Động lực để xóa đói, giảm nghèo bền vững
(Baonghean) - Năm 2010, HĐND tỉnh khóa XV, nhiệm kỳ 2004 - 2011 ban hành Nghị quyết số 319/2010/NQ-HĐND về một số cơ chế chính sách hỗ trợ giảm nghèo đối với các xã có tỷ lệ hộ nghèo từ 30% trở lên ngoài 30a. Sau gần 3 năm thực hiện, bên cạnh hiệu quả, vẫn còn những vướng mắc...
Động lực kích cầu
Theo Nghị quyết số 319 của HĐND tỉnh, tổng số xã nghèo có tỷ lệ hộ nghèo trên 30% ngoài 30a gồm 42 xã, thuộc 8 huyện Con Cuông, Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn, Tân Kỳ, Anh Sơn, Thanh Chương, Quỳnh Lưu. Để triển khai Nghị quyết số 319 của HĐND tỉnh, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 59/2010/QĐ-UBND nhằm cụ thể hóa cơ chế, chính sách hỗ trợ và bố trí nguồn lực để thực hiện. 3 năm qua, UBND tỉnh đã dành 35 tỷ đồng để hỗ trợ thông qua khoán, giao chăm sóc, bảo vệ rừng; hỗ trợ giao đất để trồng rừng và giao rừng để sản xuất; hỗ trợ khai hoang, phục hóa; hỗ trợ xuất khẩu lao động; hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh đầu tư hoạt động tại địa bàn các xã nghèo; thực hiện chính sách luân chuyển, tăng cường cán bộ và thu hút trí thức trẻ về làm việc tại các xã.
Việc hỗ trợ các chính sách theo Quyết định 59 của UBND tỉnh được coi là động lực kích cầu các hộ và các địa phương vươn lên. Ông Vi Văn Toàn, bản Cồn, xã Châu Lý, huyện Quỳ Hợp, cho biết: “Trước đây gia đình ta làm rẫy nhưng không ăn thua, gạo không đủ để ăn, khổ lắm. Xã tuyên truyền ai khai hoang được đất để sản xuất là được hỗ trợ tiền, phân bón sản xuất nên ta cũng bỏ công vỡ đất dọc suối. Bây giờ gia đình ta trồng lúa nước, mỗi năm 2 vụ được trên 1 tấn lúa đủ ăn cho gia đình”. Cùng bản Cồn, gia đình ông Vi Văn Nguyên được hỗ trợ 3,3 triệu đồng để cải tạo phục hóa diện tích đã bỏ hoang lâu nay để làm lúa nước. Bây giờ gạo không những không phải mua mà gia đình còn dư để phát triển chăn nuôi.
Xã Châu Nga, huyện Quỳ Châu có 11 hộ được hỗ trợ để khai hoang với tổng diện tích 16,35 ha trồng mía, keo lai. Hiệu quả mang lại khá cụ thể, như gia đình ông Lữ Văn Nam, bản Thanh Tân được hỗ trợ 20 triệu đồng cộng với phân bón để phục hóa 2 ha đất trồng mía; hộ ông Lương Văn Doãn, bản Thanh Sơn được hỗ trợ 5 triệu đồng khai hoang phục hóa 0,5 ha đất trồng keo, trồng mía... Không chỉ tác động trực tiếp ở từng hộ gia đình, các chính sách theo Quyết định 59 còn tạo bước chuyển trong công tác cán bộ ở địa phương.
Ông Lê Tuấn Khang - Chủ tịch UBND xã Châu Nga thừa nhận: “4 trí thức trẻ được thu hút về cho xã, trên cơ sở trình độ, chuyên môn được đào tạo bài bản, họ đã giúp xã trên một số lĩnh vực. Nổi bật nhất là cải thiện được thủ tục và cải cách hành chính, tạo nguồn lực sử dụng tin học khá thông thạo xây dựng mô hình làm ăn mới. Xã bước đầu chỉ đạo một số mô hình như nuôi vịt bầu Quỳ Châu, thỏ, lợn địa phương. Qua đó, các trí thức trẻ có cơ hội được trải nghiệm thực tiễn, có cơ hội đưa kiến thức đã học vào cuộc sống để đem lại lợi ích cho xã hội, cũng là để thể hiện và khẳng định mình”.
Thường trực HĐND tỉnh tìm hiểu việc thực hiện chính sách 42 xã nghèo tại xã Châu Nga - Quỳ Châu. |
Với quan điểm “các chính sách phải ưu tiên trước hết cho hộ nghèo”, qua gần 3 năm thực hiện đã có 11.044 hộ ở 42 xã được trực tiếp thụ hưởng chính sách, trong đó có trên 70% hộ nghèo. Từ đó có 41.887 ha rừng được khoanh nuôi, chăm sóc, bảo vệ; hơn 811 ha đất được giao trồng rừng và giao rừng để sản xuất; 1.746 ha được khai hoang, phục hóa trồng lúa nước, trồng mía... Có gần 100 người tham gia xuất khẩu lao động, trong đó có 53 người thuộc hộ nghèo; thu hút được 102 trí thức trẻ về công tác tại xã. Các chính sách hỗ trợ các xã nghèo theo Quyết định 59 của UBND tỉnh góp phần đẩy nhanh tốc độ xóa đói, giảm nghèo ở các xã “cận” 30a. Chỉ tính trong 2 năm 2011 - 2012, tỷ lệ hộ nghèo trong 42 xã nghèo đã giảm được 14,13% hộ nghèo, bình quân mỗi năm giảm 7%, đưa tỷ lệ hộ nghèo bình quân ở các xã từ 56,71% (cuối năm 2010) giảm xuống còn 42,58% (cuối năm 2012).
Những vấn đề đặt ra…
Qua giám sát gần đây của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh tại một số huyện như Con Cuông, Quỳ Châu, Quỳ Hợp... và một số ngành cho thấy, việc thực hiện Quyết định 59 đang đặt ra những vấn đề cần được nghiên cứu, tháo gỡ. Sau gần 3 năm triển khai, lĩnh vực giao đất trồng rừng và giao rừng để sản xuất nằm trong nội dung được hỗ trợ của chính sách 42 xã nghèo, hầu hết các địa phương không thực hiện được (trừ xã Tào Sơn, huyện Anh Sơn). Lý do căn bản là hiện nay đất rừng đều đã có chủ quản lý và sử dụng gồm các nông, lâm trường, các tổng đội TNXP, các ban quản lý rừng nên không thể giao cho người dân.
Có một số địa phương chưa quan tâm đến công tác quy hoạch, làm rõ nguồn đất hiện có của địa phương nên không chủ động trong thực hiện giao khoán chăm sóc, bảo vệ rừng; giao đất để trồng rừng và giao rừng sản xuất; khai hoang, phục hóa đất sản xuất nông nghiệp. Vấn đề đặt ra là các ngành và các địa phương cần đẩy nhanh việc giao đất rừng từ các nông, lâm trường cho người dân sản xuất; tổ chức hướng dẫn các địa phương quy hoạch lại diện tích đất và rừng trên địa bàn để thực hiện tốt các nội dung hỗ trợ giao khoán, chăm sóc, bảo vệ rừng; giao đất để trồng rừng và giao rừng sản xuất; khai hoang, phục hóa đất sản xuất nông nghiệp.
Một nội dung hỗ trợ khó áp dụng nữa đó là chính sách xuất khẩu lao động. Mặc dù số lao động ở 42 xã “cận” 30a không có việc làm khá nhiều, nhưng trong 3 năm, ở 42 xã nghèo này chỉ có 96 người được hưởng thụ chính sách hỗ trợ xuất khẩu lao động. Theo các địa phương, do hạn chế về trình độ văn hóa, nhất là khả năng tiếp thu về ngoại ngữ, về các kiến thức kỹ thuật nên tâm lý của lao động vùng này không mặn mà với xuất khẩu lao động. Thứ nữa là các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp làm công tác xuất khẩu lao động chưa quan tâm giải quyết hồ sơ, thủ tục để hỗ trợ người xuất khẩu lao động trong việc thực hiện chính sách.
Ông Nguyễn Bằng Toàn – Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết: “Sở sẽ có trách nhiệm phối hợp với các doanh nghiệp và các địa phương thực hiện chính sách hỗ trợ này trong thời gian tới tốt hơn thông qua việc tổ chức đào tạo nghề, dạy ngoại ngữ, giáo dục định hướng và văn hóa (nếu cần thiết)..., để người lao động đủ điều kiện tham gia xuất khẩu lao động ở các thị trường nước ngoài, nhất là ưu tiên các thị trường có thu nhập cao như Hàn Quốc, Nhật Bản”...
Bên cạnh những khó khăn, bất cập nêu trên thì thực tế, việc thu hút trí thức trẻ về công tác tại các xã nhưng chưa có chính sách lâu dài tạo tâm lý băn khoăn, lo lắng trong đội ngũ này. Điều này ảnh hưởng lớn đến nhiệt huyết, sự cống hiến, lăn xả của đội ngũ này cho cơ sở, có người mặc dù chưa hết thời gian ký hợp đồng đã tìm việc làm nơi khác như ở xã Châu Lý, huyện Quỳ Hợp có 2 trường hợp. Lĩnh vực hỗ trợ cho các doanh nghiệp đầu tư sản xuất, kinh doanh tại các xã theo Quyết định 59 chưa hấp dẫn, chỉ hỗ trợ không quá 500 triệu đồng/dự án đầu tư nên trong 3 năm qua chưa có một doanh nghiệp nào đầu tư vào địa bàn này.
Còn việc hỗ trợ các cơ sở, doanh nghiệp tại các địa bàn này mở rộng sản xuất kết quả đạt được đang còn rất khiêm tốn, chỉ có 2 doanh nghiệp với tổng kính phí hỗ trợ 200 triệu đồng. Ngoài những khó khăn, bất cập trên thì theo một số ngành, Quyết định 59 của UBND chưa có nội dung hỗ trợ đầu tư hạ tầng cho địa phương nên ở cơ sở chưa mặn mà để chỉ đạo quyết liệt, làm nhanh, làm mạnh, nên ảnh hưởng đến kết quả thực hiện các chính sách. Vì vậy cần bổ sung chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế cho các địa phương nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo nhanh và bền vững cho 42 xã nghèo “cận” 30a.
Nghị quyết 319 của HĐND tỉnh chỉ còn 2 năm nữa là kết thúc (năm 2015). Theo đồng chí Nguyễn Xuân Sơn - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh thì các ngành, các cấp cần sớm tháo gỡ một cách thấu đáo, có trách nhiệm những khó khăn, vướng mắc đang đặt ra để tiếp tục phát huy hiệu quả tốt hơn các chính sách. Về phía các địa phương cần tranh thủ tối đa thời gian, điều kiện để người dân được hưởng các chính sách hỗ trợ, đừng làm mất cơ hội của người dân nghèo hưởng chính sách có ý nghĩa như thế này. Điều quan trọng hơn là thông qua các chính sách hỗ trợ, các xã và bản thân người dân cần phải thể hiện quyết tâm, ý chí và nghị lực của mình để cùng với Nhà nước thực hiện xã hội hóa công tác xóa đói, giảm nghèo một cách bền vững.
Bài, ảnh: Mai Hoa