Động lực mới từ cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An
Quốc hội mới biểu quyết thông qua Nghị quyết về bổ sung thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An. Những cơ chế, chính sách nói trên sẽ có ý nghĩa rất lớn đối với phát triển kinh tế - xã hội Nghệ An thời gian tới.
Thực tế
Giai đoạn 2021-2024, nền kinh tế thế giới diễn biến phức tạp, ảnh hưởng mạnh từ dịch Covid-19 và xung đột vũ trang theo khu vực. Ở nước ta, doanh nghiệp kinh doanh gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh, suy thoái kinh tế chậm phục hồi.
Tại Nghệ An, số thu ngân sách có tăng nhưng chậm. Năm 2021: Thu ngân sách đạt 19.911 tỷ đồng. Năm 2022, thu ngân sách đạt 22.491 tỷ đồng. Năm 2023, thu ngân sách đạt 21.508 tỷ đồng.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, thu ngân sách Nghệ An ước thực hiện 11.897 tỷ đồng, đạt 74,8% dự toán Hội đồng nhân dân tỉnh giao, bằng 140,2% so với cùng kỳ.
Cơ cấu thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh được đánh giá chưa thật sự bền vững. Trong đó, thu từ tiền sử dụng đất chiếm tỷ trọng lớn và có xu hướng tăng. Thu ngân sách Nhà nước từ hoạt động sản xuất, kinh doanh lại có xu hướng giảm, các doanh nghiệp trọng điểm như bia, thủy điện (chiếm tỷ trọng khoảng 30% số thu từ các doanh nghiệp) tiếp tục gặp khó khăn do xu hướng tiêu dùng, sản lượng tiêu thụ bia tiếp tục giảm; thời tiết ngày càng khắc nghiệt, nắng nóng, hạn hán thường xuyên không thuận lợi cho hoạt động thủy điện.
Bên cạnh đó, các công ty sữa đã sản xuất, hoạt động hết công suất, không có khả năng đóng góp tăng thu ngân sách Nhà nước. Các dự án mới đi vào hoạt động chưa phát sinh số thu như kỳ vọng: Công ty Tôn Hoa Sen, gỗ MDF, VSIP…
Các doanh nghiệp xi măng được đầu tư lớn, mặc dù đơn vị đã phát sinh doanh thu lớn nhưng không phát sinh số thuế giá trị gia tăng phải nộp do bù trừ với đầu vào của dự án đầu tư...
Trong khi đó, chi ngân sách địa phương trong những năm qua tăng từ 27.638 tỷ đồng năm 2021 lên 32.945 tỷ đồng năm 2022; 35.661 tỷ đồng năm 2023 và năm 2024 dự toán đạt 36.090 tỷ đồng (tăng 31,8% so với năm 2021). Chi ngân sách trong cả giai đoạn 2021- 2024 đạt 132.284 tỷ đồng. Vấn đề thu - chi vẫn đang là gánh nặng...
Ý nghĩa quan trọng của nguồn lực hỗ trợ
Nghị quyết của Quốc hội về bổ sung thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An có những nội dung đáng chú ý như: Nghệ An được phân bổ thêm 50% số vốn đầu tư công nguồn ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu cho địa phương theo nguyên tắc, tiêu chí và định mức quy định tại Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách Nhà nước giai đoạn 2026 - 2030.
Số vốn này để đầu tư cho các dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh và phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội trên địa bàn miền Tây Nghệ An. HĐND tỉnh quyết định danh mục các dự án quy định tại khoản này…
Đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư Nghệ An cho biết: Đây là các chính sách nhằm huy động và bổ sung thêm nguồn lực đầu tư cho tỉnh trong điều kiện nguồn lực của địa phương còn hạn chế. Qua đó, sẽ góp phần rất quan trọng để bảo đảm việc thực hiện thành công các mục tiêu Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Đặc biệt, với việc phân bổ thêm 50% số vốn đầu tư công nguồn ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu cho địa phương sẽ tạo điều kiện rất quan trọng để tỉnh tập trung đầu tư hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng trên địa bàn, nhất là các công trình hạ tầng trọng điểm và kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vùng miền Tây Nghệ An hiện đang là các nút thắt cần tháo gỡ.
Thời gian qua, nhiều công trình của Nghệ An đang rất cần vốn như: đường Vinh - Cửa Lò; nâng cấp đường giao thông nối từ Quốc lộ 1A đến Quốc lộ 7A; đường du lịch biển Quỳnh; đường giao thông ở các huyện miền Tây; đường N5 kéo dài lên Tân Kỳ; Dự án cầu Mô Vĩnh bắc qua sông Rộ, huyện Thanh Chương; đường Vinh- Viêng Chăn; đường dẫn xuống cảng nước sâu Cửa Lò.
Tương tự là các dự án xây dựng thành phố Vinh trở thành trung tâm vùng Bắc Trung Bộ về các lĩnh vực: thương mại, du lịch, logistics, y tế, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, công nghiệp công nghệ cao, xây dựng huyện Đô Lương trở thành thị xã trước năm 2030…
Trước nhu cầu vốn bức thiết đó, kinh tế của tỉnh Nghệ An sẽ được hưởng lợi từ các tác động lan tỏa từ các khoản đầu tư công và các công trình kết cấu hạ tầng hình thành từ các khoản chi tiêu thực hiện đúng tiến độ nhờ các chính sách theo cơ chế đặc thù.
Tìm hiểu được biết, giai đoạn 2021-2025, tổng nguồn vốn đầu tư nguồn ngân sách Nhà nước tỉnh Nghệ An được giao 39.154,4 tỷ đồng (theo thông báo vốn của Thủ tướng Chính phủ). Trong đó, nguồn ngân sách bổ sung có mục tiêu cho địa phương được bố trí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn là 5.811,4 tỷ đồng (không bao gồm vốn bố trí cho các dự án trọng điểm, có tính chất liên tỉnh, liên vùng và các chương trình mục tiêu quốc gia).
Do nhu cầu lớn, phương án bố trí vốn trong kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021-2025 mới chỉ đáp ứng được khoảng 25% nhu cầu các dự án khởi công mới trên địa bàn tỉnh, nhất là đối với nguồn bổ sung có mục tiêu của Trung ương cho địa phương.
Do đó, nhiều công trình kết cấu hạ tầng trên địa bàn tỉnh chưa thể triển khai thực hiện. Đây cũng là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến việc hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu cơ bản như tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP.
Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 18/7/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đã đề ra mục tiêu tăng trưởng GRDP bình quân khoảng 10% trong giai đoạn 2021-2030. Đây là mục tiêu khá thách thức đối với tỉnh Nghệ An.
Bên cạnh đó, dự kiến tổng nhu cầu vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trong giai đoạn 2026-2030 khoảng 1.090.000 tỷ đồng, trong đó nhu cầu nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước dành cho đầu tư phát triển từ 61.000 tỷ đồng.
Chính vì vậy, việc thực hiện cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ tỉnh Nghệ An có thêm nguồn lực để thực hiện các công trình kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội trọng điểm của địa phương và địa bàn miền Tây của tỉnh là thiết thực, để từng bước đạt được các mục tiêu mà Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị đã đề ra.