Hưng được đầu tư trên 600 tỷ đồng, khởi công xây dựng từ tháng 1/2020, hoạt động vào đầu năm 2021, có quy mô lớn nhất trên địa bàn huyện Yên Thành.

Anh Nguyễn Quang Hoàng – Phó Giám đốc nhân sự Nhà máy may An Hưng cho biết: Thời điểm trước Tết Nguyên đán, do ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế toàn cầu nên nhà máy gặp rất nhiều khó khăn, có thời điểm phải cắt giảm lao động. Trước những khó khăn đó, lãnh đạo Công ty đã năng động tìm kiếm thêm những nguồn hàng mới để duy trì sản xuất. Hiện nay, khi ngành may có dấu hiệu phục hồi, các khách hàng đối tác đã tự tìm đến, ký kết nhiều hợp đồng với doanh nghiệp, công nhân làm không hết việc. Hiện, hơn 1.300 công nhân đang tập trung sản xuất cho đơn hàng đi các thị trường châu Mỹ và châu Âu.

bna-chinhsan-xuat-tai-nah-may-may-an-hung-yen-thanh-8584.jpeg
Tại Nhà máy may An Hưng (Yên Thành), đầu năm công nhân làm không hết việc. Ảnh: Thu Huyền

Chia sẻ về nguyên nhân giúp dệt may khởi đầu thuận lợi đầu năm, ông Nguyễn Đình Sinh - Giám đốc Công ty Cổ phần May Minh Anh –khu vực Nghệ An cho biết: Nhiều đối tác trước đây đặt hàng ở Bangladesh do nhân công rẻ nhưng vì một số nguyên nhân, trong đó có chất lượng không đảm bảo nên năm nay đã chuyển sang Việt Nam.

Nói về dự báo thời gian tới, ông Sinh cho rằng kinh tế thế giới vẫn đang ảm đạm, trong khi đó, chi phí điện, nước, cước phí vận tải, lương tối thiểu cùng các quy định mới sẽ ảnh hưởng tới hoạt động của ngành dệt may. Ngoài ra, sau một thời gian không có đơn hàng, công nhân nghỉ việc, nay đơn hàng trở lại, các doanh nghiệp dệt may lại gặp khó trong việc tìm nhân sự. Như tại Tổng Công ty may Minh Anh, năm ngoái có khoảng 3.000 lao động nghỉ việc. Hiện nay, công ty đang tiếp tục tuyển dụng lao động trở lại.

Nâng cao năng lực cạnh tranh

Theo số liệu từ Sở Công Thương, 2 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất của ngành sợi, dệt tăng trưởng khả quan, sản lượng sợi từ xơ đạt 1.000 tấn, áo sơ mi cho người lớn đạt trên 803.000 cái, comple quần áo đồng bộ đạt 14.277.000 cái, khăn các loại đạt hơn 587.000 cái… Hầu hết doanh nghiệp đã có đơn hàng sản xuất, xuất khẩu, tỷ lệ lao động trở lại làm việc đạt trên 90%.

bna-chinh-san-xuat-tai-nha-may-may-an-hung-yen-thanh-8307.jpeg
Tại nhiều doanh nghiệp, đối tác tự tìm đến đặt hàng, ký kết hợp đồng. Ảnh: Thu Huyền

Ông Nguyễn Văn Hiệp - Trưởng phòng quản lý công nghiệp, Sở Công Thương cho hay: Dệt may đã có những tín hiệu tích cực, ghi nhận tại một số doanh nghiệp (Minh Anh Kim Liên, Hi-Tex, Sangwoo, Woin Vina,...) cho thấy, các doanh nghiệp đang nỗ lực để thúc đẩy đơn hàng.

Khoảng 25% doanh nghiệp dự báo số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu quý I/2024 khả quan hơn so với quý IV/2023, 46% giữ nguyên và khoảng 29% doanh nghiệp dự báo giảm. Sản lượng quần áo các loại hai tháng đầu năm 2024 đạt trên 15,08 triệu sản phẩm, tăng 8,3% so với cùng kỳ năm 2023. Tuy nhiên, đối với sản phẩm sợi, thị trường xuất khẩu sản phẩm chủ yếu là Ai Cập và khu vực Trung Đông đang bị ảnh hưởng lớn của xung đột giữa Isarel và Hamas, xung đột Biển Đỏ nên tiếp tục giảm sút so với cùng kỳ.

Năm 2024, các chuyên gia kinh tế dự báo, sẽ có nhiều điểm sáng cho ngành dệt may hồi phục trở lại, nhất là tại những thị trường xuất khẩu truyền thống. Việt Nam được đánh giá là điểm đến an toàn, kinh tế vĩ mô trong nước tiếp tục ổn định, dự báo tăng trưởng cao hơn năm 2023… là động lực mới cho đơn hàng có khả năng quay lại Việt Nam nhiều hơn.

bna-chinhtai-nhieu-nha-may-tinh-hinh-san-xuat-soi-dong-de-kip-don-hang-cho-doi-tac-6053.jpeg
Hầu hết doanh nghiệp đã có đơn hàng xuất khẩu, tỷ lệ lao động trở lại làm việc đạt trên 90%. Ảnh: Thu Huyền

Dù vậy, do phần lớn các doanh nghiệp dệt may trên địa bàn tỉnh vẫn hoạt động theo hình thức gia công, chưa có thương hiệu và giá trị gia tăng thu về còn hạn chế nên chưa tận dụng được cơ hội và dư địa do các FTA mang lại. Trong khi đó, thị trường thế giới vẫn biến động rất khó lường, khó khăn vẫn còn nhiều nên không được chủ quan, mà cần tiếp tục có giải pháp nâng cao sức chống chịu, nâng khả năng cạnh tranh trên thị trường.

Các chuyên gia khuyến cáo, hiện nay, thị trường đang ấm dần, nhiều tập đoàn bán lẻ trong khối thành viên FTA như Canada, châu Âu… đã tìm đến Việt Nam để tìm kiếm chuỗi cung ứng có giá thành cạnh tranh. Chính vì thế, các doanh nghiệp cần tận dụng tối đa cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do (FTA), tham gia các chuỗi cung ứng để có khả năng cung cấp trọn gói sản phẩm dệt may. Cùng với đó, tận dụng tối đa cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do FTA trong sử dụng lao động, sử dụng nguyên liệu đầu vào, đáp ứng phát triển bền vững khi xuất khẩu; Chủ động chuẩn bị điều kiện thiết bị, năng lực quản trị, sản xuất với năng suất, chất lượng cao nhất để đón “sóng” đơn hàng mới. Xa hơn, doanh nghiệp cần nâng cao năng lực cạnh tranh, tiến đến xây dựng thương hiệu riêng, đáp ứng tiêu chuẩn về phát triển bền vững.

Đến nay, trên địa bàn Nghệ An có hơn 40 dự án, cơ sở sản xuất, trong đó có 30 nhà máy đang hoạt động và 10 dự án đã được cấp chủ trương đầu tư đang triển khai xây dựng. Trong số này có 17 dự án đầu tư nước ngoài với vốn đăng ký 90,94 triệu USD. Các nhà máy may đã góp phần giải quyết nhiều việc làm cho lao động khu vực nông thôn, với tổng số lao động khoảng 26.000 - 27.000 người.

Mới nhất
x
Đơn hàng tăng trở lại, nhiều doanh nghiệp dệt may khởi sắc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO