Động lực để ngư dân Quỳnh Lập sắm tàu lớn, vươn khơi bám biển

07/05/2017 09:02

(Baonghean) - Quỳnh Lập - địa đầu của huyện Quỳnh Lưu trước kia và thị xã Hoàng Mai ngày nay, là xã “vùng sâu, vùng xa” nhưng kinh tế phát triển toàn diện, nhất là kinh tế biển.

Tàu cá cập bến Quỳnh Lập.
Bến cá xã Quỳnh Lập. Ảnh: Ngô Kiên

Cách nói xã “địa đầu”, đất “địa đầu” đã có từ lâu, và có thể có nhiều cách lý giải. Theo tôi chủ yếu là bởi 2 lý do. Thứ nhất là do vị trí địa lý tự nhiên, xã Quỳnh Lập phía Bắc giáp xã Hải Hà, huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa), phía Đông giáp biển với chiều dài bờ biển khoảng 12 km. Vì vậy nên đây là xã xa nhất, hay có thể coi là xã đầu tiên ở phía Đông Bắc của Nghệ An. Thứ hai là trong kháng chiến, xã Quỳnh Lập cũng là một trong những tuyến đầu chống chọi với những đợt càn quét, tấn công của giặc Pháp và đế quốc Mỹ.

Từ ngày 4/7/1948, nơi đây đã làm thất bại âm mưu tổ chức trận càn đầu tiên bằng ca nô từ biển đổ bộ vào. Tiếp đó, các năm 1951, 1953 lần lượt đánh bại các trận đổ quân càn quét của địch. Nằm trên đường giao thông huyết mạch trọng điểm Nam Thanh - Bắc Nghệ, có tụ điểm giao thông lớn là sông Hoàng Mai - Lạch Cờn - đường biển, trong kháng chiến chống Mỹ nơi đây có nhiều trận địa pháo bắn cháy các tàu chiến giặc, bắn rơi nhiều máy bay địch và bắt sống các phi công, trung chuyển hàng vạn tấn hàng vào Nam; là tọa độ lửa với 2.860 quả bom các loại, hàng vạn rocket, bom bi, đạn pháo các loại, bom từ trường.

Trong kháng chiến, có đến 676 ngôi nhà bị bom đạn thiêu rụi, 262 người bị chết, 512 người bị thương. Có lớp vỡ lòng đang học trúng bom chết 23 em (tại nương Cây Bứa, xóm Quyết Tâm). Cách gọi “địa đầu” là vì vậy, còn có hàm ý như là chiến lũy, thành lũy tiền đồn. Và ngày nay, nơi đây cũng đón đầu một số phong trào phát triển kinh tế.

Khi nhiều nơi bắt đầu quan tâm đến kinh tế biển, thì trước đó Quỳnh Lập đã có những bước đi chủ động, phát triển vượt bậc.Xã Quỳnh Lập có lợi thế là có truyền thống về nghề biển, có 12 km bờ biển và đặc biệt là có Lạch Cờn (cửa Lạch Cờn nằm giữa 2 xã Quỳnh Lập và Quỳnh Phương). Cả 13 xóm của xã đều có ngư dân làm nghề đánh bắt và khai thác hải sản. Trong những năm gần đây, nghề biển Quỳnh Lập có sự lột xác mạnh mẽ với việc ngư dân đẩy mạnh đánh bắt xa bờ.

Ngày trước tàu nhỏ chỉ phát triển ngư trường từ Quảng Ninh đến Hà Tĩnh, từ năm 2009, ngư dân Quỳnh Lập bắt đầu đóng tàu lớn và mở rộng ngư trường, đánh bắt đến tận Phan Thiết, đánh bắt ở vùng Hoàng Sa, Trường Sa. Có thời điểm cả nước có 33 tàu đăng ký đánh bắt ở ngư trường Hoàng Sa thì xã Quỳnh Lập có 22 tàu. Năm 2017, Quỳnh Lập tăng lên danh sách đánh bắt ngư trường Hoàng Sa đến 68 tàu.

