Động lực mới phát triển bền vững ngành thủy sản Nghệ An
Nhờ sự đầu tư, hỗ trợ kịp thời của cơ chế, chính sách và nỗ lực của ngư dân trong việc đẩy mạnh phát triển các nghề đánh bắt thủy sản, khai thác tài nguyên biển một cách bền vững, nên sản lượng khai thác của ngành thủy sản Nghệ An 4 tháng đầu năm 2025 đạt gần 89.000 tấn.
Phát triển mũi nhọn kinh tế thủy sản
Quỳnh Lưu có chiều dài bờ biển 19,5km, có 2 cửa lạch và 10 xã có nghề khai thác hải sản. Trong những năm qua, người dân vùng biển Quỳnh Lưu đã đầu tư thuyền to, máy lớn để vươn khơi đánh bắt xa bờ, phát triển ngành thủy sản một cách bền vững, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện cũng như bảo vệ an ninh chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Để giúp ngư dân mạnh dạn đầu tư tàu công suất lớn vươn khơi, huyện Quỳnh Lưu đã có nhiều chính sách hỗ trợ, đồng hành cùng người dân.
Huyện đã phối hợp với cấp, ngành liên quan tìm giải pháp giải quyết những khó khăn cho tàu cá được vay vốn đóng theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP; có chính sách hỗ trợ cho ngư dân nâng công suất máy; các tàu khai thác xa bờ trên địa bàn huyện đều được lắp đặt máy dò cá và máy thông tin tầm xa (ICOM), thiết bị giám sát hành trình (VMS) cùng nhiều thiết bị kỹ thuật khác như hệ thống tời thủy lực, hầm bảo quản lạnh, dàn đèn led…
.jpg)
Hiện nay, Quỳnh Lưu có 989 chiếc tàu cá, trong đó có 360 tàu dài từ 15m trở lên. Sự lớn mạnh của đội tàu công suất lớn đã giúp ngư dân bám biển, nâng cao chất lượng, sản lượng khai thác thủy sản, bảo vệ an ninh chủ quyền biển đảo của Tổ quốc...
Bên cạnh phát triển nghề đánh bắt, thời gian qua, người dân vùng bãi ngang huyện Quỳnh Lưu cũng nỗ lực phát triển nghề nuôi trồng thủy sản ven biển. Diện tích, năng suất nuôi trồng không ngừng tăng cao. Đặc biệt, nhờ ứng dụng khoa học kỹ thuật theo hướng thâm canh, siêu thâm canh, trong những năm qua, Quỳnh Lưu trở thành địa phương dẫn đầu của tỉnh về diện tích, sản lượng nuôi tôm. Những mô hình nuôi tôm trong bể xi măng, nuôi tôm 2 giai đoạn, nuôi tôm Semi-Biofloc, nuôi tôm VietGAP... đang được nhân rộng một cách bền vững.

Theo thống kê, trong 4 tháng đầu năm 2025, sản lượng thủy sản của huyện Quỳnh Lưu đạt 23.427 tấn, trong đó khai thác đạt 21.483 tấn, nuôi trồng thủy sản là 1.944 tấn.
Ông Nguyễn Xuân Dinh - Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu cho hay: “Thời gian qua, huyện đã đề ra các nghị quyết, đề án phát triển mũi nhọn kinh tế thủy sản, trong đó phát triển đội tàu khai thác xa bờ đi đôi với bảo vệ chủ quyền biển đảo...
Để hoàn thành mục tiêu phát triển của lĩnh vực thủy sản năm 2025, huyện tiếp tục tạo điều kiện, hỗ trợ ngư dân tiếp cận các nguồn vốn đầu tư đóng mới, nâng cấp tàu cá và phát triển đồng bộ hạ tầng phục vụ nghề khai thác, nuôi trồng, chế biến thủy sản. Tiếp tục tuyên truyền Luật Thủy sản 2017 và công tác chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU). Huyện tiếp tục chỉ đạo sản xuất giống thủy sản để thả nuôi vụ chính năm 2025 và đến nay huyện đã thả nuôi được 155ha đạt 33,3% kế hoạch thả nuôi vụ chính”.
Sản lượng thủy sản đạt gần 89.000 tấn
Tin vui từ ngành thủy sản Nghệ An, trong 4 tháng đầu năm 2025, tổng sản lượng gần 89.000 tấn, đạt trên 33 % so với kế hoạch năm và tăng gần 4% so với cùng kỳ năm trước.
Để đạt được con số ấn tượng đó, bên cạnh sự vào cuộc, chỉ đạo và hỗ trợ của các ngành, địa phương là sự nỗ lực không ngừng của bà con nông dân, ngư dân ven biển trong việc nâng cao sản lượng, chất lượng, giá trị kinh tế của ngành thủy sản.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 3.005 tàu, thuyền khai thác thủy sản với 2.722 tàu cá đã đăng ký (đạt 100% tổng số tàu cá thuộc diện phải đăng ký). Tổng số lao động khai thác hải sản toàn tỉnh đạt 11.672 người (trong đó lao động vùng khơi là 7.269 người, vùng lộng là 1.456 người, vùng bờ là 2.947 người).

Bên cạnh phát triển ngành đánh bắt, trong những năm qua, các địa phương của tỉnh Nghệ An cũng khai thác hiệu quả nghề nuôi trồng thủy sản. Diện tích vùng nuôi, sản lượng nuôi không ngừng tăng cao. Các địa phương ven biển luôn chuẩn bị tốt ao đầm nuôi, thả giống nuôi theo đúng lịch thời vụ.
Đặc biệt, chú trọng các vùng nuôi tôm thâm canh, nuôi theo công nghệ mới. Các đơn vị sản xuất và cung ứng giống kịp thời, đảm bảo số lượng, chất lượng đáp ứng nhu cầu nuôi của người dân trong và ngoài tỉnh. Đến nay, diện tích nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh đạt 20.085,6/KH 21.550ha; bằng 93,2% so với kế hoạch và tăng 1,4% so với cùng kỳ năm trước.
Nhờ đầu tư thâm canh, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nên sản lượng nuôi trồng trong 4 tháng đầu năm 2025 đạt 23.888/KH 75.000 tấn, bằng 31,85% so với kế hoạch năm và tăng 4,32% so với cùng kỳ năm trước. Sản xuất giống thủy sản đạt 1.263 triệu con, tăng 1,69% so với cùng kỳ năm trước.
Thực hiện Nghị quyết số 18/2021/NQ-HĐND về chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2022-2025, từ đầu năm 2025 đến nay, Sở Nông nghiệp và Môi trường đã tổ chức khảo sát, thống kê các mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh áp dụng công nghệ mới trên địa bàn. Đến thời điểm hiện nay đã có 12 mô hình đăng ký triển khai thực hiện. Hiện nay toàn tỉnh có 4 địa phương tham gia đăng ký hỗ trợ thả cá giống tái tạo nguồn lợi thủy sản năm 2025; 20 chủ tàu đăng ký thực hiện mô hình đầu tư lắp đặt tời thủy lực trên tàu cá làm nghề lưới chụp có chiều dài 15m trở lên. Thực hiện kịp thời chính sách hỗ trợ các tàu cá tham gia khai thác trên các vùng biển xa...

Kết quả đạt được của ngành thủy sản trong 4 tháng đầu năm 2025, là động lực quan trọng ngành nỗ lực vươn lên đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch năm 2025. Thời gian tới, sở tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động nhân dân thực hiện đúng quy định của Luật Thủy sản 2017 và các văn bản pháp luật liên quan; Các chính sách, văn bản hướng dẫn, tổ chức thực hiện trong lĩnh vực thủy sản, đặc biệt là hoạt động khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), qua đó nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của cộng đồng nông dân, ngư dân. Tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, phát hiện những vi phạm về điều kiện sản xuất, hoạt động sản xuất giống thủy sản, nuôi trồng thủy sản, khai thác thủy sản...
Tiếp tục khuyến kích, hỗ trợ ngư dân đẩy mạnh phát triển các nghề đánh bắt thủy sản hiệu quả như đầu tư cải hoán, nâng cấp tàu thuyền, đầu tư trang thiết bị, ngư lưới cụ hiện đại, đảm bảo khai thác hiệu quả quanh năm, nhằm khai thác tài nguyên biển một cách bền vững. Trong nuôi trồng thủy sản, chú trọng công tác tập huấn kỹ thuật và kiểm tra, hướng dẫn về chọn giống, thức ăn và xử lý môi trường, giúp bà con nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm...”
Ông Trần Xuân Học - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường