Đồng bào Công giáo đoàn kết, đồng hành cùng sự phát triển của tỉnh

P.V: Thưa ông, Nghệ An là nơi đứng chân của Tòa Giám mục Giáo phận Vinh và Trường Đại chủng viện Thánh Phanxico Xavie, nơi đào tạo các linh mục cho Giáo phận Vinh và Giáo phận Hà Tĩnh. Phải chăng, điều này cho thấy, trong lịch sử phát triển, đạo công giáo đã phát triển rất sớm ở Nghệ An và có một vị trí rất đặc biệt?

Ông Nguyễn Đức Thành: Năm 1533, được Giáo hội Công giáo Việt Nam xem là mốc đầu tiên Công giáo đến Việt Nam. Điều này được căn cứ theo sử liệu của nhà Nguyễn được viết trong sách “Khâm định Việt sử Thông giám Cương mục”. Tuy nhiên, hoạt động truyền giáo đúng nghĩa thực sự khởi đầu ở Việt Nam từ năm 1615 tại Đàng Trong, năm 1627 tại Đàng Ngoài và riêng tại Giáo phận Vinh từ năm 1629. Từ những dữ liệu trên cho thấy, cùng với cả nước Công giáo có mặt và phát triển rất sớm ở Nghệ An và cũng trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm của lịch sử. Hiện nay, đồng bào Công giáo ở Nghệ An có gần 51.000 hộ, với trên 29 vạn tín đồ sinh hoạt 14 giáo hạt; 114 giáo xứ, chiếm khoảng gần 9% dân số toàn tỉnh, sinh sống tập trung ở 174/460 xã, phường, thị trấn.

5 năm qua (2015-2020), đồng bào Công giáo trong tỉnh thường xuyên nhận được sự quan tâm tạo điều kiện của các cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các ban, ngành chức năng, nhất là trong phối hợp giải quyết các nhu cầu chính đáng, hợp pháp của giáo hội và tín đồ. Chính quyền các cấp đã chấp thuận thành lập 34 cơ sở tôn giáo với 18 giáo xứ, 14 giáo họ và 2 cơ sở dòng; tổ chức giao đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các giáo xứ, giáo họ với 151.720 m2. Đồng thời, quan tâm, chăm lo đầu tư xây dựng nhiều cơ sở hạ tầng, khoa học, kỹ thuật để phục vụ phát triển kinh tế – xã hội tại nhiều khu vực có đồng bào Công giáo trên địa bàn tỉnh. MTTQ và các đoàn thể cùng phối hợp với Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam tỉnh phát động nhiều phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động hướng vào phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao thu nhập, tăng cường đoàn kết trong các tầng lớp nhân dân được các linh mục, hội đồng mục vụ giáo xứ, giáo họ đồng tình ủng hộ, qua đó, góp phần làm cho Cộng đoàn giáo dân tăng thêm niềm phấn khởi, an tâm phụng thờ Thiên Chúa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

P.V: Trong những năm qua, với tinh thần “Sống tốt đời, đẹp đạo”, “Lợi đạo, ích đời”, đồng hành cùng với dân tộc, đồng bào Công giáo tỉnh nhà đã luôn cùng nhân dân trong tỉnh chung sức, chung lòng vượt qua khó khăn, góp phần hoàn thành các mục tiêu kinh tế – xã hội đề ra. Một trong những đóng góp quan trọng là thực hiện tốt phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, sống tốt đời, đẹp đạo”. Kết quả lớn nhất mà phong trào này đạt được là gì, thưa ông?

Ông Nguyễn Đức Thành: Hưởng ứng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng cuộc sống mới ở khu dân cư, sống tốt đời đẹp đạo” do Trung ương Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam phát động, hơn 5 năm qua, đồng bào Công giáo tỉnh nhà đã không ngừng nâng cao tinh thần đoàn kết, giúp nhau xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế, tăng thu nhập, đồng thuận hướng về xây dựng các giáo xứ, giáo họ ngày càng phát triển theo tinh thần “Kính Chúa yêu Nước”, “Sống tốt đời đẹp đạo” vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Nhờ đó, đã hạ nhanh tỷ lệ hộ nghèo, tăng hộ giàu; riêng tỷ lệ hộ khá, giàu trong đồng bào Công giáo năm 2015 là 51,2%, nay tăng lên 53,0%, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 9%.

Phong trào chung sức xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh được các linh mục, hội đồng mục vụ giáo xứ, giáo họ, bà con giáo dân tích cực hưởng ứng. 5 năm qua, bà con giáo dân trong tỉnh đã hiến 109.543 m2 đất, tháo dỡ 78.380m tường bao, chặt bỏ 5.230 cây các loại, đóng góp 54.646 ngày công và 294,6 tỷ đồng, đổ bê tông 317.000 m2 đường giao thông, tự nguyện giải phóng mặt bằng làm đường giao thông nông thôn, góp phần làm cho diện mạo quê hương xứ, họ ngày càng khang trang, sạch, đẹp, góp phần đưa 118 xã có đồng bào Công giáo đạt tiêu chuẩn xã nông thôn mới. Các phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng khu dân cư, giáo xứ, giáo họ học tập được Cộng đoàn giáo dân trong tỉnh hết sức quan tâm và ngày càng có nhiều con em bà con Công giáo học giỏi. Nhiều xứ họ đã xây dựng quỹ khuyến học, tổ chức dạy học miễn phí, kịp thời động viên con em vươn lên học giỏi, thi đậu vào các trường cao đẳng, đại học.

Phát huy truyền thống đoàn kết nhân ái của dân tộc ta và tinh thần “thực thi bác ái là loan báo Tin mừng”, nhiều năm qua, các linh mục, các nhà hảo tâm và toàn thể cộng đoàn đã hưởng ứng các cuộc vận động của xã hội, thực hiện lời kêu gọi của Giáo hội, tích cực ủng hộ cả vật chất lẫn tinh thần. Gần đây nhất, khi dịch Covid-19 bùng phát, hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước về “Toàn dân chống đại dịch Covid-19”; lời kêu gọi của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Ủy ban MTTQ tỉnh, các linh mục, bà con giáo dân đã tham gia phòng, chống dịch một cách tích cực, đồng bộ, liên tục, chủ động, sáng tạo, với nhiều hoạt động phù hợp với đặc điểm, tình hình, cụ thể của công cuộc phòng, chống dịch. Đồng thời, tích cực đóng góp ủng hộ phòng, chống dịch Covid-19 bao gồm tiền và hàng hóa, nhu yếu phẩm với giá trị hàng chục tỷ đồng.

P.V: Sự đóng góp của đồng bào Công giáo đối với các phong trào chung của tỉnh có ý nghĩa như thế nào và nhờ đâu chúng ta đạt được kết quả trên?

Ông Nguyễn Đức Thành: Có thể thấy, việc thực hiện 8 nội dung phong trào thi đua do Trung ương Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam phát động đã phát huy tác dụng, mang lại hiệu quả thiết thực; có ý nghĩa về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội sâu sắc.

Kết quả các phong trào thi đua yêu nước và những việc làm cụ thể là minh chứng sống động cho tinh thần yêu nước và truyền thống đoàn kết, gắn bó đồng hành với dân tộc. Qua đó, đã xuất hiện ngày càng nhiều tấm gương điển hình tiên tiến, xuất sắc trong lao động, sản xuất, phát triển kinh tế, giúp nhau xóa đói, giảm nghèo, đẩy mạnh các hoạt động từ thiện, nhân đạo, chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Từ các phong trào này, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào không ngừng được cải thiện, góp phần đẩy lùi các tệ nạn xã hội; giữ vững ổn định chính trị – xã hội, bộ mặt của xứ, họ đạo ngày càng khang trang, sạch, đẹp, đồng bào ngày càng phấn khởi, yên tâm giữ đạo và chu toàn trách nhiệm công dân, khối đại kết toàn dân tộc ngày càng được củng cố và tăng cường. Vị thế của người Công giáo ngày càng được nâng cao trong cộng đồng dân tộc… góp phần vào sự nghiệp đổi mới đất nước vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Để có được thành công này, có nhiều yếu tố. Tuy vậy, quan trọng là phải phát huy truyền thống yêu nước, ý thức đoàn kết dân tộc cho mỗi người Công giáo. Đó là yêu nước là nghĩa vụ riêng đối với Tổ quốc – Dân tộc, là đạo lý và tình thương của mỗi người Kitô hữu. Yêu nước phải thể hiện bằng hành động đóng góp công sức vào công cuộc xây dựng đất nước, quê hương để mỗi đồng bào Công giáo thấm nhuần giáo huấn của Đức Giáo hoàng Benedict XVI: “Người Công giáo tốt cũng là người công dân tốt”.

P.V: Từ nhiều năm nay, MTTQ tỉnh Nghệ An là cầu nối vững chắc giữa Đảng, chính quyền với Nhân dân, trong đó có đồng bào các tôn giáo. Ông hãy nói rõ hơn vai trò của MTTQ trong công tác này và những giải pháp để thời gian tới tiếp tục phát huy hiệu quả hoạt động của MTTQ các cấp trong công tác đoàn kết công giáo và phát huy sức mạnh của đồng bào Công giáo tỉnh nhà?

Ông Nguyễn Đức Thành: Chúng ta đều biết rằng, các tổ chức tôn giáo có vai trò rất quan trọng trong định hướng, dẫn dắt về mặt tín ngưỡng tôn giáo, tâm linh và tác động đến thái độ chính trị, hoạt động xã hội của chức sắc, chức việc, nhà tu hành và tín đồ tôn giáo. Vì vậy, công tác vận động các tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc, tổ chức xã hội tôn giáo có một ý nghĩa rất quan trọng trong công tác tôn giáo nói chung và công tác tôn giáo của Mặt trận nói riêng… Do đó, làm tốt công tác vận động tổ chức tôn giáo sẽ góp phần tích cực trong việc vận động chức sắc, chức việc, tín đồ củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Với vai trò của mình, MTTQ các cấp trong tỉnh không ngừng đổi mới về nội dung, phương thức vận động đồng bào các tôn giáo hoạt động theo hướng tuân thủ pháp luật, sống “Tốt đời đẹp đạo”, góp phần củng cố, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Bên cạnh đó, chúng ta cũng thường xuyên chăm lo, xây dựng và phát huy vai trò của những người tiêu biểu trong các tôn giáo, nhất là vai trò của chức sắc, nhà tu hành, chức việc và trí thức tôn giáo; phối hợp cùng các tổ chức tôn giáo đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động trong vùng đồng bào có đạo.

Thời gian tới, MTTQ các cấp tiếp tục làm tốt công tác vận động các quần chúng tín đồ, chức sắc trong các tôn giáo; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp, lành mạnh của các tôn giáo, tranh thủ sự ủng hộ của các chức sắc; quan tâm tới đời sống và lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của đồng bào các tôn giáo… Ngoài ra, cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, tổ chức ở địa phương, tăng cường bám sát cơ sở. Đi sâu nắm bắt tâm tư, nguyện vọng chính đáng của tổ chức giáo hội và bà con giáo dân, kịp thời phản ánh với các cấp, các ngành chức năng để được xem xét giải quyết theo quy định của pháp luật. Quan tâm thăm hỏi, động viên chức sắc, chức việc, bà con giáo dân nhân các ngày lễ trọng; quan tâm phối hợp hỗ trợ, tạo sinh kế cho hộ nghèo, người yếu thế là đồng bào Công giáo vượt khó vươn lên; thực hiện tốt chính sách Đại đoàn kết dân tộc cùng nhau hướng tới mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

P.V: Xin cảm ơn ông!.