Đón Tết Bunpimay trên đất Nghệ
Khi Thành phố Vinh đã bắt đầu chuyển nắng và những ngày thi cử đã gần kề cũng là lúc những lưu học sinh Lào đón cái tết cổ truyền của dân tộc mình. Tết Bunpimay trên đất Nghệ không có không khí ấm áp của gia đình, không có đầy đủ những nghi lễ truyền thống nhưng không phải vì thế mà kém vui, kém đầm ấm.
Tết Bunpimay - Tết của dân tộc Lào, Thái, Cam Pu Chia và của đồng bào Khơ Me (Việt Nam) theo truyền thống bắt đầu từ ngày thứ sáu của tháng thứ năm và kết thúc vào ngày thứ năm của tháng thứ sáu, trong đó ngày lễ chính Wun Salong được tổ chức vào dịp trăng tròn, khi bầu trời thanh cao, các dòng sông lớn đều dồi dào nước, tượng trưng cho một năm mới nhiều lộc.
Cùng té nước để gặp nhiều may mắn. |
Tết Lào ngày nay được tổ chức trong ba ngày chính từ 13 - 16/4 hàng năm, những ngày này người dân Lào được nghỉ, không làm việc và cũng không có các hoạt động buôn bán. Vào 14/4 (như ngày 1 Tết của Việt Nam), buổi sáng các gia đình thường đi chùa để thắp hương cầu nguyện, buổi chiều thường mời nhà sư về để chúc tốt đẹp, buộc chỉ cổ tay và sau đó té nước cho mọi người để gặp nhiều may mắn.
Với các lưu học sinh, Tết là thời khắc có ý nghĩa đặc biệt để mỗi người có thể hướng về gia đình mình, đất nước mình và cùng cầu chúc một năm mới nhiều may mắn, hạnh phúc. Chiều 13-4, ngày Tết đầu tiên chúng tôi xuống Ký túc xá trường Đại học Vinh, nơi đang có hơn 300 lưu học sinh Lào sinh sống và học tập. Từ xa đã nghe không khí năm mới tràn khắp khu nhà 5 tầng với tiếng đàn ghi ta, tiếng hát, tiếng chúc mừng rộn rã.
Năm mới hiện diện rõ ràng hơn với những dãy băng rôn có dòng chữ "Happy New Year - Sa bái dee pi măng" do Ban quản lý ký túc treo lên khắp lối vào. Vừa lên bậc cầu thang ký túc nước đã được té xối xả vào người. Dù biết trước tục lệ té nước của người Lào nhưng những người khách lạ không khỏi bất ngờ.
Thoáng chút phân vân tất cả đã vội mỉm cười ngay vì nụ cười của một cô bé Lào tên Kai( sinh viên năm thứ 2 khoa Kinh Tế): Tết bọn em chẳng có gì, chỉ chuẩn bị nước và bánh kẹo để chào đón mọi người thôi. Quả vậy, đến đâu chúng tôi cũng gặp nước và nước, kèm theo đó là những lời chúc tốt lành cho năm mới... Đón cái Tết đầu tiên xa nhà, không có đủ hương liệu để chế biến các món ăn truyền thống như gà tôm, món chẻo, món lạp... nhưng nữ sinh viên Peng 18 tuổi, mới sang Việt Nam 5 tháng đang trong giai đoạn học tiếng và các bạn cùng phòng cũng tất bật chuẩn bị một nồi lẩu thật to để mời các " thầy, cô giáo tình nguyện Việt Nam trong CLB Hoa Cham Pa" đến ăn Tết.
Và tất nhiên trước khi ngồi vào bàn tiệc phải làm lễ buộc chỉ cổ tay và té nước cho các thầy, cô giáo, càng té nhiều nước, càng gặp nhiều may mắn. Dẫn chúng tôi đi chúc tết một vòng quanh khu ký túc xá, somsalith mailorkhem- người tỉnh Xiêng Khoảng, sinh viên khoá 48 khoa Tài chính- Ngân Hàng, phó ban cán sự sinh viên Lào cho biết: năm nay rất nhiều bạn sinh viên đã không về nhà mà ở lại trường tổ chức đón tết, cùng nhau làm bánh, soạn mâm cỗ, biểu diễn văn nghệ... để chuẩn bị cho tết cổ truyền của nước mình. Năm nào, Ban giám hiệu nhà trường, Hội sinh viên, đoàn trường đại học Vinh cũng tổ chức các hoạt động vui Tết cổ truyền cho các Lưu học sinh..
Chiều tối 14-4, tại hội trường A, Đại học Vinh diễn ra dạ hội Vui Tết cổ truyền cùng các lưu học sinh. Các hoạt động gặp gỡ, giao lưu chúc tết, chia sẻ những sinh hoạt văn hoá diễn ra sôi nổi trong tiếng nhạc tưng bừng, những điệu múa lăm vông, những sợi chỉ tay kèm theo lời cầu chúc may mắn, tốt lành đã khiến cho một cái tết xa nhà đối với sinh viên Lào trên đất Nghệ thêm phần ấm cúng...
Khánh Ly - Mỹ Hà