Cùng với nghề biển, khoảng 5 năm gần đây ở Quỳnh Lập nghề hậu cần nghề cá phát triển mạnh. Mảng thứ nhất là cung cấp các nhu yếu phẩm, nguyên nhiên liệu cho tàu đi biển, hiện trong xã có 12 đại lý xăng dầu, 13 cơ sở sản xuất đá lạnh, 5 xưởng cơ khí sửa chữa máy đi biển… Mảng thứ hai là thu mua và chế biến thủy, hải sản, trên địa bàn hiện có 2 nhà máy xay bột cá gồm Nhà máy xay Xu - ri Việt Trung, Nhà máy xay của HTX Đoàn Kết.

Toàn xã có 6 cơ sở hấp cá, mực, mỗi cơ sở trung bình sử dụng 30 lao động, trong đó cơ sở hấp lớn nhất của các hộ: Lê Hội Hưng, Lê Hồng Hoàng, Lê Minh Châu, đầu tư cơ sở hấp và xay bột cá trị giá 20 tỷ đồng, sản lượng hấp bình quân 35 tấn/ngày, sản lượng xay 200 tấn/ngày. Mảng thứ 3 là đóng tàu, hiện Quỳnh Lập có 2 cơ sở đóng tàu lớn của hộ ông Trần Đình Anh và ông Trần Đình Thọ. Đây là 2 cơ sở cải hoán, đóng mới, sửa chữa tàu thuyền, đủ năng lực điều kiện đóng mới tàu từ 90CV trở lên cho ngư dân trong xã, trong vùng, các tỉnh Thanh Hóa, Hà Tĩnh, nhiều tỉnh khác.

Đóng tàu công suất lớn tại cơ sở ông Trần Đình Thọ ở xã Quỳnh Lập (Quỳnh Lưu).
Đóng tàu công suất lớn tại cơ sở ông Trần Đình Thọ ở xã Quỳnh Lập (Quỳnh Lưu). Ảnh: Ngô Kiên

Quỳnh Lập có giao thương kết nối mạnh mẽ với các trung tâm kinh tế lớn, hàng đi và hàng đến nhộn nhịp trong ngày; là xã vùng xa ven biển nhưng đất trục đường các xóm giá từ 8 - 10 triệu đồng/m2 là chuyện không lạ!

Nhiều năm qua, Đảng ủy xã Quỳnh Lập thường xuyên quan tâm, đồng hành để nhận diện các vướng mắc, tồn tại như: Cơ chế chính sách đầu tư cho ngư nghiệp chưa nhiều, nguồn vốn hỗ trợ đầu tư các mô hình chuyển đổi nghề, đóng mới phương tiện đang còn hạn chế. Nhận thức của một bộ phận nhân dân còn chậm đổi mới trong tư duy làm kinh tế, tâm lý ăn xổi, khai thác không hiệu quả bán giá thấp, sa vào gánh nặng phải trả nợ ngân hàng, lãi tín dụng đen… Từ tâm tư, nguyện vọng của người làm nghề biển, hậu cần nghề biển, Đảng ủy xã đã cụ thể hóa nhiều chủ trương, đường lối hiệu quả để sớm “cởi trói” cho kinh tế biển.

Xã Quỳnh Lập có nhiều cơ sở sửa chữa máy tàu, phục vụ không chỉ cho 156 tàu cá trong xã mà cho cả trong vùng. Ảnh: Ngô Kiên
Xã Quỳnh Lập có nhiều cơ sở sửa chữa máy tàu, phục vụ không chỉ cho 156 tàu cá trong xã mà cho cả trong vùng. Ảnh: Ngô Kiên

Gần nhất, ngày 2/11/2016 Đảng ủy xã Quỳnh Lập đã ban hành Đề án số 02 về phát triển phương tiện khai thác xa bờ và nâng cao chất lượng sản phẩm khai thác. Thực hiện Đề án 02, mỗi cán bộ, đảng viên xã Quỳnh Lập đã ra sức tuyên truyền, định hướng nâng tầm phát triển kinh tế biển lên tầm cao mới. Nổi bật là khuyến khích ngư dân giảm dần số phương tiện có công suất dưới 20 CV khai thác ở tuyến bờ, tập trung phát triển, đóng mới phương tiện có công suất lớn, khai thác xa bờ; áp dụng công nghệ mới, tập trung khai thác sản phẩm xuất khẩu, sản phẩm có giá trị kinh tế cao.

Việc đổi mới lề lối làm việc của cán bộ xã Quỳnh Lập tập trung vào việc tạo điều kiện thuận lợi nhất để nhân dân được thuê đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, vay vốn phát triển nghề biển và phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá; tạo mọi điều kiện thuận lợi, khuyến khích ngư dân đóng mới phương tiện theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ; phối hợp với các ngân hàng tạo điều kiện thu hút đầu tư vốn cho ngư dân.

Đến nay, Quỳnh Lập đã vượt kế hoạch đóng tàu theo Nghị định 67, đến tháng 4/2017 có 17 tàu theo Nghị định 67 hạ thủy. Toàn xã hiện có 156 tàu cá, công suất bình quân 400 CV/tàu; có tàu lên đến 1.020 mã lực. Trước đây, ngư dân Quỳnh Lập chỉ đánh bắt vụ cá Nam (từ tháng 3 đến tháng 7) với sản phẩm chính là cá nục và mực thì nay mở rộng ngư trường và có thêm vụ cá Bắc (từ tháng 8 năm nay đến tháng 2 năm sau), sản phẩm chủ yếu là cá cơm, giá trị kinh tế cao. Ngư dân Quỳnh Lập hiện nay đi biển quanh năm.

Trong tháng 4/2017, có 20 tàu cá của xã Quỳnh Lập đi khai thác ở ngư trường Hoàng Sa, hiện đã có 5 tàu về và đều có sản lượng đánh bắt cao, gồm: Tàu hộ ông Cao Văn Nam (xóm Động Lực), 710 CV, đánh bắt được khoảng 40 tấn chủ yếu cá nục, mực, bán được 310 triệu đồng; Tàu hộ ông Lê Hội Chuẩn (xóm Đồng Tiến), 900CV, đánh bắt hơn 40 tấn, bán được 340 triệu đồng; Tàu hộ ông Hồ Dũng (xóm Tam Hợp), 530 CV, đánh bắt hơn 25 tấn, bán được 200 triệu; Tàu hộ ông Trần Đình Luận, (xóm Rồng), 900 CV, đánh bắt hơn 40 tấn, bán trên 300 triệu đồng; Tàu hộ ông Trần Đình Túc (xóm Tam Hợp), 927 CV, đánh bắt được khoảng 37 tấn, bán được 310 triệu đồng.

Trong năm 2016, tổng sản lượng khai thác thủy hải sản ước đạt 35.500 tấn, tăng 7.000 tấn so với năm 2015. Bình quân thu nhập lao động nghề cá 58.000.000 đồng/năm (năm 2010 đạt 35.000.000 đồng).

Việc nâng cao hiệu quả kinh tế biển đã và đang tạo ra động lực lớn, cùng với các bộ phận kinh tế khác, làm cho Quỳnh Lập phát triển toàn diện, đến nay xã đã đạt 15/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, có 4 tiêu chí đang trên đà hoàn thiện và hứa hẹn về đích sớm trong năm 2017. Thời gian tới, Đảng ủy, chính quyền và nhân dân xã Quỳnh Lập quyết tâm giữ vững thành tích đi đầu trong trong phát triển kinh tế biển góp phần xây dựng quê hương giàu mạnh, vừa góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo Tổ quốc.

Ngô Kiên

TIN LIÊN QUAN

Động lực để ngư dân Quỳnh Lập sắm tàu lớn, vươn khơi bám biển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO