Đông Nam Á tăng cường quốc phòng trên biển
Hãng tin Reuters ngày 8-10 có bài nhận định các quốc gia Đông Nam Á đang tăng cường trang bị quốc phòng để bảo vệ...
Hãng tin Reuters ngày 8-10 có bài nhận định các quốc gia Đông Nam Á đang tăng cường trang bị quốc phòng để bảo vệ các tuyến đường vận chuyển trên biển, bến cảng và biên giới lãnh hải.
Reuters nêu tranh chấp lãnh hải ở biển Đông, khu vực hứa hẹn giàu dầu thô và khí đốt, đã khiến nhiều quốc gia như Malaysia, Philippines, Brunei… phát triển sức mạnh hải quân.
Ngay cả đối với những quốc gia đứng ngoài tranh chấp lãnh hải ở biển Đông như Indonesia, Thái Lan và Singapore, an ninh hàng hải vẫn được quan tâm chính yếu bởi rất quan trọng đối với dòng chảy xuất khẩu và năng lượng.
Philippines
Danh sách trang thiết bị quân sự bao gồm các tàu chiến, tàu tuần tra, hệ thống radar và máy bay chiến đấu, cùng với tàu ngầm và tên lửa chống tàu đặc biệt hiệu quả trong việc ngăn chặn sự xâm nhập lãnh hải.
"Tàu ngầm là một ưu thế lớn - ông Tim Huxley, giám đốc điều hành khu vực châu Á tại Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế nói - Chúng có thể gây thiệt hại lớn mà không bị nhìn thấy, không được lường trước và có thể làm điều đó bất cứ nơi nào trong khu vực".
Singapore đã đầu tư lực lượng không quân có thêm các máy bay phản lực chiến đấu F-15SG của Boeing (Mỹ) và hai tàu ngầm lớp Archer từ Thụy Điển để bổ sung vào lực lượng 4 tàu ngầm Challenger của hải quân. Đảo quốc này có quân đội được xem là trang bị tốt nhất.
Quân đội
Philippines, dựa 90% vào vũ khí của Mỹ, có kế hoạch nâng cấp quốc phòng trị giá 1,8 tỉ USD trong vòng năm năm.
Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế IISS cho biết ngân sách quốc phòng của Singapore năm 2011 là 9,66 tỉ USD, so với Thái Lan 5,52 tỉ USD, Indonesia 5,42 tỉ USD, Malaysia 4,54 tỉ USD... Nhà sản xuất vũ khí Lockheed Martin (LMT.N) và bộ phận quốc phòng của Hãng Boeing đều hi vọng khu vực châu Á - Thái Bình Dương đóng góp khoảng 40% doanh thu quốc tế, là thị trường tiêu thụ hấp dẫn đối với các nhà sản xuất vũ khí thiết bị thông tin liên lạc và các hệ thống giám sát.
Một số quốc gia như Singapore - nhà nhập khẩu vũ khí lớn thứ năm trên thế giới - mặc dù mua nhiều vũ khí từ Mỹ, Pháp, Đức, song đã nỗ lực xây dựng ngành công nghiệp quốc phòng riêng hướng tới việc sản xuất vũ trang với giá thành thấp hơn so với mua ở nước ngoài, đồng thời về lâu dài tìm kiếm hướng xuất khẩu ra thị trường nước ngoài.
Theo Tuoitre-M