Đồng lòng, chung sức mới tạo nên thành công

16/10/2012 19:44

Kỳ 2: NHỮNG KHÓ KHĂN Ở CƠ SỞ

(Baonghean) - Trong bối cảnh hiện nay, dù rất nỗ lực và đã đạt được những kết quả cụ thể nhưng nhìn nhận từ thực tế việc thực hiện xây dựng nông thôn mới (NTM) của tỉnh đang gặp không ít khó khăn. Đã xuất hiện khá nhiều địa phương thực hiện tốt nhưng bên cạnh đó, không ít địa phương đang rất vướng mắc, lúng túng.

Kỳ 1: CUỘC VẬN ĐỘNG LỚN

Từ vấn đề kinh phí…

Châu Quang là xã điểm xây dựng NTM của huyện Quỳ Hợp nhưng tiến độ thực hiện rất chậm. Ngoài việc đã được phê duyệt quy hoạch chung, tập huấn cho cán bộ cơ sở, tuyên truyền trong nhân dân, Châu Quang đã lập dự án làm đường giao thông và xây dựng cánh đồng mẫu lớn. Hỏi về tiến độ thực hiện đường giao thông nông thôn, Chủ tịch UBND xã Nguyễn Đình Luyện cho hay, Châu Quang được tỉnh cấp xi măng xây dựng 5 km đường giao thông, nhưng rất khó để thực hiện. “Chúng tôi sợ không hoàn thành tiến độ do các văn bản chưa cụ thể hóa phương thức chi trả kinh phí vận chuyển, bốc xếp nên chưa có xi măng. Hầu hết người dân chỉ đồng tình góp công lao động…” - ông Luyện nói. Cũng theo ông Luyện, để xây dựng cơ sở hạ tầng NTM có nguồn của Trung ương, tỉnh, huyện, xã và của nhân dân đóng góp, thế nhưng nguồn đầu tư từ trên quá ít và chậm. Năm 2012, Châu Quang chỉ được đầu tư trên 400 triệu đồng. Trong khi đó kinh phí của xã thì hạn chế do nguồn thu từ đất đang bế tắc mà dân thì nghèo không có tiền để đóng góp.

Ở xã Châu Đình (Quỳ Hợp), tình hình còn ảm đạm hơn rất nhiều, tất cả mới chỉ là phê duyệt quy hoạch chung và tổ chức tập huấn cho cán bộ cơ sở. Nguyên nhân được nêu ra là vì quá nghèo, nguồn thu hàng năm của xã chỉ được từ 40 - 60 triệu đồng. Trong khi đó, nhận thức về xây dựng NTM của cán bộ cơ sở, nhân dân còn hạn chế, xem đó là việc của Nhà nước. “Chúng tôi mong mỏi có sự hỗ trợ của trên để xã thực hiện một công trình cụ thể gây dựng phong trào trong nhân dân” - Chủ tịch UBND xã Châu Đình Nguyễn Văn Sửu nói.

Xã Nghĩa Phúc (Tân Kỳ) đã đạt được 5/19 tiêu chí. Khi được hỏi, tiêu chí nào là khó đạt nhất đối với địa phương, ông Phan Văn Ngũ, Bí thư Đảng ủy xã chia sẻ: “Đối với Nghĩa Phúc thì tiêu chí xây dựng đường GTNT là khó đạt nhất. Hiện toàn xã có 34 km đường GTNT và phải cần từ 70-80 tỷ đồng mới có thể cứng hóa bê tông số đường này. Hiện xã chưa làm được km đường nào. Chúng tôi đang rất lo lắng không biết làm cách nào vì nếu huy động sức dân đóng góp thì cũng chỉ có hạn. Thu nhập bình quân hiện tại chỉ 7,2 triệu đồng/người/năm”.

Cùng suy nghĩ, ông Lô Văn Quỳnh, Chủ tịch UBND xã Lưu Kiền (Tương Dương) cho rằng, nếu xây dựng hết các tuyến đường trong xã thì cần đến số vốn khoảng 100 tỷ đồng. Nhưng đến năm 2011, thu nhập bình quân của người dân xã Lưu Kiền cũng chỉ đạt 4,7 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo là 63%. Hiện xã đã vận động người dân đóng góp và thống nhất là 350 ngàn đồng/hộ nhưng chưa ai đóng.



Chợ Tam Thái (xã Tam Thái, huyện Tương Dương) đã đưa vào sử dụng nhưng hiệu quả kém.

…đến việc "áp" tiêu chí hạ tầng

Việc đề ra 19 tiêu chí trong xây dựng NTM áp dụng chung cho tất cả các địa phương đang gây ra những bất cập nhất định. Không những thế, chất lượng công trình và sự hợp lý của công trình cũng là vấn đề cần phải được đánh giá xem xét cụ thể để phù hợp với thực tiễn.

Quỳnh Lương nổi tiếng là vùng quê năng động phát triển kinh tế và được lựa chọn làm điểm xây dựng NTM của huyện Quỳnh Lưu, tuy nhiên lại đang gặp nhiều khó khăn trong việc hoàn thành một số tiêu chí NTM. Hiện nay, việc vận động người dân hiến đất mở rộng đường giao thông đang là mối lo lớn nhất của lãnh đạo xã. Lý do là vì đất chật, người đông mà nhà của dân thì đã đầu tư xây dựng các công trình nhà ở, tường rào kiên cố nên rất khó vận động hiến đất mở đường. Không chỉ vậy, theo Chủ tịch UBND xã Hồ Cảnh Sáu thì: “Quỳnh Lương còn gặp rất nhiều khó khăn trong chuyển đổi ruộng đất và cơ cấu lao động. Nơi đây chuyên sản xuất rau hàng hóa, người dân còn phải thuê lực lượng lao động bên ngoài thì tại sao lại phải cơ cấu lại lao động. Việc chuyển đổi ruộng đất cũng vậy. Do đặc thù đất đai phức tạp, tốt xấu lẫn lộn nên rất khó để thực hiện. Nếu thực hiện không khéo sẽ dẫn đến đảo lộn kế hoạch sản xuất của dân”.

Trong quy hoạch NTM, xã Lưu Kiền (Tương Dương) sẽ xây dựng chợ với số vốn khoảng 3 tỷ đồng. Điều làm lãnh đạo xã băn khoăn là liệu khi xây chợ xong rồi thì người dân có chịu vào buôn bán hay không? Thực tế tại đây hiện có một số kiốt chỉ bán các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu của người dân. Vì vậy, chợ nông thôn là một trong những tiêu chí khiến cho chính quyền xã Lưu Kiền lúng túng. Theo ông Vương Văn Luyện - Trưởng Ban Phát triển nông thôn miền núi huyện Tương Dương thì tiêu chí chợ nông thôn không nên là tiêu chí cứng cho tất cả các địa phương. Do xuất phát điểm của huyện còn thấp, đời sống nhân dân còn khó khăn nên việc xây chợ cần được xem xét lại. Tiêu chí môi trường cũng đang là vấn đề xã Lưu Kiền lo lắng. Theo quy hoạch, nghĩa trang của xã phải xây dựng tường bao. Chủ tịch UBND xã Lô Văn Quỳnh cho rằng, nội dung xây dựng tường bao đang gây băn khoăn rất lớn. Xã Lưu Kiền có 5 khu nghĩa trang của 5 bản, chủ yếu nằm trên các đồi cao. Việc xây tường bao cho nghĩa trang ở một xã miền núi là chưa phù hợp, mà chỉ cần làm rãnh thoát nước là được.

Tại xã điểm Tam Thái (Tương Dương), chợ được xây dựng nằm sát QL7 với số vốn 5 tỷ đồng, trong đó có nguồn vốn của Chương trình 135. Do thiết kế không phù hợp, đồng thời vì thói quen mua bán nhỏ lẻ của người dân nên không ai muốn vào chợ mới. Ông Vang Văn Hùng, Bí thư Đảng ủy xã Tam Thái cho biết: “Chợ có 18 ốt và 8 quầy nhưng từ khi cưới chợ đến nay mới chỉ có 3 hộ vào chợ. Bên cạnh hạ mức phí xuống còn 16 triệu đồng/10 năm cho ốt nhỏ, và 19 triệu đồng/10 năm cho ốt lớn, xã còn có chủ trương nếu hộ nào vào chợ sẽ cho thêm 1 ốt để làm phòng ngủ nhưng người dân vẫn không mặn mà. Vì thế, hiệu quả của chợ không cao và đang lãng phí rất lớn”.

Cũng tại xã Tam Thái, chất lượng đường giao thông cũng đang có những vấn đề cần bàn. Đường giao thông nông thôn 12 km cần được xây dựng bê tông hóa. Với sự hỗ trợ xi măng của Nhà nước và đóng góp của nhân dân, hơn 1,2 km đường đã được bê tông hóa. Riêng tại bản Lũng, được hỗ trợ hơn 48 tấn xi măng, nhân dân trong bản đã làm được 241m đường. Tuy nhiên, do nhân dân chưa có kinh nghiệm nên chất lượng thực hiện còn thấp. Nhân dân đã lấy cát sỏi dọc bờ sông thuộc địa phận xã Thạch Giám nhưng do không đúng kích thước nên khi thực hiện đã khiến cho mặt đường không đảm bảo, một số đoạn đường không đúng quy hoạch. Nguyên nhân là do trong quá trình thực hiện thiếu sự giám sát của cán bộ kỹ thuật cấp huyện. Xã có cán bộ chuyên môn kiểm tra thường xuyên nhưng vì không nắm chắc kỹ thuật nên chỉ đạo người dân thực hiện chưa đúng, đồng thời một số người dân đã tự làm theo ý mình mà không theo sự chỉ đạo của cán bộ giám sát nên đã xảy ra tình trạng này...

6 nhóm khó khăn vướng mắc trong xây dựng nông thôn mới


Công tác tuyên truyền vận động trước đây theo Quyết định 800/QĐ-TTg nhưng nay Chính phủ ban hành Quyết định 695/QĐ-TTg nên nhận thức của một bộ phận không nhỏ cán bộ các cấp và người dân về xây dựng NTM còn thụ động, thiếu niềm tin do vậy chưa phát huy được vai trò chủ thể của cộng đồng dân cư, nhất là trong việc huy động nguồn lực từ dân. Cơ chế chính sách chưa nhất quán, chậm ban hành nên cơ sở gặp khó trong quá trình thực hiện; Cơ chế huy động nguồn lực thiếu tính khả thi nên các địa phương rất lúng túng. Các địa phương đang chủ yếu huy động sức dân nhưng sức dân lại có hạn nên huy động nguồn vốn gặp nhiều khó khăn. Nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất của Trung ương chậm nên việc triển khai kinh phí xây dựng các mô hình phát triển sản xuất rất khó thực hiện; Nguồn ngân sách huyện, xã rất khó khăn nên việc hỗ trợ cho các địa phương làm giao thông khó thực hiện. Mặt khác cơ chế thu hút nguồn lực từ các thành phần kinh tế khác theo Nghị định 61, 41 chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp. Việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế và đổi mới mô hình sản xuất trong nông nghiệp còn chậm, hiệu quả thấp. Mô hình sản xuất có hiệu quả còn ít, chưa hình thành được các mối liên kết bền vững giữa doanh nghiệp và nông dân. Đào tạo nghề nông nghiệp chưa gắn với điều kiện và nhu cầu sản xuất tại chỗ nên hiệu quả còn thấp; Việc chỉ đạo điều hành còn mang tính chất chung chung, chưa mang tính đột phá, một số địa phương chỉ chú trọng về xây dựng cơ sở vật chất và sản xuất còn văn hóa ít được chú trọng.


Ban chỉ đạo Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM tỉnh


Nhật Lân - Phạm Bằng

Mới nhất
x
Đồng lòng, chung sức mới tạo nên thành công
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO