Động lực từ chính sách tín dụng với vùng dân tộc thiểu số
(Baonghean) - Cùng với việc triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách của Trung ương, của tỉnh, các huyện vùng cao trên địa bàn Nghệ An có nhiều chuyển biến tích cực trong phát triển KT-XH.
Đoàn công tác của Ngân hàng Chính sách xã hội thăm các mô hình kinh tế ở huyện Kỳ Sơn. Ảnh: Thu Huyền |
Trước đây, gia đình ông Vi Văn Dũng ở bản Hòa Sơn, xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn rất khó khăn, thuộc diện hộ nghèo khó khăn nhất trong bản. Tháng 3/2008, ông Dũng được vay vốn với số tiền 10 triệu đồng từ chương trình cho vay hộ nghèo. Có tiền, ông mua 1 con bò cái sinh sản để phát triển kinh tế; cứ thế, nhờ chăn nuôi hiệu quả, bò mẹ đẻ bò con nên năm 2013 gia đình đã thoát nghèo.
Năm 2014, gia đình ông tiếp tục được Nhà nước cấp 4 ha đất rừng để khoanh nuôi, bảo vệ rừng. Cùng đó, gia đình ông được Ngân hàng Chính sách Xã hội chi nhánh Nghệ An cho vay 20 triệu đồng từ chương trình giải quyết việc làm để phát triển đàn bò, chăn nuôi dê và trồng cây ăn quả.Ông Dũng cho hay: “Nhờ vốn vay của Ngân hàng Chính sách Xã hội đã giúp gia đình tôi ổn định cuộc sống, có nguồn thu nhập, thoát nghèo. Gia đình hiện có 19 con bò, 10 con dê, hơn 100 con gà, trồng cây ăn quả các loại. Ngoài việc con có tiền đi học, tôi còn xây được nhà khang trang, có ti vi, tủ lạnh, xe máy, đầu tư thêm 2 máy xay xát gạo phục vụ bà con trong bản”.
Hiện mô hình phát triển kinh tế của gia đình ông Vi Văn Dũng trở thành điển hình của huyện Kỳ Sơn.
Nhờ vốn vay Ngân hàng CSXH, gia đình ông Vy Văn Dũng ở Tà Cạ, Kỳ Sơn phát triển kinh tế trang trại hiệu quả. Ảnh: Thu Huyền |
Còn tại huyện Anh Sơn, từ nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp cho hàng ngàn lượt hộ nghèo có điều kiện để mua trâu, bò, xây mới, sửa chữa, cải tạo hàng ngàn m2 chuồng trại chăn nuôi, mua sắm thêm vật tư máy móc, dụng cụ sản xuất, kinh doanh...
Đa số hộ nghèo đều sử dụng vốn vay đúng mục đích, khả năng trả nợ tốt, nhiều hộ thoát nghèo. Từ năm 2015 đến nay có 16.856 lượt vay vốn Ngân hàng CSXH. Trong giai đoạn 2015-2017 đã có 2.940 hộ thoát nghèo nhờ vay vốn tín dụng chính sách, giảm tỷ lệ hộ nghèo hàng năm.
Tính đến 30/9/2018, có 19 chương trình tín dụng chính sách đang được thực hiện trên địa bàn tỉnh với tổng nguồn vốn đạt 7.710 tỷ đồng, tăng 498 tỷ đồng so với đầu năm; tốc độ tăng trưởng đạt 6,92%.
Vùng dân tộc thiểu số Nghệ An có 11 huyện, thị xã, chiếm 41% dân số và 83% diện tích tự nhiên toàn tỉnh. Trong đó có 3 huyện được thụ hưởng Nghị quyết 30a của Chính phủ; toàn vùng có 205 xã, thị trấn, trong đó có 99 xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu và 184 thôn/270 thôn đặc biệt khó khăn thuộc 61 xã khu vực II thuộc diện được đầu tư theo Chương trình 135 giai đoạn 2.
Bám sát chỉ tiêu kế hoạch tăng trưởng dư nợ các chương trình tín dụng được Trung ương giao trong năm, Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh đã phối hợp với các tổ chức hội nhận ủy thác tổ chức giải ngân kịp thời với doanh số cho vay 9 tháng đạt 2.102 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ. Tổng số dư nợ ủy thác của Ngân hàng CSXH qua 4 tổ chức, đoàn thể chính trị trên địa bàn toàn tỉnh đạt trên 7.616 tỷ đồng. Trong đó, tại các huyện miền núi và vùng đồng bào dân tộc thiểu số tổng dư nợ gần 4.000 tỷ đồng, chiếm 52,12% dư nợ với 157.515 khách hàng còn dư nợ.
Công tác giải ngân nguồn vốn các chương trình tín dụng hàng năm được Ngân hàng CSXH tỉnh cơ bản hoàn thành kế hoạch được giao, việc cho vay được thực hiện kịp thời, đảm bảo đúng đối tượng. Doanh số cho vay từ năm 2015 đến tháng 8/2018 đạt hơn 4.260 tỷ đồng, với 160.877 lượt hộ khách hàng được vay vốn. Tốc độ tăng trưởng nguồn vốn trung bình đạt 6,5 - 7,5%/huyện.
Hiện nay, nợ quá hạn của 11 huyện miền núi là 7.448 triệu đồng, chiếm tỷ lệ 0,19%. Một số địa phương đã thực hiện đầy đủ việc thông báo xóa nợ đối với các khoản nợ bị rủi ro do nguyên nhân khách quan, gia hạn đối với những hộ khó khăn tạm thời chưa trả được nợ để hỗ trợ người dân.
Các chương trình cho vay vốn ở vùng núi. Đồ họa: Hữu Quân |
Thông qua nguồn vốn tín dụng chính sách của Ngân hàng CSXH, đã giúp cho hàng ngàn lượt hộ nghèo có vốn để phát triển chăn nuôi đại gia súc như trâu, bò, dê, xây mới, sửa chữa, cải tạo hàng ngàn m2 chuồng trại chăn nuôi, đầu tư mua sắm vật tư, máy móc, dụng cụ sản xuất, phát triển kinh doanh dịch vụ, làm nhà ở, công trình nước sạch, vệ sinh môi trường... Nhiều mô hình hiệu quả như hỗ trợ cho vay HSSV, vay vốn SXKD, làm nhà ở tại các huyện Quỳ Hợp, Con Cuông, Quế Phong.
Cần thêm những giải pháp thiết thực, hiệu quả
Kết quả các chương trình đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo tại các huyện 30a bình quân 6 - 7% mỗi năm; trong 2 năm (2016-2017) đã giảm được 17.214 hộ nghèo; góp phần giảm từ 24,04% xuống còn 17,04% hộ nghèo trong toàn tỉnh. Thông qua hoạt động tín dụng ưu đãi, các hộ nghèo dân tộc thiểu số đã nhận được sự hỗ trợ, tư vấn, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh từ các thành viên trong tổ tiết kiệm và vay vốn, đồng thời chịu sự kiểm tra, giám sát thường xuyên của ban quản lý tổ, của cán bộ tổ chức hội nhận ủy thác.
Các chương trình vay vốn từ Ngân hàng CSXH đã giúp hộ nghèo và các đối tượng thụ hưởng chính sách trên địa bàn miền núi từng bước thay đổi nhận thức về phương thức sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế, hình thành thói quen tiết kiệm và tăng cường trách nhiệm cộng đồng trong quá trình tổ chức sản xuất, tích cực vươn lên xóa đói, giảm nghèo, ngày càng ổn định cuộc sống.
Anh Lương Hữu Phương ở xóm Tân Thọ, xã Nghĩa Thọ (Nghĩa Đàn) thoát nghèo từ vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội. Ảnh: Thu Huyền |
Nhằm thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư và Chỉ thị số 29-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, ông Trần Khắc Hùng - Giám đốc Ngân hàng CSXH tỉnh đề nghị tỉnh bố trí bổ sung nguồn vốn vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác qua Ngân hàng CSXH trên địa bàn, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Đồng thời, tăng cường phối hợp, kết nối các hoạt động khuyến nông, khuyến lâm, ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất với việc triển khai các chính sách tín dụng tại các vùng miền núi, vùng dân tộc thiểu số...
Để phát huy hơn nữa hiệu quả tín dụng chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số, theo bà Lô Thị Kim Ngân - Trưởng ban Dân tộc - HĐND tỉnh, thời gian tới, Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh, huyện cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền về tín dụng chính sách đến các tầng lớp nhân dân tại vùng miền núi, vùng dân tộc thiểu số; triển khai thực hiện tốt các chương trình tín dụng ưu đãi; tiến hành việc rà soát, kiến nghị, đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung các văn bản hướng dẫn phù hợp với thực tiễn hoạt động tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn miền núi, nhất là việc huy động bổ sung nguồn vốn từ nguồn ngân sách địa phương hàng năm.
Giai đoạn 2015-2018, đã có 160.877 lượt hộ nghèo, cận nghèo mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác thuộc vùng miền núi, vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn Nghệ An được vay vốn với số tiền 4.260.144 tỷ đồng. Trong đó, người dân tộc thiểu số là 94.450 lượt hộ, với số tiền 1768 tỷ đồng, hiện tại số hộ còn dư nợ là 79.113 hộ, với số tiền dư nợ 1.755,6 tỷ đồng, chiếm 50,2% .