Đồng hành cùng nông dân

07/09/2016 08:45

(Baonghean) - 4 năm sau khi Luật Hợp tác xã năm 2012 có hiệu lực, thực tế triển khai tại nhiều địa phương cho thấy, các mô hình hợp tác xã (HTX) kiểu mới được thành lập và vận hành đã mang lại hiệu quả bước đầu. Một trong những mô hình như thế ở Thanh Chương là HTX Thanh Văn.

Những ngày này, gia đình anh Lê Văn An ở xóm 2, xã Thanh Văn (Thanh Chương) đang tranh thủ ra đồng chuẩn bị đất trồng hành tăm trên lưới cước. Đây là một tiến bộ KHKT được HTX NN Thanh Văn đưa về chuyển giao cho bà con đã được khẳng định qua nhiều năm sản xuất.

Máy gặt thế hệ mới được đưa vào sử dụng trong vụ xuân 2016 trên cánh đồng xã Thanh Văn.
Máy gặt thế hệ mới được đưa vào sử dụng trong vụ xuân 2016 trên cánh đồng xã Thanh Văn.

Cùng với 3 sào đã trồng ổn định trong nhiều năm, vụ này ông trồng tiếp 2 sào trên vùng đất đã được xã quy hoạch mới, nằm trong chương trình được hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo Quyết định số 87/2014 của UBND tỉnh “về một số chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Nghệ An”.

Ông An phấn khởi cho biết: “Vụ đông nào tôi cũng trồng 3 sào hành tăm trên lưới, 1 sào thu hoạch từ 2,5 - 3 tạ. Được HTX cung ứng lưới, chuyển giao kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm, sau khi trừ chi phí, 1 sào thu về gần 10 triệu đồng. Năm nay mở rộng diện tích lại được hỗ trợ mỗi ha 5 triệu đồng, tôi và mọi người rất phấn khởi”.

Cũng tại xã Thanh Văn, cách đây chừng 3 tháng, trong niềm vui được mùa vụ xuân, một bộ phận nông dân các xóm 6,8,9 còn vui hơn vì lần đầu tiên họ đã bán lúa lấy tiền tươi ngay tại ruộng. Đây là kết quả của một hợp đồng liên kết giữa HTX NN Thanh Văn và Công ty Giống cây trồng Trung ương chi nhánh Nghệ An theo nguyên tắc: công ty cung ứng giống, HTX tổ chức sản xuất, cuối vụ bán lại lúa cho công ty.

Ông Nguyễn Như Thiện - Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX NN Thanh Văn vui mừng cho biết: Hợp tác xã chúng tôi mới được kiện toàn. Chúng tôi xác định các nhiệm vụ trọng tâm và đã chọn mô hình liên kết này để thực hiện trong vụ xuân. Vì là lần đầu thực hiện nên diện tích còn ít. Mô hình thắng lợi là điều kiện để mở rộng diện tích và thực hiện những cách làm khác”.

Vụ Xuân 2016, lần đầu tiên nông dân Thanh Văn bán được lúa tại ruộng.
Vụ Xuân 2016, lần đầu tiên nông dân Thanh Văn bán được lúa tại ruộng.

Trồng hành tăm trên lưới cho thu nhập cao và giúp nông dân bán lúa tại ruộng chỉ là 2 trong số rất nhiều ví dụ mà HTX NN Thanh Văn đã làm được sau chuyển đổi. Là xã nằm ở trung tâm huyện Thanh Chương có địa hình phù sa, ruộng đất bằng phẳng tốt tươi. Ở thời bao cấp HTX NN Thanh Văn từng được coi là ngọn cờ hồng, một điểm sáng về năng suất cây trồng, được tỉnh và huyện chọn làm điểm làm giống để cung ứng cho các địa phương. Cùng với những thay đổi thời kỳ hậu bao cấp và thực hiện giao khoán ruộng đất cho nông dân các HTX đã dần mất vai trò, và cho đến những năm 90 của thế kỷ trước chỉ còn đảm nhận dịch vụ về điện.

Trăn trở với vai trò ý nghĩa của HTX nông nghiệp, từ sau khi có chủ trương tái thành lập, HTX cấp ủy, chính quyền xã Thanh Văn đã từng bước chọn người, chọn việc giao nhiệm vụ cho một số cán bộ xã đảm nhận các nhiệm vụ về dịch vụ nông nghiệp. Từ khi Luật Hợp tác xã năm 2012 có hiệu lực, địa phương đã mạnh dạn giao cho cán bộ chuyên trách nông nghiệp xã thực hiện các nhiệm vụ của một chủ nhiệm HTX. Trên cơ sở đó bắt đầu từ năm 2015, xã Thanh Văn đã tổ chức đại hội kiện toàn hình thành một HTX kiểu mới với 4 chức danh quản lý, kiểm soát và thành viên rải đều ở tất cả 9 thôn, xóm.

Ngay từ đầu, HTX NN Thanh Văn đã mạnh dạn ký hợp đồng làm dịch vụ ở tất cả các khâu sản xuất như: giống, phân bón, thủy lợi, phương tiện làm đất, nhưng để thực hiện được là không phải dễ. Tuy nhiên, thấy các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật do HTX cung ứng rẻ hơn, chất lượng hơn (vì mua số lượng lớn, tại các đơn vị có uy tín), toàn bộ lúa, màu được trồng cùng một giống, sản xuất cùng một quy trình nên sản lượng và chất lượng đều tăng lên người dân đã dần tham gia vào HTX. Ngoài số lượng thành viên ban đầu khoảng 50 người, đến nay HTX NN Thanh Văn đã có 325 thành viên.

Từ những kết quả ban đầu này, HTX Thanh Văn đã mạnh dạn nhận từ huyện và xã đảm nhận xây dựng các mô hình trồng các loại cây, con có quy mô lớn, năng suất cao theo chương trình xây dựng nông thôn mới. HTX đã mời toàn thể thành viên tham gia chọn giống theo nhu cầu của thị trường, lên kế hoạch và cùng tổ chức sản xuất.

Các thành viên HTX Thanh Văn có thu nhập cao từ cây hành tăm nhờ được HTX hướng dẫn kỹ thuật, cung ứng vật tư và bao tiêu một phần sản phẩm.
Các thành viên HTX Thanh Văn có thu nhập cao từ cây hành tăm nhờ được HTX hướng dẫn kỹ thuật, cung ứng vật tư và bao tiêu một phần sản phẩm.

Nhờ vậy, HTX mà đã xây dựng thành công các cánh đồng cà chua và hành tăm với diện tích lớn, năng suất cao, lợi nhuận thu được cũng cao hơn khi sản xuất nhỏ lẻ. Ông Hồ Sĩ Anh, một thành viên của HTX ở xóm 9 cho biết: “Trước nay chúng tôi làm lúa vất vả trong tất cả các khâu, nay lần đầu tiên bán lúa tại ruộng vừa được giá lại không phải phơi phong, cất trữ ai cũng phấn khởi”.

Mặc dù Luật HTX Nông nghiệp đã được ban hành hơn 4 năm, nhưng do nhiều nguyên nhân đa số các địa phương chưa thành lập được HTX đúng nghĩa. Bởi còn lúng túng trong cách làm, chỉ đơn điệu là mua bán cung ứng dịch vụ theo mô hình đại lý. Đánh giá về các hoạt động của HTX tại địa phương mình, ông Nguyễn Viết Mão - Chủ tịch UBND xã Thanh Văn chia sẻ: “Chúng tôi rất vui mừng thấy rằng nông dân và HTX đã hội nhập trong tư duy làm ăn mới.

Nông dân được tiếp cận với quy trình sản xuất khoa học, năng suất và đầu ra ổn định, HTX đã thật sự chung vai sát cánh với nông dân, không còn tùy tiện “đánh lẻ”, thiếu kế hoạch, “ăn hớt ngọn”, ép giá, gây khó khăn cho người nông dân như trước”.

Tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới vai trò của HTX NN càng lớn nếu có hướng đi đúng, khơi dậy được sự tham gia, bàn bạc của xã viên. Nhất là khâu tiêu thụ sản phẩm cho bà con nông dân. Dẫu mới chỉ là những kết quả bước đầu, nhưng những gì mà HTX NN Thanh Văn đã đạt được là đúng hướng và đáng ghi nhận.

Trần Đình Hà


TIN LIÊN QUAN

Mới nhất
x
Đồng hành cùng nông dân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO